IEA hạ dự báo tồn trữ dầu thô toàn cầu, giá dầu thô bật tăng mạnh

Giá dầu thô đã bật tăng mạnh 9% trong phiên giao dịch ngày 14/5 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tồn trữ dầu thô toàn cầu trong nửa cuối năm 2020.
Nhà máy lọc dầu tại Hoa Kỳ
Giá dầu thô đang được hỗ trợ mạnh sau hàng loạt thông tin tích cực bao gồm việc tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ lần đầu tiên giảm xuống trong vòng 15 tuần trở lại đây (Ảnh: Getty Images)

Chốt phiên giao dịch ngày 14/5, giá dầu thô Brent giao tương lai tăng 1,94 USD tương ứng 6,7% lên 31,13 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng mạnh 2,27 USD tương ứng 9% lên 27,56 USD/thùng.

Giá dầu thô bật tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm qua chủ yếu nhờ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tồn trữ dầu thô toàn cầu trong nửa cuối năm 2020 sẽ giảm xuống còn 5,5 triệu thùng/ngày. IEA cũng cảnh báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 sẽ sụt giảm mạnh, tuy nhiên mức sụt giảm này đã được điều chỉnh giảm trong bối cảnh nhiều quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 để tái mởi cửa nền kinh tế.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 9,07 triệu thùng/ngày so với mức sử dụng trong năm 2019, con số này cao hơn mức dự báo giảm 6,85 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó.

OPEC cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô trong quý 2/2020 sẽ sụt giảm mạnh nhất và Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất khối OPEC, đã cho biết có thể cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm lên 5 triệu thùng/ngày trong tháng 6 tới đây.

Giá dầu thô đã tăng cao trong những ngày gần đây sau khi dữ liệu công bố ngày 13/5 của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 8/5 lần đầu tiên giảm xuống trong vòng 15 tuần trở lại đây, phản ánh thị trường dầu mỏ tại Hoa Kỳ có thể đã vượt qua điểm tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu thô hiện đang bị kìm hãm bởi tâm lý lo ngại đại dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Hàn Quốc và Trung Quốc đã tăng cao trở lại sau khi hai nước nới lỏng các biện pháp phong toả.

Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động từ các dữ liệu xấu về kinh tế Hoa Kỳ. Trong ngày 14/5, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 9/5 là 2,98 triệu đơn; mặc dù con số này đã giảm so với mức 3,18 triệu đơn trong tuần trước đó nhưng đây là tuần thứ 6 liên tiếp ghi nhận số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức cao đáng kể.  

Ông Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), đã lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ sẽ đối mặt với tình trạng suy yếu kinh tế kéo dài. Lời cảnh báo này đã phủ bóng đen lên kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tăng trở lại khi nhiều tiểu bang tại đây chuẩn bị tái khởi động kinh tế.

Quang Đặng (Theo Reuters)