Kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn thời kỳ hậu COVID-19: Cơ hội, thách thức và hàm ý cho doanh nghiệp

PHẠM VĂN ĐỨC (Phó giám đốc Công ty Cổ phần Bơm và Thiết bị Quang Phước) - ĐẶNG THỊ THU TRANG (Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội) - THS. NGUYỄN THỊ BÍCH NGUYỆT (Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Đại dịch COVID-19 bùng nổ đã tàn phá nặng nề nền kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp bị đứt đoạn nguồn cung, gián đoạn sản xuất và đứng trước nguy cơ phá sản. Lạc quan hơn các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được xúc tiến để trở lại quỹ đạo. Để phục vụ cho công cuộc tái hoạt động này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn theo đó cũng phải nhanh chóng đáp ứng thị trường. Nhưng đứng trước bối cảnh hậu COVID-19, các yêu cầu từ phía khách hàng đã thay đổi đáng kể đặc biệt là yêu cầu về giá, yêu cầu về thời gian đáp ứng. Song song với đó là các thay đổi trong quy định pháp luật về tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới kinh doanh để phù hợp với bối cảnh. Bài biết này bàn về kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn thời kỳ hậu COVID-19, cùng những cơ hội, thách thức và hàm ý cho doanh nghiệp.

Từ khóa: COVID-19, kinh doanh, máy bơm nước tiêu chuẩn.

1. Đặt vấn đề

Năm 2020, thế giới chứng kiến sự tàn phá không lường trước từ đại dịch COVID. Tính đến 9h ngày 16/10/2020 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 39.152.334 ca nhiễm và 1.102.425 trường hợp tử vong do COVID-19 (Worldometers). Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ mất mát nhân sự và gián đoạn chuỗi cung ứng cùng với suy thoái thị trường. Đại dịch được cho là nguyên nhân dẫn đến phá sản của rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng ở nhiều ngành công nghiệp khi mà người tiêu dùng ở nhà và nền kinh tế bị đình trệ (Tucker, 2020). Theo World Bank (2020), cuộc suy thoái do COVID-19 đại diện cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái năm 1930 và sẽ khiến kinh tế ở các nước công nghiệp phát triển giảm 7% trong năm nay. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng lên nền kinh tế mà mọi khía cạnh xã hội cũng bị ảnh hưởng (Chowdhury & Paul, 2020), điều này dẫn đến sự thay đổi chóng mặt trong cách mà các doanh nghiệp vận hành và hành vi của khách hàng (Naveen Donthu & Anders Gustafsson, 2020). Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu cả trong và sau đại dịch. Lúc này các doanh nghiệp không những phải giải bài toán về chất lượng sản phẩm mà còn phải tìm phương hướng đồng thời cắt giảm chi phí để hạ giá thành. Các chiến lược đổi mới để thích ứng ngay lập tức được các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu.

Tại Việt Nam, dịch bệnh đã tương đối được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng trở lại quỹ đạo. Là đơn vị cung cấp sản phẩm máy bơm nước tiêu chuẩn - sản phẩm không thể thiếu cho các nhà máy, công xưởng, toà nhà, các doanh nghiệp này cũng đang ráo riết đầu tư nghiên cứu đổi mới chiến lược để có thể nhanh chóng phục vụ hết công suất, đáp ứng kịp thời cho sự trở lại hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích chỉ ra những cơ hội, thách thức và hàm ý trong kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn trong bối cảnh hậu COVID-19.

2. Cơ hội của các các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới, việc Việt Nam đã khống chế tương đối ổn định được COVID-19, vô hình chung trở thành một lợi thế to lớn.

Trong khi GDP toàn cầu được dự báo giảm 4,4% trong năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 (Quỹ Tiền tệ quốc tế) và thị trường máy bơm nước tiêu chuẩn cũng vì thế bị giảm theo khoảng 16% giá trị so với 2019, thì dấu hiệu đáng mừng cho thị trường trong nước Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng dương năm nay, ở mức 1,6% và đến năm 2021 con số này sẽ đạt 6,7%. (Hình 1)

Chính môi trường an toàn, ổn định là điều kiện quan trọng kéo sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn quốc tế về Việt Nam. Cùng với đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những đòn bẩy làm tăng tốc độ chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn Mỹ rời Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những điểm đến của các tập đoàn này.

Bên cạnh đó, những hỗ trợ từ phía Nhà nước để phục hồi kinh tế sau dịch cũng tác động đáng kể lên quyết định mở rộng tái đầu tư của các doanh nghiệp. Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành ngày 22/3/2018. Phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp trong GDP trên 35% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 7,5%/năm.

Ngoài ra, sự xúc tiến thực thi của các hiệp định thương mại không chỉ mở ra cơ hội phát triển giao thương hàng hóa, mở rộng đầu ra cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài mở ra các đơn vị sản xuất, kinh doanh mới.

Tất cả các điều kiện giúp tăng xây mới hoặc tái sản xuất các công trình, khu công nghiệp, nhà xưởng, tòa nhà trên tạo lên một thị trường màu mỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn tại Việt Nam. Bởi, bất kể một đơn vị sản xuất, kinh doanh lớn nào để có thể đi vào hoạt động đều phải cần đến một hệ thống máy bơm nước, không chỉ là hệ thống bơm nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và còn là hệ thống bơm nước phục vụ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Do vậy, thị trường máy bơm nước tiêu chuẩn trong nước được dự báo như Hình 2.

Dự báo trên được thực hiện cuối tháng 9 năm 2020 của QP-PE, dựa trên số liệu thống kê nhập khẩu, hỏi ý kiến chuyên gia, căn cứ liệu thực tế các năm 2016, 2017, 2018 và 2019. Giai đoạn này thị trường tăng mạnh, trung bình 9.3%/năm, được đánh giá là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường do các yếu tố xây dựng nhà máy, tòa nhà phát triển mạnh. Giá trị thị trường của dòng máy bơm nước tiêu chuẩn cuối năm 2019 đạt khoảng 144 triệu USD.

Dự báo này cũng dựa trên nhiều tiêu chí khác như hệ số tăng trưởng tự nhiên GDP của Việt Nam, tỷ lệ đóng góp của ngành vào sự tăng trưởng GDP, tỷ lệ tăng trưởng ngành trên toàn cầu, hệ số do đánh giá chiến lược phát triển của hãng sản xuất máy bơm tiêu chuẩn.

Từ dự báo trên có thể thấy cơ hội tăng trưởng của thị trường máy bơm nước tiêu chuẩn trong nước sau đại dịch ở những năm sau 2020.

3. Thách thức của các các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay

Bên cạnh các cơ hội, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn trong nước cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Dự tính số liệu 2020, do ảnh hưởng nặng nền của đại dịch Covid-19, tăng trưởng của thị trường máy bơm nước tiêu chuẩn âm 12% so với 2019 và phải đến giai đoạn 2021 - 2025 thị trường ngành mới tăng trưởng trung bình trở lại 7.6% và đạt giá trị khoảng 170 triệu USD.

Ngoài bị đại dịch làm suy thoái thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn còn bị gián đoạn nguồn cung khi hầu hết các doanh nghiệp lệ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Thời gian và chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản phẩm cũng bị đẩy lên cao.

Việc chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng tạo lên mối đe dọa thị trường máy bơm nước khi các doanh nghiệp này kéo theo sự gia nhập của các đơn vị sản xuất máy bơm nước tiêu chuẩn từ nước ngoài vào. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới để tạo lợi thế cạnh tranh nếu không muốn bị mất thị phần.

Song song với các khó khăn từ thị trường cạnh tranh và tác động của đại dịch, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn Việt Nam còn đang phải đối mặt với những thay đổi từ quy định pháp luật liên quan. Đối với máy bơm phòng cháy chữa cháy (PCCC) có yêu cầu cao hơn so với trước đây đối với tòa nhà cao (hơn 10 tầng) và các nhà máy, nhà xưởng lớn (diện tích trên 18,000 m2) theo QCVN 02.2020 có hiệu lực từ ngày 4/10/2020. Ngoài ra, Cục PCCC và CNCH thuộc Bộ Công an đã đưa ra công văn số 3478/PCCC&CNCH-P7 phát hành ngày 28/10/2019, về việc thực hiện kiểm định phương tiện PCCC. Công văn thông báo và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện PCCC thực hiện việc kiểm định phương tiện PCCC theo lô ngay từ lúc phương tiện được nhập khẩu, sản xuất trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

4. Hàm ý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn Việt Nam

Từ những cơ hội, thách thức trên đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn phải đưa ra các chiến lược khắc phục khó khăn trong thời gian này cũng như chuẩn bị cho bước phát triển mạnh vào những năm tiếp theo. Một trong các hướng đi giúp những doanh nghiệp này có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức chính là đổi mới chiến lược sản phẩm. Bởi chiến lược sản phẩm là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Nói cách khác, sự thành công và phát triển bền vững của bất kỳ một doanh nghiệp nào trong môi trường cạnh tranh có được đều nhờ chính chiến lược sản phẩm của nó (Arnold Namusonge et al, 2017).

Trong khi cuộc khủng hoảng từ COVID-19 dường như khiến tài chính nhiều doanh nghiệp yếu đi, với những tác động đáng kể nhất lên mức độ sẵn sàng hay khả năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thực hiện nghiên cứu phát triển và đổi mới chiến lược sản phẩm thì bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy, các doanh nghiệp nếu có thể duy trì các khoản đầu tư này sẽ có cơ hội tồn tại tốt hơn, tăng trưởng mạnh hơn với lợi nhuận cao hơn (Stephen Roper & Joanne Turner, 2020; Castillejo et al, 2019; Jung et al, 2018). Trái lại, những doanh nghiệp không đổi mới phải chịu tổn thất nặng nề từ các cuộc khủng hoảng kinh tế (Spescha & Woerter, 2019).

Do đó, một số hàm ý đổi mới chiến lược sản phẩm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn nhóm tác giả đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần nối lại nguồn cung nguyên liệu. Để tránh lệ thuộc nguồn cung đầu vào đến từ các nước đang bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch như châu Âu và Mỹ, các doanh nghiệp cần móc nối với các bên cung cấp trong nước và trong khu vực đã kiểm soát tương đối được dịch bệnh, đặc biệt là các nước khu vực châu Á. Điều này không chỉ đảm bảo đầu vào mà còn giúp rút ngắn thời gian giao hàng.

Thứ hai, phải có sự chuẩn bị ứng phó với trường hợp gia nhập thị trường của các đơn vị sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn của nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước cần phát triển sản phẩm mang lợi thế am hiểu kết cấu xây dựng địa phương, cũng như khả năng đáp ứng nhanh về mặt pháp luật trong nước.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thiết kế lại sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn mới về sản phẩm của Nhà nước.

Cuối cùng các doanh nghiệp có thể tăng lợi thế cạnh tranh từ việc tăng dịch vụ đi kèm và các chế độ sau bán.

Áp dụng với trường hợp Công ty Cổ phần Bơm và Thiết bị Quang Phước (QP-PE).

- Giới thiệu chung về Công ty

Công ty Cổ phần Bơm và Thiết bị Quang Phước là Nhà phân phối trực tiếp dòng bơm nước tiêu chuẩn của hãng Ebara (Nhật Bản) tại Việt Nam.

Với tình hình tài chính tốt, chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp, cùng sức cạnh tranh lớn về dịch vụ kỹ thuật, QP-PE hiện là nhà phân phối lớn nhất giai đoạn 2016 - 2020, chiếm khoảng 50% thị phần bán hàng tại Việt Nam của hãng. Năm 2019, QP-PE là một trong 3 nhà phân phối, đại diện bán hàng lớn nhất của dòng bơm tiêu chuẩn tại Việt Nam, đóng góp khoảng 8% doanh số vào ngành hàng.

- Đề xuất chiến lược sản phẩm máy bơm nước tiêu chuẩn cho QP-PE:

Thứ nhất là, cần cải tiến cụm bơm tăng áp - được lắp ráp và hoàn thiện tại QP-PE.

Mục đích nhằm cải tiến các thuộc tính kỹ thuật giúp tăng tính đáp ứng. Bên cạnh đó, việc tự gia công thay vì nhập khẩu hoàn toàn giúp doanh nghiệp tự chủ hơn về sản phẩm, giúp giảm chi phí góp phần làm giảm giá thành. Ngoài ra, thời gian giao hàng cũng được rút ngắn xuống còn 20-30 ngày, nhanh hơn rất nhiều so với việc đặt hàng từ nước ngoài.

Thứ hai là, thay đổi nguồn cung đầu vào sản phẩm.

Thay vì lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguồn cung từ các nước Âu - Mỹ, QP-PE có thể lựa chọn sản phẩm máy bơm nước PCCC chuyên dụng của hãng NM Fire, Trung Quốc. Sản phẩm này đáp ứng theo tiêu chuẩn PCCC cao nhất hiện nay và có chứng nhận của tổ chức UL/ FM (Mỹ). Quyết định này giúp doanh nghiệp đáp ứng được quy chuẩn mới của Việt Nam QCVN02.2020 và hơn nữa là đáp ứng được tiêu chuẩn PCCC cao nhất theo yêu cầu của các dự án cao cấp như khách sạn và nhà máy cao cấp, có vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, sản phẩm máy bơm NM Fire này có sự đa dạng và mức độ tích hợp cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Giá thành cũng cạnh tranh cao so với các sản phẩm tương tự hiện có trên thị trường nhờ chi phí vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh (từ Mỹ hoặc Canada về Việt Nam); Thuế nhập khẩu về Việt Nam được ưu đãi, miễn giảm cho dòng sản phẩm này. Thời gian giao hàng cũng được rút ngắn.

Thứ ba là, xây dựng hệ thống bể thử máy bơm nước tại xưởng QP-PE.

Mục đích để thử nghiệm, kiểm định máy bơm nước trước khi giao hàng và sau khi sửa chữa. Việc này không chỉ giúp cho việc kiểm nghiệm trước khi bàn giao mà còn giúp tăng sự tin cậy với khách hàng, thậm chí là giảm chi phí vận chuyển, lắp đặt qua lại khi sản phẩm có vấn đề.

5. Kết luận

Để nhanh chóng phục hồi và phát triển phục vụ cho công cuộc tái đầu tư sản xuất thời kỳ hậu COVID-19 của các nhà máy, xí nghiệp thì các công ty sản xuất, kinh doanh máy bơm nước tiêu chuẩn phải nhanh chóng tìm cách đổi mới trong đó lấy phát triển chiến lược sản phẩm làm cốt lõi. Từ việc chỉ ra các cơ hội, thách thức, nghiên cứu đưa ra hàm ý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy bơm nước. Và với trường hợp điển hình của Công ty Cổ phần Bơm và Thiết bị Quang Phước, nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất về chiến lược sản phẩm thời kỳ hậu COVID-19.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Castillejo JAM, Rochina-Barrachina JA and Llopis JAS. (2019). SMEs’ strategies to face the onset of the great recession. Working Paper no. 1910, Department of Applied Economics II, Universidad de Valencia, Valencia.

2. Jung, H., Hwang, J.T. and Kim, B.K. (2018). Does R&D investment increase SME survival during a recession? Technological Forecasting and Social Change, 137, 190-198.

3. Paul, S.K., Chowdhury, P. (2020). A production recovery plan in manufacturing supply chains for a high-demand item during COVID-19. Int J Phys Distrib Logist Manag, 1-22.

4. Spescha, A. and Woerter, M. (2019). Innovation and firm growth over the business cycle. Industry and Innovation, 26(3), 321–347.

5. Stephen, R. and Joanne, T. (2020). R&D and innovation after COVID-19: What can we expect? A review of prior research and data trends after the great financial crisis. International Small Business Journal: Researching Entrepreneurship, 38(6), 504-514.

Standardized water pump business in the post-Covid-19 period: Opportunities, challenges and implications

 Pham Van Duc 

Vice Director, Quang Phuoc Pumps and Equipment Joint Stock Company

Dang Thi Thu Trang 

Master. Nguyen Thi Bich Nguyet 

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The global economy has been devastated by the on-going Covid-19 pandemic and many supply chains have been shattered. Thanks to ceaseless efforts, Vietnam are controlling the disease syccessfully and businesses in Vietnam are returning to normal. To take advantage of this return, it is necessary for providers of standardized water pumps to grasp business opportunities. However, in the post Covid-19 period, customer inquiries have changed dramatically, especially in terms of pricing and response time requirements. Legal regulations and productt standards also changed. These challenges pose urgent needs for businesses to change their business concepts. This paper is about the business of water pumps in tthe context of the post-Covid-19 period, opportunities, challenges and implications for businesses.

Keywords: Covid-19, business, standardized pumps.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]