Lo ngại cầu dầu thô giảm, OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã giảm dự báo nhu cầu dầu thô trong năm nay do sự gia tăng mạnh trong sản xuất, và cho biết sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất.

Trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm 14/3, OPEC ước tính rằng nhu cầu đối với dầu thô của khối sẽ trung bình là 30,46 triệu thùng mỗi ngày (bpd), thấp hơn 130.000 thùng so với dự báo hồi tháng 2 và ít hơn mức sản xuất hiện tại của OPEC.

Nhóm OPEC +, bao gồm các thành viên OPEC và các đồng minh trong đó có Nga, đã cam kết giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 1/2019 cho thời hạn 6 tháng.

Tổng sản lượng của OPEC đã giảm 221.000 bpd trong tháng 2 so với tháng 1, xuống còn 30,55 triệu bpd, do sản lượng của Venezuela giảm, và việc giảm thêm tự nguyện của Arập Xê Út.

Theo dự báo về nhu cầu dầu mỏ hàng năm, báo cáo cho thấy thị trường sẽ kết thúc với nguồn cung dư thừa nhẹ trong năm nay nếu OPEC tiếp tục khai thác với tốc độ của tháng 2, và Mỹ tiếp tục tăng sản lượng.

"Ngay cả khi nhu cầu dầu sẽ tăng với tốc độ vừa phải vào năm 2019, nó vẫn nằm dưới mức tăng trưởng mạnh mẽ của nguồn cung của các nước sản xuất khác", OPEC cho biết.

"Thực tế này đòi hỏi trách nhiệm chung của tất cả các nước sản xuất (tham gia thỏa thuận giảm sản xuất) để tránh sự mất cân bằng và tiếp tục duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ trong năm 2019", OPEC viết.

Theo nguồn tin từ OPEC, việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm là có khả năng rất cao và vấn đề này sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào tháng Tư nhưng Arập Xê Út cho biết một quyết định cuối cùng có thể sẽ chưa được đưa ra trước phiên họp toàn thể của OPEC+ vào tháng Sáu.

Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia Khalid A. Al-Falih vừa nhận định rằng, hiện còn quá sớm để Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+, đưa ra quyết định thay đổi chính sách về sản lượng dầu mỏ tại cuộc họp vào tháng 4 tới.

Theo kế hoạch, OPEC và các nước đồng minh sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) trong các ngày 17-18/4 tới và cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 25-26/6, trong bối cảnh mức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc và Mỹ hứa hẹn sẽ đảm bảo nhu cầu dầu toàn cầu tăng tích cực trong năm nay. Bộ trưởng Falih cho rằng, ít có khả năng OPEC+ sẽ thay đổi chính sách sản lượng vào tháng 4. Trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn như có sự gián đoạn về sản lượng, OPEC+ sẽ có sự điều chỉnh hợp lý vào tháng 6 tới. 

OPEC

Các nước trong và ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng bớt đi 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng trong sáu tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Thành viên OPEC là UAE ngày 10/3 khẳng định, việc tiếp tục tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận đã nhất trí kể trên nhằm giảm sản lượng dầu dư thừa và cân bằng lại thị trường toàn cầu. 

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng cho biết sẽ duy trì sản lượng ở mức 9,8 triệu thùng/ngày trong tháng 4 tới.

Các nguồn tin gần đây cho hay nhiều khả năng quyết định cắt giảm sản lượng của các nước sẽ tiếp tục được kéo dài tại cuộc họp tháng 6 tới, tuy rằng điều đó vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với các nước thành viên OPEC là Iran và Venezuela. Quyết định cắt giảm sản lượng trên được thực hiện bởi 11 nước thành viên OPEC, ngoại trừ Iran, Libya và Venezuela (được miễn nghĩa vụ này).

Bộ trưởng Falih cho rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự báo sẽ vẫn tương đối ổn định. Theo ông, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu ước đoán sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhỉnh hơn so với mức dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế là tăng 1,4 triệu thùng/ngày. Trong đó, ông lưu ý, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tháng nào cũng phá kỷ lục và ước đoán sẽ vượt ngưỡng 11 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng lên.

Về mặt sản lượng, mặc dù xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela giảm tới 40% xuống khoảng 920.000 thùng/ngày kể từ sau khi Washington áp lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ nước này hôm 28/1 vừa qua, song bù lại sản lượng dầu mỏ tại Mỹ chạm mức cao kỷ lục trên 12 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2019.

Đăng Huy