Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng

Thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động trải nghiệm, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam tại Chương trình Tự hào hàng Việt Nam ngày 25/7/2020
Hoạt động trải nghiệm, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam tại Chương trình Tự hào hàng Việt Nam ngày 25/7/2020

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước dưới hình thức phù hợp như khuyến mại, giảm giá bán, tín dụng tiêu dùng, các biện pháp khác hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thương mại, tiểu thương… tổ chức tốt việc đưa hàng hóa, dịch vụ đến các khu dân cư, khu công nghiệp, các địa bàn nông thôn, miền núi…, tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên cả nước.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Trong đó chỉ đạo điều hình cần đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và có chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững.

Đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…

Kích cầu tiêu dùng
Các tình nguyện viên hỗ trợ cho tại Chương trình Tự hào hàng Việt Nam năm 2020

 

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình cụ thể phát triển thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao;

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, có các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về huy động vốn, tín dụng, tài chính – ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí, thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, thuế, hải quan… gắn với các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu để tạo thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thực hiện các chương trình này.

Đức Phổ