Kinh nghiệm liên kết vùng và bài học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

TS. CHU THỊ THỦY và ThS. PHẠM HÀ PHƯƠNG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐ) là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm, là trung tâm kinh tế, trính trị văn hóa của Việt Nam. Vì vậy, việc thúc đẩy liên kết Vùng KTTĐ Bắc bộ là một nội dung quan trọng được nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách quan tâm. Nghiên cứu kinh nghiệm liên kết vùng trên thế giới sẽ rút ra những bài học hữu ích để thúc đẩy liên kết Vùng KTTĐ Bắc bộ nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, đủ sức đối phó với những vấn đề phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và ổn định xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. 

Từ khóa: Liên kết vùng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, hội nhập.

1. Đặt vấn đề

Đến nay, liên kết Vùng KTTĐ Bắc bộ (bao gồm cả liên kết nội vùng và liên vùng) vẫn còn rất hạn chế với nhiều tồn tại, bất cập cả về cơ chế, chính sách lẫn thực thi trong thực tế. Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các tỉnh trong Vùng KTTĐ Bắc bộ sẽ chịu tác động rất lớn từ các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển kinh tế giữa các địa phương để rút ra bài học kinh nghiệm cho Vùng KTTĐ Bắc bộ về liên kết phát triển kinh tế là cấp thiết và có ý nghĩa lớn để thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế giữa các tỉnh thuộc Vùng KTTĐ Bắc bộ trong thời gian tới.

2. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới

Kinh nghiệm của CHLB Đức

Đức có nhiều hình thức liên kết vùng rất đa dạng, trong đó, đáng chú ý là liên kết vùng của Vùng Hannover. Vào tháng 12/2001, lãnh đạo thành phố Hannover và lãnh đạo những địa phương lân cận đã thống nhất và được Quốc hội ban hành đạo luật thành lập Vùng Hannover. Theo Luật này, Vùng Hannover gần như một cấp hành chính độc lập nằm giữa Bang và cấp cơ sở. Ở cấp vùng, người dân bầu ra cơ quan đại diện với thời hạn 5 năm và chủ tịch vùng. Hội đồng có 85 thành viên; Chủ tịch là thành viên của Hội đồng vùng và có quyền bỏ phiếu. Chủ tịch phụ trách toàn bộ bộ máy hành chính.

Nguồn thu của ngân sách vùng bao gồm: Đóng góp từ các địa phương thuộc địa bàn và các khoản hỗ trợ từ Bang. Ngoài ra, vùng còn được nhận sự hỗ trợ từ Liên bang và EU. Vùng không có nguồn thu trực tiếp từ thuế. Bên cạnh mô hình mới xuất hiện như vùng Hannover, một hình thức phân vùng mang tính truyền thống ở Đức là mô hình “Đại diện vùng”. “Cấp hành chính” này có thể được coi như là cơ quan đại diện của cấp Bang tại một vùng, nó không có cơ quan dân cử mà chỉ thuần túy là đại diện của cơ quan hành pháp bang.

Bộ máy hành chính của Vùng Hannover gồm có Chủ tịch vùng và 4 ban phụ trách các mảng khác nhau, với khoảng 2.000 nhân viên. Ngoài 2.000 công chức, viên chức trực thuộc bộ máy chính quyền vùng còn có khoảng 14.000 nhân viên làm việc tại các tổ chức khác như bệnh viện, giao thông, xử lý rác… cũng thuộc quản lý của vùng. Nhiệm vụ của chính quyền vùng được quy định trong Luật Vùng Hannover, trong đó quan trọng nhất là những nhiệm vụ mà cấp địa phương thực hiện sẽ không hiệu quả như giao thông nội vùng, khuyến khích phát triển kinh tế, dạy nghề,… Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, vùng có ngân sách khoảng gần 1.5 tỷ euro mỗi năm, trong đó chi lớn nhất là cho an sinh xã hội, tiếp theo là giao thông công cộng.

Với sự tham gia của các địa phương trong vùng, ở một số Bang của Đức còn hình thành một tổ chức phi hành chính dưới dạng một hiệp hội với mục tiêu liên kết giữa các địa phương. Trên cơ sở khuôn khổ định hướng chung, từng Bang xây dựng quy hoạch ở cấp Bang. Bang cũng chỉ đưa ra các định hướng khung, sau đó Vùng đưa ra quy hoạch chi tiết, cụ thể về kế hoạch phát triển của Vùng. Vùng có trách nhiệm triển khai quy hoạch và kế hoạch phát triển. Vùng xây dựng kế hoạch đồng thời liên xã cũng xây dựng kế hoạch. Mỗi bang có quyền quyết định về lập quy hoạch; đối với Bang Hạ Xắc Xông thì nhiệm vụ này được chuyển giao cho chính quyền vùng và các liên xã.

Hình 1: Mô hình bộ máy tổ chức liên kết vùng ở CHLB Đức

(Nguồn: Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương)

Kinh nghiệm của Phần Lan

Thủ đô Phần Lan và ba thành phố khác là Thành phố Espoo, Vantaa và Kauniainen tạo thành Vùng Helsinki. Vùng Helsinki liên kết và hoạt động dựa trên Hiệp định về hợp tác vùng. Theo đó, xây dựng nên “Hội đồng điều hành vùng” và “Ban cố vấn” giúp việc cho hội đồng. Ban cố vấn xây dựng chiến lược phát triển vùng và điều phối các hoạt động của Vùng.

Ban lãnh đạo của Hội đồng vùng được bầu cử từ các chính trị gia của bốn thành phố (Helsinki, Espoo, Vantaa và Kauniainen). Hội đồng xây dựng tầm nhìn chung và chiến lược phát triển vùng. Hoạt động của Ban cố vấn nằm trong khuôn khổ của các Hiệp định hợp tác đã được ký kết giữa 4 thành phố. Ban này giải quyết các chính sách hợp tác chiến lược và giải quyết các vấn đề quan trọng nhất của cơ quan hội đồng thành phố chung. Trụ cột chính của chiến lược là dịch vụ là phúc lợi chung, cạnh tranh quốc tế, sử dụng đất, nhà cửa và giao thông.

Từ các chính sách tổng thể và liên kết chặt chẽ của bốn thành phố, Vùng Helsinki đã trở thành một vùng có sức cạnh tranh quốc tế về nghiên cứu và triển khai, xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh về công nghệ thông tin và điện tử, được thế giới biết đến bên cạnh các vùng Tel Aviv -Yafo của Ixaren, vùng Dublin của Ailen, vùng Portland. Oregon của Hoa Kỳ. Chỉ với gần 600.000 dân nhưng Helsinki được công nhận là thành phố trung tâm ở châu Âu.

Quy hoạch không gian ở Phần Lan được quản lý bởi ba cấp chính quyền: chính quyền trung ương, chính quyền cấp vùng, chính quyền tỉnh, thành phố. Chính quyền Trung ương, cụ thể là Cục Sử dụng đất của Bộ Môi trường, chịu trách nhiệm đưa ra các điều luật và văn bản hướng dẫn chung. Ở cấp vùng, 19 hội đồng khu vực chịu trách nhiệm chuẩn bị và ban hành bản quy hoạch sử dụng đất trong vùng sau khi đã được bộ môi trường phê duyệt. Ở cấp địa phương, tất cả 448 thành phố cùng sử bản quy hoạch cụ thể của địa phương. Văn bản quy định chức năng, kích cỡ, kiểu nhà, cùng với cảnh quan thành phố. Một văn bản khác là quy hoạch tổng thể của địa phương cung cấp tầm nhìn chiến lược để điều phối việc sử dụng không gian giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau trong thành phố. Hệ thống quy hoạch của Phần Lan vẫn chưa tương thích với tầm phát triển của vùng và các chính sách đổi mới. Những năm trở lại đây, chính phủ đã mở cửa hệ thống quy hoạch và cho phép người dân tham gia vào toàn bộ quá trình quy hoạch.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Lãnh thổ Nhật Bản được chia thành 9 vùng, mỗi vùng bao gồm một số tỉnh (prefectures). Tuy nhiên theo Hiến pháp Nhật Bản và Luật Tự quản địa phương, vùng liên tỉnh không phải là một cấp hành chính. Do đó. cơ quan quản lý vùng không do dân bầu, mà do chính quyền các tỉnh trong vùng thỏa thuận lập ra và cùng cấp kinh phí hoạt đông. Chức năng của cơ quan quản lý vùng khá hạn chế so với chức năng của các chính quyền địa phương trong vùng. Hiện nay, các cơ quan quản lý vùng ở Nhật Bản thực hiện các chức năng như quản lý và lập kế hoạch phát triển các công trình công cộng trong vùng.

Trên thực tế, nước Nhật đã có một vài công cụ quản lý rất hữu hiệu có thể thực hiện đưa vào trong luật xây dựng và quy hoạch sửa đổi lần này. Một ví dụ điển hình về kiểm soát đô thị hóa, tránh lấy đất nông nghiệp tràn lan, phát triển đô thị lan tỏa thiếu tập trung ở các vùng ven đô, các dự án quy hoạch chỉnh trang tại các khu đô thị hiện hữu đều thiếu các chính sách hay công cụ chế tài khả thi để áp dụng. Nhật Bản sau thế chiến thứ hai đã có những bước tiến thần kỳ về kinh tế gây sức ép rất lớn đến phát triển đô thị. Họ đã giới thiệu một vài hệ thống và công cụ nổi bật được học hỏi từ các nước phát triển và áp dụng từng bước thành công tại Nhật Bản, đó là hệ thống về quản lý phát triểnđiển hình là các công cụ về khu vực khuyến khích đô thị hóa và khu kiểm soát đô thị hóa. Trong vấn đề tái phát triển tại các khu hiện hữu, họ giới thiệu một công cụ kiểm soát và chỉnh trang đô thị rất nổi tiếng là công cụ tái điểu chỉnh đất.

3. Bài học kinh nghiệm cho liên kết kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Vùng KTTĐ Bắc bộ bao gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc với vị trí, vai trò là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, là vùng hạt nhân phát triển, lãnh thổ động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Các đầu mối giao thông của vùng kinh tế: như sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi; quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 18, quốc lộ 38, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Cảng Hải Phòng, Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng và cảng Cái Lân, Quảng Ninh… Bên cạnh đó tại vùng tập trung các khu công nghiệp lớn tầm cỡ, thu hút nhiều dự án FDI lớn, như: khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Sài Đồng, khu công nghiệp Đại An, khu công nghiệp Quế Võ, khu công nghiệp Nomura, khu công nghiệp Đình Vũ... Việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ Bắc bộ có ý nghĩa rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Với dân số năm 2015 là hơn 15 triệu người, tổng mức hàng hóa bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ của Vùng có sự gia tăng mạnh mẽ thể hiện qua Bảng sau:

Bảng trên cũng cho thấy, trong Vùng KTTĐ Bắc bộ, Hà Nội có mức giá trị lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân đầu người đạt mức rất cao là 95,9 triệu đồng/ người, cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước. Hà Nội xứng đáng là một cực hút các sản phẩm của các địa phương khác trong vùng, trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của cả vùng.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2757 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng KTTĐ Bắc bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 10,05%; Giai đoạn 2021-2030 đạt 7,75%; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 14,72%; Giai đoạn 2021- 2030 đạt 12,96%; Cơ cấu ngành Công nghiệp và Xây dựng trong các ngành kinh tế đạt 49,10% vào năm 2020 và giảm xuống 47,80% vào năm 2030. Để đạt được kết quả này, thì nghiên cứu kinh nghiệm liên kết vùng của một số nước trên thế giới cho thấy một số bài học cho Vùng KTTĐ Bắc bộ là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa lớn, một số bài học đó là:

Thứ nhất, liên kết vùng ở các nước là mô hình tự nguyện gần như một cấp hành chính độc lập nằm giữa các tỉnh. Ở cấp vùng, có Hội đồng vùng phụ trách các hoạt động về chính sách, kinh tế, xã hội… trong vùng.

Thứ hai, Việt Nam nên xây dựng và củng cố hơn nữa mô hình và công cụ quản lý vùng lãnh thổ và phải được luật hóa.

Thứ ba, quốc tế có nhiều mô hình liên kết vùng nhưng dù mô hình nào thì cũng cần có bộ máy và tài chính để triển khai liên kết vùng. Do đó, cần có cơ chế cung cấp tài chính cho cơ quan điều phối vùng. Đồng thời tăng tính pháp lý để cơ quan điều phối vùng đủ thẩm quyền điều hành các hoạt động chung của vùng.

Thứ tư, đối với đặc thù như Việt Nam, có thể phân bổ ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng và các nguồn vốn ODA thông qua Hội đồng vùng. Đây là cơ sở để thực hiện quy hoạch vùng đã được phê duyệt.

Thứ năm, hội đồng vùng sẽ là cơ quan xây dựng chương trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương trong vùng để đảm bảo có sự phân công trong vùng cũng như phù hợp với quy hoạch vùng đã được phê duyệt.

Thứ sáu, các hoạt động xúc tiến đầu tư cần được tiến hành chung trong Vùng nhằm phát huy về quy mô của các sự kiện, từ đó có đủ nguồn lực quảng bá cộng đồng quốc tế.

4. Kết luận

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển kinh tế giữa các địa phương để rút ra bài học kinh nghiệm cho Vùng KTTĐ Bắc bộ về liên kết phát triển kinh tế là cấp thiết và có ý nghĩa lớn để thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế giữa các tỉnh thuộc Vùng KTTĐ Bắc bộ trong thời gian tới. Liên kết kinh tế vùng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để Vùng KTTĐ Bắc bộ đủ sức đối phó với những vấn đề như phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu bảo vệ môi trường và ổn định xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, (2011), Báo cáo khảo sát liên kết giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng tại Cộng hòa liên bang Đức.

2. Timo Tohmo, (2007), Regional Economic structures in Finland, Report studies in business and economic.

3. Web- japna, (1990), Regions of Japan, http://web-japan.org/factsheet/en/pdf/e02_regions.pdf; Truy cập 12/04/2017.

EXPERIENCE ABOUT PROMOTING REGIONAL LINKAGES IN THE WORLD AND VALUABLE LESSONS FOR THE NORTHERN KEY ECONOMIC REGION OF VIETNAM

Ph.D. CHU THI THUY

Master. PHAM HA PHUONG

Vietnam Commercial University

ABSTRACT:

The Northern Key Economic Region is one of the four key economic, cultural and political centers of Vietnam. Therefore, the promotion of regional linkages in this region is an important concern of many Vietnamese scientists and policymakers. Studying the promotion of regional linkages of some countries in the world would help Vietnam gain valuable experience about promoting the regional linkages in the Northern Key Economic Region sustainability in the context of international economic integration process of Vietnam. 

Keywords: Regional link, the Northern Key Economic Region of Vietnam, economic growth, environment protection, integration.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây