Tổng thống Donald Trump ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc
 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước vào ngày 15/1/2020 (Ảnh: AP)

Hãng tin CNN cho biết chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang xây dựng kế hoạch dài hạn để trừng phạt Trung Quốc trên nhiều phương diện với cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Điều này sẽ khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên xấu đi và khiến thị trường lo ngại căng thẳng trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia sẽ gia tăng trở lại.

Trong thời gian gần đây, Tổng thống Donald Trump đã liên tục cáo buộc Trung Quốc đã che dấu thông tin về đại dịch Covid-19 khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác không nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ hiện tin rằng Trung Quốc cố ý che dấu quy mô dịch bệnh trong giai đoạn đầu để có thể tích trữ đủ lượng vật tư y tế cần thiết.

Hãng tin CNN dẫn lời các nguồn tin trong bộ máy chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết kế hoạch trừng phạt Trung Quốc sẽ bao gồm nhiều công cụ khác nhau bao gồm các chính sách thương mại mới và huỷ bỏ nghĩa vụ nợ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Trong ngày 30/4, Tổng thống Donald Trump đã đề cập đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc với cáo buộc Trung Quốc không muốn ông tái đắc cử vì Hoa Kỳ đang “kiếm được nhiều tỷ USD” nhờ thoả thuận thương mại với Trung Quốc.

Ông Donald Trump ngụ ý đến thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết hồi tháng 1/2020. Theo thoả thuận này, Trung Quốc sẽ phải mua thêm lượng hàng hoá trị giá 200 tỷ USD từ Hoa Kỳ trong hai năm tới; bao gồm 50 tỷ USD sản phẩm nông sản, 75 tỷ USD sản phẩm chế tạo và 50 tỷ USD sản phẩm năng lượng. Đổi lại, Hoa Kỳ cam kết sẽ không áp thêm thuế lên hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc.

Thoả thuận đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cải thiện quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc và tạm thời giúp làm dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nước sau hơn 1 năm kéo dài. Tuy nhiên, thoả thuận cũng đi kèm một số cảnh báo nhất định như nếu Hoa Kỳ không tin rằng Trung Quốc tuân thủ thoả thuận, không mua đủ hàng hoá từ nước này thì Hoa Kỳ có thể trả đũa bằng việc áp đặt thuế quan bổ sung. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vẫn không dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp lên hàng hoá Trung Quốc trước thời điểm ký thoả thuận.

Theo đó, mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó mức thuế 15% được áp ngày 1/9/2019 lên 120 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.

Trong ngày 3/5, ông Donald Trump cho biết sở dĩ Trung Quốc đồng ý ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ là bởi Hoa Kỳ đã áp mức thuế thấp nhất có thể đối với hàng hoá Trung Quốc.

Ông Donald Trump cũng tuyên bố “Trung Quốc đã tận dụng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải mua hàng từ Hoa Kỳ nếu Trung Quốc không mua hàng thì thoả thuận thương mại sẽ chấm dứt”.  

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh chiến lược gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu và sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đang khiến Hoa Kỳ đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1930.

Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ nhận định việc tìm cách trừng phát Trung Quốc trong thời điểm hiện tại sẽ trở nên rất nhạy cảm khi Hoa Kỳ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ. Tính đến ngày 4/5, đã có hơn 68.000 người tại Hoa Kỳ tử vong và hơn 1,1 triệu người bị nhiễm virus Covid-19. Hoa Kỳ hiện đang thiếu hụt trầm trọng các thiết bị bảo hộ y tế cá nhân, thiết bị y tế và dược phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều chuyên gia nhận định việc Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp thương mại mới lên Trung Quốc có thể khiến các hoạt động kinh tế bị đổ vỡ nghiêm trọng hơn, đe doạ sự phục hồi kinh tế không chỉ của hai quốc gia mà của cả nền kinh tế toàn cầu.

Trong dài hạn, đặc biệt là trong trường hợp ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống thì Hoa Kỳ có thể sẽ nhìn nhận việc đảm bảo an toàn cho các chuỗi cung ứng của nước này đặt tại các quốc gia khác là ưu tiên an ninh quốc gia thay vì chỉ là lợi ích kinh tế. Ông Peter Navarro, cố vấn kinh tế của ông Donald Trump, cho biết “Nếu chúng ta không làm điều đó (bảo vệ các chuỗi cung ứng) khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng như hiện nay thì các thế hệ tương lai của Hoa Kỳ sẽ thất bại”.