Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp logistics ở khu vực Bắc Trung Bộ: Thực trạng và giải pháp

ThS. LÊ CÔNG HỘI (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

TÓM TẮT:

Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, có vị trí thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa với các vùng trong nước và quốc tế, trong đó dịch vụ logistics là khâu xương sống cho hoạt động này. Trong thời gian qua, kinh tế các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có nhiều phát triển tích cực, thu hút được một số dự án công nghiệp lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics ngày càng nhiều. Hệ thống doanh nghiệp logistics trong vùng đã có sự phát triển về số lượng, quy mô nhưng hoạt động còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh còn thấp. Trong bối cảnh đó, bài viết nhằm đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics ở khu vực Bắc Trung Bộ, chỉ rõ những mặt tích cực, hạn chế. Cuối cùng, tác giả đề xuất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp logistics ở khu vực Bắc Trung Bộ. Những giải pháp này phù hợp với chủ trương, chính sách mới của Nhà nước về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Từ khóa: Hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp logistics, khu vực Bắc Trung Bộ.

1. Đặc điểm của các doanh nghiệp logistics ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

Theo số liệu thống kê, có 1618 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logistics (dịch vụ vận tải, kho bãi, bưu chính và chuyển phát) ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (BTB) tại thời điểm cuối năm 2015, số lượng doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá, bình quân 10,5% trong giai đoạn 2010-2015.

Các doanh nghiệp logistics ở khu vực Bắc Trung Bộ (BTB) có một số đặc thù sau: (i) Chủ yếu là loại hình doanh nghiệp tư nhân, có qui mô nhỏ và siêu nhỏ; (ii) Nhân lực của doanh nghiệp logistics ở Bắc Trung Bộ so với các khu vực khác là yếu và thiếu. Các trường đại học ở BTB chưa có đào tạo về cung ứng, về chuyên ngành logistics. Do đó, nhân sự của các doanh nghiệp địa phương gặp khó khăn khi có nhu cầu đào tạo nâng cao kiến thức; (iii) Các doanh nghiệp ở đây chủ yếu là loại hình doanh nghiệp 2PL, cung cấp các dịch vụ đơn lẻ như vận tải, kho bãi, giao nhận, phân phối hàng hóa. Hiện nay, thị trường dịch vụ ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế vẫn thiếu hẳn những nhà cung cấp dịch vụ 3PL trọn gói thật sự. Các DN vận tải kho bãi chỉ cung cấp dịch vụ giao nhận đơn thuần như dịch vụ lưu kho và làm hàng ở các khu kinh tế thương mại Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị); (iv) Các doanh nghiệp logistics ở BTB có thị trường hoạt động chủ yếu là nội địa, có thể qua một số quốc gia lân cận như Lào, nhưng không đáng kể; (v) Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, trong đó phần lớn là vận tải đường bộ. Theo số liệu thống kê năm 2015, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải chiếm 90,7% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở BTB, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là 66,5%. (vi) Hoạt động của doanh nghiệp logistics ở BTB bị chi phối rất lớn của điều kiện tự nhiên (ví dụ mùa mưa bão, việc đi lại khó khăn), do đó hoạt động mang tính thời vụ.

2. Thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp logistics ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

Qua nghiên cứu thực trạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics ở các tỉnh BTB, một số mặt tích cực thể hiện như sau:

Thứ nhất, mặc dù BTB là khu vực có nhiều khó khăn đối với hoạt động của doanh nghiệp

logistics, các doanh nghiệp ở địa phương đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận về quy mô phát triển, kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh. Kết quả phân tích thực trạng cho thấy hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở các tỉnh BTB đã có sự phát triển khá về quy mô, thể hiện số lượng doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2010-2015, vốn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng tăng trưởng bình quân 18%/năm. Bên cạnh đó, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng trưởng qua các năm. Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp logistics có xu hướng tăng trong giai đoạn 2010-2015, với mức tăng trưởng bình quân 19%/năm. Các chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh như ROS, ROA, ROE, ROC, năng suất lao động, thu nhập của người lao động thể hiện xu hướng tăng qua các năm, mặc dù một số chỉ số còn thấp so với mức bình quân của cả nước.

So sánh giữa khu vực BTB với cả nước, các doanh nghiệp kho bãi ở BTB có chỉ số ROS thấp hơn rất nhiều so với cả nước. Chỉ số ROS bình quân của các doanh nghiệp kho bãi ở BTB đạt 1,49% vào năm 2011, có xu hướng tăng qua các năm và đạt 2,24% vào năm 2014. Tuy nhiên, chỉ số ROS thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước trong cùng thời kỳ; năm 2011, doanh nghiệp kho bãi cả nước có chỉ số ROS bình quân là 5,73% và tăng lên mức 6,78% vào năm 2014. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh BTB có chỉ số ROS ở mức tương đương với cả nước.

Hình 1: So sánh chỉ tiêu ROS của các doanh nghiệp logistics
Nguồn: Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp và xử lý của tác giả

Thứ hai, hoạt động của doanh nghiệp logistics có tác động tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn các tỉnh BTB. Thông qua việc sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài do các doanh nghiệp logistics cung cấp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, xuất nhập khẩu được cải thiện, cụ thể là làm tăng doanh thu, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tăng lợi nhuận, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đảm bảo yếu tố đúng thời gian và địa điểm. Việc thuê ngoài dịch vụ vận tải, kho bãi và giao nhận hàng hóa cũng giúp doanh nghiệp sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn lực, giảm thiểu chi phí trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp logistics kinh doanh hiệu quả, cung cấp dịch vụ logistics chất lượng có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, cụ thể là làm tăng trưởng chỉ tiêu lợi nhuận trên chi phí (ROC), giúp tăng trưởng ROS, tăng trưởng ROE, tăng trưởng ROA, tăng năng suất lao động.

Hình 2: So sánh mức giảm chi phí khi sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài so với tự thực hiện
(Nguồn: Kết quả điều tra khảo sát của tác giả, năm 2015)

Thứ ba, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp logistics có tác động tích cực lan tỏa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ở khu vực BTB. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp logistics đã đóng góp tích cực, góp phần đưa tổng sản phẩm của dịch vụ vận tải, kho bãi trong vùng đạt mức tăng trưởng cao (18%/năm) trong giai đoạn 2010-2015 và gia tăng tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực vận tải, kho bãi vào tổng sản phẩm của khu vực, từ mức 2,98% vào năm 2010 lên 3,07% vào năm 2015. Dịch vụ logistics đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong phát triển kinh tế, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cho các ngành của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics ở khu vực BTB còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh (HQKD) của các doanh nghiệp logistics ở các tỉnh BTB còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong hội nhập và phát triển. Địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics vì Bắc Trung Bộ nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, có bờ biển dài, có nhiều cảng biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Sơn Dương, Hòn La, Cửa Việt, Thuận An, Chân Mây...), nhiều sân bay (Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài), có cửa khẩu biên giới (Lao Bảo, Cha Lo, Cầu Treo, Nậm Cắn). Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng với các vùng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, HQKD của doanh nghiệp logistics ở BTB còn thấp và còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng thời gian thực hiện các đơn hàng và yêu cầu của khách hàng trong cung ứng dịch vụ; hiệu quả kinh tế, hiệu quả về xã hội và hiệu quả về môi trường còn thấp.

Thứ hai, các doanh nghiệp logistics ở BTB còn nhiều hạn chế về năng lực và khả năng cung ứng dịch vụ logistics chất lượng, phần lớn chỉ khai thác một phần nhỏ trong toàn bộ chuỗi cung ứng, phổ biến là hình thức giao nhận, vận tải, lưu kho. Đây là hình thức khá đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp ở địa phương chưa tạo ra sự liên minh, liên kết, chỉ dựa vào năng lực sẵn có nên khả năng cạnh tranh thấp, thậm chí còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu hạ giá thành để làm đại lý cho các công ty logistics lớn.

Những hạn chế nêu trên có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như: (i) cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin... ở các tỉnh BTB còn yếu kém, chưa phát triển đồng bộ, chưa được kết nối theo mục tiêu của logistics, làm cho chi phí logistics còn cao, làm giảm lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chất lượng dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa do các doanh nghiệp logistics cung cấp cho khách hàng, từ đó dẫn đến giảm hiệu suất hoạt động và HQKD của doanh nghiệp logistics; (ii) tiềm lực của các doanh nghiệp logistics ở các tỉnh BTB còn quá nhiều hạn chế và các doanh nghiệp logistics chưa phát huy sức mạnh liên kết với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập nhập khẩu để tạo thành chuỗi cung ứng; (iii) nhân lực của các doanh nghiệp logistics ở các tỉnh BTB vừa thiếu lại vừa yếu, chưa được đào tạo hệ thống về logistics; và (iv) nhận thức về vai trò của logistics đối với việc nâng cao HQKD của doanh nghiệp và phát triển kinh tế của địa phương còn hạn chế.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp logistics ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

Từ những đánh giá trên, một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp logistics ở khu vực BTB có thể tóm tắt như sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics và chất lượng dịch vụ. Để cung ứng dịch vụ logistics hiệu quả, tạo lợi thế cạnh tranh, bản thân các doanh nghiệp cần có chính sách phát triển các nguồn lực nội tại. Việc đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, củng cố nội lực của doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics vùng BTB có thể khắc phục thực trạng yếu kém so với đối thủ cạnh tranh về nguồn nhân lực, quy mô, hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp cần phải tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt trong cung cấp dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp địa phương có lợi thế sân nhà, am hiểu sâu sắc thị trường trong khu vực cũng như những vấn đề tồn tại hiện nay của các nhà sản xuất kinh doanh trong nước, từ đó đi vào tạo dựng những lợi thế riêng về dịch vụ cho hệ thống phân phối và xuất khẩu hàng hóa đạt được hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp logistics và giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Thực tế hiện nay tính liên kết của các doanh nghiệp ở BTB còn rất yếu, do đó các doanh nghiệp logistics cần hợp tác để cung ứng các dịch vụ logistics đồng bộ cho khách hàng, theo đó, một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao nhận có thể liên kết với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi, vận tải, mối giới, hàng không để tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ. Các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics cần có sự liên kết chặt chẽ để tạo thành chuỗi cung ứng mới phát triển và cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Việc liên kết tạo ra chuỗi dịch vụ tiện ích, không những chất lượng dịch vụ tốt mà giá cả phải cạnh tranh, đảm bảo chất chất lượng, hạch toán cụ thể, tạo niềm tin cho chủ hàng, kết nối được với các chủ hàng.

Thứ ba, các doanh nghiệp logistics cần mở rộng thị trường, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, phấn đấu tăng doanh thu, giảm chi phí trong hoạt động logistics, đặt mục tiêu đạt nhịp độ tăng mức doanh lợi nhanh hơn nhịp độ tăng chi phí logistics. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cung cấp cho khách hàng để dần hướng tới phát triển toàn diện dịch vụ logistics, đặc biệt là các dịch vụ GTGT là giải pháp hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp logistics địa phương hiện nay. Những doanh nghiệp logistics tổ chức tốt các dịch vụ cung ứng cho khách hàng, nhất là các dịch vụ tiếp tục quá trình sản xuất trong khâu lưu thông gia tăng giá trị, sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiết giảm kho bãi, nhân sự, phương tiện vận chuyển trong các công đoạn của dòng chu chuyển hàng hóa, sản xuất được rút ngắn, sản phẩm nhanh chóng có mặt trên thị trường, đáp ứng được ý tưởng kinh doanh hiện đại “đúng thời điểm”. Khu vực BTB có nhiều khu kinh tế TM cửa khẩu như Lao Bảo, Cầu Treo, Cha Lo, là lợi thế để doanh nghiệp logistics cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và cần được tập trung phát triển trong thời gian tới.

Thứ tư, các doanh nghiệp logistics cần có chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao. Yếu tố quan trọng cho sự phát triển lâu dài và bền vững của DN logistics là nguồn lao động có kỹ thuật, tay nghề cao và chuyên nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cần phải có một chiến lược, chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cụ thể, có lộ trình rõ ràng theo định hướng phát triển doanh nghiệp. Với một lực lượng lao động vừa thiếu lại vừa yếu về chuyên môn như hiện nay đối với các tỉnh BTB, có thể khẳng định tính cấp thiết của việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp logistics.

Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ logistics thông qua thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics, định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở khu vực BTB cũng như phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có thói quen mua hàng theo điều kiện CIF, bán hàng theo điều kiện FOB, do đó làm mất đi cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp logistics nội địa. Do đó, cần thay đổi tập quán “mua CIF, bán FOB”, nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics nội địa tham gia nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng này càng cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp, xây dựng cần nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc thuê ngoài dịch vụ logistics, loại bỏ tâm lý muốn tự làm dịch vụ logistics cho đảm bảo chất lượng, đỡ tốn chi phí.

Thứ sáu, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, hiệu quả. Hoạt động của các DN logistics có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển hạ tầng GTVT, cảng biển, hệ thống phân phối, các phương thức vận tải. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của các tỉnh BTB chưa phát triển kịp với sự phát triển của nền kinh tế và cũng không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển các loại hình dịch vụ logistics. Cơ sở hạ tầng logistics chưa phát triển nên chi phí vận tải luôn cao hơn so với các nước trong khu vực, giảm HQKD của các DN. Do vậy, việc đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng logistics, chú trọng phát triển các tuyến tỉnh lộ, đầu tư các trung tâm logistics, phát triển các dịch vụ logistics cảng biển là điều kiện tiên quyết cho các DN logistics phát triển, nâng cao được khả năng cạnh tranh của DN, giảm bớt được thời gian và chi phí vận chuyển, mang lại HQ kinh tế cho các DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đặng Đình Đào và các tác giả (2011), Logistics - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

2. Đặng Đình Đào và Nguyễn Minh Sơn (2011), Dịch vụ logistics ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ban hành ngày 14/02/2017.

4. Tổng cục Thống kê (2010-2015), Niên giám thống kê Việt Nam các năm 2010-2015, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

NORTH CENTRAL REGIONS LOGISTICS

ENTERPRISES BUSINESS ACTIVITIES:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

MA. LE CONG HOI

The State Bank of Vietnam

ABSTRACT:

The North central region consists of six provinces, from Thanh Hoa to Thua Thien Hue, having a favorable location for the circulation of goods domestically and internationally, in which logistics is the backbone of the circulation activities. Over the past few years, the economy of the North Central provinces has developed positively, attracted a number of large industrial projects, contributed to the socio-economic development of the region. The demand for logistics services is increasing, however, the operation of logistics business system in the area is still fragmented, spontaneous, inefficient and lack of professionalism, competitiveness . In this context, the article aims to assess the current status of business activities of logistics enterprises in the North Central region, indicating the positive and limited aspects. Finally, the author proposed possible solutions to improve the business efficiency of logistics enterprises in the North Central Region. These solutions are in line with the new guidelines and policies of the State on enhancing the competitiveness and development of logistics services in Vietnam by 2025.

Keywords: Business activities, logistics enterprises, North Central region.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây