Hà Nội: Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm

Hà Nội là một trong những địa bàn lớn nhất của cả nước, là điểm trung chuyển lớn, sản xuất hàng giả, chính vì vậy Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội xác định, nhiệm vụ đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020.

Các phương thức hoạt động tinh vi của đối tượng buôn lậu

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 15.199 vụ, xử lý hành chính 12.787 vụ (tăng 14% số vụ xử lý hành chính so với cùng kỳ năm 2019). Khởi tố 54 vụ đối với 74 đối tượng.

Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội với phương thức, thủ đoạn đa dạng, như qua tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển vận chuyển bằng các container từ Hải Phòng về các cảng cạn ICD Gia Thụy, ICD Mỹ Đình …các đối tượng vi phạm thường có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới, và trong nội địa.

Các đối tượng, ổ nhóm thường tập kết hàng ở các tỉnh ven Hà Nội sau đó được vận chuyển nhỏ lẻ vào Thành phố qua các hệ thống xe mô tô, xe chở khách, xe tải theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau.

Ngoài ra, các đối tượng còn tiến hành hợp thức hóa hàng lậu theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để vận chuyển nhập lậu và đối phó với các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó các đối tượng còn lợi dụng tuyến hàng không để cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh, nếu bị phát hiện, đối tượng sẵn sàng bỏ hàng, không làm thủ tục nhận hàng, hoặc thuê những người có hoàn cảnh khó khăn đứng ra nhận và vận chuyển thay. Lợi dụng quy định thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hải quan thông thoáng, các hiện tượng gian lận thương mại trong kê khai hải quan vẫn diễn ra như: Kê khai không đúng mã hàng hóa, giá trị và số lượng hàng hóa; không đúng thuế suất áp dụng; gian lận trong kê khai xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa…

Hoạt động buôn lậu thường tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng như: vải, quần áo, giày dép, bánh kẹo, thuốc lá, pháo nổ, gia súc, gia cầm…

Thực tế cho thấy, các mặt hàng giả, hàng vi phạm sở hưu trí tuệ không chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ mà còn được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên liệu, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, phổ biến để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Hàng hóa vi phạm đa số được sản xuất ở nước ngoài, sau đó được vận chuyển bằng nhiều đường khác nhau, để đưa vào trong nước rồi vận chuyển, tập kết về Hà Nội để tiêu thụ và chuyển đi các tỉnh.

Các đối tượng vi phạm thường thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.

Ngoài ra các đối tượng còn lợi dụng chính sách "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để kinh doanh đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả mạo xuất xứ của Việt Nam, gắn mác Made in Vietnam để tiêu thụ.

Tình hình vận chuyển,, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, nước giải khát, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản…không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại, do một số đối tượng thiếu hiểu biết hoặc chưa chú trọng việc đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm .

Sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đa đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó, tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các thông tin đại chúng, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai 01 kế hoạch định kỳ năm 2020, ban hành 95 văn bản chỉ đạo các Đội QLTT triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt để ngăn chặn không để tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm ATTP góp phần lành mạnh vào thị trường bảo vệ lợi ích chính đáng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính; kịp thời đưa nhiều tin bài về hoạt động của Quản lý thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lực lượng 389

Lực lượng Hải quan Hà Nội tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã, mặt hàng gỗ quý hiếm, mặt hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, các mặt hàng thịt đông lạnh, thuốc lá, dược liệu…

Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệm vụ kiểm soát hải quan tại sân bay quốc tế Nội Bài và các địa bàn thuộc hải quan quản lý đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, hàng sau thông quan và hàng tạm nhập tái xuất đưa vào thành phố.

Lực lượng Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp nghiệm vụ, nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; Xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, chợ Hòa Bình, ga Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài…

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, BCĐ 389/TP xác định, tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm

Đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của các các bộ, công chức, lực lượng chức năng, quận, huyện, thị xã. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

PT