Hiểu đúng về cơ hội và thách thức mà EVFTA mang lại

Chiều 29/5/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tập huấn về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cho phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.

Hội nghị nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về Hiệp định EVFTA giúp người dân và doanh nghiệp hiểu đúng tầm quan trọng, những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng để có những kế hoạch hành động cụ thể trong bối cảnh Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn của Bộ Công Thương cho biết vừa qua, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc phê chuẩn và thực thi EVFTA.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng bộ hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Bộ hồ sơ này đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra theo quy định của Luật Điều ước quốc tế.

Vào ngày 20/5 vừa qua, Quốc hội cũng đã có phiên thảo luận trực tuyến về vấn đề này. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định vào ngày 8/6 tới đây. Và như vậy, đối chiếu theo quy định của Hiệp định thì dự kiến Hiệp định có thể sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 8/2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Để có thể nắm bắt tốt các cơ hội từ EVFTA, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định điều cần thiết là các Bộ, ngành cũng như doanh nghiệp và người dân trong toàn xã hội phải hiểu rõ nội dung Hiệp định. Do đó, vai trò của truyền thông, báo chí là hết sức quan trọng.

“Hiệp định hết sức quan trọng, nhưng nếu chúng ta không hiểu rõ, không biết cụ thể từng nội dung, lĩnh vực, mặt hàng, thị trường có tác động thế nào, qua đó đưa ra các nhóm giải pháp ,hành động phù hợp, thì thay vì tận dụng được ưu đãi, thuận lợi từ Hiệp định chúng ta lại phải đối mặt với các thách thức, khó khăn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Với mục tiêu tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được Chính phủ giao phó, Bộ Công Thương mong muốn các nhà báo, phóng viên tiếp tục đồng hành cùng Bộ trong công tác truyền thông về cơ chế, chính sách, những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng về EVFTA đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với báo chí để thông điệp về EVFTA được truyền tải rộng rãi, đồng thời triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để tận dụng được tối đa cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn về Hiệp định EVFTA
Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn về Hiệp định EVFTA

Tại sao lại là FTA với EU?

Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, mô hình thương mại của Việt Nam tương đối đặc thù, có nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước láng giềng phục vụ sản xuất, sau đó xuất khẩu sang một số thị trường lớn trên thế giới như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… Trong đó, EU là thị trường lớn, có cơ cấu kinh tế mang tính chất bổ sung với Việt Nam, luôn cần được thúc đẩy quan hệ hợp tác để mở ra cơ hội lớn hơn so với các thị trường cạnh tranh khác.

Năm 2005-2006, khi Việt Nam manh nha đặt viên gạch đầu tiên vào xu thế hội nhập trên thế giới, EU đã có cách nhìn mới hơn với Việt Nam. Với EVFTA, Việt Nam đã có thể đứng vào nhóm những quốc gia đi đầu về hội nhập.

Trước đây, Việt Nam vẫn còn đi sau trong hội nhập khiến rất nhiều doanh nghiệp của ta phải chịu thiệt thòi, khi mà cùng thời điểm WTO được thành lập, hạn ngạch xuất khẩu vào EU đã được phân chia hết đối với nhiều mặt hàng. Sản phẩm Việt Nam dù có tìm được đường xuất khẩu, cũng gặp khó bởi mức thuế áp dụng rất cao.

“Cách duy nhất để Việt Nam “phá” được thế đó, là thay đổi cách đi, tạo nên một “cuộc chơi mới” thông qua các Hiệp định như EVFTA”, ông Lương Hoàng Thái cho biết.

Đặc biệt, với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Chủ động thực thi Hiệp định hiệu quả

Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, việc thực thi EVFTA sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính, bao gồm: Xây dựng văn bản pháp luật; Kế hoạch thực thi Hiệp định; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định.

Trong đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là nội dung quan trọng, mà Bộ Công Thương thời gian qua cũng đã có những bước khởi động từ sớm, bao gồm một số hoạt động như: 

Xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo cá nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế;

Thiết lập các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam trên thị trờng các nước thành viên EU;

Chú trọng truyền thông, quảng bá hình ảnh hưởng thiệu sản phẩm Việt Nam hướng tới thị trường EU;

Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xác tiến thương mại tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại;

Hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp hướng tới tiêu chí xanh;

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức thương mại điện tử, xây dựng app truy xuất nguồn gốc phục vụ các doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu;

Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai C/O.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương giải đáp thắc mắc của phóng viên, nhà báo xoay quanh Hiệp định EVFTA
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương giải đáp thắc mắc của phóng viên, nhà báo xoay quanh Hiệp định EVFTA

Hiện nay, Dự thảo Kế hoạch thực thi EVFTA của Chính phủ đã được xây dựng và đưa vào bộ hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực.

Về phía mình, ngày 20/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ tháng 3/2020 đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Hiện Bộ Công Thương cũng cho biết đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021 - 2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ.

Dự kiến, ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) thì Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.

Theo Bộ Công Thương, cơ hội mà EVFTA mang lại có tính dài hạn hơn là lợi ích trước mắt. Đồng thời, cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không có đối đầu trực tiếp. Do đó, sự cạnh tranh mà EVFTA mang lại sẽ trở thành động lực để kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thy Thảo