Hỗ trợ phát triển kinh tế trong cộng đồng tôn giáo người Chăm

Thời gian tới, Ninh Thuận chú trọng đến nông nghiệp công nghệ cao, phát triển vùng nguyên liệu trái cây đặc sản, các nghề thủ công truyền thống phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương nhằm giúp đồng bào Chăm, nhất là cộng đồng tôn giáo Islam, Bàni, Bàlamôn… có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập.

tho cam

Đồng bào Chăm Ninh Thuận chiếm 12% vơi gần 85 nghìn người, tập trung cư trú tại 13 xã, thị trấn thuộc 5 huyện và 1 thành phố, trong đó có 2 xã đặc biệt khó khăn. Theo số liệu của UBND tỉnh Ninh Thuận, đồng bào Chăm có 3,98% hộ nghèo, 8,61% họ cận nghèo. Về tôn giáo, có 4.386 người Islam, 27.122 người Bàni, 53.282 người theo Bàlamôn.

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào Chăm, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách, tập trung các nguồn lực trung ương và địa phương, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, năng suất và và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi đều tăng, quy mô sản xuất được mở rộng, hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung, duy trì diện tích sản xuất lúa 3 vụ mỗi năm. Đặc biệt, đã tổ chức thành công mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa với 260 ha tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, năng suất bình quân 68 tạ/ha, tăng 3 tạ so với sản xuất lúa truyền thống.

Cùng với nghề nông, tỉnh đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhờ sự hỗ trợ về vay vốn đầu tư, đào tạo, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, quy hoạch diện tích phát triển các vùng nguyên liệu phù hợp để cung cấp nguyên liệu cho làng nghề; bố trí cho cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được ưu tiên thuê đất phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất… nên nhiều làng nghề của đồng bào Chăm có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Nghề dệt thổ cẩm ở làng nghề Mỹ Nghiệp

Điển hình là Làng gốm Bàu Trúc, đang trở thành một trong những địa điểm du lịch ở Ninh Thuận hấp dẫn, nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tuyệt đẹp và kỹ thuật nung nấu đặc biệt, đỉnh cao, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm và cũng là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Làng gốm Chăm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm.

Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Ngay giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,… Sự hấp dẫn của nghề làm gốm ở Bàu Trúc đó chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Chương trình  bảo tồn giúp cho sản phẩm gốm Bàu Trúc hiện không chỉ là một mặt hàng truyền thống mà còn vươn ra các thị trường quốc tế. Hiện nay, gốm Chăm Bàu Trúc được trưng bày tại California, Texas và Arizona thu hút đông đảo khách đến tham quan, tìm hiểu và mua hàng.

Sức sống của làng nghề này còn thể hiện ở chỗ tạo ra dòng người du lịch từ trong và ngoài nước, với các tour tham quan các nghệ nhân nắn, tạo hình gốm với những đôi bàn tay tài hoa, điêu luyện cùng những thao tác kỹ thuật vô cùng đẹp mắt. Ngoài ra, du khách cũng được trải nghiệm tự tay làm cho mình những chiếc bình hay cốc gốm, vẽ hoa văn và nung lửa như một nghệ nhân gốm thực sự.  Những sản phẩm gốm đáng yêu do chính tay mình làm chính là đặc sản Bàu Trúc làm quà ý nghĩa nhất cho người thân và bạn bè.

Có thể kể thêm về Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, hiện vẫn giữ được các nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Cách dệt thổ cẩm ở đây vẫn làm hoàn toàn bằng thủ công, không có dấu hiệu của máy móc. Chỉ khi đến giai đoạn thành phẩm mới sử dụng máy may để lên khung hình cho sản phẩm được bền, đẹp và chắc chắn phù hợp với mục đích sử dụng.

Giống như Làng gốm Chăm Bàu Trúc, làng dệt ở đây không chỉ bán sản phẩm truyền thống mà còn thu hút đông đảo du khách, cả hai đều là nguồn thu nhập quan trọng đối với đồng bào Chăm. Đến nơi đây, du khách sẽ chứng kiến tận mắt cách dệt sản phẩm thổ cẩm hết sức công phu và độc đáo. Đặc biệt, biết được cách phân biệt giữa hàng thổ cẩm dệt thủ công & dệt máy khác nhau như thế nào.

Mặc dù có bước phát triển trên nhiều mặt, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm tuy có chuyển biến tích cực, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; thu hút đầu tư vào nong nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; dịch vụ thương mại và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống phát triển chưa đồng đều.

Ngoài các làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ, hay các làng nghề có sản phẩm nông nghiệp đặc thù như rượu vang nho, mật nho, táo sấy tại các xã Phước Thuận, Phước Hậu thuộc huyện Ninh Phước có khả năng cộng hưởng thu nhập giữa bán sản phẩm và thu hút khách du lịch, còn phần đông các làng nghề chưa có sản phẩm mũi nhọn, chưa thu hút nhiều khách du lịch, chưa giải quyết được nhiều lao động; đời sống của một bộ phận người Chăm còn khó khăn.

Du khách tham quan làng nghề Gốm Bàu Trúc
Du khách tham quan làng nghề Gốm Bàu Trúc

 

Do đó, để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm theo Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Chăm.

Trong đó, chú trọng hơn nữa và thực hiện thường xuyên việc đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động ở nông thôn, đổi mới chương trình đào tạo nghề phù hợp với ngành nghề và lứa tuổi lao động nhằm để người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tại địa phương.

Đặc biệt, cần chú trọng đến nông nghiệp công nghệ cao, phát triển vùng nguyên liệu trái cây đặc sản, các nghề thủ công truyền thống phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương nhằm giúp đồng bào Chăm, nhất là cộng đồng tôn giáo Islam, Bàni, Bàlamôn… có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Nhóm tác giả