Lợi ích khác nhau của các nhóm nước trong RCEP

Hiệp định RCEP dự kiến đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Tuy nhiên, xét về lợi ích cụ thể thì các nhóm nước khác nhau có lợi ích cũng khác nhau.
Giày dép là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong RCEP
Giày dép là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong RCEP

 

Cụ thể, với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã có FTA với các đối tác.

Thay vào đó, với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.

 Trong bối cảnh thế giới đang có có nhiều biến động hiện nay, đặc biệt là việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thể đóng vai trò hiệu quả trong giải quyết các xung đột thương mại như trước đây thì đây là giá trị không nhỏ cho các nước có quy mô kinh tế vừa phải như các Thành viên ASEAN.

Với 5 nước đối tác của ASEAN là Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Niu Di-lân thì góc nhìn có khác.

Ngoài các giá trị các nước này chia sẻ với các Thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác cũng được hưởng lợi ích từ việc mở cửa thị trưởng mới cho nhau, đặc biệt là giữa các nước hiện chưa có quan hệ FTA.

Khác với các nước ASEAN, trước khi thiết lập khu vực RCEP thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có FTA với nhau, thậm chí quá trình đàm phán riêng giữa 3 nước này kéo dài nhưng không đạt được kết quả.

Tuy nhiên, khi được đặt trong không gian của Hiệp định RCEP và với sự trung hòa quan điểm từ các nước ASEAN thì các nước đối tác cũng đã thống nhất được quan điểm với nhau.

Đây chính là thể hiện rõ rệt nhất vai trò trung tâm của ASEAN. Cũng có lẽ vì lý do đó mà RCEP là một số ít Hiệp định mà cả trong quá trình đàm phán lẫn khi ký kết đều có sự tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác.

Với tất cả các nước thành viên RCEP thì Hiệp định này về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA.

Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây.

Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường.

Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

[Quảng cáo]

Nam Trực