Khánh Hòa chọn 4 địa điểm quy hoạch điện khí tại Vân Phong

4 địa điểm quy hoạch thuộc địa bàn phường Ninh Thủy và xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa với tổng diện tích khoảng 1.053ha để triển khai các dự án cảng, kho khí và nhà máy điện khí LNG (khí hóa lỏng).

UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chọn 4 địa điểm thuộc địa bàn phường Ninh Thủy và xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa với tổng diện tích khoảng 1.050 héc ta để triển khai các dự án cảng, kho khí và nhà máy điện khí.

Theo đó, 4 địa điểm quy hoạch thuộc địa bàn phường Ninh Thủy và xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa với tổng diện tích khoảng 1.053ha để triển khai các dự án cảng, kho khí và nhà máy điện khí LNG (khí hóa lỏng).

Cụ thể, địa điểm thứ nhất tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước (khu vực trước đây quy hoạch Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vân Phong 2). Diện tích khu vực này khoảng 100 ha, trong đó diện tích lấn biển khoảng 50 ha.

Địa điểm thứ hai tại khu công nghiệp Ninh Thủy (phường Ninh Thủy), có diện tích hơn 40 ha và đất đã được giải phóng mặt bằng.

Địa điểm thứ 3 nằm tại khu quy hoạch tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (thôn Ninh Yển và thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước), có tổng diện tích khoảng 31 ha. Trong đó, diện tích đất liền hơn 151 ha còn 70 ha nằm trên đảo Mỹ Giang và 88 ha diện tích đất có mặt nước.

Địa điểm thứ 4 tại khu vực quy hoạch phát triển công nghiệp Ninh Tịnh (thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước) với diện tích khoảng 600 ha. Trong đó, phần diện tích dự kiến thu hút dự án Nhà máy điện khí LNG và kho chứa khí khoảng 100 ha.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua 4 địa điểm đã lựa chọn, tỉnh sẽ đề xuất báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII, điều chỉnh quy hoạch khu vực này để có thể tiếp nhận các dự án điện khí, kho khí.

Được biết, 4 địa điểm mà UBND tỉnh lựa chọn để quy hoạch cho điện khí đều đã có các doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Trong số đó, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Millennium (Mỹ), Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Mỹ), Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty J-Power (Nhật Bản) là những nhà đầu tư có tiềm lực lớn, nhiều thế mạnh trong lĩnh vực điện khí.

Các dự án đề xuất đầu tư đều có trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, Công ty Millennium xin đầu tư dự án điện và kho chứa khí lên đến 15 tỷ USD.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư ở các nước phát triển, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nhà máy điện trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, phải đảm bảo có nguồn cung về khí cho việc vận hành nhà máy điện khí và có khả năng tham gia đầu tư hệ thống truyền tải.

 
Thanh Xuân