Lạm phát tại khu vực Eurozone lập kỷ lục mới

Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại châu Âu chưa có dấu hiệu đạt đỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng của khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 đạt mức kỷ lục mới 8,6%.

Ngày 1/7, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố dữ liệu cho thấy lạm phát tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 đã tăng 8,6%, vượt mức cao kỷ lục 8,1% hồi tháng 5. Mức tăng này cũng cao hơn mức dự báo 8,4% của các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó và chạm mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng vào năm 1999.

Kể từ tháng 11/2021, giá các loại hàng hoá tại châu Âu đã liên tục tăng lên do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài và giá năng lượng tăng vọt. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2 vừa qua càng khiến tình hình tại châu Âu trở nên tồi tệ hơn.

Lạm phát tại châu Âu
Lạm phát tại khu vực Eurozone đang ở mức cao nhất kể từ khi đồng tiền chung Euro được đưa vào sử dụng vào năm 1999 (Đồ hoạ: The New York Times)

Hiện gần một nửa trong số 19 quốc gia thành viên khu vực Eurozone đã ghi nhận mức lạm phát vượt hai chữ số. Trong đó, cả Pháp và Tây Ban Nha lần đầu tiên chứng kiến lạm phát vượt mốc 10% kể từ năm 1985. Nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát nghiêm trọng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị cho các đợt tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới.

Đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong tháng 7. ECB sẽ nhóm họp và quyết định chính thức mức tăng lãi suất vào ngày 21/7. Đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm trở lại đây và các mức lãi suất thấp kỷ lục tại châu Âu hiện nay sẽ tăng lên, bao gồm cả lãi suất tiền gửi hiện ở mức âm 0,5%.

Bên cạnh đó, một đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây. Bà Christine Lagarde nhấn mạnh mọi quyết định tăng lãi suất của ECB sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến của lạm phát.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo việc ECB tăng lãi suất quá nhanh có thể gây tác động tiêu cực đến tăng tưởng kinh tế, thậm chí đẩy khu vực Eurozone vào một cuộc suy thoái mới. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Eurozone sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023; trong khi đó, một số dự báo chỉ ra rằng áp lực giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể khiến suy thoái kinh tế đến sớm hơn.

ECB hiện dự báo tăng trưởng GDP thực của khu vực Eurozone trong năm nay sẽ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 3,7% được công bố hồi tháng 3.

Duy Quang