Hậu Giang: Tập trung hỗ trợ các đề án trọng tâm, trọng điểm

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có bước phát triển khá, thu hút được được nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.

Để hiểu rõ thêm những kết quả cũng như là giải pháp đẩy mạnh hoạt động khuyến công trong thời gian tới. Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với Ông Hồ Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Hậu Giang (Trung tâm).

Ông Hồ Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Hậu Giang

PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện công tác khuyến công năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Theo ông, đâu là những kết quả nổi bật của công tác này?

Ông Hồ Ngọc Thái: Năm 2021, tỉnh Hậu Giang được phê duyệt Kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) là 600 triệu đồng với 01 đề án nhóm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản, hỗ trợ cho 02 đơn vị thụ hưởng. Kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 880 triệu đồng, với 9 đề án/kế hoạch. Và năm 2022, tổng kinh phí khuyến công được phê duyệt là 2,4 tỷ đồng.

Trong đó, KCQG là 1,2 tỷ đồng hỗ trợ cho 04 đơn vị thụ hưởng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông, thủy sản và gia công cơ khí. KCĐP là 1,2 tỷ đồng hỗ trợ cho 07 đơn vị thụ hưởng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông, thủy sản và chế biến thực phẩm, 01 kế hoạch tham gia 03 kỳ hội chợ.

HTX Hậu Giang Xanh đầu tư máy chém quết thực phẩm từ nguồn khuyến công Địa phương

Nhìn chung, một trong những kết quả hoạt động khuyến công nổi bật của tỉnh và thu hút nhiều nguồn lực từ các cơ sở/doanh nghiệp hiện nay là nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với tổng kinh phí khuyến công 2021 – 2022 hỗ trợ là 3,475 tỷ đồng, chiếm hơn 90% tổng kinh phí.

Qua việc khảo sát đánh giá thực tế hiệu quả từ việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong thời gian qua cho thấy, chính sách khuyến công đóng vai trò rất quan trọng, rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế trong việc phát triển kinh tế và quy mô sản xuất của cơ sở, doanh nghiệp.

Đồng thời, chính sách khuyến công cũng tạo sự lan tỏa và tạo động lực thúc đẩy các cơ sở/doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi dây chuyền sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, giúp cơ sở, doanh nghiệp không ngừng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm mới, từng bước mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, tỉnh đã tổ chức thành công Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh 2021 với tổng kinh phí KCĐP thực hiện là 80 triệu đồng với kết quả là có 44 sản phẩm từ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh được tôn vinh, công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và có 23 sản phẩm được tỉnh lựa chọn tham gia bình chọn cấp khu vực năm 2022. Đây là những sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất và mở rộng thị trường.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công, Ông có thể đánh giá mặt được và tồn tại, hạn chế trong hoạt động khuyến công tỉnh Hậu Giang.

Ông Hồ Ngọc Thái: Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có bước phát triển khá, thu hút được được nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.

Hình nghiệm thu máy tách màu gạo tại đơn vị thụ hưởng Cty TNHH Liên Hưng

Cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, khi áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến thì năng suất bình quân tăng từ 20% đến 25% trở lên so với việc làm thủ công và sử dụng máy móc thiết bị cũ đã có.

Sản phẩm của cơ sở, doanh nghiệp ngày càng phong phú đa dạng, mẫu mã chất lượng được cải thiện đáng kể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, cải thiện môi trường sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, giảm giá thành đặc biệt là giảm phát thải cải thiện đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Tạo việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương, đặc biệt là lao động được đào tạo có tay nghề.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế do đa phần các cơ sở CNNT đầu tư trên địa bàn tỉnh là các Hộ kinh doanh cá thể, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, máy móc thiết bị, công nghệ phần lớn còn lạc hậu, năng xuất lao động thấp, chi phí trung gian cho sản xuất cao, khả năng tích lũy để tái đầu tư thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao khó cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đối ứng nên còn e ngại đầu tư cho việc thay đổi máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ mới và mở rộng quy mô sản xuất.

PV: Theo ông, giải pháp nào để đẩy mạnh hoạt động khuyến công tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển trong thời gian tới?

Ông Hồ Ngọc Thái

Tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 đã đề ra, tập trung hỗ trợ các đề án trọng tâm, trọng điểm với các nội dung hỗ trợ như. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng định mức chi một số nội dung hỗ trợ hoạt động khuyến công, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất nhằm tăng năng lực sản xuất của cơ sở và hỗ trợ cơ sở phát triển mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm ocop của tỉnh.

Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các cơ sở, doanh nghiệp, tạo thêm việc làm và nâng cao tay nghề cho các lao động, góp phần ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công trên các kênh thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự chú ý và làm cho các cấp, các ngành nắm được chủ trương chính sách của Nhà nước về công tác khuyến công để chỉ đạo, phối hợp tham gia chương trình. Đặc biệt là làm cho người dân và các cơ sở công nghiệp nông thôn hiểu, biết được chính sách và nội dung hoạt động khuyến công để từ đó tích cực chủ động tham gia.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Dương