Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. NGUYỄN THU HÀ (Khoa Đại cương, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết trình bày khái niệm và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, bài viết cũng trình bày thực tiễn thi hành pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh để phân tích một số yếu tố tác động trực tiếp quá trình hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó, bài viết hàm ý một số giải pháp về nâng cao pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong xu thế kinh tế hội nhập.

Từ khóa: Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, pháp luật Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Hồ Chí Minh là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hàng năm đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, Thành phố còn được biết đến là “cái nôi” của khởi nghiệp (startup). Trong số khoảng 1.800 startup đang hoạt động trên cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 834 startup (chiếm 42%). Theo báo cáo kết quả khảo sát về chỉ số khởi nghiệp Thành phố năm 2017, tỷ lệ khởi nghiệp trong doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cao hơn so với mức trung bình của cả nước và đang có xu hướng tăng lên từ mức 2,5% năm 2015 lên 2,7% năm 2017 (so với mức 0,6% của cả nước năm 2017).

Pháp lý luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi bắt đầu khởi nghiệp, một số vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp thường gặp phải như sau:

- Trước thành lập doanh nghiệp: Phát triển ý tưởng thành mô hình kinh doanh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, quản trị nguồn nhân lực startup như các thỏa thuận nên có giữa các đồng sáng lập để quản trị rủi ro, hạn chế mâu thuẫn nội bộ.

- Thành lập doanh nghiệp: Các thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp, các thủ tục liên quan cần thực hiện để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động.

- Sau thành lập doanh nghiệp: Kênh tiếp cận các nguồn vốn, các nội dung cần chuẩn bị trước khi đàm phán với nhà đầu tư, cơ cấu vốn - cổ phần và quyền kiểm soát, rà soát, quản trị rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, cơ cấu tổ chức quản lý đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, thực hiện Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp hợp đồng.

Trên cơ sở đó, bài viết tập trung phân tích 3 nội dung chính, gồm: Khái niệm và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Phân tích thực tiễn thi hành pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh; Hàm ý một số giải pháp về nâng cao pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới.

2. Khái niệm và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

2.1. Khái niệm

Thuật ngữ “Doanh nghiệp khởi nghiệp” - startup có 2 ý nghĩa, nếu là tính từ thì startup phản ánh một trạng thái bắt đầu của một công việc kinh doanh hoặc một dự án, nếu là danh từ thì startup có nghĩa là một doanh nghiệp được thành lập để thực hiện các ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đây là các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh.

Tại Việt Nam, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, doanh nghiệp khởi nghiệp - startup là quá trình khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với tính chất là các quy định, cơ chế, chính sách và cách thức can thiệp từ góc độ Nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây chính là tổng thể các biện pháp về thể chế pháp luật, tài chính và phi tài chính nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, nghiên cứu, phát triển ý tưởng, sản phẩm, tham gia thị trường và phát triển thị trường, trở thành những doanh nghiệp thực thụ, mang lại doanh thu cho chủ sở hữu và các nhà đầu tư.

2.2. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp theo quy mô: Điều kiện pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước thông qua các hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ về thuế, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ gián tiếp thông qua các chính sách hỗ trợ về vốn là hết sức quan trọng và phải dành cho đúng đối tượng, tránh dàn trải và thiếu hiệu quả.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về vốn: Cần tập trung vào việc xây dựng các hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư thiên thần, các nhà đầu tư mạo hiểm nhằm khuyến khích việc tham gia đầu tư vốn trong và ngoài nước, thông qua việc góp vốn vào các quỹ đầu tư, rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, hoặc mua lại tỉ lệ sở hữu doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về tiếp cận nguồn tín dụng: Các ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn từ các tổ chức tín dụng thông qua ngân hàng chính sách xã hội, các Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đáp ứng điều kiện là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc đáp ứng được các tiêu chí đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo chính sách của Nhà nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về ưu đãi thuế: Sử dụng thuế suất tiêu chuẩn thấp; thuế suất ưu đãi; miễn toàn bộ hoặc một phần thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhóm lợi nhuận mục tiêu; chiết khấu đầu tư và tín dụng thuế; thực hiện chính sách khấu hao nhanh tài sản cố định; khấu trừ thuế; ưu đãi thuế gián tiếp; miễn giảm thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng; cơ chế kích hoạt tài chính; giảm gánh nặng lỗ cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về các vấn đề khác gồm cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, sở hữu trí tuệ thông qua việc hỗ trợ phát triển hệ thống vườn ươm công nghệ, các khu làm việc, nghiên cứu chung. Tổ chức các khóa đào tạo nhằm tạo điều kiện ban đầu để các doanh nghiệp khởi nghiệp có đủ phương tiện, thiết bị, hạ tầng để thực hiện dự án kinh doanh của mình với chi phí hợp lý nhất.

3. Thực tiễn thi hành pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Theo Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, các chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp của thành phố trong thời gian qua, nhất là 2 Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 và Quy chế Phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Thành phố ưu tiên hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp mang tính đột phá, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao,giải quyết các vấn đề xã hội hướng tới phát triển bền vững.

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách, thông tin pháp lý và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng khác nhau. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, như pháp luật về đầu tư, bảo hiểm xã hội, lao động, thuế…

Ngoài ra, nhằm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Thành phố cũng tiến hành rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này và đăng công khai lên các phương tiện đại chúng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Xây dựng và ban hành Hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân ban hành theo thẩm quyền liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - thương mại, thông tin - truyền thông và xây dựng.

- Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp khởi nghiệp: Tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, như: Pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội, pháp luật về thuế, kế toán, pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, các quy định mới của Bộ Luật dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2015, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng,...

- Hỗ trợ công tác tư vấn pháp luật: Giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp, điện thoại, các doanh nghiệp đã được tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.

- Tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp luật cho doanh nghiệp khởi nghiệp: Tập trung chủ yếu vào việc góp ý xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Luật, các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi, áp dụng các quy quy định pháp luật, như: Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,... Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp đã được kịp thời tiếp cận thông tin, cập nhật các chính sách, văn bản, các vấn đề pháp lý mang tính thời sự, kiến thức pháp luật kinh doanh, đồng thời được trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các nhà quản lý, chuyên gia, góp phần phòng tránh rủi ro pháp lý, hoạch định các chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, hoạt động này cũng đã thiết lập được diễn đàn trao đổi đa chiều, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, qua đó, có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chính sách, khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam.

4. Hàm ý một số giải pháp

 Dựa trên các vấn đề phân tích, để gia tăng hiệu quả hỗ trợ pháp luật doanh nghiệp khởi nghiệp, bài viết hàm ý một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về chính sách, môi trường pháp lý. Hoàn thiện việc xây dựng pháp luật về chính sách, môi trường pháp lý về chiến lược khởi nghiệp quốc gia tùy vào thế mạnh riêng để tập trung vào lĩnh vực ưu tiên phù hợp, cải thiện môi trường kinh doanh về chính sách, môi trường pháp lý trong chiến lược khởi nghiệp quốc gia, từ đó giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong hội nhập kinh tế trước những cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Tăng cường vai trò của Nhà nước trong xây dựng quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp lớn và các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cơ sở các cam kết của Chính phủ về việc minh bạch hóa, công bằng hóa thông tin về sự phát triển kinh tế của các doanh nghiệp này.

Hai là, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về tăng cường hỗ trợ chính sách tài chính. Đây là nhóm biện pháp thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn lớn ban đầu là thiếu nguồn vốn. Nếu muốn tập trung phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời, qua đó thu hút khối tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Ba là, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về tăng cường đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ kinh doanh, cần có các giải pháp cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua được các khó khăn ban đầu về kinh doanh do thiếu các kiến thức cần thiết về kinh tế, quảng bá và kết nối mạng lưới. Ở một góc độ nhất định, các biện pháp này cũng góp phần hỗ trợ chSo doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua các khó khăn về vốn thông qua việc giảm bớt các chi phí về quản lý, thuê dịch vụ.

Bốn là, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hỗ trợ tạo dựng cơ sở hạ tầng. Chính sách hợp lý khi xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp, trong đó hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa và áp dụng mức phí ưu đãi trong khai thác cơ sở hạ tầng như diện tích, không gian sẵn có tại các địa điểm. Điều này nhằm thuận lợi cho cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ưu tiên khu vực gần các trường đại học, tổ chức kinh tế, tài chính; hỗ trợ kinh phí lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ internet miễn phí trong khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm là, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về tăng cường truyền thông tạo động lực, cảm hứng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động mang tính chất truyền thông rộng rãi, qua đó tạo cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, xây dựng nhận thức, văn hóa tích cực của xã hội đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, lựa chọn các startup mục tiêu để tập trung hỗ trợ hiệu quả.

Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp qua đào tạo các kỹ năng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp thường bị hạn chế. Qua đó, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc khởi nghiệp sáng tạo nhằm mục tiêu tạo dựng tinh thần khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo trong trường học.Các trường đại học cần có nhiều chương trình học và làm thiết thực, cung cấp kiến thức và truyền cảm hứng làm chủ sự nghiệp, làm chủ bản thân cho sinh viên. Phát triển khởi nghiệp trong trường đại học, cần tạo diễn đàn chung cho sinh viên các ngành khác nhau đến giao lưu, gặp gỡ, trao đổi ý tưởng. Vai trò cốt lõi của đại học là tạo ra hạt giống và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp.

5. Kết luận

Doanh nghiệp khởi nghiệp là đại diện cho mô hình kinh doanh mới, là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng năng suất trong xã hội dựa trên tri thức và công nghệ. Đó là hình thức phù hợp nhất để thực hiện các phát minh, sáng kiến và đó là cơ chế tốt nhất để thương mại hóa các công nghệ mới, đưa các thành tựu khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới và sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sáng tạo.

Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được các quốc gia trên thế giới dành sự quan tâm đặc biệt nhằm xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh và đủ sức hỗ trợ để doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung trở thành nền tảng của nền kinh tế, động lực thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và khẳng định vị thế của mỗi quốc gia trên bản đồ thế giới.

Hiện nay, môi trường khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh còn quá trẻ so với nhiều thành phố khác trên thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Thành phố cần quan tâm đến các chính sách đẩy mạnh giáo dục, như: Tài trợ các chương trình đào tạo khởi nghiệp, đào tạo miễn phí trong ngành lên kế hoạch kinh doanh, đào tạo sau đại học về khởi nghiệp.

Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ cao, Nhà nước cần nâng cao cơ sở hạ tầng trực tuyến và trực tiếp như tạo ra các cơ chế để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng nền tảng cho việc tìm kiếm đối tác, nền tảng giao kết và các sự kiện, xây dựng cổng thông tin thực tế, rõ ràng trong việc tiếp cận và minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu của bên yêu cầu, tạo lập các vườn ươm doanh nghiệp có chất lượng, đầu tư các khu công nghệ cao, không gian công cộng cho mạng lưới liên kết và làm việc nhóm; cần tăng cường trao đổi kiến thức và chia sẻ bằng cách tăng cường hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và khởi nghiệp, viện nghiên cứu và khu công nghiệp, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong môi trường kinh doanh, chia sẻ và hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài.

Với hoạt động ngày càng mạnh mẽ, sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp đã có tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Luận văn đã khái quát nội dung cơ bản của doanh nghiệp khởi nghiệp như khái niệm, đặc điểm, vai trò và sự khác biệt giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này.

Khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải đương đầu với sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần được hỗ trợ tích cực hơn nữa từ Nhà nước, đặc biệt trong việc giảm thiểu rủi ro, tạo môi trường kinh doanh thực sự mở, bình đẳng, thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, tạo động lực cho sự phát triển, sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2017) Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, ban hành ngày 24/10/2017, Hà Nội.
  2. Chính phủ (2018) Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 08/03/2018, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2018) Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 11/03/2018, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2017) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2017 của nước CHXHCN Việt Nam, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2017) Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành ngày 24/11/2017, Hà Nội.

LAW ON SUPPORTING STARTUPS IN PRACTICE IN HO CHI MINH CITY

Master. Nguyen Thu Ha

Foundation Studies Faculty, Ho Chi Minh Cadre Academy

ABSTRACT:

This paper presents the concepts of policies on supporting startups. This paper also presents the practical implementation of the Law on supporting startups in Ho Chi Minh City to analyze factors directly affecting the operation of startups. Based on the analyses, this paper proposes a number of solutions to improve the efficiency of the Law on supporting startips in the context of the country’s economic integration process.

Keywords: Startup, small and medium-sized business, Vietnam’s law, supporting enterprises.