Lao động xuất khẩu gồng mình trong suy thoái

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương có tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất nước với số lượt người đi XKLĐ chiếm đến gần 50% số nhân khẩu, hầu như hộ nào cũng có co

Gần 15 năm nay, người dân trong xã Cương Gián đã lần lượt kéo nhau đi XKLĐ. Ông Hoàng Công Tuần - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Toàn xã có gần 13.686 nhân khẩu, thì đã có hơn 6.000 lượt người xuất ngoại, với 2.881 hộ dân thì có tới trên 2.700 hộ có con em đi xuất khẩu lao động". Vì vậy, cũng không có gì ngạc nhiên về bề ngoài của Cương Gián, nhiều người dân rất giàu có và đàng hoàng, với những dãy nhà tầng khang trang, án ngữ ngay con đường vào xã. Nhưng đó là thời hoàng kim của các gia đình có con em đi XKLĐ đã hơn 1 năm về trước. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho nhu cầu lao động của các công ty nước ngoài bị cắt giảm, do làm ăn khó khăn thua lỗ. Trong vòng xoáy đó, nhiều gia đình có con em đi XKLĐ ở xã Cương Gián cũng bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề.

Để có tiền cho đứa con gái Hoàng Thị Nhung (SN 1979) đi XKLĐ Hàn Quốc, ông Hoàng Quốc Long (SN 1952) và bà Trần Thị Nam ở thôn Nam Mới, Cương Gián (Nghi Xuân) đã lên Quỹ tín dụng xã vay thế chấp 92 triệu đồng, chưa đủ, ông Long còn làm hồ sơ hộ nghèo được vay thêm 5 triệu đồng và đi vay nóng hơn 30 triệu đồng của người dân trong xã. Chi phí cho chuyến đi đã được đóng đầy đủ. Tưởng mọi chuyện đã yên ổn, nhưng ngày nhận lịch bay, thì ông Long mới “tá hỏa”, vì con gái không phải được đi Hàn Quốc mà là Malaixia, nếu không thì không được đi nữa. Dù biết đã bị lừa, nhưng ông Long vẫn phải chấp nhận, với mong ước may mắn đổi đời! Nhưng chỉ được thời gian đầu, Nhung có một số tiền ít ỏi gửi về. Gần đây, việc kiếm tiền ăn ở hàng ngày cũng phải chạy vạy, vất vả. Gặp chúng tôi, bà Trần Thị Nam thút thít: "Hơn một năm lại đây, cháu điện thoại về nói rằng, công ty bắt đầu cắt giảm, sa thải hàng loạt công nhân, trong đó có cháu. Hàng ngày, Nhung phải đi phụ việc tại các quán hàng kiếm sống, rất muốn về quê mà cũng không kiếm được tiền mua vé máy bay". Thế là giấc mộng làm giàu tan biến. Hai vợ chồng ông Long đang phải oằn mình trả khoản nợ tổng số trên 120 triệu đồng. Ông Long kể lại: “Gia đình đã phải bán cả 3 con bò, còn mảnh vườn gần 200m2, rồi đây ngân hàng cũng đến xiết nợ!”. 

Đối với trường hợp của Nguyễn Văn Tâm (SN 1982) ở thôn Nam Sơn, xóm Mới, xã Cương Gián còn bi đát hơn! Mẹ bị bệnh tâm thần, bố mất sớm, Tâm phải nuôi đàn em nhỏ. Thấy hoàn cảnh gia đình vất vả, anh phải gác lại chuyện học hành, rồi cưới vợ để có người cùng gánh vác gia đình. Thấy hàng ngày quần quật với mấy sào ruộng mà vẫn không đủ ăn, trong khi người dân trong xã thì giàu lên nhờ XKLĐ, vợ chồng Tâm bàn cách vay tiền, “chạy” đi XKLĐ để có cơ hội đổi đời. Hai vợ chồng đành lòng thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng, vay được 65 triệu đồng, một nửa dành chi phí cho chuyến đi, còn lại để ở nhà cho vợ làm vốn. Tại Đài Loan, công việc của Tâm là đi đánh cá trên biển cho chiếc tàu Rbusas1, với mức lương ban đầu là 160 USD/tháng. Chẳng ngờ, 3 tháng đó là chuỗi dài "không lương". Tâm về nước trước sự ngơ ngác của người mẹ tâm thần... Tâm cho biết: "Sau 3 tháng lao động thì tàu bị phá sản, nên họ cũng không trả cho người lao động một đồng nào, chỉ cho vé máy bay và 20 USD tiền ăn những ngày về". Nhưng đau khổ hơn là, khi Tâm vừa đặt chân đến quê nhà thì biết tin, vợ anh đã bỏ lại đứa con 4 tháng, theo một người đàn ông khác sang Malaixia làm ăn và từ đó đến nay không có tin tức. Tâm kể, trước hoàn cảnh bi đát đó, với số tiền nợ ngân hàng quá lớn, tôi phải đi làm thuê để kiếm 2 triệu đồng trả lãi hàng tháng đã quá vất vả, chưa nói đến chuyện cơm áo hàng ngày. Còn số tiền nợ gốc thì khó trả nổi. Cách đây ít hôm, Ngân hàng đã cử người xuống đo mảnh vườn để xiết nợ".

Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc điều hành Quỹ tín dụng xã Cương Gián cho biết: Riêng trong quý I năm 2009, số tiền mà người dân vay để đi XKLĐ lên tới 7,3 tỷ đồng, trong khi đó cả năm 2008 là 8 tỷ đồng. Cũng theo cán bộ Quỹ tín dụng ở đây, nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái, nên người XKLĐ không có tiền gửi về, nên đã xảy ra nhiều hiện tượng trả chậm tiền cho Quỹ tín dụng!

Cơ hội xuất khẩu lao động cho mọi người, nhưng tại thời điểm này người lao động cần cân nhắc; rủi ro trên là quá lớn đối với người nghèo. Trong thời gian không xa, kinh tế thế giới phục hồi, các thị trường có nhu cầu lao động, do vậy, người lao động ở nước ngoài cần có bản lĩnh, các công ty chuẩn bị nguồn nhân lực sớm đến các thị trường hồi phục, thị trường mới.