HaUI: Chiến lược truyền thông tốt nằm ở chính chất lượng giáo dục

Thu hút sinh viên giỏi, xây dựng thương hiệu và tên tuổi là nhiệm vụ sống còn của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh các trường đang phát triển theo lộ trình tự tuyển sinh cũng như tự chủ về tài chính.

Truyền thông thành công nằm ở chất lượng giáo dục

Đó là nhận định của PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong Hội nghị “Truyền thông và văn hoá giáo dục đại học đổi mới và phát triển” diễn ra tại Hà Nội, ngày 13/2/2019.

Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh hầu hết các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đều chú trọng tới nhiệm vụ chính là giáo dục - đào tạo nhằm trang bị kiến thức cho sinh viên, mà không quan tâm nhiều tới yếu tố thương hiệu bởi quan điểm truyền thống cho rằng môi trường đại học là môi trường hàn lâm, chính vì vậy không nên đặt nặng yếu tố kinh doanh.

Truyền thông và văn hoá giáo dục đại học đổi mới và phát triển

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu các trường cần nâng cao công tác truyền thông, văn hóa giáo dục để đào tạo đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên

Tuy nhiên, quan điểm này đang dần thay đổi trong xu thế cạnh tranh giữa các trường đại học hiện nay, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hội nghị “Truyền thông và văn hoá giáo dục đại học đổi mới và phát triển” do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức chính là nhằm mang đến những quan điểm mới về truyền thông và văn hóa giáo dục trong đại học.

Nêu quan điểm về truyền thông trong giáo dục đại học, PGS.TS Trần Đức Quý cho biết, truyền thông khối các trường đại học là một bộ phận của hoạt động quản trị đại học, là quá trình gắn kết với quản trị thương hiệu nhà trường. Do đó, hoạt động truyền thông hướng đến sự phát triển bền vững thông qua việc xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của nhà trường.

Yếu tố hàng đầu tạo nên một chiến lược truyền thông thành công vẫn nằm ở chất lượng giáo dục của chính tổ chức đó. Phụ huynh học sinh sẽ quan tâm đến những thông tin về chất lượng giảng dạy, tỷ lệ giáo sư/tiến sĩ/giảng viên của nhà trường, các cơ hội hợp tác giáo dục, chất lượng sinh viên đầu ra, thống kê về số lượng sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, bằng cấp của nhà trường được công nhận thế nào.

Cũng theo PGS.TS Trần Đức Quý, giáo dục cũng chính là một loại hình “dịch vụ”. Bất kỳ loại hình dịch vụ nào đều cần có các nỗ lực tiếp thị và thúc đẩy hình ảnh. Bên cạnh yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu thì yếu tố tiếp thị hình ảnh đang ngày càng được coi trọng.

Trên thế giới, từ những tên tuổi đại học lớn như Havard, Oxford, Cambridge… tới các trường đại học nhỏ, mỗi trường đều có bộ phận truyền thông riêng. Còn ở Ấn Độ, hiệp hội các trường đại học ở nước này còn thành lập riêng cả một Hội đồng truyền thông và quan hệ công chúng nhằm giúp đỡ, tập huấn cho cán bộ truyền thông ở các trường đại học.

Thu hút sinh viên giỏi, xây dựng thương hiệu và tên tuổi là nhiệm vụ sống còn của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh các trường đang phát triển theo lộ trình tự tuyển sinh, cũng như tự chủ về tài chính, PGS.TS Trần Đức Quý nhấn mạnh.

Truyền thông và văn hoá giáo dục đại học đổi mới và phát triển
PGS.TS Trần Đức Quý nhấn mạnh, yếu tố hàng đầu tạo nên một chiến lược truyền thông thành công là nằm ở chất lượng giáo dục của chính tổ chức đó

Nói về hoạt động truyền thông của Trường trong thời gian qua, PGS.TS Trần Đức Quý cho rằng, công tác truyền thông được thực hiện một cách toàn diện, đã có nhiều định hướng, chính sách nhưng công tác truyền thông chưa tốt. Do vậy, để công tác truyền thông được thực hiện một cách toàn diện, trong thời gian tới, các trường đại học nói chung và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng cần xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, truyền thông trên mọi mặt, mọi vấn đề của giáo dục đại học và đặc biệt là Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Riêng về văn hoá giáo dục đại học, PGS.TS Trần Đức Quý cho rằng, văn hoá học đường là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một nền giáo dục. Nếu môi trường học đường không giữ được nền nếp, giá trị, chuẩn mực, thầy không ra thầy, trò không ra trò thì nhà trường không thể thực hiện được chức năng truyền tải, giáo dục văn hoá.

Truyền thông và văn hoá giáo dục đại học đổi mới và phát triển
Hội nghị “Truyền thông và văn hoá giáo dục đại học đổi mới và phát triển” đã mang đến những quan điểm mới về công tác truyền thông và văn hóa giáo dục trong đại học

Mặt khác, văn hóa học đường là môi trường để giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu môi trường học đường bị ô nhiễm thì nhà trường không thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa đến thế hệ trẻ.

Do đó, để xây dựng văn hoá học đường trong môi trường đại học hiện nay, lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, cần phải có sự tác động nhiều chiều, từ nhiều chủ thể khác nhau, trong đó, giảng viên giữ vai trò chủ đạo, là người mẫu mực về chuyên môn, nhân cách, đạo đức. Giảng viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ… trong quá trình giảng dạy, không chỉ dừng lại ở trang bị, định hướng, gợi mở tri thức cho người học, mà còn phải truyền lửa, sự tâm huyết để kiến thức, văn hóa trở thành niềm tin, động lực thúc đẩy sinh viên điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mình.

Truyền thông, văn hóa tốt tạo đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường trọng điểm của Bộ Công Thương, luôn dẫn đầu về tuyển sinh, đào tạo; phát triển nhanh bền vững về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; là cơ sở đào tạo được xã hội tin tưởng, đánh giá cao. Chiến lược xây dựng và phát triển của nhà trường khẳng định năng lực, chuyên môn, quản lý, thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, thực hành, nghiên cứu, ứng dụng; thực hiện tốt công tác tự chủ đại học.

Tuy vậy, việc thực hiện mô hình tự chủ gắn liền với minh bạch và trách nhiệm giải trình nên trường cần tiếp tục hoàn thiện căn bản về điều hành, quản lý, cơ chế làm việc, xây dựng đạo đức, văn hóa đội ngũ… không xảy ra các thiếu sót làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của trường.

Đặc biệt, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị nhà trường cần quan tâm hơn đến công tác truyền thông, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp. Bởi, thời gian tới chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, trong đó xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ. Đây là 1 trong 3 đột phá mang tính chiến lược của phát triển, đáp ứng ngày càng mạnh mẽ yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước. Phát huy tiềm năng, sáng tạo của mỗi cá nhân; xây dựng nền giáo dục gắn với thực tiễn, xây dựng nền giáo dục hợp lý; đảm bảo các điều kiện về dân chủ hóa, phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực...

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng như các cơ sở giáo dục, đào tạo trong ngành Công Thương cần nâng cao hơn nữa công tác truyền thông, văn hóa giáo dục. Đây là yếu tố mới không thể bỏ qua trong quá trình phát triển, xây dựng thương hiệu nhà trường, công tác này là yếu tố quan trọng để đào tạo đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên.

Hội nghị “Truyền thông và văn hoá giáo dục đại học đổi mới và phát triển” do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức nhằm mang đến những quan điểm mới về truyền thông và văn hóa giáo dục trong đại học.
Bên cạnh Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đã có buổi gặp gỡ đầu xuân và gửi lời chúc mừng đến toàn bộ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019

“Đồng thời, thông qua công tác truyền thông nhà trường có thể truyền tải thông điệp đào tạo tới xã hội và ngược lại, nhà trường sẽ nhận được sự tương tác để cải tiến, phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh qua đó góp phần xây dựng, hoàn thiện uy tín, thương hiệu một cách vững mạnh, hiệu quả hơn” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đặc biệt yêu cầu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần quan tâm, xây dựng mạnh mẽ kỷ cương, kỷ luật, sáng tạo; tác phong công nghiệp cho đội ngũ sinh viên nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, hội nhập của đất nước.

 

Hạ An