Khởi động quý I/2019 thuận lợi: Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lấy lại những gì đã mất?

Thị trường chứng khoán Việt Nam lại có 3 tháng đầu tiên của năm 2019 tích cực và nằm trong Top 10 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng, các thị trường chứng khoán thế giới gặp nhiều khó khăn, riêng thị trường Việt Nam lại có 3 tháng đầu tiên của năm 2019 tích cực và nằm trong Top 10 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Thật vậy, tính từ phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 đến ngày 15/3/2019, VN-Index đã tăng trưởng 12,5% và trong khi rất nhiều báo cáo phân tích dự báo thị trường cho năm 2019 chỉ đặt mục tiêu VN-Index đạt 1.000 điểm thì ngày giữa tháng 3, chỉ số này đã vượt 1.000 điểm.

Bối cảnh thế giới hạ nhiệt

Thị trường chứng khoán Việt Nam có một năm 2018 rất khó khăn khi 8 tháng cuối năm VN-Index đánh mất gần 26% từ đỉnh. Mặc dù trước đó năm 2017, thị trường Việt Nam cũng tăng trưởng nóng nhưng quá trình suy yếu kéo dài tới 8 tháng là điều ít thấy. Lý do chính khiến thời gian điều chỉnh lâu bất thường như vậy là các ảnh hưởng đến từ bên ngoài mà nổi bật là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khai mào từ tháng 7/2018 khi hai nước này áp thuế lẫn nhau.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam được dự báo có ảnh hưởng nhưng cũng có lợi ích từ diễn biến này. Điều cơ bản là tất cả các số liệu kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2018 của Việt Nam vẫn rất tích cực, thậm chí là tốt đột biến. Về lý thuyết thị trường chứng khoán phải bám sát các triển vọng kinh tế, nhưng thị trường Việt Nam trải qua những tháng cuối năm 2018 thật sự vất vả. Đó là do ảnh hưởng tâm lý quá lớn từ các diễn biến bên ngoài khiến nhà đầu tư quên đi những nền tảng nội tại.

3 tháng đầu năm 2019 thị trường Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng. Nhiều phân tích lo ngại về tốc độ tăng trưởng quá nóng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên mức tăng trưởng đó có thể xem là thời gian bù lại với quá trình điều chỉnh ngoài ảnh hưởng của các yếu tố nội tại. Thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc - hai thị trường chịu ảnh hưởng lớn nhất của căng thẳng thương mại - cũng có mức phục hồi ấn tượng. Sau khi Mỹ và Trung Quốc ngồi vào bàn đám phán, tuy những yếu tố kỹ thuật chưa thể giải quyết được, nhưng chí ít thiện chí đó cũng là sự thay đổi lớn so với thời điểm trước đây. Chính vì vậy các thị trường tài chính ngay lập tức phản ánh kỳ vọng căng thẳng sẽ được giải quyết.

Yếu tố quan trọng thứ hai giúp các thị trường tài chính nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng có cơ hội lấy lại những gì đã mất, là sự trì hoãn trong tiến trình nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, yếu tố khiến các thị trường chứng khoán lo ngại, thậm chí sợ hãi, là quá trình bình thường hóa lãi suất, nâng dần mức thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Lo ngại này được châm ngòi bằng lợi suất trái phiếu tăng vọt, cộng với mức lãi suất cơ bản được nâng lên, cắt giảm các gói hỗ trợ tài chính thông qua chương trình mua lại trái phiếu. Thời điểm tháng 2/2018 các thị trường chứng khoán rúng động trước các bước đi vững chắc trong chính sách nói trên. Thậm chí đã xuất hiện những thời điểm sụt giảm cực mạnh.

Đến đầu năm 2019, tiến trình này đã chậm lại. Nguyên nhân xuất phát từ bối cảnh đan xen giữa căng thẳng thương mại và lo ngại giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Khởi động là Cục Dự trữ liên bang Mỹ trong kỳ họp tháng 1/2019 đã quyết định mềm mỏng hơn trong các phát ngôn về chính sách, đồng thời chấp nhận kiên nhẫn hơn trong việc thực hiện nâng lãi suất cơ bản. Chu kỳ tăng trưởng dài hạn kéo dài chưa từng thấy trên các thị trường chứng khoán kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 chủ yếu dựa trên nền tảng lãi suất thấp và các biện pháp kích thích tăng trưởng. Khi tiến trình này vẫn còn được kéo dài và chưa có sự đảo ngược, các thị trường sẽ tiếp tục có được động lực tăng trưởng.

Nền tảng tích cực, triển vọng nâng hạng

Kết thúc năm 2018 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,08%, cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao nhất trong vòng 10 năm. Đặc biệt là mức tăng trưởng tín dụng 2018 của Việt Nam chỉ vào khoảng 13,3%, thấp hơn nhiều các năm trước (từ 15% đến 17%). Như vậy tăng trưởng GDP đã giảm sự lệ thuộc vào tăng trưởng tín dụng, yếu tố dễ dẫn đến bong bóng tài sản do hiện tượng đầu cơ tràn lan trên cơ sở cung tiền quá lớn.

Nhìn chung các yếu tố vĩ mô của Việt Nam đều mạnh và thị trường chứng khoán đã không phản ánh đúng yếu tố này. Chính vì vậy nếu so sánh cùng thời điểm nền kinh tế tăng trưởng gần tương đương thì thị trường chứng khoán lúc này lại kém hơn. Điều đó tạo sự hấp dẫn về mặt định giá.

chung khoan

Khi thị trường Việt Nam được nâng từ cận biên lên mới nổi, dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào với quy mô lớn hơn nhiều.

 

Theo thống kê lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết 2018, tăng trưởng của các doanh nghiệp trên sàn HSX vào khoảng 22,2%. Các doanh nghiệp trên sàn HSX ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế tăng 11,4% so với năm 2017. Trong khi đó thời điểm tháng 4/2018 tỷ lệ P/E của thị trường Việt Nam khoảng 22 lần còn hiện tại chỉ khoảng 15 lần.

Nói tóm lại, yếu tố định giá cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn và doanh nghiệp vẫn tăng trưởng lợi nhuận tốt. Đó là tiền đề cơ sở để duy trì sức mạnh trên thị trường, dù có các tác động bất lợi từ bên ngoài.

Một yếu tố có khả năng tạo đột biến tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn là cơ hội nâng hạng. Dự kiến tháng 6/2019 các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế sẽ có đánh giá về thị trường Việt Nam. Việc cải tiến chính sách và nhất là sửa đổi Luật chứng khoán trong năm nay sẽ là yếu tố quan trọng đẩy nhanh quá trình xét nâng hạng.

Trong trường hợp thị trường Việt Nam được nâng từ cận biên lên mới nổi, dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào với quy mô lớn hơn nhiều. Đây là yếu tố then chốt nằm ngoài các ảnh hưởng của yếu tố vĩ mô và mang tính thị trường cao. Thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh nếu được nâng hạng vì khi đó các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ buộc phải phân bổ tỷ trọng cho thị trường này. Thậm chí trước khi được nâng hạng, thị trường Việt Nam đã được chứng kiến dòng vốn mới đón đầu kế hoạch nâng hạng. Trong 2 tháng đầu năm 2019 lượng vốn mới vào ròng đạt khoảng 112 triệu USD.

Định hướng phát triển kinh tế 2019 vẫn là duy trì tăng trưởng bền vững và cải cách chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Các yếu tố này tuy khó tạo được sự đột biến ngắn hạn cho thị trường chứng khoán, nhưng sẽ duy trì được nội lực vượt qua các cú sốc. Đó là những gì đã được chứng kiến vào cuối năm 2018. Từ nền tảng ổn định, thị trường sẽ có cơ hội để phục hồi và tăng trưởng dựa trên các yếu tố thị trường khác.

Hoàng Nguyên