Hải Dương công nhận và gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu

Ngày 17/12/2019, UBND huyện Nam Sách phối hợp với Công ty CP Gốm Chu Đậu tổ chức “Lễ công bố quyết định và gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu” tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Theo quyết định số 3009/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương vừa công bố, làng nghề Gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân. Đây là 1 trong 5 điểm đến du lịch của huyện Nam Sách, bên cạnh các điểm đến đã được công nhận gồm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Chính; Đình Đầu, Nhà bia thành lập Tỉnh ủy, Phủ ủy Nam Sách tại xã Hợp Tiến, Chùa Trăm Gian tại xã An Bình và Đền Long Động tại xã Nam Tân.

Theo bút ký lưu lại trên chiếc bình gốm Hoa Lam - đang được trưng bày tại bảo tàng Topaki Saray (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ XX thì bà Bùi Thị Hý là nữ doanh nhân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và cũng chính là bà tổ nghề gốm Chu Đậu.

Vào tháng 4/1983, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu và xác định, khu vực làng Chu Đậu hiện nay là nơi hưng thịnh của nghề gốm cao cấp có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XII – XIII, phát triển rực rỡ vào đầu thế kỷ XIV – XV với gần 600 năm lịch sử. Qua 8 lần khai quật trên tổng diện tích 70.000 m2 tại làng Chu Đậu, xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất.

Những hiện vật khai quật được cho thấy, những tác phẩm đồ gốm tinh xảo, quý giá, đậm hồn thiên nhiên với các màu men đa dạng, hoa văn cách điệu sống động và tinh tế là sản phẩm được tạo tác từ những bàn tay tài hoa của người thợ gốm Chu Đậu xưa.

Phong cách gốm Chu Đậu đã đưa gốm sứ Việt Nam lên đỉnh cao vinh quang nghệ thuật đương thời.

Trải qua hàng trăm năm thất truyền, nhận thấy được giá trị của việc phục dựng lại dòng gốm mỹ nghệ cao cấp thuần Việt và việc phát triển thành điểm du lịch vùng nghề, làng nghề. Vào năm 2001, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, tiền thân của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu để nghiên cứu, phục dựng lại dòng gốm Chu Đậu.

Có thể nói, Gốm Chu Đậu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, hiện đang được gìn giữ và phát huy bởi Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu – một thành viên của Tập đoàn BRG.

Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Lễ công bố
Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Lễ công bố
Lễ công bố trao quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu
Lễ công bố trao quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu

Phát biểu tại Lễ công bố quyết định và gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương biểu dương huyện Nam Sách và Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đã có nhiều nỗ lực để phục hồi làng gốm cổ truyền và đến nay đã phát triển Chu Đậu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Hải Dương.

Ông Nguyễn Dương Thái tin tưởng, điểm du lịch làng nghề, không ngừng lớn mạnh với uy tín và thương hiệu của Gốm Chu Đậu.

"Việc được công nhận là Điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu góp phần đẩy mạnh sự quan tâm của khách du lịch, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động du lịch của Chu Đậu nói riêng và huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương nói chung", ông Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh.

Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc TCT thương mại Hà Nội (Hapro) phát biểu tại buổi lễ
Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc TCT thương mại Hà Nội (Hapro) phát biểu tại buổi lễ

Đại diện cho Hapro, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đã phục hưng được hàng trăm mẫu mã cổ đồng thời nghiên cứu thành công nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị và được khách hàng ưa chuộng. Đến nay cùng với mạng lưới kinh doanh thương mại rộng khắp của Tập đoàn BRG và Hapro, các sản phẩm gốm của Chu Đậu được người tiêu dùng tin tưởng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Với tâm huyết của mình, Madame Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch Hapro định hướng phát triển Gốm Chu Đậu trở thành một trong những biểu tượng Quốc gia.

Các sản phẩm gốm Chu Đậu đang được trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng tại 32 quốc gia trên toàn thế giới.
 
Gốm Chu Đậu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện đang được gìn giữ và phát huy bởi Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu
Sản phẩm Gốm Chu Đậu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam 

Theo đó, các sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu tới hơn 30 thị trường quốc tế. Các sản phẩm gốm Chu Đậu còn vinh dự được chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia trong một số sự kiện ngoại giao lớn của đất nước, góp phần mang bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu phát biểu tại buổi lễ
Ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, tiếp nối sự thành công và phát triển gốm Chu Đậu ngày 9/9/2019, Công ty đã vinh dự được tổ chức Kỷ lục thế giới xác nhận tác phẩm Đĩa 1000 chữ Long viết bằng thư pháp đạt kỷ lục thế giới. Chiếc đĩa không những tôn vinh tài hoa của người nghệ nhân Gốm Chu Đậu, mà còn làm rạng danh nghề gốm sứ Việt Nam xứng danh 10 chữ vàng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng: “Gốm Chu Đậu, bản sắc Việt - Toả sáng năm châu”.

Nghi thức gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu.
Nghi thức gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu thuộc Hapro

Ông Thức mong muốn, với quyết định công nhận làng nghề gốm Chu Đậu là điểm du lịch, thì phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, các xưởng sản xuất của Công ty sẽ trở thành điểm tham quan, trải nghiệm quy trình làm gốm hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến với làng nghề.

Mạnh Hùng