Hiệu quả tài chính của các mô hình sản xuất nông nghiệp trên vùng xâm nhập mặn tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang

TRẦN BÌNH KHÁNH (Chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) - BÙI VĂN TRỊNH ( PGS. TS. Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm phân tích mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả tài chính của nông hộ vùng xâm nhập mặn tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Kết quả phân tích cho thấy, mô hình sản xuất thì mô hình Tôm - Lúa có lợi nhuận cao hơn mô hình Tôm - Tôm. Phân tích hồi qui thu được 8 yếu tố là: Tuổi; Học vấn; Quy mô hộ gia đình; Diện tích sản xuất; Tập huấn kỹ thuật; Tham gia đoàn thể; Vốn tín dụng ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính; Mô hình sản xuất có ảnh hưởng cùng chiều đến lợi nhuận của nông hộ.

Từ khóa: Xâm nhập mặn, mô hình sản xuất, hiệu quả tài chính, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

1. Giới thiệu

Huyện Gò Quao, là một huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn là 43.951 ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 38.074,60 ha, giá trị trong sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt 5.811 tỷ đồng; dân số toàn huyện 132.531 người với 34.351 hộ, trong đó 93,02% dân số sống ở khu vực nông thôn. Do đặc điểm tự nhiên của huyện có con sông Cái lớn chạy qua nối liền với biển nên gần 40% diện tích đất nông nghiệp hàng năm bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 4 đến 6 tháng (tháng 1 đến tháng 7 hàng năm); phần diện tích còn lại do ngăn cách bởi Quốc lộ 61 và tiếp giáp sông Hậu chưa bị xâm nhập mặn. Trong thời gian qua, các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tận dụng điều kiện tự nhiên này để phát triển sản xuất, lựa chọn nhiều mô hình sản xuất thích hợp.

Trong đó, những vùng bị xâm nhập mặn thì áp dụng mô hình một vụ lúa xen canh một vụ tôm, hoặc 02 vụ tôm; còn vùng chưa bị xâm nhập thì mô hình 03 vụ lúa hoặc 02 vụ lúa xen 01 vụ màu. Yêu cầu đặt ra là cần có đánh giá cụ thể về hiệu quả tài chính các mô hình sản xuất nông nghiệp tại vùng xâm nhập mặn trên địa bàn huyện, để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Việc nghiên cứu hiệu quả tài chính các mô hình sản xuất trên vùng xâm nhập mặn cũng như các yếu tố tác động đến hiệu quả tài chính của nông hộ giúp đem lại hiệu quả cao nhất cho người nông dân. Trong đó, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn dễ gây tổn thương hơn so với vùng chưa bị xâm nhập mặn. Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu đề tài “Hiệu quả tài chính các mô hình sản xuất nông nghiệp trên vùng xâm nhập mặn tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang”.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Thái Hoàng Ân (2007), đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa và lúa - tôm càng xanh tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang năm 2006-2007. Tác giả đã đưa ra kết quả giữa 2 mô hình lúa 3 vụ và lúa - tôm càng xanh thu nhập/chi phí và lợi nhuận/chi phí không có sự khác biệt về tỷ suất lợi nhuận/thu nhập. Lợi nhuận/thu nhập của mô hình lúa 3 vụ 0,45 cao hơn mô hình lúa tôm càng xanh là 0,17. Tuy nhiên, lợi nhuận thu nhập thấp hơn so với mô hình lúa nhưng tổng thu nhập mô hình này cao hơn rất nhiều mô hình lúa 3 vụ (gấp 4,5 lần) nên lợi nhuận/ha của hộ canh tác lúa tôm cành xanh cao hơn so với lúa 3 vụ. Tổng chi phí đầu tư cho lúa 3 vụ 27,4 triệu đồng/hộ (bao gồm chi phí cơ hội), tổng chi phí mô hình lúa tôm càng xanh là 150 triệu đồng/hộ cao gấp 5,5 lần mô hình lúa 3 vụ.

Nguyễn Mỹ Hoa và cộng sự (2014) nghiên cứu hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác ở vùng xâm nhập mặn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác làm cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp ở tiểu vùng có độ mặn thấp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Mô hình canh tác đậu bắp - lúa - lúa cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Mô hình dưa hấu - lúa - lúa tuy hiệu quả kinh tế thấp hơn, nhưng đây cũng là mô hình mới và rất triển vọng cần được sự hỗ trợ về kỹ thuật để nông dân có nhiều sự lựa chọn. Mô hình canh tác bắp nếp cho hiệu quả kinh tế thấp nhất so với các mô hình khác, nhưng chi phí đầu tư thấp nên ít rủi ro. Các mô hình luân canh lúa - màu giúp tăng năng suất, tăng lợi nhuận hơn so với canh tác 2 hoặc 3 vụ lúa/năm. Việc sử dụng giống mới, bón phân hữu cơ và công thức phân bón hợp lý đã giúp tăng năng suất và tăng lợi nhuận cho nông dân nên cần được quan tâm.

Lê Hồng Việt và cộng sự (2016) đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác hiện tại và các mô hình thực nghiệm trên nền đất nhiễm mặn trồng lúa hai vụ tại tỉnh Hậu Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại khu vực nghiên cứu có 5 mô hình canh tác chính bao gồm 2 vụ lúa, 3 vụ lúa, chuyên khóm, chuyên dưa hấu, chuyên mía; Thời gian xâm nhập mặn tại khu vực nghiên cứu bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Các mô hình thực nghiệm khoai lang - lúa - bắp nếp, lúa - dưa hấu - lúa, lúa - lúa - cá, bắp nếp - lúa - bắp nếp, đậu xanh - lúa - dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình đối chứng (lúa - lúa), tỷ suất lợi nhuận biên của các mô hình thực nghiệm dao động trong khoảng từ 1,6 - đến 4,5 lần và thích hợp trong điều kiện xâm nhập mặn.

Nguyễn Thanh Long (2016) phân tích hiệu quả tài chính của mô hình nuôi tôm sú thâm canh ở tỉnh Cà Mau. Kết quả khảo sát cho thấy, diện tích ao nuôi trung bình 0,27 ha/ao, tổng lượng thức ăn viên sử dụng trung bình là 6.656±2.302 kg/ha. Tôm được nuôi với mật độ trung bình là 27,9±4,85 con/m2 và phần lớn con giống thả nuôi có nguồn gốc từ miền Trung. Năng suất tôm và lợi nhuận trung bình của mô hình nuôi thâm canh tôm sú lần lượt là 5.246±1.401 kg/ha/vụ và 551±342 triệu đồng/ha/vụ. Nghề nuôi tôm sú thâm canh hiện đang còn gặp nhiều khó khăn như thời gian nuôi lâu, sự tăng lên về giá thức ăn, dịch bệnh và giá thuốc cao.

Huỳnh Kim Hường và cộng sự (2016) phân tích khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả tài chính của mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa luân canh với tôm sú ở vùng nước lợ tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy, trung bình diện tích nuôi của các hộ là 2,2 ha, mương bao chiếm 29,1%. Vùng nuôi tôm có độ mặn dao động trong năm khoảng 2 - 10‰. Mật độ thả tôm trung bình của các hộ là 1,1 con/m2 và có 50% số hộ cho tôm ăn bổ sung bằng các phụ phẩm hay cá tạp. Sau 6-8 tháng nuôi, trung bình năng suất tôm đạt 110 kg/ha/vụ và lợi nhuận đạt 11,5 triệu đồng/ha/vụ. Chi phí nuôi tôm càng xanh chỉ chiếm 11,8 % tổng chi phí sản xuất, nhưng đạt đến 22,7 % tổng lợi nhuận của cả mô hình tôm càng xanh - lúa và luân canh với tôm sú. Ngoài ra, nghiên cứu đã xác định các yếu tố như thời gian nuôi ngắn (6 tháng), ương giống trước khi thả, cho ăn bổ sung và thu tỉa đã làm tăng hiệu quả của mô hình nuôi. Độ mặn 2-10‰ không ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi, nhưng độ mặn 5-10‰ cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Kết quả cho thấy, mô hình này rất triển vọng để mở rộng phát triển.

Nguyễn Thùy Trang và cộng sự (2018) phân tích hiệu quả kinh tế mô hình lúa - tôm tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Luân canh lúa - tôm được xem là mô hình có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng gần đây một số nông hộ đã chuyển sang mô hình chuyên tôm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Do vậy, nghiên cứu thực hiện ước lượng hiệu quả kinh tế và tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho 70 nông hộ lúa - tôm tại huyện An Biên, Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù chi phí nuôi tôm chiếm tỷ trọng 47,87%, thấp hơn chi phí trồng lúa 53,13% nhưng lợi nhuận từ tôm cao hơn 4,25 lần so với lúa. Hiệu quả kinh tế trung bình là 52,1 %, cho thấy nông hộ có thể giảm 47,9% chi phí mà không làm giảm đầu ra. Nghiên cứu cũng cho thấy, trình độ học vấn và tập huấn ảnh hưởng thuận trong khi khoảng cách từ đất canh tác đến đường giao thông ảnh hưởng nghịch đến hiệu quả kinh tế.

Xuất phát từ cơ sở lý thuyết nêu trên, tác giả hình thành mô hình nghiên cứu bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông hộ như Hình 1.

Một số giả thuyết đưa ra là:

Giả thuyết X1: Tuổi của chủ hộ có ảnh hưởng cùng chiều (+) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X2: Học vấn của chủ hộ có ảnh hưởng cùng chiều (+) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X3: Giới tính của chủ hộ có ảnh hưởng cùng chiều (+) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X4: Dân tộc của chủ hộ có ảnh hưởng cùng chiều (+) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X5: Quy mô hộ có ảnh hưởng cùng chiều hoặc không cùng chiều (+/-)  đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X6: Diện tích canh tác của chủ hộ có ảnh hưởng cùng chiều hoặc không cùng chiều (+/-) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X7: Tham gia đoàn thể của chủ hộ có ảnh hưởng cùng chiều (+) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X8: Tập huấn kỹ thuật có ảnh hưởng cùng chiều (+) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X9: Tín dụng chính thức có ảnh hưởng cùng chiều (+) đến lợi nhuận của nông hộ.

Giả thuyết X10: Mô hình canh tác có ảnh hưởng cùng chiều hoặc không cùng chiều (+/-) đến lợi nhuận của nông hộ.

Phương pháp nghiên cứu

Để có dữ liệu nghiên cứu nhóm tác giả đã khảo sát 180 hộ tại 02 xã Thủy Liễu, Thới Quản trên vùng xâm nhập mặn, canh tác theo mô hình “Tôm - Lúa” và “Tôm - Tôm”. Như vậy, tại mỗi xã thuộc vùng xâm nhập mặn, khảo sát 45 hộ thuộc mô hình “Tôm - Lúa” và 45 hộ thuộc mô hình “Tôm - Tôm”. Thời gian khảo sát trong niên vụ sản xuất năm 2019. Số mẫu hợp lệ được tiến hành xử lý và phân tích với phầm mềm SPPS.

3. Phân tích và thảo luận kết quả

3.1. Kiểm định T-test

Kết quả Kiểm định Independent - samples T-test với giả thuyết H0: Trung bình sự hài lòng của 2 nhóm như nhau. Kết quả kiểm định T-test cho trường hợp 2 phương sai không bằng nhau (Bảng 1) là 0,00 < 0,05, nghĩa là có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về lợi nhuận của 2 mô hình.

3.2. Phân tích phương sai (ANOVA)

Kết quả cho thấy (Bảng 2), giá trị kiểm định F là 31.351 với mức ý nghĩa 0,000 < 0,05, điều này một lần nữa khẳng định có sự khác biệt về lợi nhuận giữa 2 mô hình sản xuất Tôm - Lúa và Tôm - Tôm.

3.3. Phân tích tương quan

Kết quả phân tích tương quan giữa các biến trong mô hình được thể hiện qua Bảng 3.

Kết quả phân tích ở Bảng 3 cho thấy, ở hàng thứ nhất có hệ số Pearson của biến phụ thuộc lợi nhuận (Y) với các biến độc lập dao động từ 0,18 đến 0,45 có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5%. Điều này chứng tỏ, các biến độc lập đều có quan hệ cùng chiều với biến phụ thuộc lợi nhuận (Y), trong đó biến tập huấn kỹ thuật (X8) được xem là có tương quan mạnh nhất đối với lợi nhuận. Tuy nhiên, biến giới tính (X3) và dân tộc (X4) chưa tìm thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê đối với lợi nhuận (Y). Điều này sẽ được kiểm chứng ở kết quả ước lượng hồi quy.

3.4. Kết quả phân tích hồi quy bội

Kết quả (Bảng 4) cho thấy, các biến Tuổi (X1), học vấn (X2), qui mô hộ (X5), diện tích (X6), tham gia đoàn thể (X7), tập huấn kỹ thuật (X8), vay vốn tín dụng (X9) và mô hình sản xuất (X10) ảnh hưởng cùng chiều với lợi nhuận (Y) có ý nghĩa thống kê. Biến giới tính (X3), dân tộc (X4) chưa tìm thấy ảnh hưởng đối với lợi nhuận (Y).

3.5. Kết quả hồi quy sử dụng phương pháp Enter của mô hình

Kết quả Bảng 5 cho thấy, hệ số xác định R2 là 0,629 và hệ số xác định R2 điều chỉnh là 0,360. Điều này cho thấy độ thích hợp của mô hình là 36,0% hay 36,0% chính là độ biến thiên của lợi nhuận (Y) được giải thích bởi các biến độc lập trong mô hình.

Kết quả Bảng 6, trị số thống kê F được tính từ giá trị R2 có giá trị có mức ý nghĩa rất nhỏ 0,000, điều này chứng tỏ sự thích hợp của mô hình hồi qui tuyến tính với tập dữ liệu phân tích.

4. Kết luận và hàm ý chính sách

4.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả tài chính của mô hình Tôm - Lúa có lợi nhuận cao hơn mô hình Tôm - Tôm và có 8 yếu tố ảnh hưởng cùng chiều đến lợi nhuận của nông hộ gồm: Tuổi; Học vấn; Quy mô hộ gia đình; Diện tích sản xuất; Tập huấn kỹ thuật; Tham gia đoàn thể; Vay vốn tín dụng; Mô hình sản xuất.

4.2. Một số đề xuất

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích; ổn định phát triển sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn trong thời gian tới trên địa bàn huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang như sau:

Về lựa chọn mô hình canh tác: Cần quy hoạch lại sản xuất phù hợp, trong đó chú trọng phân chia lại vùng sản xuất phù hợp gắn với đầu tư kế cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chăn nuôi thủy sản, đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ, mô hình nuôi tôm luân canh trồng lúa; ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp gia tăng năng suất; ngành Nông nghiệp cần quan tâm đến lịch thời vụ phù hợp với từng địa phương, đặc biệt để kiểm soát quan trắc môi trường nước đầu nguồn vùng nuôi, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng trừ dịch bệnh.

Về hỗ trợ kỹ thuật cho nông hộ: Tuyên truyền phổ biến cho bà con về tính hiệu quả của việc áp dụng mô hình. Nâng cao kỹ thuật canh tác của các nông hộ, tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân về các biện pháp canh tác mới, khoa học kỹ thuật tiến bộ; tập huấn cho nông dân áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, tuyên truyền về chất lượng, an toàn vệ sinh thú ý thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp trong tất cả các lĩnh vực hoạt động; có chế độ thu hút và đãi ngộ nhân tài tìm để tạo ra một đội ngũ lao động có tri thức cần cù, sáng tạo, nghiêm chỉnh tác phong làm việc.

Về tiếp cận vốn tín dụng chính thức: Ngành Ngân hàng phải phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng cần thực hiện tốt việc cho nông dân và hợp tác xã vay vốn không cần thế chấp tài sản, tăng hạn mức cho vay đáp ứng yêu cầu sản xuất và chăn nuôi; các ngân hàng cần chủ động tìm kiếm khách hàng, công khai các sản phẩm tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng, mở rộng tín dụng có hiệu quả.

Trong đó, quan tâm tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, ưu tiên, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay đang gặp khó khăn; đối với các hộ nông dân nghèo, sản xuất nhỏ lẻ thì tiếp cận vốn vay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nên các nông hộ này cần liên kết lại với nhau thành một tổ hợp tác hoặc vào hợp tác xã tại địa phương để được hỗ trợ vốn vay. Nhờ uy tín của các tổ chức này sẽ đứng ra vay vốn và phân bổ lại cho các hộ có điều kiện mở rộng sản xuất.

Về nâng cao trình độ dân trí: Tăng cường hơn nữa những chương trình khuyến nông tầm cao, ngoài hiểu biết về kỹ thuật cần tổ chức rộng rãi và sâu sát các lớp học về pháp luật và đào tạo hướng nghiệp cho người nuôi thủy sản, người trồng lúa, tạo điều kiện cho người nông dân sản xuất và bảo vệ phát triển môi trường; tuyên truyền cho người dân cần thay đổi quan niệm trong sản xuất, từ bỏ những quan điểm sản xuất lạc hậu, không hiệu quả, tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức do ngành Nông nghiệp tổ chức, tăng cường học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật. Áp dụng các phương pháp này vào hoạt động sản xuất của mình, trên cơ sở đó trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đoàn kết, tự giác, có trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, giữ sạch môi trường và nguồn nước.

Về mở rộng diện tích canh tác: Cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích nông hộ tổ chức lại sản xuất nguyên liệu (tôm, lúa, rau màu) theo hướng cánh đồng lớn, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, gắn doanh nghiệp xuất khẩu với vùng nguyên liệu; có kế hoạch cụ thể, trình cấp thẩm quyền quy hoạch từng vùng sản xuất theo thế mạnh của mình, hỗ trợ nông dân tìm và ký hợp đồng bao tiêu để sản phẩm có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có chính sách cho phép thí điểm thực hiện dồn điền đổi thửa, tích lũy ruộng đất để tăng quy mô sản xuất. Đối với các nông hộ nhỏ lẻ, diện tích canh tác ít nên tập trung lại tham gia vào các mô hình hợp tác để cùng thống nhất sản xuất theo một mô hình canh tác nhất định. Xây dựng lịch thời vụ sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, sát hợp thực tế từng vùng, tiểu vùng và vận động, khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro trong canh tác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Phi Hổ (2012), Phương pháp nghiên cứu định lượng và những nghiên cứu thực tiễn trong kinh tế phát triển - nông nghiệp. NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
  2. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
  3. Haviland. W.A. (2003). Anthropology. Wadsworth: Belmont.
  4. Nguyễn Mỹ Hoa, Đỗ Bá Tân, Nguyễn Tấn Sang và Võ Thị Gương (2014), Hiệu quả kinh tế các mô hình canh tác cây trồng ở vùng xâm nhập mặn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số chuyên đề: Nông nghiệp (2014) (3): 31-37.
  5. Nguyễn Quốc Nghi và Bùi Văn Trịnh (2011), Yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người dân tộc thiểu số ở ĐBSCL. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 18a, trang 240-250, 2011.
  6. Lê Hồng Việt, Châu Minh Khôi, Đỗ Bá Tân và Trần Huỳnh Khanh (2016), Phân tích hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác thích ứng điều kiện xâm nhập mặn tại tỉnh Hậu Giang, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số chuyên đề: Nông nghiệp (2016) (4): 22-28.

 The financial efficiency of farming models which are applied in zones affected by saltwater instruction in Go Quao District, Kien Giang Province

Tran Binh Khanh

Officer, Office of People's Council, People's Committee of Go Quao District,

Kien Giang Province

Assoc.Prof.Ph.D Bui Van Trinh

Can Tho University

 ABSTRACT:

The study analyzes the impact of different factors on the financial situation of farmers living in zones affected by saltwater instruction in Go Quao District, Kien Giang Province. This study’s analysis shows that the Shrimp – Rice farming model yields a higher profit than that of the Shrimp – Shrimp farming model. This study’s regression analysis points out that there are 08 factors including Age; Education; Size of Household; Farming area; Technical training; Association joining and Credit affecting the financial situation of farmers and the Production model factor has a positive correlation with the profitability of farmers.

Keywords: Saltwater intrusion, production model, financial efficiency, Go Quao District, Kien Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]