Khung pháp luật chung của cộng đồng AEC: Xây dựng từ góc nhìn của EU

ThS. Trần Nam Hương (Trường Đại học Tài chính Marketing)

Tóm tắt:

Cộng đồng kinh tế chung Asean đã được hình thành và phát triển trong phạm vi các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đã và đang là một thành viên tích cực. Sự kiện kinh tế lịch sử mang tầm vóc khu vực này hứa hẹn sẽ đem đến cho đất nước chúng ta nhiều vận hội mới, những cơ hội lớn lao xen lẫn biết bao thách thức cần phải đối mặt và giải quyết. Nhằm tận dụng thời cơ, phát huy các mặt mạnh cũng như hạn chế các nguy cơ lẫn thách thức, Cộng đồng kinh tế chung Asean rất cần thiết phải xây dựng và phát triển được một hệ thống pháp luật chung. Thấu hiểu tầm quan trọng của vấn đề này, nghiên cứu giới thiệu về khuôn khổ pháp luật của khối EU, qua đó phân tích và đánh giá để đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm áp dụng hiệu quả vào mô hình của AEC.

Từ khóa: AEC, EU, khuôn khổ pháp luật, hệ thống luật EU, hệ thống luật AEC.

1. Giới thiệu về EU và khuôn khổ pháp luật chung

1.1. Quá trình hình thành Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức quốc tế liên chính phủ khu vực ra đời trên cơ sở bổ sung, sửa đổi các hiệp ước thành lập ba cộng đồng là Cộng đồng than thép châu Âu, Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu và Cộng đồng kinh tế châu Âu (thành lập năm 1957).

Năm 1958, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (ECC) được thành lập chỉ bao gồm 4 quốc gia nội khối là Bỉ, Đức, Pháp, Ý, Luxembourg và Hà Lan. Ngày 01/11/1993, liên minh châu Âu (European Union - EU) được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht với hơn 22 thành viên tham dự, dựa trên nền tảng của Cộng đồng châu Âu (EC). Đến ngày 01/07/2013, EU đã có 28 thành viên là: Anh, Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Lúc-xem-bua, Ai Len, Đan Mạch, Hy Lạp, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Hunggari, Ba Lan, Bungari, Rumani, Croatia, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Malta và Síp. Sau sự kiện Brexit xảy ra ngày 23/06/2016, nước Anh chính thức rời khỏi EU, số thành viên EU còn lại 27, số ngôn ngữ chính thức là 23.

Trụ sở của liên minh châu Âu hiện đặt tại Brussels (Bỉ). EU hiện có tổng diện tích là 4.422.773 km2 với hơn 508 triệu dân; nước có diện tích lớn nhất là Pháp với 554.000 km2 và nhỏ nhất là Malta với 300 km2. Dân số EU ước khoảng 500 triệu người, chiếm 7,3% toàn thế giới.

Cơ cấu của liên minh châu Âu gồm:

  • Ủy ban châu Âu
  • Hội đồng Bộ trưởng
  • Quốc hội châu Âu
  • Tòa án châu Âu
  • Tòa kiểm toán châu Âu

Đứng đầu liên minh châu Âu là Hội đồng châu Âu. Cơ quan quyền lực cao nhất này của EU gồm lãnh đạo 27 nước thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu có nhiệm kỳ 2,5 năm, được tại vị tối đa 2 nhiệm kỳ.

GDP năm 2017 của EU là 17,57 nghìn tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 32.900 USD/người/năm. Dự kiến GDP của khu vực sử dụng đồng euro vào năm 2021 sẽ tăng 6,3% và 6,1% cho cả khu vực EU.

Liên minh châu Âu phát triển thị trường chung thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả 27 nước thành viên nhằm đảm bảo sự lưu thông tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn. EU duy trì các chính sách chung về thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp và phát triển địa phương. Hiện, 19 nước thành viên đã chấp nhận đồng tiền chung, tạo nên khu vực đồng Euro.

1.2. Khuôn khổ pháp luật chung

(i) Nguồn gốc của luật pháp EU

Hệ thống pháp luật của Liên minh EU có quy mô phủ rộng khắp 27 nước thành viên, bao hàm từ cả 4 nguồn gốc là: Nguồn luật gốc, nguồn phái sinh, nguồn điều ước và nguồn án lệ.

  • Nguồn luật gốc: Các hiệp ước thành lập EU và các cơ quan của EU.
  • Nguồn phái sinh: Các văn bản do các thiết chế của EU thông qua
  • Nguồn điều ước: Các hiệp định với bên ngoài, điều ước giữa các thành viên
  • Nguồn án lệ: Cơ sở để EU đưa ra phán quyết cho những trường hợp tương tự

(ii) Cơ sở pháp lý

Tổ chức trung tâm của cơ sở pháp lý châu Âu là Tòa án châu Âu. Đây là cơ quan đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của Liên minh châu Âu. Nó có thẩm quyền tư pháp đối với các vấn đề liên quan đến luật pháp của EU. Bao gồm hai tòa chính là: Tòa sơ thẩm châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu. Tòa án châu Âu gồm 15 Thẩm phán có nhiệm kì là 6 năm, 8 Luật sư giúp việc. Phán quyết của Tòa án có hiệu lực bắt buộc đối với các quốc gia thành viên, các cơ quan của liên minh châu Âu và các cá nhân.

Cơ sở pháp lý hình thành Liên minh châu Âu là các hiệp ước được kí kết và phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên EU. Các hiệp ước ban đầu đánh dấu sự thành lập Cộng đồng châu Âu và Liên minh châu Âu, còn các hiệp ước kế tiếp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các hiệp ước đầu tiên. Đó chính là những hiệp ước tạo ra các thể chế chính trị của EU, cũng như cung cấp cho các thể chế chính trị đó thẩm quyền thực thi các mục tiêu và chính sách, bao gồm: thẩm quyền lập pháp ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các quốc gia thành viên và công dân của các quốc gia đó.

(iii) Đặc điểm chung

Về cơ bản, có thể coi pháp luật châu Âu như luật của một nhà nước liên bang song lại có những điểm khác biệt, nó vừa có tính chất quốc tế, lại vừa có tính chất quốc gia. Mục đích của pháp luật EU được thể hiện rõ nét trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế, trong đó lấy sự hợp nhất kinh tế để làm động cơ thúc đẩy sự hợp nhất chính trị nhằm phục vụ cho tôn chỉ chung là tiến tới hợp nhất một châu Âu chung.

Pháp luật EU có thể được coi như là một hình thức đặc thù của luật quốc tế, có một số tính năng đặc biệt mà thường không xuất hiện trong luật pháp quốc tế. Chẳng hạn như người dân có thể khởi kiện yêu cầu quyền được bảo đảm bởi pháp luật EU ra tòa án của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, trong khi đó luật pháp quốc tế thường cần phải được chuyển hóa thành luật quốc gia trước khi công dân có thể yêu cầu thực thi.

(iv) Quy trình ban hành văn bản pháp luật của EU

Quy trình ban hành quyết định của EU đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp và trải qua một quá trình được thông qua ba tổ chức cơ bản là Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu. Cụ thể như sau:

  • Nghị viện châu Âu: Tham gia sâu vào hoạt động lập pháp.
  • Hội đồng châu Âu: Sau khi thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng châu Âu sẽ giao lại cho Ủy ban châu Âu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành.
  • Ủy ban châu Âu: Các hiệp định của EU yêu cầu Hội đồng liên minh châu Âu phải phát biểu trên cơ sở đề xuất của Ủy ban châu Âu.

Quy trình xem xét, quyết định các văn bản pháp luật, nhằm cụ thể hóa các quy định trong EU được tóm tắt như sau:

  • Xem xét ở các Nhóm công tác: tập trung các chuyên gia của các nước thành viên EU.
  • Xem xét ở Ủy ban đại diện thường trực: bao gồm các đại sứ và những cộng sự, phụ tá của họ.
  • Hội đồng thẩm định: hội đồng thẩm định cuối cùng là Bộ trưởng các nước thành viên EU.

(v) Phân biệt pháp luật EU với hệ thống pháp luật chung của quốc tế

Những điểm giống và khác chủ yếu giữa hệ thống pháp luật EU với quốc tế có thể được tóm tắt như sau:

- Giống nhau: Pháp luật của EU giống pháp luật quốc tế ở chỗ các Hiệp ước thành lập đều là những điều ước quốc tế, được ký kết trên cơ sở các nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế.

- Khác nhau: Khác với pháp luật quốc tế, pháp luật của EU có thể áp dụng trực tiếp trên lãnh thổ của các nước thành viên. Trong phạm vi thẩm quyền của EU, pháp luật của nước thành viên không còn quyền điều chỉnh và được thay thế bởi pháp luật của Liên minh.

2. Sự cần thiết xây dựng khung pháp luật chung cho AEC

2.1. Giới thiệu AEC

Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations - ASEAN) được thành lập, bao gồm 10 nước thành viên ban đầu là: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trong tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 thông qua tháng 12/1997 tại Kualar Lumpur (Malaysia), các nhà lãnh đạo ASEAN đã định hướng phát triển ASEAN thành một Cộng đồng ASEAN; các thành viên đã thống nhất cao để cho ra đời Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 nhằm thành lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020. Ý tưởng được tái khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 tháng 10/2003, thông qua trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali (Indonesia) quyết định đẩy nhanh quá trình hình thành AEC vào cuối năm 2015.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tháng 1/2007, ASEAN đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành AEC từ năm 2020 xuống năm 2015.

Vào ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) - khối kinh tế khu vực của 11 quốc gia thành viên ASEAN, chính thức được thành lập. AEC sẽ cùng với Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) tạo thành ba trụ cột của các quốc gia Đông Nam Á, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến chương ASEAN. Trong ba trụ cột này, AEC được đánh giá là quan trọng nhất, là tiền đề thúc đẩy hai trụ cột còn lại. Về bản chất, AEC là một khuôn khổ hội nhập kinh tế với mức độ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên trong ASEAN. So với AFTA, AEC sẽ có sự phát triển vượt bậc về phạm vi và mức độ tự do hóa; hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động kỹ năng sẽ được lưu chuyển tự do hơn giữa 10 nước thành viên.

Qua quá trình phát triển lâu dài 50 năm, ASEAN đã được định hình với 11 quốc gia thành viên, với diện tích khoảng 4,5 triệu km2, dân số hơn 625 triệu người, GDP hơn 2.000 tỷ USD (đứng thứ 5 thế giới, sau EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản), do thể tổ chức này ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bản đồ thế giới. Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính là động lực quan trọng để tạo nên một khu vực kinh tế ASEAN phát triển ổn định, lâu dài và thịnh vượng.

Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (2015) đã nhấn mạnh: “Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập là để thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong "Tầm nhìn ASEAN 2020", nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020. Kế hoạch trung hạn 6 năm lần thứ hai của ASEAN (2004-2010) - Chương trình Hành động Vientian đã xác định rõ hơn mục đích của AEC là: tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua hội nhập nhanh hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN”.

2.2. Sự cần thiết hình thành khuôn khổ pháp luật chung cho AEC

Theo H.C. Gutteridge (2015), Giáo sư Luật của Đại học Cambridge, nhất thể hóa pháp luật là quá trình thay thế các quy phạm pháp luật khác biệt trong các hệ thống pháp luật khác nhau bằng các quy phạm pháp luật chung; hài hòa hóa pháp luật là quá trình xây dựng các luật mẫu và triển khai các biện pháp khuyến khích các quốc gia tiếp nhận và áp dụng các luật mẫu này nhằm làm giảm đi những khác biệt trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể giữa các hệ thống pháp luật khác nhau.

Bất cứ một tổ chức nào muốn tồn tại và phát triển cũng không thể thiếu đi vai trò bản lề của một hệ thống pháp luật chung, mà trước tiên là một khuôn khổ pháp luật được thống nhất giữa các quốc gia thành viên. Cộng đồng Kinh tế ASEAN rõ ràng đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 4 ngảy 5/6/1999 được tổ chức tại Singapore đã lần đầu tiên đặt ra vấn đề hài hòa hóa pháp luật, cụ thể là tại Điều 7 Tuyên bố chung của hội nghị.

Theo Ngô Đức Mạnh (2015), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhận định: một trong những thách thức quan trọng đối với ASEAN khi thực hiện các mục tiêu là việc thực thi các hiệp định chung của ASEAN; trong đó có việc hài hòa hóa các quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu và rộng của khu vực như Hiến chương ASEAN đã đề ra.

Theo Bùi Xuân Hải (2016), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, nhắc đến AEC là nhắc đến những hiệp định quan trọng như ATIGA, AFAS, ACIA và hàng loạt công cụ pháp lý khác. Các công cụ pháp lý đó góp phần điều chỉnh toàn diện thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như bảo đảm môi trường đầu tư trong ASEAN. Đi kèm với những cơ hội thì vẫn còn nhiều vấn đề khác nhau cần làm rõ trong lĩnh vực đầu tư, pháp luật và chính sách đầu tư tại ASEAN. Chẳng hạn như đâu là những cơ hội cho chính sách cải cách của Việt Nam, đâu là những điểm chồng chéo giữa Hiệp định Đầu tư toàn diện của ASEAN và Các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam, và hướng giải quyết là gì, Luật Cạnh tranh của ASEAN có nên thúc đẩy các mục tiêu xã hội.

Còn Nguyễn Thanh Tú (2016), Vụ trưởng Vụ pháp Luật Dân sự Bộ Tư Pháp, cho rằng hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập trong khu vực ASEAN nói riêng yêu cầu các quốc gia tham gia vào quá trình này - trong đó có Việt Nam, phải tiến tới sử dụng một “ngôn ngữ” chung, trong đó có pháp luật. Việc hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam theo các chuẩn mực pháp lý chung trong khu vực ASEAN sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dần với luật chơi chung của ASEAN và thế giới, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh hiệu quả không chỉ trên “sân nhà” mà cả “sân khách”. Quá trình này còn giúp quan hệ kinh tế cũng như văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của Việt Nam ngày càng gắn kết với các thành viên khác trong ASEAN; khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một cơ chế hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN.

Nhìn từ góc độ của chuyên gia nước ngoài, Stefano Pelligrino (2016), CEO Công ty Frasers Law Company, đã chia sẻ về sự khác biệt và tương đồng trong cách tiếp cận của EU, và bài học từ trường hợp Brexit; Cộng đồng Kinh tế ASEAN cần đặc biệt chú ý, nhất là về các thể chế pháp lý chặt chẽ trong việc thống nhất thị trường, xây dựng cơ quan quyền lực chung và quyền tự do di chuyển của cư dân.

Nhìn chung, sự cần thiết của khuôn khổ pháp luật chung cho cả cộng đồng AEC thể hiện qua các luận điểm như sau:

- Chế độ chính trị trong các nước AEC là khác biệt, phân hóa giữa xã hội chủ nghĩa, với tư bản chủ nghĩa, hoặc đang chuyển mình giữa hai chế độ. Không có sự đồng thuận cao về pháp luật sẽ rất khó cho AEC giải quyết các vấn đề liên quan đến về chính trị - kinh tế, cũng như thể chế kinh tế - xã hội.

- Mỗi một quốc gia Asean đều có quá trình hình thành, tồn tại và phát triển nền văn hóa, lịch sử từ rất lâu đời và đa dạng. Từ đó, cách thức vận hành nền kinh tế giữa các nước tất yếu cũng khác nhau. Nếu hệ thống pháp luật các quốc gia không được đưa vào chung một khuôn khổ, đề cao sự thống nhất thì sẽ rất khó để các hoạt động thực tế của AEC ổn định và lâu dài

- Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều. Các quốc gia thuộc những nền kinh tế đã phát triển như Singapore, Brunei, Thái Lan, Malaysia, Philippines; còn quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, vẫn là các nền kinh tế đang phát triển. Sự khác biệt kinh tế sẽ khiến các quốc gia không dễ tìm được tiếng nói chung, nếu không có một khuôn khổ pháp luật nền tảng về kinh tế.

3. Các giải pháp xây dựng khuôn khổ pháp luật chung cho AEC áp dụng từ bài học kinh nghiệm của EU

3.1. Các giải pháp đề xuất

Dựa trên các bài học kinh nghiệm của EU trong xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật chung, cũng như đánh giá về nhu cầu cần có một khuôn khổ pháp luật thống nhất cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bài viết xin đề xuất một số giải pháp cơ bản tóm tắt sau:

- Xây dựng một tòa án công lý chung có hiệu lực cao, mang tính thống nhất và có lộ trình trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

GS Koutrakos (2015) đã nhận định “Xét riêng vấn đề hài hòa hóa, vai trò của tòa án là rất nổi trội ở hai lý do: Thứ nhất, tòa án tham gia mọi hình thức hài hòa hóa ngay từ khi bắt đầu tiến trình hội nhập châu Âu,… Thứ hai, khi thực hiện chức năng hài hòa hóa nói trên, tòa án thể hiện sự tương quan trực tiếp với tiến độ hội nhập của Liên minh. Nói cách khác, hội nhập càng sâu thông qua hoạt động lập pháp thứ cấp thì hướng tiếp cận của tòa án lại càng ít mang tính can thiệp khi giải thích các điều khoản về sự di chuyển tự do trong các hiệp ước”.

Các bài học kinh nghiệm của EU cho thấy AEC rất cần một tòa án công lý chung, phù hợp với đặc thù của khu vực cũng như tình hình thế giới.

- Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất trên cơ sở hòa hợp với đặc thù của từng quốc gia thành viên.

- Trước tiên nên xây dựng được các nguyên tắc cơ bản của pháp luật ASEAN có giá trị bắt buộc cao, chế tài rộng, tương thích với pháp luật quốc tế; sau đó là hệ thống các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống pháp luật chung.

- Khuôn khổ pháp luật chung của cả AEC phải hài hòa với mục tiêu chính sách của cộng đồng khối kinh tế lẫn từng quốc gia thành viên, xét trên đặc thù về địa lý, địa chính trị cũng như kinh tế, xã hội.

- Xây dựng các nguyên tắc phân quyền. AEC là một cộng đồng chung không dễ thống nhất hài hòa mọi vấn đề trong một sớm một chiều. Muốn quá trình xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật chung được vận hành trơn tru, AEC cần xây dựng được các nguyên tắc phân chia quyền lực cho các cơ quan của cộng đồng AEC, thậm chí đến chính phủ từng quốc gia.

- Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng của các nước thành viên trong việc thực thi hệ thống pháp luật chung.

3.2. Kết luận

Các cam kết mở cửa và hội nhập của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN AEC đã chính thức đi vào hoạt động một thời gian. Tuy bước đầu đã đem lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế của từng quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam đã hưởng được không ít lợi ích về quan hệ kinh tế trong cộng đồng, nhưng tính hiệu quả và sự đóng góp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài và bền vững là điều cần phải được thời gian kiểm chứng. Quá trình xây dựng, tồn tại và phát triển cộng đồng AEC có thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào việc các quốc gia cùng chung tay xây dựng được một hệ thống khuôn khổ pháp luật chung, đồng đều và hài lòa lợi ích. Hy vọng bài viết sẽ đóng góp những giá trị nhất định cho công cộng xây dựng và phát triển lợi ích lâu dài này của AEC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Trường Giang (2015). EU: Bài học kinh nghiệm cho ASEAN. <https://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/eu-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-asean-35369.html>
  2. Trương Minh Huy Vũ (2018). Bài học gì cho Asena. <http://scis.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=e1162a64-5fa7-41b5-a845-8652110c5446>
  3. VCCI (2015). EU: Bài học kinh nghiệm cho ASEAN. <https://trungtamwto.vn/tin-tuc/6996-eu-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-asean>
  4. VCCI (2017). Những bài học ASEAN có thể rút ra từ EU. <http://aecvcci.vn/tin-tuc-n2651/nhung-bai-hoc-asean-co-the-rut-ra-tu-eu.htm>

The AEC’s legal system: From the point of view of the EU’s legal syste

MA. Tran Nam Huong

University of Finance and Marketing

Abstract:

The ASEAN Economic Community (AEC) has been formed and developed within the ASEAN’s members including Vietnam, an active member. The historical establishment of AEC brings many new opportunities and also challenges that Vietnam has to resolve. In order to take advantage of opportunities, promote strengths, limit threats and resolve challenges, it is necessary for the AEC to develop its own legal system. This study is to introduce and analyze the EU’s legal system, then propose some practical solutions to effectively apply the EU’s legal system approach to the AEC’s legal system.

Keywords: AEC, EU, legal framework, EU’s legal system, AEC’s legal system.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]