Kinh tế học mở: Rừng không chỉ là nguồn cung nguyên liệu cho xuất khẩu

Chúng ta không chỉ trồng cây lấy gỗ rồi bán thô, mà cần nâng giá trị gia tăng thông qua bảo quản, chế biến, marketting, tích hợp giá trị... và cao nhất là sự trải nghiệm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm hai tháng đầu năm 2021 đạt 2.441 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm là bức tranh sáng nhất, dù thống kê theo tiêu chí nào.

Nếu so với kim ngạch xuất khẩu chung cả nước, xuất khẩu gỗ và sản phẩm có mức tăng gấp hơn 2 lần (51% so với 23,2%).

So trong nhóm hàng nông lâm sản, xuất khẩu gỗ và sản phẩm cũng có mức tăng gấp hơn 2 lần (51% so với 22,2%).

So trong hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm có mức tăng gấp gần 3 lần (51% so với 18,6%)

So trong nhóm 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm đứng thứ ba, chỉ thua xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và sắt thép.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua, có đóng góp lớn rất lớn từ sản lượng gỗ rừng trồng tăng nhanh, đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ động trên 70% nguồn nguyên liệu đầu vào.

Đây là cơ sở giúp từng bước giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy mức tăng tiến vượt bậc của sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng. Cụ thể , năm 2019 đạt 19,5 triệu m3, tăng gấp 6 lần so với năm 2006 với 3,01 triệu m3.

Năm 2020 ước tính đạt 20,5 triệu m3 và cơ bản đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 là 20 - 24 triệu m3/năm.

Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2021, dù có 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, sản lượng gỗ khai thác vẫn đạt 1,85 triệu m3, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với khái niệm “tích hợp chuỗi giá trị” thì tài nguyên rừng không chỉ là nguồn cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Trong buổi làm việc mới đây của thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với Tổng cục Lâm nghiệp, thứ trưởng kể câu chuyện rằng,  ở một ngôi làng tại tỉnh Sơn La, ban ngày, người dân đi làm rừng, tối về cả gia đình trở thành diễn viên trong Homestay (căn nhà có dịch vụ lưu trú) để du khách trải nghiệm.

Người dân ở đó rất hạnh phúc vì thu nhập tăng lên mà không phải tiêu phí tài nguyên rừng.

Thứ trưởng cũng cho rằng, cần tạo ra một hệ sinh thái phát triển kinh tế rừng để tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn. Chúng ta không chỉ trồng cây lấy gỗ rồi bán thô, mà cần nâng giá trị gia tăng thông qua bảo quản, chế biến, marketting, tích hợp giá trị... và cao nhất là sự trải nghiệm.

Chúng ta đừng chỉ nhìn rừng ở những cái cây. Rừng bao hàm cả tài nguyên vô hình và tài nguyên hữu hình vì hệ sinh thái rừng phải là môi trường của muôn loài.

Tài nguyên rừng hiện nay còn là dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, dù thời tiết diễn biến bất lợi, nhưng tính đến ngày 21/12, nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng của cả nước hơn 2.500 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch, thu từ thủy điện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với xấp xỉ 90%.

Từ khoản thu đó, Quỹ Trung ương đã giải ngân cho Quỹ cấp tỉnh là hơn 934 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng, và Quỹ cấp tỉnh đã thực hiện giải ngân cho chủ rừng là hơn 593 tỷ đồng, đạt 100% tổng số chủ rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.

Một tài nguyên rất lớn của rừng là tín chỉ carbon!

Mỗi năm, rừng Việt Nam phát thải khoảng 38 triệu tấn CO2 tương đương, nhưng số lượng hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng Việt Nam lên tới 74 triệu tấn CO2 tương đương/năm, nghĩa là gần gấp đôi lượng phát thải. Đây là cơ hội để chúng ta bán tín chỉ carbon.

Từ nay đến năm 2025, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cam kết giảm 10,3 triệu tấn carbon và FCPF (Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp) sẽ chi trả cho chúng ta khoảng 51,5 triệu USD.

Năm 2021, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.800 tỉ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, khi có thêm nguồn tiền từ bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.

Phú Xuyên