Hoàn thiện công tác quản lý thu phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước - Trường hợp tỉnh Khánh Hòa

TS. VÕ VĂN CẦN (Trường Đại học Nha Trang), ThS. LÊ QUỐC THÀNH (Phó giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa) và VĨNH THÔNG (Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa)

Tóm tắt:

Mục đích của bài báo này là nhằm đánh giá thực trạng quản lý thu phí, lệ phí và các khoản thu khác (PLP và thu khác) vào ngân sách nhà nước của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2011-2018, chỉ ra được những thành công và hạn chế trong công tác quản lý các khoản thu này để từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao hiệu quả quản lý. Phương pháp phân tích thống kê được áp dụng trong nghiên cứu này dựa trên số liệu thu PLP và thu khác giai đoạn 2011-2018 và số liệu khảo sát từ 80 đơn vị hành chính, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Kết quả cho thấy, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục hoàn thiện quản lý thu PLP và thu khác theo hướng: (1) Tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng dự toán thu; (2) Tăng cường quản lý và khai thác nguồn thu; và (3) Tăng tính bền vững cho nguồn thu từ PLP và thu khác.

Từ khóa: Quản lý, phí, lệ phí, các khoản thu ngân sách khác, tỉnh Khánh Hòa.

1. Giới thiệu

Nguồn thu ngân sách địa phương (NSĐP) ngoài nguồn thu chính từ các loại thuế còn có các khoản thu khác như phí, lệ phí, thu tiền cho thuê đất, mặt nước, thu tiền bán nhà và đất thuộc sở hữu nhà nước, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế… Mặc dù các khoản thu này đóng góp vào NSĐP không nhiều, nhưng vẫn là nguồn thu quan trọng của các địa phương, góp phần trang trải chi phí cho các đơn vị có tổ chức thu PLP cũng như giúp ổn định NSĐP. Tuy nhiên, vì các khoản thu này thường chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với nguồn thu chính từ thuế, do đó nguồn thu này ít được địa phương quan tâm, các chính sách quản lý đối với các khoản thu này cũng vì thế mà chậm ban hành… do đó đã gây không ít khó khăn trong quản lý, điều hành cũng như vận dụng thực hiện trong thực tiễn. Cũng vì lý do này mà gần như không có nghiên cứu mang tính học thuật nào về việc đánh giá công tác quản lý thu PLP và thu khác ở địa phương.

Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý thu PLP và thu khác ngày càng được các ngành, các cấp ở tỉnh Khánh Hòa quan tâm hơn. Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản thu này cơ bản chấp hành đúng các quy định của Nhà nước. Đặc biệt, năm 2015 đánh dấu sự ra đời của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Phí và lệ phí cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đã góp phần đảm bảo chính sách quản lý thu PLP và thu khác ở địa phương được công khai, minh bạch, dễ hiểu hơn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) chấp hành, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý ngân sách. Thêm vào đó, sự ra đời của Luật Phí và lệ phí từng bước giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ công ở địa phương tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, công tác điều hành, quản lý các khoản thu này tại tỉnh Khánh Hòa cũng bộc lộ nhiều hạn chế và cần phải tiếp tục hoàn thiện, thế nhưng các cấp, các ngành chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác thu PLP và thu khác, chưa chú trọng công tác lập dự toán thu… gây ra những tác động không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành và sự tuân thủ của người dân cũng như DN trong việc chấp hành pháp luật thu PLP và thu khác ở địa phương.

            Từ thực tế trên đưa đến mục đích nghiên cứu của bài báo này nhằm đánh giá thực trạng quản lý thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2011-2018, chỉ ra được những thành công và hạn chế trong công tác quản lý các khoản thu này để từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao hiệu quả quản lý. Để đạt mục tiêu trên, nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả thông qua đánh giá kết quả công tác quản lý thu PLP và thu khác trong giai đoạn 2011-2018, kết hợp với kết quả khảo sát thực tiễn đánh giá công tác quản lý thu PLP và thu khác từ 80 đơn vị hành chính có giao nhiệm vụ thu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

2. Cơ sở lý thuyết về quản lý thu phí, lệ phí và các khoản thu khác

Theo Luật Phí và lệ phí (2015), phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công. Trong khi đó, lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Theo Luật Ngân sách nhà nước (2015), các khoản thu khác ngoài thuế của NSĐP bao gồm tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; lệ phí trước bạ; các khoản thu hồi vốn của NSĐP đầu tư; phí và lệ phí do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện thu; và các khoản thu ngân sách khác.

Cũng theo Luật Ngân sách Nhà nước (2015), việc tổ chức quản lý thu PLP và thu khác phải đảm bảo quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Toàn bộ các khoản thu ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN) và các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Cơ sở dữ liệu

Bài viết này sử dụng cả dữ liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo tình hình thu NSNN của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2018 của Sở Tài chính Khánh Hòa, và dữ liệu sơ cấp thông qua phỏng vấn trực tiếp từ 80 đơn vị hành chính và UBND các cấp, được phân bố đồng đều trên 8 thành phố/huyện thị của tỉnh Khánh Hòa (ngoại trừ huyện đảo Trường Sa).

3.2. Phương pháp xử lý và phân tích dữ liệu

Bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả nhằm hệ thống đầy đủ, chính xác tình hình thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2011-2018; đồng thời sử dụng số tuyệt đối, số tương đối để phân tích hiện trạng thu PLP và thu khác qua các năm, so sánh giữa thực hiện với dự toán thu và giữa các năm với nhau… để rút ra xu hướng biến động của các khoản thu. Ngoài ra, bài viết còn phân tích dữ liệu dựa vào cơ cấu thu, tốc độ tăng trưởng thu hàng năm và tốc độ tăng trưởng thu bình quân để thấy được tính hợp lý/phù hợp của cơ cấu thu, tính bền vững của nguồn thu PLP và thu khác.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Về công tác quản lý lập dự toán thu phí, lệ phí và các khoản thu khác

Tương tự như việc lập dự toán các khoản thu NSNN nói chung, việc lập dự toán thu PLP cũng như các khoản thu khác trước mỗi năm ngân sách đều được các đơn vị giao nhiệm vụ thu tiến hành. Nhìn chung, các đơn vị này lập dự toán thu PLP và thu khác luôn đảm bảo thực hiện theo trình tự các bước trong chu trình ngân sách và hầu hết thực hiện đúng tiến độ, bám sát theo định hướng của Trung ương, đảm bảo tốc độ tăng trưởng thu hợp lý. Vì thế, việc lập dự toán thu PLP và thu khác của Tỉnh luôn bằng hoặc vượt dự toán thu Trung ương giao hàng năm. Cụ thể, kết quả lập dự toán thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2018 được thể hiện trong Bảng 1.

Bảng 1. Tình hình lập dự toán thu PLP và các khoản thu khác

của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2018

Đơn vị tính: Triệu đồng, %

tinh_hinh_lap_du_toan_thu_plp

Nguồn: Tổng hợp và tính toán số liệu từ Sở Tài chính Khánh Hòa

Dữ liệu phân tích trong Bảng 1 cho thấy, trong giai đoạn 2011-2018, mặc dù dự toán thu PLP và thu khác có xu hướng tăng qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân là 31,3%/năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng dự toán các khoản thu này không đồng đều, có năm dự toán thu rất cao (ví dụ năm 2013, 2016, 2017) nhưng cũng có những năm dự toán thu này giảm tương đối nhiều so với cùng kỳ (Ví dụ năm 2012, 2014, 2015). Qua đây cho thấy việc lập dự toán thu PLP và thu khác chưa được chủ động, chưa đảm bảo được tính chất ổn định của nguồn thu. Nếu xét về tỷ lệ đóng góp vào NSĐP, thì dự toán các khoản thu này chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ. Trong giai đoạn 2011-2018, tỷ lệ này chiếm bình quân đến 19%/năm, nhưng vẫn có dao động khá mạnh qua các năm. Riêng năm 2018, dự toán thu các khoản này tăng mạnh xuất phát từ các khoản thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và thu hồi vốn nhà nước.

Nhìn chung, công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn thực hiện xây dựng dự toán thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua ngày càng đi vào thực chất hơn, kịp thời, rõ ràng và đầy đủ… giúp cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng dự toán thu đạt hiệu suất và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát cho thấy trên 95% các đơn vị cho rằng việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng dự toán thu PLP và thu khác kịp thời, bao quát tất cả các lĩnh vực, cụ thể, rõ ràng và không bị hiểu nhiều nghĩa. Trong khi đó, chỉ có khoảng 5% trường hợp khảo sát cho rằng những vướng mắc trong lập dự toán thu chưa được các cơ quan quản lý giải đáp kịp thời. Bên cạnh đó, một số đơn vị cho rằng việc lập dự toán thu PLP và thu khác khá khó khăn và khó dự báo dẫn đến sự chính xác trong dự toán thu không cao.

4.2. Về công tác quản lý chấp hành thu phí, lệ phí và các khoản thu khác

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan quản lý NSNN cấp trên và sự hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan quản lý NSNN các cấp, công tác quản lý thu PLP và thu khác đã có bước khởi sắc hơn. Thông qua khảo sát cho thấy có trên 90% đơn vị đánh giá sự phối hợp này từ tốt đến rất tốt. Bên cạnh đó, việc thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở của các cơ quan tài chính đối với các tổ chức có nghĩa vụ nộp PLP và khác đã góp phần vào sự hoàn thành nhiệm vụ chấp hành thu ở địa phương. Kết quả chấp hành thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2018 được thể hiện qua Đồ thị 1.

Đồ thị 1: Đồ thị biểu diễn kết quả chấp hành thu PLP và các khoản thu khác của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2018

do_thi_bieu_dien_ket_qua_chap_hanh_thu_plp

Nguồn: Tổng hợp và tính toán số liệu từ Sở Tài chính Khánh Hòa

Đồ thị 1 cho thấy các khoản thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2011-2018 có xu hướng tăng đều qua các năm ngoại trừ năm 2012, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của khoản thu này không ổn định. Nếu như tốc độ tăng trưởng khoản thu này năm 2012 giảm hơn 2,5% so với năm 2011 thì năm 2017 tốc độ này tăng trưởng đến 67,2%. Các khoản thu có tốc độ tăng trưởng mạnh bao gồm thu lợi tức, thu lợi nhuận sau thuế và thu hồi vốn (bình quân 157%/năm), các khoản phí và lệ phí (bình quân 43,2%/năm), tiền sử dụng đất (bình quân 31,4%/năm), tiền cho thuê mặt đất, mặt nước (bình quân 38,1%/năm), lệ phí trước bạ (bình quân hơn 22%/năm)… Ngược lại, khoản thu từ bán và cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước lại giảm khá mạnh với tốc độ giảm bình quân là 15,2%/năm.

            Với tốc độ tăng trưởng khá mạnh như trên đã đưa đến nhiệm vụ thu PLP và thu khác hàng năm luôn hoàn thành vượt mức dự toán giao, trung bình trong giai đoạn 2011-2018, mức thu các khoản này thực tế cao gần gấp 1,5 lần dự toán. Các khoản thu thực tế vượt dự toán cao có thể kể đến là khoản thu lệ phí trước bạ, phí bảo vệ môi trường, phí trong lĩnh vực giao thông… Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, khoản thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài tăng rất mạnh do lượng khách quốc tế đến tỉnh Khánh Hòa tăng đột biến. Ngoài ra, các khoản thu lệ phí trước bạ cũng tăng rất ấn tượng do việc đăng ký ôtô, xe máy, đăng ký quyền sở hữu sử dụng nhà, đất của người dân và DN tăng cao. Thêm vào đó, lệ phí môn bài và lệ phí quản lý phương tiện giao thông; tiền sử dụng đất, cho thuê mặt đất, mặt nước... cũng tăng mạnh. Đây là các khoản thu có xu hướng tăng liên tục trong giai đoạn này do thị trường kinh doanh bất động sản tăng trưởng nóng, không những diễn ra ở thành phố Nha Trang mà còn ở cả các huyện thị trong tỉnh như Cam Ranh, Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm... Bên cạnh đó, trong các khoản thu khác tăng mạnh thì khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế và thu hồi vốn đã tăng rất cao trong 2 năm 2017-2018 nhưng lại xuất phát từ 1 DNNN địa phương, đó là Tổng công ty Khánh Việt. Ngoài ra, khi so sánh với tổng thu NSNN tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2011-2018 cho thấy tỷ lệ đóng góp của PLP và thu khác vào NSĐP khá cao, trung bình khoản 20,5%/năm.

Như vậy, qua quá trình triển khai công tác thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua cho thấy, công tác chấp hành thu các khoản thu này về cơ bản thực hiện đúng quy trình và đúng quy định quản lý của pháp luật. Mức thu PLP và thu khác tăng khá tốt qua các năm, nhờ đó nhiệm vụ thu các khoản thu này luôn hoàn thành vượt mức dự toán do Trung ương và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao. Ngoài ra, việc quản lý tốt và có hiệu quả nguồn thu từ PLP và các nguồn thu ngân sách khác cũng góp phần đáng kể vào tăng thu NSNN nói chung, tạo được nguồn thu không những trang trải các khoản chi phí cho bản thân các đơn vị cung cấp các dịch vụ công, mà còn là khoản thu bổ sung ổn định cho NSNN.

            Tuy nhiên, thời gian qua các cấp chính quyền địa phương cũng chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý thu PLP và thu khác, xem đây là khoản thu nhỏ nên thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thực trạng này dẫn đến NSĐP ngày càng thất thu, tính nghiêm minh về pháp luật về thu NSNN nói chung và thu PLP nói riêng chưa thật sự đảm bảo. Bên cạnh đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp thu PLP chưa chủ động trong việc rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa hợp lý trong quá trình thực hiện, chưa tận dụng hết những điều kiện thuận lợi của đơn vị mình để tăng cường khai thác nguồn thu. Ngoài ra, kết quả phân tích chỉ ra rằng các khoản thu PLP và thu khác ở tỉnh Khánh Hòa không ổn định và cũng không đảm bảo tính bền vững của nguồn thu. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn một số đơn vị không hoàn thành dự toán thu PLP và thu khác do một số địa phương có số thu từ đất đai, bất động sản rất thấp, và tính ổn định của các khoản thu này thường không cao.

4.3. Về công tác thanh tra, quyết toán thu phí, lệ phí và thu khác

            Theo Luật phí và lệ phí, việc thu PLP được giao cho rất nhiều cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, huyện và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện. Nhìn chung, các đơn vị này đã tổ chức thực hiện công tác thu PLP tương đối tốt, hoàn thành dự toán thu được giao và quyết toán kịp thời với cơ quan tài chính. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành việc thu, nộp PLP, tỷ lệ trích để lại cơ quan cũng như các khoản thu khác theo đúng quy định.

            Ngoài ra, các đơn vị chấp hành thu thực hiện việc thu, nộp PLP và các khoản thu khác vào NSNN kịp thời, đúng quy định. Đối với các khoản phí được để lại cho đơn vị, các đơn vị này thực hiện quản lý, sử dụng, hạch toán và quyết toán theo đúng quy trình, đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả thu phí. Kết quả thanh tra, kiểm toán định kỳ trong giai đoạn 2011-2018 chưa phát hiện cơ quan, đơn vị nào tự ý đặt ra các khoản thu PLP và các khoản thu khác ngoài quy định.

5. Những kết luận và đề xuất kiến nghị

5.1. Những kết luận

Từ phân tích thực trạng ở phần trên, bài viết rút ra những thành công trong công tác quản lý thu PLP và thu khác như sau:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn thực hiện xây dựng dự toán thu PLP và thu khác kịp thời, rõ ràng và đầy đủ. Việc lập dự toán thu PLP và thu khác luôn tuân thủ các bước trong chu trình ngân sách; hầu hết thực hiện đúng tiến độ, bám sát theo định hướng của Trung ương và cơ quan quản lý cấp trên.

Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan quản lý NSNN cấp trên và sự hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan quản lý NSNN các cấp đã có những ảnh hưởng quyết định đến sự thành công trong công tác chấp hành thu PLP và thu khác.

Thứ ba, mức thu PLP và thu khác tăng khá tốt qua các năm, nhờ đó nhiệm vụ thu các khoản thu này luôn hoàn thành hoặc vượt mức dự toán do Trung ương và HĐND tỉnh giao.

Thứ tư, các đơn vị thực hiện công tác thu, nộp PLP và các khoản thu ngân sách khác vào NSNN kịp thời, đúng quy định và quyết toán kịp tiến độ với cơ quan tài chính. Đối với các khoản phí được để lại cho đơn vị, các đơn vị này thực hiện quản lý, sử dụng, hạch toán và quyết toán theo đúng quy định pháp luật.

Thứ năm, qua thanh tra, kiểm toán định kỳ trong giai đoạn 2011-2018 chưa phát hiện cơ quan, đơn vị nào tự ý đặt ra các khoản thu PLP và các khoản thu khác ngoài quy định.

Bên cạnh những thành công trên, công tác quản lý thu PLP và thu khác của tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua cũng bộc lộ các hạn chế sau:

Thứ nhất, việc lập dự toán thu PLP và thu khác chưa được chủ động, chưa đảm bảo được tính chất ổn định của nguồn thu. Một số đơn vị còn gặp khó khăn trong việc lập dự toán thu PLP và thu khác.

Thứ hai, một số cấp chính quyền địa phương cũng chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý thu PLP cũng như các khoản thu ngân sách khác, chưa chủ động trong việc rà soát kiến nghị sửa đổi bổ sung những vấn đề chưa hợp lý trong quá trình thực hiện, chưa tận dụng hết những điều kiện thuận lợi của đơn vị mình để tăng cường khai thác nguồn thu.

Thứ ba, nguồn thu PLP và thu khác không ổn định, đặc biệt các nguồn thu từ cho thuê đất, thuê mặt nước, quyền khai thác khoáng sản... và chưa đảm bảo tính bền vững của nguồn thu.

5.2. Những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công tác thu phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách khác

Các kiến nghị đề xuất đảm bảo mục tiêu quản lý, sử dụng nguồn thu PLP cũng như các khoản thu khác thực sự hiệu quả, minh bạch, gắn với xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động, tự chủ cho các đơn vị, gồm:

Kiến nghị 1. Hoàn thiện công tác xây dựng dự toán thu PLP và thu khác. Các đơn vị lập dự toán thu cần nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo cũng như đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu PLP và thu khác trên địa bàn Tỉnh, nhất là những nguồn thu mới phát sinh nhằm bao quát đầy đủ các nguồn thu, tăng tính chính xác trong dự toán thu PLP và thu khác.

Kiến nghị 2. Cần đổi mới cơ chế quản lý PLP gắn với xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động, tự chủ cho các đơn vị nhằm tận dụng hết những điều kiện thuận lợi của đơn vị mình để tăng cường khai thác nguồn thu, cụ thể: (1) Đối với cơ quan Tài chính các cấp: Chỉ đạo toàn ngành tập trung trong công tác quản lý, đôn đốc các khoản thu vào ngân sách đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa nợ phát sinh; Rà soát lại toàn bộ các dự án thuê đất, thuê mặt nước, qua đó nắm bắt cụ thể các trường hợp nộp hàng năm hay nộp 1 lần cho cả thời gian thuê để có kế hoạch đôn đốc thu phù hợp. Phối hợp với cơ quan Tài nguyên - Môi trường đôn đốc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các dự án trên địa bàn; (2) Đối với UBND các cấp: Quản lý tốt các nguồn thu PLP cũng như các nguồn thu khác ở các xã, phường, thị trấn. Các sở, ban, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp trong việc cung cấp thông tin và giám sát việc thực hiện nghĩa vụ nộp PLP và các khoản phải nộp ngân sách khác.

Kiến nghị 3. Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo và quản lý công tác thu PLP và thu khác ở địa phương, xem đây là khoản thu ổn định và có vai trò quan trọng trong việc đóng góp gia tăng nguồn thu NSĐP. Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch thu PLP và thu khác ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp thu PLP và thu khác có trách nhiệm hơn trong việc rà soát các hoạt động tạo ra nguồn thu, tăng tính bền vững cho nguồn thu, và chủ động trong việc rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa hợp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu PLP và thu khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

1. Chính phủ (2016). Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định Chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

 

2. Chính phủ (2016). Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN 2015.

 

3. Quốc hội (2015). Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13.

 

4. Quốc hội (2015). Luật Ngân sách Nhà nước, số 83/2015/QH13.

 

5. Sở Tài chính Khánh Hòa (2011-2018). Báo cáo quyết toán thu ngân sáchnhà nước trên địa bàn, quyết toán chi ngân sách địa phương từ năm 2011 đến 2018.

 

6. Thủ tướng Chính phủ (2011-2018). Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN qua các năm 2011-2018.

 

7. Thủ tướng Chính phủ (2011-2018). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán NSNN qua các năm 2011-2018.

 

8. Thủ tướng Chính phủ (2011-2018). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán NSNN qua các năm 2011-2018.

 

9. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa (2011-2018). Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước qua các năm 2011-2018; Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm 2019-2021.

 

IMPROVING THE EFFICIENCY OF CHARGE, FEE AND OTHER BUDGET REVENUES MANAGEMENT: CASE STUDY OF KHANH HOA PROVINCE

Ph.D VO VAN CAN

Nha Trang University

Master. LE QUOC THANH

Vice Director, Department of Finance - Khanh Hoa Province

VINH THONG

Director, Department of Finance - Khanh Hoa Province

ABSTRACT:

This study is to assess the current situation of charge, fee and other budget revenues management of Khanh Hoa province in the period of 2011-2018, pointing out the successes and limitation in the provincial budget revenues management and proposing effective solutions to improve the provincial management efficiency. This study is conducted by using the statistical analysis method with charge, fee and other budget revenues data in the period of 2011-2018 and survey date from People's Committees of Khanh Hoa Province and 80 provincial administrative units at all levels. The study’s results show that it is necessary for Khanh Hoa province to continue to improve its charge, fee and other budget revenues management. In which, the province should focus on (1) improving the revenue estimates; (2) strengthening the management and exploitation of budget revenue sources , and (3) increasing the sustainability of charge, fee and other budget revenues.

Keywords: Management, fees, charges, other budget revenues, Khanh Hoa province.