Lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 7 cần sự đồng thuận từ các bên

Việc xây dựng lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 7 cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan có mối liên hệ với nhu cầu hoặc nguồn cung năng lượng.

lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 7

Sáng ngày 28/8/2020, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương, Liên hợp quốc (UNESCAP) chủ trì tổ chức Hội thảo trực tuyến Khởi động giới thiệu kế hoạch thực hiện của Dự án thí điểm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Lộ trình quốc gia để thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 (SDG7).

Hội thảo Khởi động nhằm giới thiệu về kế hoạch thực hiện của Dự án và sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xây dựng Lộ trình SDG7, và đặc biệt, phác thảo các bước và nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành vào năm 2020 cũng như hướng tới năm 2030.  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng cao so với xu hướng phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ cần 129.000 MW công suất điện, do đó, Việt Nam cần tăng lượng điện năng cung cấp lên trên 7.000 MW mỗi năm.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức.

Thực tế, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Trong cơ cấu năng lượng sơ cấp, tỷ lệ nhập khẩu năng lượng tăng ở mức 20% vào năm 2020 sẽ tăng lên 50% từ năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, ngành năng lượng đòi hỏi phải đi trước một bước và phát triển bền vững.

mục tiêu phát triển bền vững số 7
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, dự kiến các kịch bản chính sách liên quan đến lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 sẽ được Bộ Công Thương và UNESCAP thống nhất.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Việt Dũng nhắc lại, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc tháng 9/2015, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững.

Do vậy, SDG7 về Năng lượng sạch và Giá cả phải chăng cũng là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới. Việc này cũng đòi hỏi đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giảm phát thải và quan trọng hơn là xem xét và tận dụng mối liên hệ giữa Mục tiêu Phát triển Bền vững 7 và các SDG khác.

“Việc đề xuất lộ trình chuyển đổi ngành năng lượng để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách".

Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực của UNESCAP trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 7 (National Expert SDG Tool for Energy Planning – NEXSTEP) để hỗ trợ xây dựng Lộ trình SDG7 quốc gia cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững ghi nhận.

Đặc biệt, Phó Vụ trưởng Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và UNESCAP, Lộ trình quốc gia để thực hiện SDG7 cho Việt Nam sẽ được chuyên gia của hai phía phối hợp xây dựng dựa trên việc sử dụng Bộ công cụ xây dựng chính sách năng lượng quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 7 (National Expert SDG Tool for Energy Planning – NEXSTEP).

mục tiêu phát triển bền vững số 7
Ông Hongpeng Liu, Giám đốc Ban Năng lượng của UNESCAP cho rằng, việc xây dựng lộ trình cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan có mối liên hệ với nhu cầu hoặc nguồn cung năng lượng

Ở đầu cầu bên kia, ông Hongpeng Liu, Giám đốc Ban Năng lượng của UNESCAP cho rằng, năng lượng là yếu tố chính cho mọi sự phát triển và là nền tảng để đạt được các mục tiêu của SDG7, mục tiêu phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Hongpeng Liu cảm ơn sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành trong việc thực hiện xây dựng Lộ trình SDG7 cho Việt Nam. Ông cho biết “việc xây dựng lộ trình cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan có mối liên hệ với nhu cầu hoặc nguồn cung năng lượng. Lộ trình cũng cần được hài hòa và phù hợp với các chiến lược và kế hoạch năng lượng quốc gia hiện có”.

Cũng theo quan điểm của Giám đốc Ban Năng lượng UNESCAP, xây dựng lộ trình thực hiện SDG7 đòi hỏi phải tiếp cận hệ thống tích hợp bằng cách xem xét sự hợp lực giữa các thành tố của SDG7 bao gồm: tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo.

Mỗi thành tố kể trên đều có những tác động qua lại với nhau. Do đó, cần phải thực hiện tối ưu hóa hệ thống để xác định lộ trình tốt nhất cho việc phát triển hệ thống năng lượng của chúng ta sao cho có thể đạt được mục tiêu vào năm 2030, ông Hongpeng Liu nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia phía Việt Nam và ESCAP đã truyền tải tới đại biểu tham dự thông qua 5 tham luận chính với 2 nhóm nội dung. Cụ thể, phía ESCAP giới thiệu về NEXSTEP và các kết quả sơ bộ đạt được; phía chuyên gia trong nước giới thiệu về thực trạng chính sách ngành năng lượng và các cơ hội, thách thức cho ngành năng lượng trong việc thực hiện SDG7 từ góc độ hoạch định chính sách và sự tham gia của khu vực tư nhân. 

 

Hạ An