Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ sáng 30/10, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ dành một phút mặc niệm đến cán bộ, chiến sĩ hy sinh và nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ phức tạp, thiệt hại vô cùng lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân.

"Đây có thể coi là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta hứng chịu các trận lũ chồng lũ, bão chồng bão với mức độ nghiêm trọng như vậy. Đến nay, các cơ quan đã thống kê được hàng trăm người chết và mất tích, 122.000 ngôi nhà hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại là 2.700 tỷ đồng", Bộ trưởng Dũng thông tin,

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng rất chia sẻ những đau thương, mất mát mà người dân miền Trung đang gánh chịu, cùng với sự hy sinh của quân nhân, chiến sĩ, cán bộ công an thiệt mạng trong khi ứng phó, cứu trợ mưa lũ. Chính phủ sẽ nỗ lực làm hết sức, tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, vì cuộc sống an toàn bình yên của người dân.

bộ trưởng mai tiến dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/2020 ngay phiên họp thường kỳ của Chính phủ 

Thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhắc lại lời của Thủ tướng, nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong Quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong Quý III/2020.

Trong 10 tháng đầu năm, nền kinh tế đạt được những kết quả nổi bật:

Thứ nhất, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu khi CPI tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, có khả năng đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra và tạo dư địa cho chính sách điều hành trong những tháng còn lại của năm 2020.

Thứ hai, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Số vốn giải ngân 10 tháng hơn 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch. Đây là số liệu rất tích cực, là thành quả của sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thứ ba, xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 tăng 9,9% so cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng 10,1%. Tính chung 10 tháng qua, xuất siêu ước đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất đang được phục hồi.

Thứ tư, nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Nông nghiệp góp phần quan trọng thực hiện an sinh và ổn định xã hội.

Thứ năm, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (tháng 10/2020 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước); hàng hóa dồi dào, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được tích cực triển khai hiệu quả.

IMF dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021, hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5-3% năm 2020.

Dẫn lại nhận định của các tổ chức kinh tế và truyền thông quốc tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, số liệu đó là để chúng ta có thêm niềm động viên, tuy nhiên, không được chủ quan khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

xuất nhập khẩu
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong 10 tháng qua, khi xuất siêu ước đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD

Nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xác định: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa”. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất.

Không được chủ quan lơ là, để dịch bệnh bùng phát trở lại. Phải quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh. Cần tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước, “thần tốc, thần tốc hơn nữa khi phát hiện có ca nhiễm”.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%, nhất là nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên. Tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng. Thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa. Tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.