Lao động chuyển dịch - cơ cấu kinh tế cũng thay đổi

Phải chăng tài nguyên khu vực nông nghiệp đã đến ngưỡng không tạo ra được nhiều việc làm để tiếp nhận thêm lao động?

Mối tương quan lao động và cơ cấu kinh tế?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2019 ước tính là 54,3 triệu người, giảm 208,3 nghìn người so với quý trước, tăng 329,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lý do chủ yếu khiến lực lượng lao động giảm so với quý trước do quý I là thời gian có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và diễn ra các lễ hội nên người dân kéo dài thời gian nghỉ làm việc, nhu cầu làm việc và tìm kiếm việc làm trong dân cư giảm.

ld
Tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp và xây dựng tăng lên trong quý I năm 2019

 

Theo ước tính, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2019 là 76,6%, giảm 0,6% điểm phần trăm so với quý trước, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ là 71,1%, thấp hơn 11,3 điểm phần trăm so với lực lượng lao động nam (82,4%). Mức độ tham gia lực lượng lao động của dân cư khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khác biệt đáng kể, cách biệt 12,5 điểm phần (thành thị: 68,7%; nông thôn: 81,2%); ở các nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị đều thấp hơn nông thôn, trong đó chênh lệch nhiều nhất ở nhóm 15-24 tuổi và nhóm từ 50 tuổi trở lên. Những thông tin này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường này muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Mặc dù vậy, cơ cấu lao động trong các ngành đã có sự chuyển dịch từ khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản sang khu vực Công nghiệp và Xây dựng và Dịch vụ. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản ước tính là 19,2 triệu người, chiếm 35,4% (giảm 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực Công nghiệp và xây dựng là 15,6 triệu người, chiếm 28,6% (tăng 2,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực Dịch vụ là 19,5 triệu người, chiếm 36,0% (tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế cũng có những thay đổi thương ứng theo hướng giảm tỷ trọng khu vực  Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản; tăng tỷ trọng của 2 khu vực còn lại là Công nghiệp và Xây dựng và Dịch vụ. Cụ thể, cơ cấu kinh tế quý I năm nay như sau: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16% (giảm so với 10,62% của cùng kỳ năm trước); trong khi hai khu vực Công nghiệp và Xây dựng cùng khu vực dịch vụ chiếm 79,29% (tăng so với 79,03% của cùng kỳ năm trước).

Tài nguyên tạo việc làm đã đến ngưỡng?

Điều đáng lưu ý là, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2019 ước là 1,21%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 0,60%, ở khu vực nông thôn là 1,53%. Đa phần những người thiếu việc làm hiện làm việc trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (chiếm 71,1% trong tổng số người thiếu việc làm). Tỷ lệ người lao động thiếu việc làm trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản là 2,4%, cao gấp 6 lần tỷ lệ thiếu việc làm của người lao động làm việc trong khu vực “dịch vụ” và khu vực “công nghiệp và xây dựng”.

Phải chăng sự dịch chuyển lao động này là do tài nguyên khu vực nông nghiệp đã đến ngưỡng, không tạo ra được nhiều việc làm để tiếp nhận thêm lao động; trong khi khả năng tạo ra việc làm của khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp và xây dựng dễ dàng hơn do ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn?

Phan Giang