Kinh tế chia sẻ: Thành tựu và hạn chế

ThS. Lê Minh Thành – Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

TÓM TẮT:

Việc chia sẻ tài sản để sử dụng đã có trong hàng ngàn năm. Nhưng sự ra đời của Internet và việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) đã giúp chủ sở hữu tài sản và những người có nhu cầu sử dụng chúng tìm thấy nhau dễ dàng hơn. Mọi người kiếm tiền từ các tài sản không được tận dụng hết như phòng ngủ, ô tô, xe máy,… Đây chính là kinh tế chia sẻ. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm, phân tích những thành tựu và hạn chế của nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Từ khóa: Kinh tế chia sẻ, tài sản vật chất, dịch vụ, Việt Nam.

1. Giới thiệu về kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Định nghĩa nền kinh tế chia sẻ (các tên gọi khác là sharing economy, collaborative economy, the mesh,…) là hệ thống kinh tế đề cao chia sẻ và hợp tác hơn tư hữu. Con người thay vì sở hữu để thỏa mãn nhu cầu của mình sẽ tìm những nguồn lực trong cộng đồng. Kinh tế chia sẻ kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau. Ví dụ sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng sẽ được tái phân phối sang chỗ được dùng hiệu quả hơn. Trong xã hội nếu ô tô chỉ được dùng trung bình 1 tiếng 1 ngày (dưới 5% thời gian), 99% đồ gia dụng không được sử dụng lại trong 6 tháng… thì việc tái phân phối này là cần thiết để tiết kiệm tiền của người dùng và tài nguyên của xã hội.

Đây là mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, cũng như những doanh nghiệp kinh doanh kiểu truyền thống. Nó bao gồm chia sẻ trong sự tạo lập, sản xuất, phân phối, thương mại và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bởi các cá nhân, tổ chức khác nhau. Các hình thái này có hình thức muôn hình vạn trạng, nhưng tựu trung, chúng sử dụng sức mạnh của công nghệ thông tin để mang lại lợi ích cho các cá nhân, công ty, các tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ, với các thông tin cho phép họ phân phối, chia sẻ và tái sử dụng những nguồn lực dư thừa hàng hóa, dịch vụ. Tiền đề chung cho nền kinh tế chia sẻ là khi thông tin về hàng hóa được chia sẻ, giá trị của hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên, cho cả doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” được đưa ra bàn luận trên nhiều diễn đàn, với một số mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ , như: ứng dụng gọi xe Grab, Be, Go Việt; dịch vụ du lịch và khách sạn, dịch vụ chia sẻ phòng ở như Airbnb,... Trong điều kiện của Việt Nam, có thể hiểu “kinh tế chia sẻ” là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc ứng dụng các nền tảng số.

Tóm lại, nền kinh tế chia sẻ là một biểu hiện của việc áp dụng công nghệ nhằm giảm sự lãng phí trong tiêu dùng, hướng tới cộng đồng, thành phố thông minh và tài nguyên được dùng một cách hiệu quả.

2. Thành tựu và hạn chế của mô hình kinh tế chia sẻ

- Thành tựu

Một là, kinh tế chia sẻ cung cấp các nguồn lực trong nước đến người có nhu cầu một cách nhanh chóng thông qua công nghệ. Hay nói cách khác là tận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội; tận dụng hiệu quả về cả thời gian và tiết kiệm chi phí. Ví dụ với dịch vụ Grap, chỉ cần 1 chiếc điện thoại có kết nối mạng, khách hàng có thể sử dụng ngay các dịch vụ:

GrabTaxi: Đặt xe công nghệ thông qua hợp tác với các công ty Taxi khu vực Đông Nam Á, giúp giải quyết các vấn đề về giá cả và sự an toàn.

GrabBike: Dịch vụ di chuyển tăng trưởng nhanh nhất.

GrabCar: Kết nối các tài xế có hợp đồng điện tử với khách hàng một cách hiệu quả.

GrabExpress: Dịch vụ đặt giao hàng nhận hàng hóa. Giải quyết thách thức của giao nhận đầu cuối, đặc biệt ở các thành phố đông dân.

GrabFood: Dịch vụ giao nhận thức ăn. Giải quyết thách thức của giao nhận đầu cuối, đặc biệt ở các thành phố đông dân.

Grab Finanncial: Dịch vụ vay tài chính cho khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khắp Đông Nam Á.

GrabPay: Thanh toán di động ngay trong ứng dụng giúp việc di chuyển liền mạch hơn. Cung cấp các tùy chọn thanh toán địa phương thông qua quan hệ hợp tác với các dịch vụ tài chính.

GrabRewards: Chương trình khách hàng thân thiết lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 440 đối tác kinh doanh khắp khu vực. Khách hàng có thể tích lũy và đổi điểm thưởng khi di chuyển bằng GrabCar, Grabbike, GrabTaxi.

Hai là, kinh tế chia sẻ thuận tiện cho người sử dụng và ngày càng được đón nhận rộng rãi. Ví dụ đối với dịch vụ vận tải trực tuyến, theo báo cáo 5 năm kể từ khi thành lập, Grab công bố đã thành công giúp khách hàng tiết kiệm rất nhiều thời gian dành cho việc di chuyển, tại Việt Nam trung bình các hành khách của Grab đến nơi với thời gian ít hơn một nửa khoảng 51% (Grab, 2017). Ngoài tiết kiệm thời gian, Grab còn giúp khách hàng giảm 20 - 30% chi phí đi lại, giảm 40% những lỗi giấy tờ khi quyết toán chi phí đi lại, minh bạch thông tin cho người dùng. (Grab, 2017).

Ba là quy mô thị trường tăng trưởng một cách nhanh chóng. Đối với dịch vụ vận tải trực tuyến. Theo số liệu thống kê của của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2017, có tới tận 25.000 xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi đã được cấp phù hiệu và có đến 24.000 chiếc đang tham gia mạng lưới của Uber và Grab; trong khi đó, số xe taxi truyền thống chỉ bằng 46% so với số xe tham gia mạng lưới của Uber và Grab. (Cafebiz, 2017). Tại Hà Nội, theo một báo cáo cho thấy, tính đến ngày 20/12/2017, GrabTaxi có 11.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, chiếm 90,67% số lượng xe được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn Thành phố Và đến năm 2019, con số sử dụng xe của hãng Grap đã tăng lên chóng mặt.

- Hạn chế

Cùng với nhiều lợi ích đem lại từ phương thức kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ đã và đang nảy sinh những khó khăn, thách thức liên quan đến thị trường, cạnh tranh công bằng, năng lực đổi mới sáng tạo và nhất là thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về thuế, điều kiện kinh doanh, thanh toán không biên giới, an toàn lao động, bảo hiểm,…

Một là sự cạnh tranh không bình đẳng. Bởi vì tính ưu việt của mô hình kinh tế này sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống. Câu chuyện kinh doanh Uber, Grab với các hãng kinh doanh taxi truyền thống trong thời gian gần đây là một trong những minh chứng điển hình. Cụ thể:

Theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, xe ứng dụng công nghệ như Grab, Uber được phép triển khai thí điểm xe trong 2 năm (từ tháng 1/2016 đến 1/2018) ở 5 tỉnh, thành phố, với những điều kiện kinh doanh vận tải taxi được nới lỏng khá nhiều. Ví dụ như xe Uber và Grab được chủ động tăng, giảm giá ở từng thời điểm trong ngày, số lượng xe thí điểm không bị giới hạn, không biển hiệu nên có thể chở khách vào đường cấm,… Số lượng xe chạy Grab, Uber sau 20 tháng thí điểm đã tăng nhanh chóng lên 50.000 xe. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống đang hoạt động vận tải cùng có đối tượng khách hàng như Uber và Grab thì lại phải chịu những quy định rất chặt chẽ trong kinh doanh vận tải theo Nghị định số 86/NĐ-CP của Chính phủ, như: Phải phát triển số lượng xe theo đúng quy hoạch, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông, nộp thuế theo doanh thu với tỷ lệ là 4,5%/tháng. Chưa kể, các hãng taxi truyền thống phải có màu, biển tên rõ ràng, thậm chí còn bị cấm đường trong khung giờ nhất định, trong khi Grab và Uber không bị ràng buộc bởi những quy định này.

Theo quy định nộp thuế đối với kinh doanh vận tải là 4,5% (như các hãng taxi) thì số thuế công ty kinh doanh vận tải Grab và Uber phải nộp ngân sách là 67,5 tỷ đồng/tháng và trong một năm là 810 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ tính riêng năm 2016, Công ty TNHH Grab taxi chỉ nộp ngân sách gần 5,8 tỷ đồng. Còn Công ty TNHH Uber từ khi thành lập đến khi sáp nhập vào Grab cũng chỉ nộp gần 10 tỷ đồng. Theo quan điểm của các hãng taxi truyền thống, cùng hoạt động kinh doanh vận tải tương đồng, nhưng mức thuế nộp có sự chênh lệch lớn đã khiến cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này chưa thực sự công bằng. Chính mức thuế nộp thấp là một lợi thế để Uber và Grab có thể đưa ra những chương trình khuyến mại khủng để thu hút khách hàng trong thời gian qua.

Hai là việc quản lý thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta còn rất nhiều khó khăn. Mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới. Chính vì thế, để việc quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này có hiệu quả đòi hỏi cơ quan phải có những chính sách linh hoạt và điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, hiện vẫn có những dịch vụ mà cơ quan thuế vẫn còn lúng túng trong việc thu thuế bởi vì sự phức tạp và tinh vi trong cách thức tiến hành kinh doanh. Điển hình là Grab, Uber và Airbnb,... Đối với Uber, Uber đã thành lập công ty con tại Hà Lan và chuyển quyền sở hữu các chi nhánh tại các nước về công ty này mục đích để chuyển mọi nguồn thu bên ngoài nước Mỹ chủ yếu về Hà Lan và tránh được hệ thống thuế của Mỹ. Với sự linh hoạt của một công ty tư nhân, các chuyên gia về chính sách thuế nhận định chiến thuật tránh thuế của Uber sử dụng gần như là hoàn hảo.

Tại Việt Nam, mặc dù các cơ quan thuế đã vào cuộc tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong kiểm soát hành vi trốn thuế này. Đối với Airbnb, mỗi một giao dịch cho thuê nhà thành công, Airbnb giữ lại khoản lợi nhuận 13%. Người cho thuê nhà thường trả thuế đầy đủ cho Airbnb vì công ty này có thể báo cáo giao dịch đó đến Chính phủ. Tuy nhiên, một trong số những lựa chọn trú ẩn thuế an toàn cho Airbnb là Ireland. Luật thuế nước này cho phép các tập đoàn đa quốc gia Mỹ tránh được cả 2 mức thuế cao nhất là 35% theo thuế Mỹ và 12,5% theo thuế thu nhập Ireland.

Tiền giao dịch của Airbnb tại 190 quốc gia được chuyển thẳng tới một trung tâm thanh toán tại Ireland, cho phép che giấu được hầu hết các khoản lợi nhuận tại các quốc gia. Airbnb Ireland chỉ để lại một khoản phí nhỏ cho chi nhánh tại Úc để làm marketing trong nước, tiền thuế được trả trên khoản lợi nhuận đó. Đó là những thách thức mà các công ty trong nền kinh tế chia sẻ như Airbnb hay Uber đang gây ra cho ngân khố của thế giới, không chỉ riêng đối với Việt Nam.

Ba là tăng mức rủi ro như: Làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ 3 bên thay vì 2 bên trong hợp đồng kinh tế, tiềm ẩn những rủi ro trong đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán, xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Cùng với đó, cũng làm nảy sinh những vấn đề liên quan đến thu thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động dịch vụ, đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia,…

Bốn là hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử,… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Trong khi, các loại hình kinh tế chia sẻ đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hữu Tuấn (2018), Hệ quả xấu khi mô hình kinh tế chia sẻ bị biến tướng, Báo Đầu tư; https://baodautu.vn/he-qua-xau-khi-mo-hinh-kinh-te-chia-se-bi-bien-tuong-d76441.html
  2. Nguyễn Phan Anh (2016), Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính; http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/mo-hinh-nen-kinh-te-chia-se-va-goi-y-cho-viet-nam-111297.html
  3. Đỗ Thị Nhung (2018), Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam và một số đề xuất, Tạp chí Tài chính; http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-trien-mo-hinh-kinh-te-chia-se-o-viet-nam-va-mot-so-de-xuat-139063.html
  4. Nguyễn Đình Luận (2016), Kinh tế chia sẻ và tiềm năng phát triển ở Việt Nam; Tạp chí Tài chính, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-chia-se-va-tiem-nang-phat-trien-tai-viet-nam-302040.html
  5. Tô Hà (2018), Cơ hội và thách thức của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, Báo Nhân dân. https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/co-hoi-va-thach-thuc-cua-mo-hinh-kinh-te-chia-se-o-viet-nam-329808/

The sharing economy: Achievements and limitations

Master. Le Minh Thanh

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The sharing of resources has been set up for thousands of years. Thanks to the development of the Internet and Big Data, it is now easier for resource owners and those wishing to use resources to find each other. People can make money from unused assets like bedrooms, cars and motorbikes and the sharing economy begins to appear. This article is to clarify the concept of sharing economy and analyze the achievements and the limitations of sharing economy in Vietnam.

Keywords: Sharing economy, physical assets, services, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]