Hệ thống pháp luật quản lý thực phẩm và chứng nhận Halal tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cần lưu ý một số điều luật, đặc biệt là quy định về chứng nhận Halal của nước này.

Giới thiệu chung về hệ thống pháp luật

Trách nhiệm quản lý về thực phẩm và nông sản tại Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm; các Bộ khác như Bộ Tài chính, Bộ Y tế của nước này cũng tham gia quản lý một số lĩnh vực.

Luật điều tiết và quản lý thực phẩm chính trong hệ thống pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ hiện là Luật Sản xuất, tiêu dùng và kiểm tra thực phẩm số 5179, có hiệu lực từ ngày 27/5/2004. Bộ luật này nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và sản xuất bảo đảm vệ sinh cho toàn bộ sản phẩm, vật tư bao bì và thiết lập tiêu chuẩn vệ sinh và kỹ thuật tối thiếu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm trong việc quản lý sản xuất và phân phối.

Luật này điều chỉnh khuôn khổ của Quy chế quản lý thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey Food Codex) về phương pháp phân tích, kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, phụ gia, hương liệu thực phẩm, thuốc trừ sâu và các quy định về bao bì, lưu kho, vận chuyển nhằm mục đích tiếp cận quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, ngành Công nghiệp thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ và hàng thực phẩm nhập khẩu phải chịu sự điều tiết của các luật và quy định khác có liên quan, bao gồm: Quy chế quản lý thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 16/11/1997); Quy định về thực phẩm (ngày 01/9/2003) và Thông tư về quy trình kiểm tra thực phẩm nhập khẩu để cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa và bao bì có liên quan đến thực phẩm và vật tư thực phẩm (ngày 01/9/2003).

Theo quy định của Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm như ngũ cốc, hạt có dầu, động vật, thực vật… phải có Chứng chỉ kiểm tra khi nhập khẩu vào nước này.

Chứng chỉ Halal

Thổ Nhĩ Kỳ là nước có dân số 73 triệu người (năm 2010) trong đó 99% là người theo Đạo Hồi. Do đó các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ tại thị trường này cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định phù hợp với quy định của Đạo Hồi, đặc biệt là chứng nhận Halal (Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”).

Chứng chỉ Halal là giấy chứng nhận, xác nhận rằng sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Shari’ah Islamiah (Luật Hồi giáo) và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất. Người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm có logo Halal như là một bằng chứng về đức tin mà Thượng đế cho phép dùng với việc đảm bảo nó không chứa bất cứ thứ gì là Haram (Haram theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”)

Hiệp hội giám định và cấp chứng nhận thực phẩm (Association for the inspection and certification of food and supplies, GIMDES) có trụ sở chính tại thành phố Istanbul là đơn vị quản lý và cấp Giấy chứng nhận Halal; Giấy chứng nhận phù hợp với Luật Hồi giáo (Shariah); thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với luật Hồi giáo và bảo đảm cho người Hồi giáo chỉ tiêu thụ các sản phẩm đúng luật (Halal) và tốt về chất lượng.

Các doanh nghiệp muốn được cấp Giấy chứng nhận Halal phải thiết lập hệ thống quản lý và vận hành nội bộ theo quy trình Halal. Hệ thống này có tên gọi là Halal Assurance System - HAS. Hệ thống này phải được phổ biến rộng rãi tới cán bộ, công nhân và cổ đông của công ty và in thành sổ tay (Halal Manual). HAS được cập nhật và theo dõi độc lập với các hệ thống chất lượng khác.

GIMDES yêu cầu nguyên liệu là động vật hoặc có liên quan đến động vật, chất phụ gia và hương liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal.

Quy trình sản xuất chế biến thực phẩm phải sạch sẽ, vệ sinh phù hợp quy định của Đạo hồi. Theo đó, một số loại thực phẩm ăn và đồ uống bị cấm tuyệt đối sử dụng để sản xuất chế biến thực phẩm, như: thịt động vật bị chết (máu, thịt con vật đã chết trước khi được cắt tiết theo nghi thức); rượu và các đồ uống lên men; những con vật ăn thịt sống hay ăn tạp (như chó, mèo, chuột…); thịt lợn; động vật móng vuốt như mèo; thịt còn máu đông ở bên trong; máu động vật và chế phẩm từ máu động vật; thực phẩm có chứa các chất phụ gia như enzyme, gelatine…

Quá trình giết mổ động vật phải lưu ý không được giết mổ động vật chưa đạt tuổi giết mổ (không giết non như bê, cừu non, gà con…) và con vật khi đưa vào giết mổ phải trong trạng thái sống bình thường, không bị ốm và không có bệnh. Người làm công việc giết mổ phải hiểu rõ quy trình, không coi như việc giết mổ như sát sinh tàn bạo, mặc quần áo đồng phục bảo đảm vệ sinh và có đầy đủ trang bị bảo hộ lao động; trong quá trình giết mổ phải nhắc tên Thánh Allah (Bismilla). Con vật phải chết hẳn mới được chuyển sang làm phần lông và da. Máy móc, công cụ, nhà xưởng giết mổ phải sạch sẽ; dụng cụ giết mổ phải đầy đủ, chất lượng và được mài sắc.

Áp dụng Halal tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mặc dù tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều mặt hàng thực phẩm và hàng hóa đã có chứng nhận Halal nhưng việc quản lý và cấp chứng nhận Halal tại nước này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Ngay cả việc GIMDES cấp giấy chứng nhận Halal cho các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại nước này và sản phẩm nhập khẩu cũng mới chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn trở lại đây.

Mặc dù có đến 99% người theo Đạo hồi nhưng là Hồi giáo thế tục, do đó các đồ uống có cồn như rượu, bia… vẫn được bày bán bình thường trong các cửa hàng, siêu thị và sử dụng công khai tại các nhà hàng và các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện cũng không có nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đăng ký thực hiện và xin cấp chứng nhận Halal cho sản phẩm xuất khẩu.

Do đó, chứng nhận thực phẩm Halal phục vụ xuất khẩu cũng mới trong giai đoạn đầu. Nhiều doanh nghiệp rất ngại áp dụng chứng nhận Halal vì như vậy sẽ tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận và tính cạnh tranh của hàng hóa cả trong thị trường nội địa và nước ngoài. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thấy được tầm quan trọng của chứng nhận Halal trong việc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang các nước Hồi giáo khác.

Thị trường thực phẩm Halal toàn thế giới được đánh giá đã đạt trị giá 2 tỷ USD trong những năm vừa qua và dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên trong những năm tới. Một số nước không phải nước Hồi giáo như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ cũng đã nghiên cứu và sản xuất thực phẩm Halal, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là nước Hồi giáo có thế mạnh cần đầu tư và đẩy mạnh sản xuất thực phẩm và hàng hóa Halal.