Hiệp ước BASEL và giải pháp áp dụng hiệp ước BASEL II trong quản trị rủi ro tại các NHTM Việt Nam

VŨ NGỌC DIỆP (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, ngành Ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro đặc biệt là rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Ngoài ra gần đây đã có một số ngân hàng thương mại Việt Nam (NHTM) bị xóa sổ, sáp nhập và/hoặc bị buộc phải bán với giá 0 đồng chỉ vì quản trị rủi ro (QTRR) yếu kém. Do đó, các định chế tài chính trong thị trường tài chính (TTTC) cần phải sớm tiếp cận và vận dụng các cơ chế QTRR tiên tiến trên thế giới để phát triển bền vững. Vậy, việc áp dụng chuẩn mực Basel II tại các NHTM Việt Nam là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, tác giả bài viết xin trình bày về Hiệp ước Basel và các giải pháp để áp dụng Hiệp ước Basel II để quản trị rủi ro tại các NHTM Việt Nam.

Từ khóa: Hiệp ước Basel II, quản trị rủi ro, ngân hàng thương mại.

I. Khái lược về Hiệp ước Basel

1. Hiệp ước Basel I

Năm 1974, tại Thành phố Basel, Thụy Sĩ, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision - BCBS) được thành lập bởi ngân hàng trung ương của 10 nước phát triển (G10). Sau đó, BCBS tiến hành chuẩn hóa các quy định về vốn, đo lường vốn trong ngành ngân hàng. Năm 1988, Ủy ban này ban hành hệ thống đo lường vốn và rủi ro tín dụng, trong đó yêu cầu các ngân hàng hoạt động quốc tế phải nắm giữ một mức vốn tối thiểu để có thể đối phó với những rủi ro có thể xảy ra. Tiêu chuẩn an toàn vốn tối thiểu (tỷ lệ vốn bắt buộc tính trên tổng tài sản điều chỉnh theo hệ số rủi ro - CAR) là 8%. Văn bản chuẩn hóa này được gọi là Hiệp ước về vốn của Basel (Basel I), áp dụng trong các nước thành viên G10 kể từ năm 1992, nhưng sau đó có rất nhiều nước khác trên thế giới tự nguyện tuân thủ. Theo đó, ngân hàng có mức vốn tốt nhất khi có CAR > 10%, có mức vốn thích hợp khi CAR > 8%, thiếu vốn khi CAR < 8%, thiếu vốn rõ rệt khi CAR < 6% và thiếu vốn trầm trọng khi CAR < 2%.

Vốn của các ngân hàng được chia thành 3 loại: Vốn cấp 1 (chủ yếu là vốn chủ sở hữu), vốn cấp 2 (nguồn vốn bổ sung có độ tin cậy thấp hơn như nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi, vốn tăng do đánh giá lại tài sản, các khoản dự phòng tổn thất chung), vốn cấp 3 (các khoản vay ngắn hạn). Trong đó, vốn cấp 1 phải lớn hơn hoặc bằng vốn cấp 2 cộng vốn cấp 3 và vốn cấp 3 không được xét đến khi tính tỷ lệ an toàn vốn.

Về hệ số rủi ro của tài sản, Basel I đưa ra 4 mức rủi ro cho các loại tài sản là 0%, 20%, 50% và 100%. Liên quan đến rủi ro, năm 1996, Basel I bổ sung rủi ro thị trường, thực thi chậm nhất vào 1/1/1998.

2. Hiệp ước Basel II

Ngày 26/6/2004, phiên bản mới của Basel I được ban hành sau cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1990. Basel II có hiệu lực từ tháng 1/2007 và được thực hiện theo một lộ trình đến năm 2009, sau đó thực hiện đầy đủ kể từ năm 2010. Tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro, nhưng rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động), rủi ro thị trường và trong số rủi ro bao gồm nhiều mức, từ 0% đến 150% hoặc hơn. Theo đó, phần mẫu số để tính CAR có một số thay đổi đáng kể.

Mục tiêu của Basel II: Nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế; tạo lập và duy trì một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng hoạt động trên bình diện quốc tế, đẩy mạnh việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro.

Basel II sử dụng khái niệm “ba trụ cột”:

Trụ cột thứ I: Liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc. Theo đó, tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo ba yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.

Trụ cột II: Liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng, Basel II cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những “công cụ” tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt, như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại (residual risk). Tóm lại, Basel II nhấn mạnh các nguyên tắc rà soát, giám sát sau:

(i) Các ngân hàng cần phải có một quy trình đánh giá được mức độ đầy đủ vốn nội bộ theo danh mục rủi ro và phải có được một chiến lược đúng đắn duy trì mức vốn đó.

(ii) Các giám sát viên nên rà soát và đánh giá việc xác định mức độ vốn nội bộ và chiến lược của ngân hàng, cũng như khả năng giám sát và đảm bảo tuân thủ tỷ lệ vốn tối thiểu; Giám sát viên nên thực hiện một số hành động giám sát phù hợp nếu họ không hài lòng với kết quả của quy trình này.

(iii) Giám sát viên khuyến nghị các ngân hàng duy trì mức vốn cao hơn mức tối thiểu theo quy định.

(iv) Giám sát viên nên can thiệp ở giai đoạn đầu để đảm bảo mức vốn của ngân hàng không giảm dưới mức tối thiểu theo quy định và có thể yêu cầu sửa đổi ngay lập tức nếu mức vốn không được duy trì trên mức tối thiểu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), khi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng từ 7% lên 8% thì xác suất xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm đi khoảng 25-30%.

Trụ cột thứ II: Các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Basel II đưa ra một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.

3. Hiệp ước Basel III

Ngày 12/9/2010, chuẩn mực vốn Basel III được BCBS đưa ra trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên phạm vi toàn cầu những năm 2007 - 2010, nhằm bổ sung, khắc phục những hạn chế của Basel II, chủ yếu về quản lý thanh khoản, yêu cầu vốn đệm theo chu kỳ của nền kinh tế, giới hạn tỷ lệ đòn bẩy vốn. Basel III có hiệu lực từ năm 2013 và được thực hiện theo một lộ trình đến hết năm 2018, sau đó thực hiện đầy đủ kể từ ngày 1/1/2019.

Hiện tại, các thành viên của BCBS gồm đại diện ngân hàng trung ương hay cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của các nước và vùng lãnh thổ sau: Argentina, Úc, Bỉ, Brazin, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Hồng Kong, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Ả rập Xê út, Singapore, Nam phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

II. Thực trạng triển khai áp dụng Basel II tại các NHTM Việt Nam

Khảo sát một số quốc gia và châu lục cho thấy, trong khi các ngân hàng Việt Nam mới áp dụng Basel I thì các ngân hàng trong khu vực đã áp dụng Basel II hoặc Basel III. Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II vì vậy là một xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới. Áp dụng thành công Basel II giúp các ngân hàng ở Việt Nam không chỉ dễ dàng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mà sẽ tự mở rộng vươn xa ra thị trường các nước phát triển.

Tuy nhiên, khi triển khai Basel II rộng rãi tại các ngân hàng, yêu cầu về vốn và thanh khoản cao lên sẽ tác động đến chênh lệch lãi suất cho vay, hay nói cách khác làm cho chi phí vốn tăng cao, kết quả là lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ giảm.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Basel, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 1% thì chênh lệch lãi suất cho vay và chi phí đi huy động vốn tăng lên 1,4%. Tuy nhiên, ngân hàng có thể bù đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp như: tăng lợi nhuận ngoài lãi (phí, hoa hồng, …), tăng hiệu quả quản trị để giảm chi phí hoạt động.

Hơn nữa, việc triển khai Basel II tại Việt Nam không dễ dàng do vướng phải nhiều thách thức. Kết quả “Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt Nam 2013” của KPMG (Công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn) cho thấy, 80% ngân hàng đã nắm bắt được việc Ngân hàng Nhà nước lập kế hoạch thực hiện khung giám sát theo Hiệp ước Basel II nhưng chưa sẵn sàng để cam kết thực hiện lộ trình triển khai hay đưa ra một quyết định quan trọng gây tốn kém. 57% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng, vấn đề quản trị rủi ro hoạt động là đáng quan ngại nhất.

Nhiều ngân hàng đang triển khai quản trị rủi ro hoạt động ở những công việc ban đầu như: Nghiên cứu thiếp lập quy trình, xây dựng các văn bản về quản trị rủi ro hoạt động, theo dõi các rủi ro và cảnh báo… Về cơ sở tính toán vốn có rủi ro hoạt động thì 64% các ngân hàng sẽ sử dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính vốn, trong khi 14% ngân hàng lại sử dụng phương pháp chỉ số cơ bản và 21% vẫn chưa quyết định.

Tất cả các ngân hàng đều chỉ ra rằng còn rất nhiều khó khăn khi triển khai áp dụng Hiệp ước Basel II. Hai khó khăn chung được nhắc đến nhiều nhất chính là chi phí triển khai Hiệp ước Basel II (85%) và thiếu dữ liệu lịch sử (78%).

Hiện nay chưa có ngân hàng nào công bố thông tin về chi phí cần cho việc triển khai Basel II, nhưng dựa trên kinh nghiệm của một số tổ chức tín dụng đã triển khai dự án Basel II tại khu vực châu Á thì tổng chi phí sẽ dao động từ 15 đến 40 triệu USD, tùy quy mô, mức độ và yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước.

Không có mức chi phí chuẩn để thực hiện Basel II, chi phí này phụ thộc vào quy mô, phạm vi hoạt động, nền tảng sẵn có của từng ngân hàng… Chính vì vậy, mỗi ngân hàng phải có sự tính toán cho chi phí của từng giai đoạn thực hiện trong lộ trình áp dụng, để không gây phát sinh quá lớn. Trước tình hình đó, ngân hàng Nhà nước cũng đã vạch ra một lộ trình áp dụng Basel II đối với hệ thống NHTM một cách cẩn trọng. Cụ thể:

Giai đoạn 1: Thí điểm áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MS, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank). Chương trình thí điểm bắt đầu từ tháng 2/2016, mục tiêu đến cuối năm 2018 các ngân hàng này phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II.

Giai đoạn 2: Đến năm 2020, cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (theo Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 8/11/2016).

Trong năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TW của TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức 8% tổng Tài sản Có rủi ro theo chuẩn Basel II có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Ngân hàng có khả năng thực hiện sớm thì đăng ký áp dụng trước.

Để đảm bảo hệ số vốn tự có an toàn theo Basel II thì không ít NHTM vẫn khó khăn. Nhiều NHTM phải dùng các biện pháp ngắn hạn. Trong năm 2016, các ngân hàng ACB, Vietcombank, mỗi ngân hàng đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Vietinbank phát hành 2.900 tỷ đồng trái phiếu, các NHTM cổ phần nước ngoài đã nhiều lần xin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các NHTM Việt Nam chỉ áp dụng chung chung cùng một hệ số rủi ro cho tất cả các khách hàng mà chưa dựa vào kết quả xếp hạng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay công tác phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng của các NHTM Việt Nam còn nhiều bất cập, trình độ quản lý kinh doanh còn yếu, công tác quản lý rủi ro lỏng lẻo, năng lực thẩm định tín dụng còn dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp; bộ máy giám sát tài chính ngân hàng chưa được xây dựng đồng bộ.

Việc phân định chức năng, phối hợp nghiệp vụ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát còn rời rạc, chưa có quy định cụ thể, hoạt động chồng chéo, phân cấp theo chiều ngang, không theo thông lệ quốc tế.

Thanh tra - giám sát trong TTTC đang thực hiện theo mô hình phân tán: Các TCTD: do ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ có trách nhiệm thanh tra - giám sát các nghiệp vụ liên quan đến chức năng riêng của từng đơn vị.

Tại nhiều NHTM Việt Nam tuy đã có các ban chuyên về chức năng quản trị rủi ro, nhưng chỉ dừng lại ở quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, chưa quan tâm đến rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường… Nhiều ngân hàng chưa ứng dụng phương pháp chuẩn và phương pháp đánh giá nội bộ của Basel II trong đánh giá rủi ro tín dụng.

Các nghiệp vụ và công nghệ giám sát toàn bộ thị trường tài chính, cảnh báo sớm và ngăn ngừa rủi ro theo Basel II còn rất yếu. Hiện tại công tác thanh tra - giám sát NHTM tại Việt Nam còn có khoảng cách khá xa trong việc đáp ứng yêu cầu của các Trụ cột quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II.

III. Các giải pháp áp dụng chuẩn Basel II trong quản trị rủi ro tại các NHTM Việt Nam

1. Giải pháp đối với hệ thống các NHTM

Các NHTM cần thay đổi mô hình tổ chức về quản trị rủi ro, phải thành lập bộ máy quản trị rủi ro từ cấp điều hành dọc xuống các chi nhánh ngân hàng và độc lập với kinh doanh.

Phải đào tạo và tuyển dụng nhân viên có nghiệp vụ sâu về quản trị rủi ro từng loại rủi ro khác nhau (tín dụng, thị trường,…) để liên tục phản ánh tiềm ẩn rủi ro và rủi ro thực của ngân hàng.

Đối với rủi ro tín dụng, các ngân hàng cần có hệ thống thông tin và kỹ thuật phân tích khả năng rủi ro trong tất cả các hoạt động nội bảng và ngoại bảng Cân đối kế toán.

Đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, các NHTM cần có một hệ thống thông tin cập nhật, kết hợp được các dữ liệu dịch vụ đơn lẻ thành một hệ thống phản ánh rủi ro tổng thể.

Các NHTM cần xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bảng nhằm hỗ trợ quản trị rủi ro, chính sách dự phòng rủi ro, phân loại giới hạn tín dụng khách hàng. Ban hành sổ tay tín dụng theo dõi từng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Chiến lược tăng trưởng tín dụng phải phân định 4 loại riêng biệt, gồm tín dụng và đầu tư, từ tín dụng trung và dài hạn, từ tín dụng ngắn hạn và từ dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Do đó, chiến lược phải có cơ chế quản trị rủi ro tương ứng với từng lĩnh vực kinh doanh…

2. Đối với Ủy ban giám sát tài chính quốc gia

Nhà nước cần cơ cấu lại cơ quan này theo hướng xóa chức năng tư vấn, thay bằng chức năng quyền lực của cơ quan giám sát an ninh tài chính cấp nhà nước.

Theo đó, Ủy ban này phải là cơ quan đầu mối, có quyền lực nhà nước về giám sát toàn diện TTTC. Có ý kiến trong việc phê chuẩn bổ, miễn nhiệm người đứng đầu các cơ quan thanh tra - giám sát tài chính trên thị trường tài chính.

Có quyền ban hành các tiêu chí an toàn, các nghĩa vụ bắt buộc về nhận báo cáo thông tin định kỳ tháng, quí, năm chính xác, kịp thời, minh bạch của các Bộ, ngành về tài chính đối với mọi doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế thông qua các cơ quan thanh tra - giám sát, quản lý ở từng thị trường bộ phận trong TTTC.

Được quyền ban hành văn bản kỹ thuật về giám sát tài chính, xây dựng và ban hành quy trình, cơ chế giám sát đặc thù, thích ứng ở các ngành thuộc TTTC buộc các đối tượng áp dụng phải tuân thủ.

3. Đối với cấp ngành và cấp Nhà nước

Nhà nước cần có chế tài buộc các NHTM phải tăng tiềm lực vốn điều lệ, giảm bớt số lượng những TCTD nhỏ; Sớm xóa bỏ loại ngân hàng bao cấp.

Nâng cao tầm vóc và quyền lực cho hoạt động thị trường tín dụng (TTTD) tại trung tâm thông tin tín dụng quốc gia nhằm tạo ra một địa chỉ đủ chi tiết các sản phẩm TTTD cập nhật, TT xếp hạng tín nhiệm khách hàng của NHTM Việt Nam …

Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các TCTD năm 2010 cần sớm sửa nhiều nội dung liên quan đến định nghĩa Tài sản Có rủi ro, phải phân loại các TCTD thành NHTM, ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển thay cho cách phân loại NHTM, ngân hàng chính sách và ngân hàng hợp tác xã như ghi tại Điều 4 Luật TCTD năm 2010. Phải chỉ rõ tên các loại TT cần đáp ứng cơ quan giám sát ngân hàng tại Điều 58 Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành và phải thể chế hóa tại Luật TCTD…

Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các NHTM sớm ban hành quy định về mô hình tổ chức, tiêu chuẩn đối với hệ thống QTRR nội bộ chiều dọc, bao gồm hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, hệ thống quản lý TSC, TSN, QTRR TD, RR hoạt động và rủi ro thị trường.

Cần nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về quản lý tài chính, hoàn thiện các chỉ tiêu chủ yếu giám sát năng lực vốn của các NHTM theo Basel 2, Basel 3.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia sớm ban hành cơ chế về cách tính, cách xác định các hệ số, các chỉ tiêu đo lường vốn hợp lý, công khai, minh bạch cho hoạt động QTRR thích ứng tại từng thị trường bộ phận trong TTTC.

IV. Kết luận

Về bản chất, ý nghĩa của Basel II là đưa ra những tiêu chuẩn chung, cho phép từng quốc gia áp dụng tùy thuộc vào qui mô, lĩnh vực, thị trường của từng quốc gia. Tại Việt Nam do quá trình tiếp cận chưa sâu, điều kiện ứng dụng các chuẩn mực của Basel II còn có khoảng cách về mô hình tổ chức, qui trình công nghệ và nhất là con người thực tế để thực hiện quản trị rủi ro theo Basel II. Do đó, vai trò, vị thế của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và hệ thống các qui phạm pháp luật ràng buộc các NHTM nói riêng, TTTC Việt Nam nói chung để điều chỉnh quá trình đưa chuẩn Basel II, Basel III vào QTRR là hết sức cấp bách và quan trọng. Việc cơ cấu lại mô hình QTRR trong hệ thống các NHTM cũng là việc cần làm ngay không phải chỉ để theo Basel II, mà còn theo đó để phát triển bền vững. Những đề xuất với các cấp trong bài viết này hy vọng có thể góp thêm những gợi ý cho các bên cùng quan tâm trong triển khai ứng dụng Basel II vào TTTC nói chung và NHTM Việt Nam nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/hiep-uoc-von-basel-la-gi-161794.html

2. ThS. Nguyễn Văn Thọ, Thách thức đối với Ngân hàng Việt Nam khi triển khai Basel II - Tạp chí Ngân hàng, số 18, T9/2015.

3. NCS. Nguyễn Quang Hiện, Chuẩn mực vốn theo Hiệp ước Basel II Áp dụng trong quản trị rủi ro tín dụng, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán, Số 12, năm 2015.

4.http://cafef.vn/thanh-cong-hay-that-bai-cua-viec-ap-dung-basel-2-dang-phu-thuoc-vao-3-ngan-hang-20170103110803014.chn

5. TS. Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia tài chính, ngân hàng, Thực trạng và đề xuất giải pháp áp dụng chuẩn Basel II để quản trị rủi ro tại thị trường tài chính nói chung và NHTM Việt Nam nói riêng, Diễn đàn: An ninh tài chính và cạnh tranh doanh nghiệp, Tháng 7/2017.

THE BASEL CONVENTION AND THE APPLICATION OF BASEL II

IN RISK MANAGEMENT IN COMMERCIAL BANKS IN VIETNAM

● VU NGOC DIEP

Thuong Mai University

ABSTRACT:

According to many experts, in the context of deepening Vietnam's integration, the banking sector faces various risks, especially credit risk, operational risk and market risk. In addition, some Vietnamese commercial banks have recently been wiped out, merged or forced to sell for nothing just because of poor risk management. Therefore, financial institutions in the financial market need to access and apply advanced international advanced risk management mechanisms for sustainable development. Therefore, the application of Basel II standard in Vietnamese commercial banks is necessary. In this article, the authors presented the Basel Convention and the application of Basel II to risk management in Vietnamese commercial banks.

Keywords: Basel II convertion, risk management; commercial banks.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây