Lạng Sơn: Hiệu quả hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao

Trong giai đoạn 2017 - 2021, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Lạng Sợn đã từng bước hỗ trợ có hiệu quả, huy động được các nguồn lực đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021 tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt và tổ chức triển khai được 06 đề án khuyến công Quốc gia (KCQG), với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.350 triệu đồng, do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện. Cũng trong giai đoạn 2017 – 2021 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại được phê duyệt và tổ chức triển khai được 52 đề án khuyến công địa phương (KCĐP), với tổng kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 6.624 triệu đồng.

Quá trình thực hiện các hoạt động khuyến công từ năm 2017 - 2021 cho thấy hiệu quả của hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao. Điều này được thể hiện qua một số hoạt động khuyến công nổi bật như.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lạng Sơn phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Việt Bắc tổ chức Trình diễn kỹ thuật, giới thiệu mô hình sản xuất bản lề cửa từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020

Về xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới đã có 3 đế án, với tổng kinh phí KCQG hỗ trợ là 1.500 triệu đồng. Công tác hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất đã giúp một số doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp nông thôn đưa công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới trên địa bàn. Quy mô sản xuất, doanh thu của các cơ sở từ đó cũng tăng lên đáng kể.

Có được kết quả này cũng bởi các đề án đều được thực hiện trên cơ sở khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, Trung tâm luôn bám sát định hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực, khai thác được lợi thế của địa phương và tạo nhiều cơ hội việc làm cho 70 lao động địa phương.

Hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương cho hộ kinh doanh Bùi Đức Quang, tại TP. Lạng Sơn đầu tư máy cắt kim loại CNC

Công tác hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gồm 45 đề án (42 đề án KCĐP và 03 đề án KCQG), với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ là 6.256,8 triệu đồng. Việc hỗ trợ đã khuyến khích các đơn vị thụ hưởng mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến hơn nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, mang lại doanh thu cao cho doanh nghiệp.

Đồng thời giải phóng được sức lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn hơn cho công nhân trực tiếp sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách từ hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đã giải quyết được 449 lao động cho cơ sở công nghiệp nông thôn, đây có thể xem là các mô hình hiệu quả trên lĩnh vực chế biến nông – lâm sản, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng.

Không dừng ở đó, việc hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (Hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh): Gồm 06 đề án, với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ là 514,2 triệu đồng. Hỗ trợ 72 lượt cơ sở CNNT tham gia 7 kỳ Hội chợ triển lãm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương; giúp các cơ sở CNNT mở rộng giao thương hợp tác kinh tế, tăng cường mối quan hệ với các tỉnh khu vực phía Bắc.

Ngoài ra, kết quả huy động các nguồn lực thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2021 hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng nguồn vốn tham gia thực hiện chương trình là 55.210,68 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước: 8.974 triệu đồng (Ngân sách trung ương: 2.350 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 6.624 triệu đồng).

Kinh phí thu hút đầu tư từ các cơ sở CNNT: 46.236,68 triệu đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, trung bình cứ 01 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút được khoảng 5,15 đồng vốn đầu tư của các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hỗ trợ máy sản xuất Trà Diếp cá Lụa Vy từ nguồn khuyến công địa phương cho HTX chế biến nông sản Lụa Vy tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Với những kết quả trên có thể thấy, hoạt động khuyến công đã từng bước hỗ trợ có hiệu quả, huy động được các nguồn lực đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo ra các năng lực sản xuất mới, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp tăng thêm, máy móc, thiết bị công nghệ của một số cơ sở sản xuất và trình độ cán bộ quản lý được bổ sung nâng cao, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm được cải thiện đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, đóng góp cho ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Thông qua chương trình khuyến công, đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn; bên cạnh đó, các văn bản và chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công đã từng bước được hoàn thiện và tuyên truyền trực tiếp hoặc gián tiếp tới các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Chính sách và các hoạt động khuyến công đã bước đầu động viên khuyến khích kịp thời các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

 

Dương Hoàng