TÓM TẮT:

Khái niệm “An ninh phi truyền thống” (ANPTT) được hiện diện trong nhiều văn kiện có tính chất chính trị - pháp lý trên các diễn đàn song phương, đa phương và đặc biệt ANPTT còn nhận được quan tâm dưới góc độ xây dựng pháp luật của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các cơ chế điều chỉnh pháp luật của chúng ta đối với các quan hệ xã hội nảy sinh từ lĩnh vực ANPTT còn nhiều bất cập, cả dưới góc độ thể chế lẫn cơ chế vận hành. Từ những lý do trên, tác giả muốn đề cập dưới góc độ nhìn nhận đúng thực trạng pháp luật của nước ta về phòng, chống ANPTT. Trên cơ sở đó, bước đầu đề xuất một số nội dung, giải pháp hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ANPTT trong thời gian tới, đồng hành về xây dựng pháp luật cùng các nước trong khu vực và thế giới.

Từ khóa: Pháp luật, an ninh phi truyền thống, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

An ninh phi truyền thống là một khái niệm mới xuất hiện trong các văn kiện chính trị - pháp lý ở trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Nội dung này đã, đang và sẽ là vấn đề “nóng”, là mối quan tâm chung không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia, lãnh thổ. Cũng chính vì vậy, việc đòi hỏi khung pháp lý để điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội thuộc về ANPTT phát sinh là nhu cầu cấp thiết, có tính khách quan, là yêu cầu quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, nhất là nhằm phục vụ cho việc hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược an ninh của đất nước và những cam kết an ninh song phương, đa phương trong hợp tác quốc tế. 

Từ năm 1994, trong “Báo cáo phát triển con người” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã đưa ra tiêu đề “Lĩnh vực mới của an ninh con người” và nêu ra 7 lĩnh vực (những ý tưởng sáng tạo ban đầu về khái niệm ANPTT sau này), gồm: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Ngày 01/11/2002, lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) đã ra Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực ANPTT, xác định ANPTT là những vấn đề: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao. Năm 2004, trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên đã xác định: "Những vấn đề chưa được giải quyết, liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên bộ, trên biển cùng những vấn đề ANPTT khác, như buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái phép, suy thoái môi trường, sinh thái,... cũng là những mối quan tâm an ninh của Việt Nam”[1]. Như vậy, dựa vào những quan điểm, “thái độ” chung của các nhà nước, quốc gia, coi an ninh con người là vấn đề hạt nhân nằm trong an ninh xã hội, an ninh cộng đồng, khái niệm ANPTT hiện nay bao gồm những vấn đề chủ yếu là: Ô nhiễm môi trường, thảm họa địa chất, thiếu hụt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tội phạm khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế quốc tế, buôn bán ma túy, buôn bán người, buôn lậu vũ khí, tội phạm rửa tiền, cướp biển, nhập cư và di cư trái phép... Khái niệm ANPTT với những nội dung cụ thể của nó, rõ ràng mang tính chất "động” và cùng với thời gian, nội hàm của nó có thể còn tiếp tục được mở rộng hơn.

2. Thực trạng an ninh phi truyền thống ở Việt Nam

Với nội hàm khái niệm trên, nguy cơ đe dọa từ ANPTT ở nước ta có mối quan hệ chặt chẽ với an ninh truyền thống vốn có mục đích, tôn chỉ là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và ANPTT, nhiều quan điểm cho rằng đó là mối quan hệ biện chứng, là hai mặt của đồng xu (2 sides of acoin), đều có mục đích bảo vệ chế độ, sự tồn tại của Nhà nước, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh cộng đồng, an ninh xã hội, trong đó an ninh con người là vấn đề hạt nhân, “con người là trung tâm của chiến lược phát triển”[2]. Điều đó đã được minh chứng khi quan điểm của Đảng, Nhà nước ta xác định: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh”[3], “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới”[4].

Kể từ sau Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên những lĩnh vực ANPTT, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã triển khai với các nước đối thoại, đặc biệt là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, các tổ chức quốc tế trong hợp tác các lĩnh vực ANPTT. Trong đó, khẳng định một trong những bảo đảm chính, giải pháp chính cho ANPTT là sử dụng công cụ pháp luật, hoàn thiện pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế để tạo hành lang pháp lý chung. Trở lại với pháp luật thực định của nước ta trong bảo đảm ANPTT hiện nay, chúng ta nhận thấy hệ thống pháp luật đã ngày được hoàn thiện, tiêu biểu bao gồm các luật, như: Hiến pháp năm 2013; Luật Quốc phòng năm 2018; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật Tài nguyên môi trường và hải đảo năm 2015, Luật Đất đai năm 2013; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Khám, chữa bệnh năm 2009, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Mới đây nhất, tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 34 tội danh mới, trong đó có các tội danh đe dọa ANPTT như tội khủng bố, tội cướp biển,… Đặc biệt, theo Bộ luật Hình sự mới, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Sự hoàn thiện pháp luật trên ở nước ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, một mặt là thể chế hóa quan điểm của Đảng ta, mặt khác thể hiện những cam kết quốc tế, cũng như nội luật hóa những công ước, hiệp ước, hiệp định, nghị định thư mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, trước những diễn biến rất phức tạp, trước những “nhóm” thách thức ANPTT nổi cộm như môi trường, tội phạm công nghệ cao, dịch bệnh mà điển hình như đại dịch Covid-19 hiện nay đã đưa số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu là 14 triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca Covid-19 toàn cầu nhiều gấp khoảng 3 lần so với các bệnh cúm nặng được ghi nhận hàng năm. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng hơn 590.000 người trong gần 7 tháng đầu năm 2020, cao hơn nhiều lần so với mức độ tử vong do cúm hàng năm trên toàn thế giới. 

3. Những vấn đề đặt ra để hoàn thiện pháp luật trong bảo đảm an ninh phi truyền thống

ANPTT là những nội dung tương đối rộng lớn, đang thách thức, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh con người, an ninh xã hội, an ninh quốc gia và ổn định, phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi tương ứng với mỗi mảng, mỗi lĩnh vực ANPTT cần hiện diện kịp thời, đầy đủ hệ thống quy phạm, trước hết và chủ yếu là quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm và kiểm soát có hiệu quả các mối đe dọa từ ANPTT. Các mối đe dọa ANPTT đang hiện hữu, đòi hỏi bên cạnh những yếu tố bảo đảm ANPTT như thể chế, hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, tài trợ,… yếu tố pháp luật cần hết sức chú trọng (vụ việc của Formosa Hà Tĩnh, dịch bệnh Covid-19 hiện nay…), đòi hỏi dưới góc độ quản lý nhà nước, cần xây dựng mô hình tổ chức phòng, chống ANPTT hợp lý, trước mắt cần nhanh chóng:

Một là, cụ thể hóa các quy định về phòng thủ dân sự[5]. Hiện nay, Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định:

“1. Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

2. Nhiệm vụ phòng thủ dân sự bao gồm:

a) Xây dựng cơ chế hoạt động, kế hoạch phòng thủ dân sự;

b) Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập;

c) Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự;

d) Xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, nghiên cứu dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động;

đ) Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự.

3. Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm:

a) Lực lượng nòng cốt gồm Dân quân tự vệ; Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các Bộ, ngành, Trung ương, địa phương;

b) Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2019, tuy nhiên cần quy định rõ hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của các Bộ, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế; xác định rõ cơ quan thường trực trong chỉ đạo phòng, thủ dân sự; cơ chế vận hành phòng, thủ dân sự của chính quyền trung ương, địa phương.

Hai là, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước ta. Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của BCHTW về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã khẳng định mục tiêu không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan. Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được ghi nhận trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia; được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp và nhiều đạo luật quan trọng. Điều 38 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.”

Theo đó, cần xây dựng một hệ thống pháp luật về quyền của người dân trong lĩnh vực y tế phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và phù hợp với các cam kết quốc tế. Từ những định hướng chính sách phù hợp, kịp thời, từng bước được điều chỉnh trong từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng bao quát, toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng y tế, thích ứng với việc xây dựng một hệ thống y tế hoàn chỉnh, khoa học và đồng bộ, có vai trò to lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ba là, trên bình diện về kỹ năng soạn thảo, việc xây dựng pháp luật nói chung, xây dựng pháp luật về ANPTT nói riêng cần bảo đảm tính quy phạm (tính chính xác, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng thủ tục), tính chế tài (hậu quả pháp lý khi cá nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm).

4. Kết luận

Pháp luật là công cụ chủ yếu, có vai trò quan trọng nhất trong quản lý nhà nước, duy trì trật tự xã hội. Do vậy, trong xu hướng chung, pháp luật phải kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh, nhất là các quan hệ xã hội mới có tính chất toàn cầu và ảnh hưởng sâu, rộng đến an ninh con người bất kể chế độ, quốc tịch khác nhau như ANPTT. Trong thời gian qua, Việt Nam là một trong các quốc gia được thế giới công nhận đã có trách nhiệm và xử lý hiệu quả trong đối phó với các vấn đề ANPTT. Tuy vậy, các cam kết về mặt chính trị trên bình diện Nhà nước, cũng như các quan điểm của Đảng cần sớm được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật, đưa hệ thống pháp luật của nước ta đạt tiên tiến, xử lý, ứng phó kịp thời các mối đe dọa ANPTT hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1]. Bộ Quốc phòng (2004), Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb. Thế giới, tr. 11, Hà Nội.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.76, Hà Nội.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.82, Hà Nội.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.72, Hà Nội.

[5]. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14.

 Perfecting the law on preventing and fighting against non-traditional security issues

Pham Tuan Dung

Department of Military Sciences

Ministry of National Defense

ABSTRACT:

The concept of non-traditional security is presented in many political and legal documents of bilateral, multilateral forums. In particular, the concept of non-traditional security receives attention from the law making perspective of countries, including Vietnam. However, due to many objective and subjective reasons, the mechanisms which govern Vietnam’s laws on social relations arising from non-traditional security issues are still inadequate in terms of both institution and enforcement perspectives. This paper is present the status quo of Vietnam’s laws on non-traditional security issues, thereby proposing some solutions and contents for perfecting the national laws on preventing and fighting against non-traditional security issues in the coming time in order to accompany with the law making of other countries in the region and also in the world.

Keywords: Law, non-traditional security, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]