Lần đầu tiên Lục Ngạn có vải thiều hữu cơ

Năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có sản phẩm vải thiều hữu cơ. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ sẽ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc sẽ là nhật ký điện tử.
vai thieu huu co
Mô hình sản xuất tiêu thụ vải hữu cơ được thí điểm vào mùa vải năm 2019
 
Chuẩn bị cho mùa vải mới, huyện Lục Ngạn sẽ đưa vào mô hình khoảng 20 ha vải hữu cơ với sự ưu việt: An toàn cho người phun, không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn…  

Mô hình này là sự liên kết giữa nông dân trồng vải Lục Ngạn và doanh nghiệp tiêu thụ. Các gia đình tham gia trồng vải hữu cơ sẽ ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Người dân được tập huấn áp dụng quy trình chăm sóc vải hữu cơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học.

Gần 20 hộ dân sẽ tham gia dự án này. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ sẽ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc sẽ là nhật ký điện tử.

Theo mô hình sản xuất tiêu thụ vải hữu cơ được thí điểm vào mùa vải năm 2019, đơn vị bao tiêu sản phẩm sẽ phải thoả thuận giá mua ký hợp đồng với người dân trước. Quy trình chăm sóc đến khi thu hoạch đều là sự đồng hành giữa người dân và doanh nghiệp, rủi ro cũng được chia sẻ với người dân.

Lục Ngạn là vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước. Mùa vải 2018, tổng sản lượng đạt hơn 90.000 tấn, tăng hơn 35.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Vải thiều Lục Ngạn đã có được thương hiệu cả trong nước và quốc tế, đến được với các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu…

“Để nông sản có được hướng đi bền vững, thì việc sản xuất tiêu thụ phải là quy trình khép kín, hướng tới các sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, thì vải thiều hữu cơ đang là định hướng của Lục Ngạn để sản xuất nông sản chất lượng cao, đảm bảo được đầu ra cho nông sản”, ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho VOV biết.

Cùng với sản xuất vải thiều, người dân huyện Lục Ngạn còn chú trọng đầu tư cho cây ăn quả có múi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, hiện nay các hộ dân ở xã Tân Mộc, Tân Quang, Phượng Sơn, Nghĩa Hồ… tích cực mở rộng diện tích, áp dụng quy trình VietGAP chăm sóc cây ăn quả. Toàn huyện hiện có 6.000 ha cam và bưởi các loại. Sản lượng quả năm nay ước đạt 50.000 tấn, doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm trước.

Xác định cây có múi là một trong 5 loại cây chủ lực của tỉnh cần tập trung phát triển, những năm qua Lục Ngạn đã quy hoạch vùng trồng loại cây này.

Huyện tập trung mở rộng vùng trồng cam, bưởi ở các xã có nhiều diện tích đồi cao, đất đai màu mỡ, bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng quả, xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Huyện đang hỗ trợ xã Tân Mộc thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao chăm sóc cây ăn quả có múi thành vùng tập trung, diện tích gần 320 ha. Dự án thực hiện từ năm 2018-2021, tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tự động tưới nước tiết kiệm, lắp đặt camera giám sát và ứng dụng phần mềm ghi chép quy trình sản xuất VietGAP để thuận tiện cho việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đi liền với các giải pháp trên, hằng năm, huyện phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Viện Cây ăn quả tổ chức tập huấn quy trình VietGAP cho các chủ vườn trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ thay phân bón vô cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, chống độc cho đất.