Hợp tác giữa Chính phủ - doanh nghiệp - địa phương: Đòn bẩy tiếp sức ngành công nghiệp hỗ trợ

Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
công nghiệp hỗ trợ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo tại Lễ ký kết hợp tác ba bên thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ

Khẳng định vai trò địa phương, doanh nghiệp đầu tàu

Ngày 21/9/2020, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đa biên giữa Bộ Công Thương-UBND tỉnh Bắc Ninh-Samsung Electronics Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh đã chính thức được diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ông Park Nowan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam.

Đây là cột mốc đánh dấu sự đầu tư, hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhằm cải tiến, nâng cao năng lực sản xuất, kết nối, mở rộng khả năng cung ứng của các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung.

samsung
Toàn cảnh Lễ ký kết hợp tác ba bên thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ

Bắc Ninh là một trong những tỉnh, thành phố có tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất cả nước. Năm 2019, Bắc Ninh thu hút 1.600 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD, trong đó, các dự án đầu tư đến từ Hàn Quốc chiếm trên 60% và riêng Samsung là 9,3 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng số vốn đăng ký.

Tuy nhiên, ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng như trên cả nước chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Thêm vào đó, sự gắn kết của các doanh nghiệp trong nước với Samsung còn hạn chế. Đặc biệt, giữa Bắc Ninh và Samsung - đối tác hàng đầu - chưa xây dựng được một cơ chế hợp tác đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Để khắc phục những khuyết điểm trên, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam kỳ vọng, thông qua Chương trình ký kết hợp tác, sẽ có nhiều doanh nghiệp ưu tú tại Bắc Ninh có thể học hỏi kinh nghiệm trong 50 năm qua của Samsung trong mảng sản xuất, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

bộ công thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải kỳ vọng các cơ quan chính quyền địa phương nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành Chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đồng thuận với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ năm 2018, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Samsung Việt Nam triển khai Dự án hợp tác đào tạo tư vấn viên và tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với sự tham gia của 140 doanh nghiệp trên cả nước (62 doanh nghiệp năm 2019 và 78 doanh nghiệp năm 2020).

Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực như: tăng năng suất, thay đổi và nâng cao nhận thức về cải tiến sản xuất và chất lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.

Sau tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh là cơ quan địa phương thứ hai chủ động phối hợp cùng Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh còn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kết nối, nhằm tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng, tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, Thứ trưởng thông tin.

Thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng các cơ quan chính quyền địa phương nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành Chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhân rộng mô hình hợp tác

Chỉ đạo tại Lễ ký kết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Samsung Việt Nam trong việc đồng hành cùng phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

ký kết samsung
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần nhân rộng mô hình hợp tác Chính phủ, địa phương với doanh nghiệp

Phó Thủ tướng chỉ đạo, chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn tới sẽ tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, chất lượng hiệu quả nền kinh tế. Thay vì phát triển chiều rộng sẽ tập trung theo chiều sâu, lấy kinh tế tri thức, kinh tế số là mục tiêu.

Với công nghiệp, thay vì nền công nghiệp gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, ô nhiễm moi trường sẽ là nền công nghiệp chiều sâu, nhằm tăng giá trị nội địa hoá, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu.

“Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng yếu nâng cao chất lượng, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập người dân. Do đó, yêu cầu vai trò đầu tàu của doanh nghiệp, trách nhiệm doanh nghiệp Việt Nam là cần thiết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

ký kết hợp tác

ký kết hợp tác đa biên
Sự kiện này là giải pháp tháo gỡ, là chìa khóa, là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác giữa Chính phủ-doanh nghiệp-địa phương. Đây là mô hình để các doanh nghiệp khác học tập.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt ở cả thị trường trong và ngoài nước. Quy mô ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn nhỏ, sản phẩm còn ít, giá thành còn cao và nhiều sản phẩm thiếu sức cạnh tranh ngay trong nội địa.

“Thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nhỏ bé, đặc biệt là công nghiệp ô tô nên đầu tư nhỏ không hiệu quả mà đầu tư lớn thì thiếu đầu ra nên khó cạnh tranh...", Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sự kiện hôm nay là giải pháp tháo gỡ, là chìa khóa, là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác giữa Chính phủ-doanh nghiệp-địa phương. Đây là mô hình để các doanh nghiệp khác học tập.

Song để triển khai thành công hợp tác, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương hoàn thiện thể chế về công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh tại thị trường nội địa và coi thị trường quốc tế là mục tiêu hướng tới.

Bộ Công Thương và các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, nhân lực; hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị... Sau Lễ ký, Bộ Công Thương cụ thể hoá Biên bản để thực hiện các cam kết, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả nhất... Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam

lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam

lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam

lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam
Nhân dịp này, phía Samsung Việt Nam cũng đã ký kết các biên bản hợp tác với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Đối với Bắc Ninh, Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần tập trung các nguồn lực thu hút FDI, hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp địa phương, tránh phong trào và hình thức. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gồm rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch, chiến lược phát triển với nhiều nguồn lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ dặc biệt là công nghệ thông tin, sử dụng quỹ đất cho hợp lý, cải cách hành chính, nguồn nhân lực…

Với Samsung Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần phát triển nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nâng cao hơn nữa giá trị nội địa trong sản phẩm Samsung. Phó Thủ tướng mong muốn Samsung tạo mọi điều kiện để Việt Nam trở thành nhà cung ứng chiếm tỉ trọng cao trong chuỗi giá trị của Samsung.

Sự kiện lý kết lần này đánh dấu sự hợp tác ba bên giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh. Chương trình sẽ được diễn ra trong 5 năm tới.

Theo biên bản ghi nhớ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh được thực hiện trong 5 năm (2020 - 2025) gồm chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và chương trình phát triển nhà cung ứng - lần đầu tiên được Samsung thực hiện tại một địa phương.

Các chuyên gia của Samsung sẽ trực tiếp khảo sát, đánh giá và doanh nghiệp Việt Nam nhận trực tiếp tư vấn, làm việc để cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong cung ứng sản phẩm, linh kiện để tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung.

Không chỉ các nhà cung ứng linh kiện, với chương trình này các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cũng được ưu tiên cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của Samsung ở nhiều lĩnh vực lương thực, y tế, công nghiệp hỗ trợ, vận tải…

Hạ An