Làm gì để phòng ngừa rủi ro cho xuất khẩu gỗ?

Kiên quyết “nói không” với gỗ bất hợp pháp là 1 trong 6 nội dung nhằm phòng ngừa rủi ro, phát triển chế biến xuất khẩu gỗ bền vững

Thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế

Thủ tướng chỉ thị mục tiêu đặt ra là phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.

Trong đó, các hiệp hội của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ cần chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế; từng bước nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gỗ hợp pháp và bền vững môi trường, kiên quyết “nói không” với việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.

Đồng thời, đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn, tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cao của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Liên kết theo chuỗi giá trị

Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Ưu tiên đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu, đào tạo đầu ngành để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo, chú trọng đào tạo đồng bộ và kết hợp hài hòa giữa các nhóm nhân lực thuộc các loại hình đào tạo đại học, trung cấp, công nhân kỹ thuật phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển và công nghệ của ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Cùng với đó là tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước; chú trọng xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm xuất khẩu, sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu thị trường quốc tế; phấn đấu có ít nhất một sản phẩm của ngành lâm nghiệp là sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia.

6 nội dung phòng ngừa rủi ro và phát triển chế biến gỗ bền vững:

1. Sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp;

2. Ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất;

3. Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam;

4. Xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới;

5. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD;

6. Từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Phú Châu