Kinh tế Nhật đối mặt với nguy cơ suy thoái, tăng trưởng GDP quý 4/2019 thấp kỷ lục

Số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý 4/2019 đã giảm mạnh -6,3%, cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó, phản ánh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể sẽ chìm sâu vào suy thoái.

Nền kinh tế Nhật Bản dường như đang chìm sâu hơn vào suy thoái khi các số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP quý 4/2019 của nước này giảm tới -6,3%, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm -3,7% được các nhà phân tích đưa ra trước đó. Đây là quý đầu tiên trong vòng 5 quý trở lại đây mà Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới ghi nhận suy giảm tăng trưởng GDP. 

Mức suy giảm này cũng là mức lớn nhất kể từ quý 2/2014 – thời điểm nước này tăng thuế tiêu dùng khiến tăng trưởng GDP suy giảm tới -7,4%. Nguyên nhân chủ yếu của suy giảm GDP của Nhật Bản trong quý 4/2019 chủ yếu do việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10%, kết hợp với việc nước này trải qua mùa đông ấm hơn thường lệ khiến sức mua các sản phẩm mùa đông giảm mạnh. 

Tăng thuế tiêu dùng tại Nhật Bản từ 8% lên 10%
Việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% đã khiến nhu cầu mua sắm tại Nhật giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP quý 4/2020 của nước này

Chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản trong quý 4/2019 giảm 2,9%. Trong khi đó, mua sắm trang thiết bị và đầu tư vào dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quý 4/2019 cũng giảm 3,7%, mặc dù chính phủ nước này đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão Hagibis hồi giữa tháng 10/2019. Cơn bão đã gây ngập lụt diện rộng tại Nhật, nhiều khu vực bị tàn phá nặng nề và khiến 3 triệu người phải sơ tán.

Các chuyên gia phân tích cảnh báo nền kinh tế Nhật Bản có thể tiếp tục suy giảm trong quý 1/2020 trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 đến ngành du lịch và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản. Dự báo 

Thậm chí, từ trước khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bị đe doạ bởi dịch virus Covid-19, nền kinh tế nước này đã bộc lộ nhiều bất ổn hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Giới phân tích càng bi quan khi các biện pháp của chính phủ nước này nhằm duy trì tiêu dùng sau tăng thuế không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

"Nền tảng của Nhật Bản vốn khởi đầu không vững chắc. Do đó, tăng trưởng có thể dễ dàng bị đẩy vào vùng âm vì các yếu tố như dịch bệnh", Hiroshi Miyazaki – nhà kinh tế học tại Mitsubishi UFJ Morgan Securities cho biết.

Quang Đặng (Tổng hợp)