Sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 11,2% so với tháng trước

Trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 12,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%); riêng ngành khai khoáng tháng 5 giảm 0,4%, tính chung 5 tháng đã giảm 8,1% (cùng kỳ tăng 0,7%).

Công nghiệp chế biến chế tạo tháng 5 tăng 12,8% so với tháng trước
Công nghiệp chế biến chế tạo tháng 5 tăng 12,8% so với tháng trước

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 6,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%; sản xuất kim loại giảm 2,2%; dệt tăng 0,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%.

Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,1%; khai thác quặng kim loại tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,6%; khai thác than tăng 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,9%; bia giảm 24,5%; xe máy giảm 15,6%; dầu thô khai thác giảm 12,3%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 10,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10,4%; sắt thép thô giảm 9,7%; quần áo mặc thường giảm 8,2%; giày, dép da giảm 6,7%; điện thoại di động giảm 5,4%; thép cán giảm 4,7%; tivi các loại giảm 3,1%. ư

Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: thép thanh, thép góc tăng 12,1%; phân ure tăng 11,3%; xăng dầu các loại tăng 10,7%; thuốc lá điếu tăng 6,6%; than sạch tăng 5,8%.

Sản xuất ô tô 5 tháng giảm sâu 26,9% so với cùng kỳ năm trước
Sản xuất ô tô 5 tháng giảm sâu 26,9% so với cùng kỳ năm trước

Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định

Trong tháng 5, với sự nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã bước đầu trở lại bình thường; thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng khắp cả nước, có những ngày nắng nóng kỷ lục khiến cho sản xuất và tiêu thụ điện tăng, do đó chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 5 tăng 13,7% so với tháng trước; tính chung 5 tháng ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,6% (cùng kỳ năm trước tăng 10%).

Sản lượng điện sản xuất tháng 5 ước đạt 20.525,1 triệu kWh, tăng 18% so với tháng trước và tăng 2 % so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 91.759,8 triệu kWh, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Điện thương phẩm tháng 5 ước đạt 18.150 triệu kWh, tăng 5,9% so với tháng 4 và tăng 2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, điện thương phẩm ước đạt 84.512,3 triệu kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, ngành điện đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II/2020.

Đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và đáp ứng nhu cầu điện trên thị trường là mục tiêu hàng đầu của ngành điện trong quý II/2020
Đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và đáp ứng nhu cầu điện cho thị trường là mục tiêu hàng đầu của ngành điện trong quý II/2020

Các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ được khai thác tối đa theo khả năng cấp nhiên liệu, đồng thời khai thác thủy điện theo nước về, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du; huy động nhiệt điện chạy dầu theo phương thức và nhu cầu phụ tải. Đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải để đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống.

Tăng cường các công tác quản lý vận hành, đảm bảo hành lang tuyến đường dây, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, phục vụ truyền tải cao liên tục trong mùa khô, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam.

Ngoài ra, các đơn vị trong toàn ngành điện chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa, lũ, bão năm 2020.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã bắt đầu khôi phục trở lại, tăng cao so với tháng 4, đặc biệt sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện tăng trên hai con số (tương ứng tăng 12,8% và 13,7%) đã đưa chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 11,2%.

Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019 sản xuất công nghiệp trong tháng vẫn giảm ở tất cả các nhóm (trừ sản xuất và phân phối điện tăng 2%), trong đó giảm mạnh ở ngành khai khoáng mà chủ yếu tập trung ở khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 12%) do tác động kép của việc giá dầu giảm sâu và tiêu thụ xăng dầu giảm.

Tính chung 5 tháng năm 2020, sản xuất công nghiệp của Việt Nam chịu tác động chung của dịch bệnh Covid 19, ảnh hưởng đến tiêu thụ, và sản xuất hàng hóa nên mức tăng trưởng đạt thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhóm khai khoáng thậm chí tăng trưởng âm.

Trong bối cảnh chung của đại dịch, sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn có tăng trưởng, thể hiện sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, Bộ Công Thương khẳng định sẽ cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Mặt khác, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, các Nghị quyết khác của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là khẩn trương thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh việc tiếp tục xử lý các vấn đề cấp bách để vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thì yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được là cần xây dựng được kế hoạch để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới.

Trong đó, Bộ Công Thương sẽ ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đến thăm tình hình hoạt động sản xuất thực tế của doanh nghiệp giữa dịch Covid-19
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đến thăm tình hình hoạt động sản xuất thực tế của doanh nghiệp giữa dịch Covid-19

Riêng với ngành công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sản xuất, bao gồm:

Một là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Hai là, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Bốn là, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định này.