đổi mới sáng tạo
Các doanh nghiệp của Việt Nam đổi mới sáng tạo chưa nhiều

 

Cụ thể, trong số hơn 90% doanh nghiệp sử dụng máy móc, có hơn 82% do người điều khiển và khoảng 9,3-10,5% là máy móc do máy tính điều khiển.

Mức độ doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động R&D còn khiêm tốn: 5,77% doanh nghiệp và 7,04% doanh nghiệp quy mô lớn có hoạt động R&D.

Hoạt động R&D tại doanh nghiệp phần lớn hướng tới một mục đích cụ thể phục vụ cho hoạt động đổi mới của nội bộ doanh nghiệp.

Điểm sáng là phần lớn hoạt động R&D dựa trên tự nghiên cứu hoặc kết hợp với việc thuê ngoài, tuy nhiên, việc hợp tác nghiên cứu còn rất thấp, mới chỉ có 0,91% doanh nghiệp hợp tác với một cơ sở nghiên cứu, trường đại học hay doanh nghiệp khá để thực hiện hoạt động R&D.

Hoạt động đổi mới sáng tạo, mặc dù đã có những cải thiện, tuy nhiên, thứ hạng của Việt Nam thấp hơn với hầu hết các quốc gia so sánh (ngoại trừ In-đô-nê-xia và Thái Lan) trong hầu hết các đầu vào về đổi mới sáng tạo.

Các doanh nghiệp của Việt Nam đổi mới sáng tạo chưa nhiều so với trình độ phát triển của quốc gia, nhất là trong đổi mới sáng tạo về sản phẩm hoặc quy trình.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đặt những ưu tiên trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó ưu tiên:

Tiếp tục thực hiện rà soát, hoàn thiện pháp luật về thương mại, đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng…

Thực hiện rà soát đánh giá, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển ngành Công Thương phù hợp những thay đổi và yêu cầu của cuộc CMCN4.0;

Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp nhanh chóng triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển mới.

Đồng thời, xây dựng và triển khai chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, tập trung vào nâng cấp hạ tầng thương mại, hạ tầng logistic, hạ tầng năng lượng phục vụ phát triển ngành đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc CMCN4.0.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp 4.0, bao gồm:

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh, tập trung vào xây dựng mô hình chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến 4.0; mỗi lĩnh vực cần có ví dụ điển hình, trên cơ sở đó phát triển và nhân rộng;

Tăng cường năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương; đồng thời mở rộng sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn ngoài Bộ, hình thàng mạng lưới tổ chức hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số: (i) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực tư vấn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; (ii) Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của công nghiệp 4.0 vào trong các ngành sản xuất công nghiệp.

Cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0, bao gồm:

Nhanh chóng hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ triển khai các Chương trình, Đề án của Bộ về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển các mô hình đào tạo phù hợp, thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN4.0;

Thực hiện việc rà soát, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển;

Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học; Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.