TÓM TẮT: 

Nhãn hiệu là một trong những đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật quốc gia và quốc tế quan tâm bảo hộ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Trong bài viết, tác giả đề cập đến những hạn chế, vướng mắc của quy định pháp luật về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa thông qua các vụ án cụ thể, từ đó đưa ra hướng giải quyết và những gợi mở về các giải pháp hoàn thiện.

Từ khóa: Nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu, hàng giả, tội phạm, sở hữu công nghiệp, trách nhiệm hình sự.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và tiến trình hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, trong những năm gần đây, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là SHTT) được các quốc gia đặc biệt quan tâm, nhất là vấn đề bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Ở Việt Nam, việc bảo hộ nhãn hiệu nói riêng và quyền SHTT nói chung ngày càng được đảm bảo thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ... Cùng với đó, hệ thống các biện pháp thực thi quyền SHTT như biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự cũng được hoàn thiện. Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu để xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về thực thi quyền SHTT còn hạn chế, dẫn đến thực tiễn áp dụng chưa mang lại hiệu quả cao. Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập đến hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về việc truy cứu trách nhiệm hình sự (gọi tắt là TNHS) đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa thông qua các vụ án cụ thể, từ đó đưa ra hướng giải quyết và những gợi mở về các giải pháp hoàn thiện.

2. Quy định của pháp luật hình sự và vấn đề áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa

Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (gọi tắt là SHCN), thuật ngữ này được sử dụng từ lâu và phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu“các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”[1].

Chức năng của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà sản xuất, cung ứng khác nhau nên một tổ chức, cá nhân có thể sử dụng và đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu nhằm phù hợp với nhu cầu kinh doanh từng chủng loại và từng khu vực cụ thể, theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tính để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký bảo hộ, gây ra những thiệt hại cho chủ thể quyền, cũng như hạn chế năng lực phát triển kinh tế - xã hội. Để xử lý các hành vi xâm phạm này, ngoài biện pháp dân sự và biện pháp hành chính, Nhà nước sử dụng biện pháp hình sự như một công cụ thể hiện tính nghiêm minh và răn đe nhằm hạn chế tiến đến loại bỏ tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã quy định cụ thể về việc truy cứu TNHS đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa.

Theo quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015 thì “người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  2. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  3. c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  4. d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Đối tượng hàng giả được quy định tại điều luật này được ghi nhận theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có quy định một trong những đối tượng hàng giả là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ”[2] được dẫn chiếu tới Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Theo đó, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) và hàng hóa sao chép lậu. Trong đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý[3].

Như vậy, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 192 BLHS năm 2015 và quy định này còn được áp dụng cả đối với pháp nhân thương mại phạm tội[4].

Ngoài ra, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa cũng có thể bị xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền SHCN. Theo quy định tại khoản 1, Điều 226 BLHS năm 2015 thì: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nhãn hiệu là một trong những đối tượng được bảo hộ của quyền SHCN và theo quy định này, chỉ có nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mới trở thành đối tượng của quyền SHCN được Luật Hình sự bảo vệ. 

Từ những quy định trên của pháp luật hình sự hiện hành, có thể thấy rằng, hành giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc tội xâm phạm quyền SHCN. Vậy, thực tiễn áp dụng phải dựa vào dấu hiệu (tình tiết) nào để phân định hai tội danh này khi truy cứu TNHS đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa? Chúng ta có thể đánh giá qua vụ án sau[5]:

Ngày 2/2/2004, Bùi Tung H - Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát NB ký hợp đồng kinh tế số: L 02 - 02 - 2004 với Công ty TNHH Bao bì TP, đặt mua 72.960 vỏ lon đựng nước uống tăng lực có hình hai con vật húc nhau màu đỏ do Đài Loan sản xuất với giá 875đồng/1on, tổng in giá 63.840.000 đồng. Ngày 13/3/2004 Công ty TNHH bao bì TP đã xuất đủ 72.960 vỏ lon cho Công ty TNHH NB theo hóa đơn giá trị gia tăng số: 0057885. Sau đó, Bùi Trung H đã sử dụng số vỏ lon trên để tổ chức sản xuất nước uống tăng lực tại xưởng NB với số lượng 34.560 lon, còn tồn 38.400 vỏ lon chưa sử dụng. Theo lời khai của Bùi Trung H: Trong số 34.560 lon thành phẩm, Công an quận Tân Phú đã thu giữ khi kiểm tra hành chính là 10.464 lon (trong đó có 384 lon bị hư), còn 24.096 lon thì trong quá trình sản xuất bị hư hỏng, một số mang chào hàng bán, còn một số để lẫn với các sản phẩm khác ở trong kho. Cơ quan điều tra phối hợp với Công an quận Tân Phú kiểm tra xác định trong kho còn 11.820 lon nước uống tăng lực thành phẩm do Công ty NB sản xuất có nhãn in hình hai con vật húc nhau màu đỏ được đựng trong các bao tải PP màu đen. Như vậy số lon thành phẩm đã bán và hư hỏng trong quá trình sản xuất là 12.276 lon (24.096 lon - 11.820 lon). Theo kết luận của cơ quan giám định, Công ty TNHH Nước giải khát NB do Bùi Trung H trực tiếp đứng ra tổ chức sử dụng bất hợp pháp một số lượng lớn vỏ lon có in hình hai con vật húc nhau màu đỏ tương tự nhãn hiệu của Công ty TC Pharmaceutical Industrie CO LTD Thái Lan đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam để sản xuất nước uống tăng lực, bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.

Hành vi xuất nước uống tăng lực có dán nhãn hiệu “Redbull” và hình hai con bò húc nhau của Bùi Trung H đồng thời thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả (giả về hình thức) và tội xâm phạm quyền SHCN (đối với nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ). Như vậy, hành vi của Bùi Trung H sẽ bị xử lý theo tội danh nào?

Để xác định tội danh cho hành vi này, có quan điểm cho rằng[6], cần phải căn cứ vào chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội xâm phạm quyền SHCN hướng tới bảo vệ. Đối với tội sản xuất buôn bán hàng giả thì tội phạm xâm phạm đến tính trung thực, hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất kinh doanh, đồng thời xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Như vậy, điều luật này hướng tới bảo vệ các chủ thể có hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp và đặc biệt là hướng tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn theo tội xâm phạm quyền SHCN, chủ thể được điều luật này hướng tới bảo vệ trước tiên là các chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng SHCN (thường là nhà sản xuất kinh doanh). Quan điểm này hợp lý, trường hợp của Bùi Trung H sẽ bị xử lý về tội xâm phạm quyền SHCN. Bởi vì, H chỉ đặt mua vỏ lon có in hình hai con vật húc nhau màu đỏ tương tự nhãn hiệu của Công ty TC Pharmaceutical Industrie CO LTD Thái Lan - đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, để sản xuất nước uống tăng lực, mà không làm giả về chất lượng nước uống tăng lực, tức là không xâm phạm (hoặc xâm phạm không đáng kể) lợi ích của người tiêu dùng, hành vi của Bùi Trung H xâm phạm chủ yếu đến quyền SHCN đối với nhãn hiệu của Công ty TC Pharmaceutical Industrie CO LTD Thái Lan.

Mặc dù vậy, cách giải quyết trên chỉ mang tính quan điểm cá nhân, mà chưa có quy định nào hướng dẫn đường lối xử lý một cách cụ thể. Tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả… được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 đã giải thích một cách đầy đủ về hàng giả. Đặc biệt, tại điểm b, Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả… được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 thì hàng giả là: “b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;”. Quy định này là một trong những căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là sản xuất, buôn bán hàng giả hay hàng xâm phạm quyền SHCN, thể hiện qua vụ án sau[7]:

Năm 2015, Đ cùng chồng là N đứng ra thành lập Công ty TNHH M chuyên kinh doanh văn phòng phẩm. Do lúc đó Đ không có chứng minh nhân dân nên lấy tên chồng làm giám đốc, nhưng mọi hoạt động của Công ty là do Đ điều hành, chỉ đạo. Đầu năm 2018, qua tìm hiểu, Đ thấy mặt hàng bút chữ A nhãn hiệu A và thước kẻ nhãn hiệu K là sản phẩm đang được tiêu thụ nhiều trên thị trường, nên đã nảy sinh ý định sản xuất các mặt hàng giả nhãn hiệu này mang tính chất tiêu thụ kiếm lời. Đ đã mua các sản phẩm bút chữ A nhãn hiệu A và thước kẻ nhãn hiệu K chính hãng rồi liên hệ với Công ty Y thuê Yu L đúc các sản phẩm bút và thước nêu trên gồm: đế bút, nắp bút, chỗ cầm viết (đệm tay), vỏ đầu bút, thân bút, bìa vỏ hộp đựng cốc theo đúng mẫu của nhãn hiệu chính hãng và được Yu L đồng ý. Sau đó, Đ thuê Công ty TNHH In công nghệ đỉnh cao T - do Nguyễn Thị H làm giám đốc, in các mẫu chữ A và K lên các sản phẩm đã thuê sao cho giống với các sản phẩm chính hãng. Ngoài ra, Đ còn thuê H đóng gói, dán mác, tem mã vạch, đóng cốc, thùng catton... để có sản phẩm hoàn chỉnh và được H đồng ý. Đ thỏa thuận với H và Yu L: Yu L có trách nhiệm sản xuất các bộ phận của hàng hóa như Đ đã thuê rồi chuyển trực tiếp cho H để H thực hiện việc in chữ lên sản phẩm. Các nguyên liệu khác để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh như ruột bút, nhãn mác, mã vạch, hộp bìa giấy, hộp caton, túi nilon đựng thước được Đ đặt và mua tại Trung Quốc của một số đối tượng không quen biết tại Lạng Sơn rồi chuyển cho H để hoàn thiện sản phẩm. Quá trình giao dịch, trao đổi với H và Yu L, Đ không nói cho H và Yu L biết là Đ đang thuê họ sản xuất hàng giả. Tin tưởng Đ, H đã thực hiện việc gia công, in chữ lên các sản phẩm bút và thước kẻ cho Đ theo yêu cầu.

Đến thời điểm bị kiểm tra, thu giữ của H và Đ tổng số hàng hóa thành phẩm gồm: 363.366 chiếc bút chữ A nhãn hiệu A; 104.411 chiếc thước kẻ K loại 30cm; 197.105 chiếc thước kẻ K loại 20cm. Tại Kết luận giám định số 3163A/C54 (P4) ngày 20/6/2018 của Viện Khoa học hình sự Tổng cục Cảnh sát kết luận: Toàn bộ các mẫu thu được của H, Yu L và Đ đều là hàng giả nhãn hiệu A và K do Công ty TNHH T ở địa chỉ khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn sản xuất. Tổng giá trị số hàng hóa giả nêu trên là 2.203.468.000 đồng.

Với nội dung trên, Bản cáo trạng số 140/CTr - VKS - P3 ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã truy tố bị cáo Bùi Thị Đ về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” theo điểm a, Khoản 3 Điều 192 BLHS 2015. Tuy nhiên, quan điểm về tội danh này đã thay đổi, khi Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an ra Văn bản số 306 ngày 04/3/2019 giải thích Kết luận giám định phần trăm chỉ tiêu chất lượng của Bút và Thước kẻ do Đ sản xuất so với Tiêu chuẩn cơ sở của Bút và Thước chính hãng đều đạt thấp nhất là 72,5%, cao nhất là 100%. Các chỉ tiêu này đều cao hơn quy định về hàng giả theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP là hàng hóa có chất lượng đạt từ 70% trở xuống. Vì vậy, đại diện VKS thay đổi tội danh truy tố bị cáo từ tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” theo điểm a, khoản 3 Điều 192 sang tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 2, Điều 226 BLHS 2015. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử tại phiên tòa đã tuyên án bị cáo Bùi Thị Đ phạm tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Từ hai vụ án trên có thể thấy, để phân định tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” hay “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với hành vi làm giả nhãn hiệu phải dựa vào chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa giả nhãn hiệu. Tuy nhiên, căn cứ này chỉ dựa vào văn bản hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn về việc truy cứu TNHS đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội xâm phạm quyền SHCN khi xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu, do đó thực tiễn áp dụng giải quyết chưa rõ ràng, thống nhất.

3. Một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa

Qua quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng để truy cứu TNHS đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, tác giả nhận thấy cần phải hoàn thiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đường lối xử lý hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, sản phẩm. Theo đó, nên quy định theo hướng: (1) Nếu hành vi giả mạo chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng SHCN để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì xử lý về tội “xâm phạm quyền SHCN”; còn (2) nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền SHCN đồng thời lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”[8].

Thứ hai, nên thu hẹp đối tượng trong tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo đó, chỉ nên quy định đối tượng tác động của tội phạm trong tội danh này là những hàng hóa, sản phẩm giả về nội dung (chất lượng hoặc công dụng) mà không nên quy định hàng giả về hình thức (bao gồm giả về nhãn hiệu). Quy định như vậy, mặc nhiên những hành vi phạm tội chỉ giả về hình thức (nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý) sẽ bị xử lý về tội xâm phạm quyền SHCN, góp phần khắc phục những vướng mắc, chồng chéo trong việc lựa chọn tội danh, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng áp dụng giải quyết thống nhất.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự vào xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, cần hướng dẫn cụ thể dấu hiệu “với quy mô thương mại” hoặc bỏ dấu hiệu này trong tội xâm phạm quyền SHCN. Theo Điều 226 BLHS năm 2015, dấu hiệu “với quy mô thương mại” là một trong hai dấu hiệu định tội của tội phạm. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể dấu hiệu này. Có quan điểm cho rằng[9]“quy mô thương mại” đã được cụ thể hóa ở Thông tư liên tịch số 01 ngày 29/02/2008 TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sư đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đó là đánh giá bằng tiêu chí mức độ từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng thể hiện bằng tiêu chí lợi nhuận. Như vậy “quy mô thương mại” được hiểu là “từ mức độ nghiêm trọng trở lên cho đến rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”, và mức độ được xác định bằng lợi nhuận, giá trị gây thiệt hại và giá trị hàng hóa vi phạm. Nhưng cách hiểu này, theo quy định BLHS hiện hành sẽ trùng với dấu hiệu định tội thứ hai của tội danh khi đã đề cập đến khoản “thu lợi bất chính”, “giá trị gây thiệt hại” “giá trị hàng hóa vi phạm”[10]. Vì vậy, cần ban hành văn bản hướng dẫn dấu hiệu “với quy mô thương mại” hoặc bỏ dấu hiệu này. Thực chất, dấu hiệu này được đưa vào từ BLHS sửa đổi năm 2009[11] cho phù hợp với TRIPs[12], tuy nhiên trong BLHS sửa đổi 2009 chưa quy định rõ ràng các dấu hiệu định tội thứ hai như trong BLHS 2015. Và đến thời điểm trước khi có BLHS năm 2015, chúng ta vẫn ngầm hiểu thuật ngữ “với quy mô thương mại” như dấu hiệu định tội thứ hai mà BLHS năm 2015 đã quy định, nên vô hình chung, dấu hiệu “với quy mô thương mại” hiện nay làm cho điều luật không rõ ràng, thậm chí bị thừa[13].

Trước diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm của các hành vi phạm tội trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại nói chung và các tội phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT nói riêng, đòi hỏi các quy định của pháp luật phải hoàn thiện nhằm tạo khung pháp lý vững chắc cho thực tiễn áp dụng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần ổn định trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như chủ sở hữu quyền SHTT, thúc đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Theo khoản 16, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[2] Điểm g, Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

[3] Khoản 2, Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005

[4] Khoản 5, Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015

[5] Theo cáo trạng số 306/KSĐT- XXSTHS ngày 20/7/2007 của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

[6] Trần Văn Nam, “Pháp luật và thực tiễn đấu tranh phòng chống các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” đăng ở website của Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, truy cập ngày 20/01/2020, địa chỉ truy cập: http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=4ed24077-b6a3-4e33-98f1-b7e0167245b2&groupId=13025

[7]http://amilawfirm.com/wp-content/uploads/2019/07/S%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-h%C3%A0ng-h%C3%B3a-%C4%91%E1%BA%A1t-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-70-tr%E1%BB%9F-l%C3%AAn-n%C3%AAn-truy-t%E1%BB%91.pdf

[8] Tuy nhiên, phải có định lượng cụ thể về chỉ tiêu chất lượng hàng hóa như Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 sửa đổi, bổ sung, một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định

[9] Nguyễn Thị Quế Anh (2014), Hiệp định Trips: Những tác động tới quy định về các tội xâm phạm quyền SHTT trong Bộ luật Hình sự năm 1999, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 30, số 2 năm 2014                 

[10] Xem thêm Khoản 1, Điều 225 và Khoản 1,  Điều 226 BLHS năm 2015

[11] Thay thế cụm từ “vì mục đích kinh doanh” trong BLHS năm 1999

[12] Khoản 1, Điều 61 của TRIPs quy định: “Các thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc vi phạm bản quyền với quy mô thương mại (commercial scale)….”

[13] Tác giả cũng xin khẳng định việc xóa bỏ dấu hiệu này không làm thay đổi sự tương thích với TRIPs

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 sửa đổi, bổ sung, một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CPngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  2. Hiệp địnhvề các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (Agreement on Trade - Related aspects of Ipr -TRIPS).

 

PERFECTING LAW ON THE EXAMINATION OF CRIMINAL RESPONSIBILITY FOR TRADEMARK COUNTERFEITING

Ph.D student TRAN VAN HAI

Faculty of Criminal Law, University of Law, Hue University

ABSTRACT:

Trademark is a object of intellectual property rights protected by national and international law. However, along with the strong development of the economy, the increasing trademark infringement has affected the economic management order, infringed the rights and legitimate interests of intellectual property rights holders regarding the proctected trademark. This article addresses the limitations and shortcomings of law on the examination of criminal responsibility for trademark counterfeiting acts through specific cases, thereby providing direction and suggestions for perfecting solutions.

Keywords: Trademarks, counterfeit trademarks, counterfeit goods, crimes, industrial property, penal liability.