Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô góp phần giảm nghèo bền vững ở Việt Nam

TS. VÕ ĐỨC TOÀN (Khoa Tài chính Kế toán, Đại học Sài Gòn)

TÓM TẮT:

Bài viết bàn về thực trạng hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) ở Việt Nam trong thời gian qua, và nêu lên những vấn đề tồn tại trong hoạt động của các tổ chức TCVM, làm cơ sở cho những khuyến nghị thiết thực đối với các chủ thể tham gia. Đồng thời, bài viết cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần có những giải pháp lâu dài và đồng bộ nhằm phát triển các tổ chức TCVM, từ đó tác động đến an sinh xã hội, tạo việc làm cho người nghèo, người thu nhập thấp, góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.

Từ khóa: Tổ chức tài chính vi mô, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, người nghèo, thu nhập thấp.

1. Đặt vấn đề

Các tổ chức TCVM cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đáp ứng nhu cầu chủ yếu của những người thu nhập thấp, người nghèo, với những khoản cho vay nhỏ nhưng góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho xã hội, giúp giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. Hiện nay, hoạt động của các tổ chức TCVM còn nhiều tồn tại, đặc biệt là các tổ chức TCVM thành lập theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, qui mô và địa bàn hoạt động còn nhỏ so với thị trường TCVM ở Việt Nam, nên chưa phát huy được chức năng và vai trò của mình. Chính vì vậy, tác giả đã chọn chủ đề “Hoạt động của các tổ chức TCVM góp phần giảm nghèo bền vững ở Việt Nam” nhằm nói lên tình hình hoạt động của một số tổ chức TCVM trong thời gian qua, từ đó, đề xuất những khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở Việt Nam.

2. Hoạt động của một số tổ chức TCVM tại Việt Nam

Tại Việt Nam có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ TCVM, bao gồm các Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Công ty TNHH TCVM… nhằm phục vụ chủ yếu cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp. Trong phần này, tác giả chỉ tìm hiểu hoạt động của một số tổ chức TCVM được thành lập theo Luật Các Tổ chức tín dụng.

Bảng 1. Các tổ chức TCVM thành lập đến ngày 31/12/2019

STT

Tên tổ chức TCVM

Ngày cấp phép

Vốn ĐL (tỷ đồng)

1

Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình Thương

17/8/2010

135,8

2

Tổ chức TCVM TNHH M7

13/1/2012

15,5

3

Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa

22/8/2014

6,1

4

Tổ chức TCVM TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm

28/10/2016

500

Tổng

657,4

Nguồn: https://www.sbv.gov.vn/

2.1. Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình Thương (TYM)

TYM là Tổ chức TCVM chính thức đầu tiên tại Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập với sứ mệnh cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ. TYM được thành lập năm 1992, trải qua gần 28 năm phát triển, với thành tích giúp đỡ hàng nghìn phụ nữ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, xây dựng mô hình vay vốn dễ dàng và phù hợp với các hộ gia đình tại các địa bàn nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Đối tượng tham gia vay vốn là các cá nhân, có tuổi từ 18 đến 65 thuộc các nhóm đối tượng: Hộ nghèo; cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp; các cá nhân và tổ chức khác có nhu cầu tham gia vào các hoạt động khác của TYM không bao gồm hoạt động vay vốn, tương trợ gia đình.

Lĩnh vực hoạt động: Tín dụng, tiết kiệm, tương trợ gia đình, đào tạo - tư vấn và hỗ trợ cộng đồng.

Mạng lưới hoạt động: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An.

Bảng 2. Số liệu hoạt động của TYM

STT

Chỉ tiêu

2014

2015

2016

2017

2018

1

Số huyện

52

55

61

66

71

2

Số xã

431

466

514

569

636

3

Số chi nhánh, phòng giao dịch

57

59

62

66

69

4

Tổng cán bộ

398

421

455

498

518

5

Số cán bộ kĩ thuật

233

256

251

274

274

6

Tổng số khách hàng

107.507

117.735

127.274

144.390

157.109

7

Số khách hàng vay vốn

93.812

101.611

98.623

100.275

104.357

8

Số dư nợ vốn vay (tỷ đồng)

758

862,87

1.054,66

1.221,27

1.479,16

9

Số dư tiết kiệm (tỷ đồng)

402

561

686,15

813,48

1.265,59

10

Tỉ lệ nợ quá hạn (%)

0,0112

0,004

0,01

0,005

0,01

 Nguồn: http://tymfund.org.vn/

2.2. Tổ chức TCVM M7

M7 được thành lập trên cơ sở góp vốn của 3 Quỹ xã hội (Quỹ Hỗ trợ phụ nữ miền núi Mai Sơn, Quỹ Khuyến khích phụ nữ TX Uông Bí và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ Đông Triều) hoạt động tại địa bàn 2 tỉnh là Sơn La và Quảng Ninh, cung cấp dịch vụ TCVM chất lượng, bền vững cho nhóm gặp thách thức về kinh tế và xã hội, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số. Hỗ trợ người gặp thách thức về kinh tế và xã hội, đặc biệt là phụ nữ và nhóm dân tộc thiểu số thông qua việc cung cấp dịch vụ TCVM, góp phần đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình đẳng và phát triến trên cơ sở đảm bảo sự bền vững về tổ chức và tài chính. M7 hoạt động trên các lĩnh vực: Huy động vốn; cho vay và hoạt động khác (Ủy thác; tư vấn tài chính; thu chi hộ và chuyển tiền; đại lý bảo hiểm).

Thành viên hiện tại của M7: Quỹ hỗ trợ phụ nữ miền núi Mai Sơn; Quỹ hỗ trợ phụ nữ Đông Triều; Quỹ khuyến khích phụ nữ Uông Bí; Quỹ phụ nữ TP. Điện Biên Phủ; Quỹ ủy thác hội phụ nữ huyện Điện Biên; TT phát triển vì người nghèo; Quỹ hỗ trợ phụ nữ Ninh Phước; Dự án tăng cường năng lực và giảm nghèo bền vững.

Bảng 3. Số liệu hoạt động của M7

STT

Chỉ tiêu

2014

2015

2016

2017

2018

1

Số thành viên

   2.319

   2.968

   3.255

   3.485

   3.565

-

Số thành viên là dân tộc thiểu số

   2.031

   2.325

   2.411

   2.513

   2.692

-

Tỷ trọng

87,58%

78,34%

74,07%

72,11%

75,51%

2

Tổng tài sản (triệu đồng)

 12.148

 20.223

 27.385

 31.745

 32.071

3

Tổng dư nợ (triệu đồng)

 12.091

 19.569

 26.807

 30.715

 30.680

4

Dư tiết kiệm (triệu đồng)

   2.711

   4.872

   5.490

   7.327

 10.673

 Nguồn: http://www.cfrc.vn/

2.3. Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI)

TCVM bắt đầu đến Thanh Hóa vào những năm cuối của thế kỷ 20, khởi đầu chỉ là một chương trình được tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam xây dựng ở huyện Nông cống. Cho đến nay, Thanh Hóa MFI đã trở thành người bạn đồng hành của nhiều hộ gia đình trên địa bàn, bằng việc cung cấp các sản phẩm tín dụng nhỏ, cho phép thành viên được vay vốn theo từng nhóm đoàn kết, không thế chấp bằng tài sản, mà bằng uy tín của từng thành viên. Bằng cách vay một lần trả dần trong nhiều tháng, không những dễ vay dễ trả, hết chu kỳ vay lại có một khoản tiết kiệm nho nhỏ, phù hợp với các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. [5]

Đến cuối năm 2018, Thanh Hóa MFI cho vay vốn cải tạo vệ sinh môi trường đạt 3.375 khách hàng, dư nợ 52,6 tỷ đồng; vốn giáo dục là 1.128 khách hàng, dư nợ 12,4 tỷ đồng; vốn cho các hộ gia đình có công với cách mạng 46 khách hàng, dư nợ 322,8 triệu đồng. Khu vực miền núi: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc có khoảng 2.677 khách hàng, dư nợ 34,5 tỷ đồng cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ... [6]

Tính đến ngày 31/12/2019, dư nợ cho vay đạt 359,6 tỷ đồng, tăng 29,4 tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch năm. Tổng số khách hàng hiện đang vay vốn đạt 20.329 khách hàng. Trong đó có 91% khách hàng là phụ nữ; 72,6% khách hàng có thu nhập thấp, khách hàng là người dân tộc thiểu số hơn 8%, tỷ lệ trả vốn đúng thời hạn đạt 96,5%. Kết quả trên khẳng định Thanh Hóa MFI đã và đang thực hiện tốt vai trò của một tổ chức TCVM. Thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tập trung vào các hộ có thu nhập thấp, trọng tâm ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong năm 2019, tổ chức đã mở rộng thêm 1 huyện mới là Nga Sơn và các xã mới thuộc 2 huyện Cẩm Thủy và Ngọc Lặc, nâng tổng số địa bàn hoạt động của Thanh Hóa MFI lên 238 xã ở 19 huyện/thị xã, tăng 12 xã, tương đương 5,3% so với năm 2018. Trong đó, địa bàn miền núi có 47 xã tại 4 huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh và Ngọc Lặc, với số khách hàng tham gia vay vốn là 2.887 khách hàng; khách hàng thuộc người dân tộc thiểu số là 1.818 khách hàng. [6]

2.4. Tổ chức TCVM TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP)

Với sứ mệnh cải thiện cuộc sống cho các hộ gia đình nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có thu nhập thấp. Với mục tiêu:

(1) Cung cấp các dịch vụ TCVM cho người nghèo nhằm giúp họ bắt đầu và phát triển công việc làm ăn, sản xuất nhỏ;

(2) Giảm nghèo thông qua các hoạt động tạo thu nhập của người nghèo;

(3) Giảm tỉ lệ thất nghiệp đối với người nghèo;

(4) Tham gia giúp người nghèo xây dựng cộng đồng, chia sẽ trách nhiệm, và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường xã hội lành mạnh;

(5) Mở rộng cung cấp các dịch vụ TCVM cho số lượng nghèo và duy trì sự bền vững tài chính của tổ chức.

Bảng 4. Số liệu hoạt động của CEP

STT

Chỉ tiêu

2014

2015

2016

2017

2018

1

Số quận/huyện (tỉnh/thành)

71 (9)

73 (9)

76 (9)

81 (9)

89 (9)

2

Số chi nhánh

32

33

34

34

34

3

Số nhân viên

492

519

557

576

583

4

Tổng số khách hàng

276.774

305.835

329.619

341.804

353.216

5

Khách hàng tiết kiệm

247.909

262.268

278.717

285.384

294.731

6

Khách hàng đang vay

260.810

288.490

309.949

320.901

330.330

7

Doanh số phát vay (triệu đồng)

3.832.467

4.993.261

5.686.859

6.364.049

7.395.289

8

Dư nợ cho vay (triệu đồng)

1.823.674

2.398.294

2.761.692

3.036.567

3.731.705

9

Số dư tiết kiệm (triệu đồng)

699.868

862.248

1.016.753

1.554.550

2.007.895

10

Nợ đi vay (triệu đồng)

515.251

835.998

901.040

585.788

707.196

Nguồn: http://www.cep.org.vn/

3. Một số vấn đề tồn tại

- Địa bàn và quy mô hoạt động của các tổ chức TCVM còn khiêm tốn: Hiện tại chỉ có 4 tổ chức TCVM được thành lập, địa bàn hoạt động chủ yếu Miền Bắc và Đông Nam Bộ, số lượng khách hàng chỉ vài trăm ngàn người. Tổng vốn điều lệ chỉ 657,4 tỷ đồng và có 71 chi nhánh, cho thấy quy mô còn quá nhỏ so với một ngân hàng thương mại thuộc loại nhỏ ở Việt Nam.

- Thông tin của các tổ chức TCVM chưa thật sự minh bạch: Các tổ chức TCVM chưa thực hiện việc minh bạch hóa thông tin bằng cách công bố các thông tin, báo cáo tài chính thường xuyên.

- Sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng, nguồn vốn hoạt động hạn chế: Các sản phẩm dịch vụ hầu như tập trung vào cho vay, mục đích sử dụng chủ yếu cho sản xuất kinh doanh, chưa thật sự quan tâm nhiều đến phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng. Cách thức và lãi suất huy động của tổ chức TCVM chưa hấp dẫn như các ngân hàng thương mại. Các tổ chức TCVM huy động tiền gửi tiết kiệm bắt buộc là chủ yếu, quy mô tương đối nhỏ.

- Môi trường kinh tế, xã hội gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tổ chức và khách hàng TCVM: Việt Nam thường phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, điều này làm tăng chi phí vốn của các tổ chức TCVM, tác động trực tiếp tới thu nhập và đời sống đối với khách hàng thu nhập thấp của các tổ chức TCVM. Các vấn đề về dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường, sự phát triển dân số... ảnh hưởng nhiều và trực tiếp nhất tới khách hàng TCVM.

- Thiếu sự kết nối giữa các tổ chức hoạt động TCVM: Do nhiều lý do khác nhau, như thiếu và yếu nguồn tài chính, nguồn nhân lực chưa có kĩ năng điều hành mạng lưới, chưa có cơ chế và năng lực tạo nguồn tốt, chưa sẵn sàng tham gia liên kết của các tổ chức TCVM... nên hoạt động chỉ mang tính địa phương.

- Vấn đề tuyên truyền cho khách hàng và cộng đồng chưa được thực hiện tốt: Chỉ những ai đã là khách hàng mới cảm nhận được các điểm mạnh của loại hình này, do phạm vi hoạt động của các tổ chức TCVM hạn chế, nguồn lực và nhân sự giới hạn, cộng đồng xã hội nói chung chưa thực sự hiểu rõ về lợi ích và đặc trưng của TCVM.

4. Các khuyến nghị

4.1. Đối với các tổ chức TCVM

- Cần mở rông thêm địa bàn kinh doanh: Các tổ chức TCVM nên mở rộng khu vực miền Trung, đặc biệt chú trọng Tây Nguyên, vì đây là địa bàn tập trung nhiều hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số.

- Tăng cường công tác quản trị, điều hành và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Các tổ chức cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành; xây dựng cơ chế kiểm soát, vận hành tổ chức hiệu quả nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh. Các tổ chức TCVM cần chú ý đến chính sách phát triển nguồn nhân lực thông qua việc hoàn thiện về tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và lựa chọn nhân lực, có chế độ khen thưởng với mục tiêu nâng cao tầm và kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, xây dựng đội ngũ nhân viên vừa có chuyên môn tốt vừa có phẩm chất đạo đức và yêu nghề.

- Tăng cường minh bạch hóa thông tin và bảo vệ quyền lợi khách hàng: Để bảo vệ quyền lợi khách hàng và tăng uy tín của tổ chức, cần minh bạch hóa các thông tin cơ bản của tổ chức TCVM như: lãi suất, các điều khoản hợp đồng, báo cáo tài chính… Đảm bảo tất cả các điều khoản cho vay khách hàng đều được biết và được giải thích rõ ràng. Các quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng trong gửi tiền và vay vốn được thể hiện rõ ràng trong các quy định và được niêm yết công khai.

- Đa dạng hóa và tăng chất lượng sản phẩm dịch vụ: Tổ chức TCVM cần tăng cường huy động tiết kiệm trong dân cư với các cách thức huy động khác nhau, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn với các mức lãi suất khác nhau. Bên cạnh đó, các tổ chức TCVM cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, cải tiến và áp dụng sản phẩm dịch vụ mới; phát triển một số dịch vụ như chuyển tiền qua internet, đại lý bảo hiểm, đại lý thu chi hộ... nhằm đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp.

- Nâng cao năng lực tài chính: Các tổ chức TCVM nên tăng cường các nguồn huy động vốn rẻ trên thị trường một cách tương đối như: vốn từ các nhà tài trợ, các nhà đầu tư cho phát triển, vốn ủy thác của các tổ chức tín dụng. Có chính sách vận động đầu tư cho phát triển xã hội từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các hội đồng hương hoặc từ những người đi xa về xây dựng quê hương.

- Tăng cường tuyên truyền: Tuyền truyền nên tập trung vào các vấn đề chủ chốt trong TCVM đối với cả khách hàng và các đơn vị thực hiện, giám sát. Làm rõ sự khác biệt giữa TCVM với tài chính truyền thống, cung cấp các thông tin rõ ràng minh bạch về vấn đề lãi suất và phí giao dịch. Tăng cường tuyên truyền về lợi ích cho khách hàng và cộng đồng, xây dựng các chương trình về nâng cao kiến thức tài chính cho dân cư. Tận dụng sức mạnh của chính quyền địa phương, các đoàn thể để tối ưu hóa hoạt động.

4.2. Đối với đối tượng sử dụng dịch vụ TCVM

Người nghèo có tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền, chưa tự tin vươn lên thoát nghèo và linh hoạt tìm kiếm cơ hội mở rộng các hoạt động kinh tế nhằm ổn định cuộc sống gia đình. Người nghèo, cận nghèo cần xác định rõ mục tiêu của việc vay vốn, nắm được các kiến thức và thông tin về quy trình vay vốn. Có kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, kế hoạch trả nợ đúng thời hạn góp phần cải thiện mức sống gia đình, ổn định cuộc sống. Chủ động và tích cực tham gia các cuộc họp tại các hiệp hội, các buổi họp tập huấn tại địa phương để nắm bắt kịp thời các thông tin về kinh tế xã hội, các kinh nghiệm từ các thành viên trong nhóm giúp trao đổi thông tin kinh nghiệm sản xuất góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình, vươn tới mục tiêu giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

4.3. Đối với chính quyền địa phương

Cần quan tâm tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động TCVM phát triển, hỗ trợ mặt bằng cho các đơn vị hoạt động; đối với các tổ dân phố trên từng địa bàn cần kết hợp với các tổ chức TCVM thực hiện quy trình giám sát và xét duyệt vốn vay có hiệu quả, rà soát và tạo điều kiện cho các hộ gia đình thuộc diện chính sách được tiếp cận các nguồn vốn để giúp họ thực hiện kế hoạch cải thiện mức sống, vươn lên thoát nghèo. Nắm bắt và đánh giá thực trạng của từng hộ gia đình nghèo để cung cấp cho các tổ chức TCVM các thông tin kịp thời và thiết thực để thực hiện tốt hoạt động nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đến các hộ nghèo.

4.4. Đối với Ngân hàng Nhà nước

Tính đến cuối năm 2019, cả nước chỉ có 4 tổ chức TCVM được thành lập theo Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức TCVM này chủ yếu hoạt động ở miền Bắc và miền Nam, miền Trung chỉ có một tổ chức TCVM nhưng chủ yếu hoạt động ở Thanh Hóa. Vì vậy, cần có cơ chế mở hơn để tạo điều kiện cho các tổ chức TCVM thành lập và phát triển trên phạm vi cả nước, góp phần giảm và thoát nghèo bền vững cho Việt Nam trong thời gian tới.

4.5. Đối với Chính phủ

Cần xem xét lại chuẩn nghèo để những người nghèo thật sự nhận được những hỗ trợ từ Nhà nước, qui định chuẩn nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 theo tác giả là chưa phù hợp, mức thu nhập quá thấp so với mức sống hiện tại ở Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ nên lấy mức lương tối thiểu chung từng năm để làm căn cứ xác định hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người nhỏ hơn 1.490.000 đồng/tháng có thể xếp vào hộ nghèo, để tính thu nhập cho các vùng nên dùng hệ số từng vùng (dựa vào mức sống) nhân với mức lương tối thiểu chung và việc phân vùng nên theo 8 vùng (Miền núi Đông, Bắc Miền núi Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long) chứ không chỉ phân khu vực thành thị và nông thôn.

Tóm lại, tổ chức TCVM chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đáp ứng nhu cầu chủ yếu của những người thu nhập thấp, người nghèo và cận nghèo, với những khoản cho vay nhỏ nhưng góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Bài viết đã cho thấy được thực trạng hoạt động của các tổ chức TCVM ở Việt Nam, đã nêu lên những vấn đề tồn tại làm cơ sở cho những khuyến nghị thiết thực đối với các tổ chức TCVM và các chủ thể có liên quan trong quan hệ TCVM, đặc biệt là đối với các cơ quan chức năng trung ương và địa phương để có cái nhìn tổng thể từ đó có những giải pháp đồng bộ nhằm giúp phát triển các tổ chức TCVM góp phần xóa đói và giảm nghèo bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Võ Đức Toàn, “Phát triển tổ chức TCVM ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Ngân hàng số 24 tháng 12/2017.
  2. Tổ chức TCVM TNHH một thành viên Tình Thương, http://tymfund.org.vn/.
  3. Tổ chức TCVM TNHH M7, http://www.cfrc.vn/; https://www.m7mfi.vn/.
  4. CEP, http://www.cep.org.vn/.
  5. Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa, http://www.thmicrofinance.org/.
  6. 6. Báo Thanh Hóa điện tử, http://baothanhhoa.vn/.

ACTIVITIES OF MICROFINANCE FINANCIAL INSTITUTIONS CONTRIBUTING TO THE SUSTAINABLE POVERTY REDUCTION IN VIETNAM

● Ph.D VO DUC TOAN

Faculty of Finance and Accounting, Sai Gon University

ABSTRACT:

This article presents the status of the operation of microfinance institutions in Vietnam in recent years. This article also hightlights the problems existing in the operation of microfinance institutions and proposes practical recommendations for parties relatted to these problems. In addition, this article raises the need for long-term and synchronized solutions to develop microfinance institutions in order to ensure the social security, create jobs for the poor and low-income earners, contributing to Vietnam’s hunger eradication and poverty reduction progresses.

Keywords: Microfinance institution, sustainable poverty reduction, social security, the poor, low-income.