Hàng loạt tổ chức kinh tế nhận định nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái vì dịch Covid-19

Hàng loạt tổ chức kinh tế lớn trên thế giới nhận định nền kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn suy thoái mới trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch virus Covid-19.

Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu tung ra các biện pháp cứu trợ kinh tế khổng lồ, khảo sát của hãng tin Reuters đối với các nhà kinh tế học cho thấy giới phân tích nhận định nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch virus Covid-19.

Sự bùng phát của dịch virus Covid-19 trên quy mô toàn cầu đã khiến các thị trường tài chính rơi vào trạng thái hoảng loạn, sự đứt vỡ các chuỗi cung ứng và đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh diện rộng đã khiến nhiều nền kinh tế đối mặt với các thách thức lớn.

Khảo sát triển vọng kinh tế của hãng tin Reuters đối với các nhà kinh tế học trong tuần này cho thấy có 31 trên 41 nhà kinh tế học tại khu vực Châu Mỹ và Châu Âu nhận định thời kỳ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu đã kết thúc, trả lời cho câu hỏi “Liệu nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái hay chưa?”.

Thị trường chứng khoán sụp đổ vì dịch Covid-19
 Thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã rơi vào trạng thái bán tháo hoảng loạn vì sự bùng phát của dịch virus Covid-19 tại nhiều quốc gia (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ông Bruce Kasman, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại tập đoàn tài chính JP Morgan, cho biết “Trong tuần trước chúng tôi, chúng tôi (JP Morgan) kết luận đại dịch virus Covid-19 đã kích hoạt tình trạng suy thoái kinh tế trên toàn cầu vì gần như tất cả nền kinh tế trên thế giới đều được dự báo sẽ ghi nhận sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng từ tháng 2 đến tháng 4/2020”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, mạch tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế toàn cầu sẽ kết thúc trong quý này (quý 1/2020). Câu hỏi chính hiện nay là giai đoạn suy thoái kinh tế năm nay sẽ kéo dài trong bao lâu và diễn ra nghiêm trọng như thế nào”, ông Bruce Kasman nhận định.

Trong thời gian gần đây, các nhà kinh tế học đã liên tục giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đồng thời, gia tăng cảnh báo rủi ro suy thoái kinh tế đối với hầu hết các nền kinh tế lớn. Khảo sát của hãng tin Reuters cũng cho thấy quan điểm tiêu cực của giới phân tích về tác động của dịch virus Covid-19 mới chỉ gia tăng mạnh trong vài tuần trở lại đây, thậm chí một số tổ chức đã áp dụng kịch bản tăng trưởng kinh tế xấu nhất.

Ông Ethan Harris, trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại tập đoàn tài chính Ngân hàng Hoa Kỳ (BofA), cho biết “Diễn biến phức tạp của dịch virus Covid-19 đã khiến các nhà kinh tế học và các chiến lược gia liên tục điều chỉnh giảm dự báo. Trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng âm còn Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,5%”.

Ông Ehtan Harris cũng cho biết “Dự báo đầu tiên của chúng tôi (BofA) về tác động kinh tế của dịch virus Covid-19 chỉ ở mức “xấu hoặc tệ hơn” nhưng bây giờ chúng tôi đã phải sửa thành “rất tệ hoặc trở nên xấu hơn nữa”. Chúng tôi hiện dự báo dịch bệnh sẽ khiến suy thoái kinh tế xảy ra trên quy mô toàn cầu trong năm nay và mức độ nghiêm trọng sẽ tương tự như các cuộc suy thoái đã diễn ra hồi năm 1982 và 2009”.

Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức 1,6%, giảm một nửa so với mức dự báo 3,1% được đưa ra vào hồi tháng 1/2020. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra hồi năm 2007 – 2009.

Nhóm nghiên cứu kinh tế của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định “Nếu số ca nhiễm virus Covi-19 tiếp tục gia tăng thì sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế trên toàn cầu sẽ còn diễn ra. Chúng tôi (Goldman Sachs) đã giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 1,25%, cao hơn so với mức tăng trưởng của các đợt khủng hoảng kinh tế năm 1981 – 1982 và năm 2008 – 2009 nhưng thấp hơn so với các đợt suy thoái nhẹ hồi năm 1991 và 2001. Chúng tôi dự báo các nền kinh tế Châu Âu, Nhật Bản, Canada và có thể cả Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái”.

Chủ tịch FED Jerome Powell
 Các tác động kinh tế nghiêm trọng của dịch virus Covid-19 đã khiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tung ra các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ. Ảnh: Chủ tịch FED Jerome Powell rời phòng họp báo sau khi tuyên bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp về 0% để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ (Ảnh: Andrew Harrer / Bloomberg / Getty)

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) khẩn cấp hạ lãi suất cơ bản về 0% vào ngày 15/3 thì giới phân tích nhận định nếu như Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, gần như chắc chắn sẽ rơi vào đợt suy thoái trong năm nay.  

Bà Tiffany Wishing, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Bắc Mỹ thuộc tập đoàn tài chính Pacific Investment Management Co (Pimco), nhận định “Nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phải chịu cú sốc từ sự bùng phát của dịch virus Covid-19 và tôi cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về mức độ tác động cũng như thời gian kéo dài của cú sốc kinh tế lần này. Chúng tôi (Pimco) cho rằng Hoa Kỳ sẽ trải qua một đợt suy thoái kỹ thuật nhỏ trong năm nay”. Thuật ngữ suy thoái kỹ thuật được sử dụng khi hai quý liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm trong tăng trưởng GDP.

Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nơi khởi phát của dịch virus Covid-19, một cuộc khảo sát của Reuters vào ngày 6/3/2020 cho thấy giới phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đáng kể trong quý 1/2020, quý 2/2020 và cả năm 2020.  

Các tác động kinh tế tiêu cực của dịch bệnh được dự báo sẽ nhanh chóng lan sang các nền kinh tế lớn khác ở Châu Á với dự báo sẽ làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng, hoặc đưa mức tăng trưởng về 0% thậm chí ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Cuộc khảo sát ngày 6/3 của hãng tin Reuters cho thấy dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ chỉ đạt 0,1% trong năm tài chính 2020/2021 (4/2020 – 4/2021), giảm đáng kể so với mức 0,5% được dự báo hồi tháng 2/2020. Trong quý 4/2019, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã trải qua thời kỳ khó khăn với mức tăng trưởng GDP -7,1%.

Rủi ro suy thoái kinh tế đối với khu vực Eurozone hiện cũng đã tăng gấp đôi trong bối cảnh dịch virus Covid-19 đang bùng phát nhanh tại các nước Châu Âu. Trong một động thái bất thường, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã buộc cắt giảm mức lãi suất về gần 0% và bắt đầu mua các loại tài sản tài chính kể từ ngày 12/3 nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này chống chọi với dịch virus Covid-19.

Hiện nay, nền kinh tế Anh được dự báo sẽ tăng trưởng 0,1% trong quý 1/2020 trước khi sụt giảm -0,3% trong quý 2/2020. Trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát mạnh tại Châu Âu, giới phân tích đã dự báo mức tăng trưởng GDP của Anh trong quý 1 và quý 2/2020 ở mức 0,3%. Trong kịch bản xấu nhất, nền kinh tế Anh được dự báo sẽ tăng trưởng -1% trong quý 2/2020 và tăng trưởng 0,7% cho cả năm 2020.

Quang Đặng (Tổng hợp)