IMF: Thế giới đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng hồi năm 1930.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa qua đã lên tiếng cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 và thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng hồi năm 1930. Bà Kristalina Georgieva cũng dự báo nền kinh tế thế giới sẽ chỉ phục hồi phần nào trong năm 2021.

Lời cảnh báo của bà Kristalina Georgieva được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này đã tăng tuần thứ 3 liên tiếp, tăng thêm 6,6 triệu đơn. Hiện có hơn 16 triệu người lao động tại Hoa Kỳ phải tìm kiếm hỗ trợ thất nghiệp, con số này cao hơn nhiều so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF Kristalina Georgieva
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1930 

Việc các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly xã hội và phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên quy mô toàn cầu. Các hoạt động kinh tế bị gián đoạn nghiêm trọng đã khiến hàng loạt doanh nghiệp trên thế giới phải đóng cửa và sa thải nhân công diện rộng.

[Xem thêm tại: Khủng hoảng tài chính năm 2020 sẽ là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1929]

Trong đầu tháng 4/2020, Liên Hợp Quốc cho biết trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn cầu thì công việc của khoảng 2,4 tỷ người (tương đương 81%) bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khi các đơn vị sử dụng lao động buộc phải đóng cửa một phần hoặc toàn phần.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh bảo đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II và khoảng 195 triệu người có công việc toàn thời gian sẽ bị mất việc trong quý 2/2020.

Theo bà Kristalina Georgieva các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế đang nổi lên sẽ là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh và các nước này sẽ cần hàng trăm tỷ USD viện trợ để phục hồi kinh tế.

Bà Kristalina Georgieva cho biết “Mới chỉ 3 tháng trước, chúng tôi (IMF) dự báo trong năm 2020 sẽ ghi nhận sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người tại hơn 160 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, mọi việc giờ đã đảo lộn, dự báo thu nhập bình quân đầu người tại hơn 170 quốc gia sẽ sụt giảm trong năm nay”.

Liên minh quốc tế Oxfam cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến hơn 500 triệu người trên thế giới rơi vào ngưỡng nghèo đói và đến khi dịch bệnh kết thúc có thể hơn 50% dân số toàn cầu sẽ sống trong cảnh đói nghèo.  

IMF hiện dự báo như đại dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý 2/2020 thì nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi một phần trong năm 2021. Tuy nhiên, IMF lưu ý tất cả các dự báo hiện nay đều mang tính không chắc chắn và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu như dịch bệnh kéo dài.

Quang Đặng (Tham khảo BBC)