Hiệp định CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với kinh tế du lịch ở Việt Nam hiện nay

LÊ THỊ THÚY (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Kinh tế du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, được dự báo là một trong những trọng điểm phát triển của thế giới trong thế kỷ 21. Việc hiệp định CPTPP có hiệu lực vào ngày 14/1/ 2019 đã ảnh hưởng lớn tới hội nhập quốc tếphát triển kinh tế ở Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho du lịch nước ta phát triển, khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và thế giới, đồng thời cũng tạo ra các thách thức đối với kinh tế du lịch Việt Nam.

Từ khóa: Kinh tế du lịch, hiệp định CPTPP, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, cơ hội, thách thức, Việt Nam.

1. Kinh tế du lịch và vai trò của kinh tế du lịch

Theo Luật Du lịch năm 2005 của Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. Nhìn từ góc độ kinh tế, du lịch là một ngành kinh tế, dịch vụ, có nhiệm vụ phục vụ cho nhu cầu tham quan giải trí nghỉ ngơi, có hoặc không kết hợp với các hoạt động chữa bệnh, thể thao, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác. Như vậy, du lịch là một ngành kinh tế độc đáo phức tạp, có tính đặc thù, mang nội dung văn hóa sâu sắc và tính xã hội cao.

Ngày nay, du lịch trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, xã hội của con người. Về mặt kinh tế, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng được coi là “ngành công nghiệp không khói” của các quốc gia.

Kinh tế du lịch đã mang lại cho Việt Nam cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp chuyển sang một nền kinh tế dựa vào dịch vụ. Phát triển kinh tế du lịch giúp cho nông thôn giải quyết các vấn đề: tạo công ăn việc làm, nâng cao dân trí, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, từ đó, làm thay đổi cơ cấu kinh tế và lao động trong nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại. Ở nước ta, có đến trên 3/4 các khu di tích văn hóa, lịch sử, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của đất nước đều nằm tại các vùng nông thôn, miền núi và vùng hải đảo. Vì thế, phát triển du lịch ở các vùng miền nông thôn sẽ đánh thức những tiềm năng trên để phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn và tăng thêm thu nhập cho đông đảo người dân sống ở nông thôn.

Kinh tế du lịch mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển: Các lợi ích kinh tế mang lại từ du lịch thông qua việc tiêu dùng của du khách đối với các sản phẩm của du lịch. Ngoài việc tiêu dùng các hàng hóa thông thường, du khách còn có những nhu cầu tiêu dùng đặc biệt: nâng cao kiến thức, học hỏi, ngắm cảnh, chữa bệnh, nghỉ ngơi,… Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Khi một khu vực nào đó trở thành điểm du lịch, du khách đổ về sẽ làm cho nhu cầu về mọi hàng hóa dịch vụ tăng lên.

2. Thực trạng của kinh tế du lịch Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định CPTPP được thực hiện

2.1. Hiệp định CPTPP với kinh tế du lịch Việt Nam

Cùng với chính sách mở cửa hội nhập chung của đất nước theo phương châm chủ động hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, du lịch với tư cách là một ngành kinh tế dịch vụ đã đẩy mạnh các hoạt động hội nhập với song phương, đa phương, khu vực và liên khu vực.

CPTPP là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (tiền thân là Hiệp định TPP) được ký kết với sự tham gia của 11 nước, gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. CPTPP là hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được coi như một hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 2 với mục tiêu thiết lập một mặt bằng tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Hiệp định CPTPP, các thị trường đối tác lớn của Việt Nam như Nhật Bản và Canada sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, điều này giúp gia tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam theo hướng cân bằng hơn. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tới năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, xuất khẩu sang các quốc gia này chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới (World Bank, 2018).

Cán cân thương mại đến từ hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thực thi CPTPP năm 2019 thặng dư 3,5 tỷ USD, tăng 161% so với 2018. Khi cán cân thương mại thặng dư, thì kinh tế du lịch với tư cách là ngành kinh tế xuất khẩu tại chỗ cũng được hưởng lợi từ quá trình này. Tham gia CPTPP sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế du lịch. Những yếu tố đó tạo ra tác động tích cực và tiêu cực đan xen đối với ngành kinh tế mũi nhọn này. Từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế, ngành Du lịch đã có những bước phát triển rất nhanh chóng cả về lượng khách và nguồn thu từ du lịch.

2.2. Những thành tựu cụ thể

Thứ nhất là, Duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong nhiều năm, đặc biệt năm 2019 khi Hiệp định CPTPP được thực thi thì ngành này có tăng trưởng vượt bậc.

Về khách du lịch quốc tế, nếu như năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì năm 2019 đạt trên 18 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm - được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng cao nhất trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Khách du lịch nội địa tăng 85 lần từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Cùng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mở cửa, qua việc thực thi hiệp định CPTPP, đời sống người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhu cầu và khả năng đi du lịch ngày càng cao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước.

Năm 1990, tổng thu từ du lịch mới đạt 1.340 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số đó là 755.000 tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD).

Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Du lịch đang từng bước hướng tới trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Thứ hai là, Hiệp định CPTPP tạo ra những thách thức đối với sự phát triển kinh tế du lịch

- Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống: Thực thi hiệp định CPTPP giữa các quốc gia trong khối sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia giao lưu kinh tế, đồng thời với quá trình đó, hoạt động văn hóa cũng được giao thoa. Vì vậy, bên cạnh cơ hội chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa của thế giới trên cơ sở phát huy bản sắc của truyền thống văn hóa dân tộc sẽ là nguy cơ tiếp thu tràn lan, thiếu chọn lọc, dẫn đến bị mất bản sắc văn hóa truyền thống, bị hòa tan vào trong thế giới toàn cầu hóa.

- Tăng sức ép về môi trường: Cùng với thực thi hiệp định CPTPP, sự phát triển nhanh chóng của nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp có đầu tư về vốn và công nghệ nước ngoài đã tạo ra sức ép rất lớn về môi trường, nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học và chính điều đó sẽ làm thiệt hại cho ngành Du lịch, nảy sinh yếu tố kém bền vững cho phát triển du lịch.

- Cạnh tranh: Đây là yếu tố tất yếu diễn ra trong quá trình thực thi hiệp định CPTPP. Cạnh tranh là một cơ hội, song lại là một thách thức lớn đối với các quốc gia. Hiện nay, sự bành trướng của các tập đoàn đa quốc gia trong khối đang và sẽ là mối đe dọa lớn đối với các doanh nghiệp du lịch ở các nước đang phát triển. Các tập đoàn này có lợi thế về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường, sẽ chiếm ưu thế trong cạnh tranh.

- Dịch chuyển thị trường lao động có chất lượng: Đây là yếu tố bất lợi do thực thi hiệp định CPTPP đối với các quốc gia đang phát triển khi mà chính sách ưu đãi đối với người lao động chưa thỏa đáng. Nó cho phép người lao động lựa chọn nơi làm việc phù hợp và vì vậy người lao động có trình độ, kỹ năng sẽ tìm đến các nước phát triển hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế có chế độ ưu đãi tốt hơn để làm việc.

3. Giải pháp thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP

Trong bối cảnh thực thi CPTPP và cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, để ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần đẩy nhanh, cải cách cơ chế, thủ tục, chính sách, hệ thống luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch.

Hai là, cần tăng ngân sách cho xúc tiến, quảng bá du lịch, áp dụng cơ chế linh hoạt, mở văn phòng đại diện du lịch Việt Nam các thị trường trọng điểm.

Ba là, cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh bao gồm: hệ thống sân bay, cảng biển, nhà ga, hệ thống giao thông đường bộ, giao thông công cộng, hệ thống nhà hàng, khách sạn, buồng phòng, hệ thống bảo tàng,...

Bốn là, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý, nhân lực có tay nghề,…

Năm là, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội trong phát triển du lịch, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường,...

Sáu là, đẩy mạnh du lịch trực tuyến: Tại Việt Nam, năm 2019, ngành Du lịch đóng góp 9,2% GDP, nhưng du lịch trực tuyến chỉ chiếm hơn 1/2 con số này. Do vậy, cần thực hiện một số giải pháp công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin, phân phối sản phẩm du lịch trên môi trường mạng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, trong khuôn khổ thực thi Hiệp định CPTPP để Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, bên cạnh nỗ lực của riêng bản thân ngành Du lịch, rất cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ tất cả các cấp, các ngành. Với những giải pháp cơ bản trên, nếu thực thi sẽ tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển theo hướng chất lượng và bền vững trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Đính - Trần Thị Minh Hòa  (2006), Kinh tế Du lịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  2. Nguyễn Bá Lâm - Trịnh Xuân Dũng (2014), Tổng quan về du lịch, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Hà Nội.
  3. Nguyễn Bá Lâm (2007), Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Hà Nội.
  4. Bộ Công Thương (2016, 2017, 2018, 2019), Báo cáo xuất khẩu Việt Nam các năm 2016, 2017, 2018, 2019.
  5. Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám thống kê các năm 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2017, 2018, 2019. NXB Thống kê, Hà Nội.

The CPTPP: Opportunities and Challenges for the development of tourism economy in Vietnam

Ph.D Le Thi Thuy

Academy of Journalism and Communication

ABSTRACT:

Vietnam's tourism industry is expanding and Vietnam is become a popular tourism destination in the world. The tourism economy is forecasted to be one of the key global development in the 21st century. The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) which took effect from January 14, 2019 has great impacts on Vietnam’s international integration process and economic development. The CPTPP is considered a great opportunity for Vietnam to promote its tourism economy, affirming its position in the regional and global markets. However, the CPTPP also brings challenges to Vietnam’s tourism industry.

Keywords: Tourism economy, the CPTPP agreement, international integration, economic development, opportunities, challenges, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]