Mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường tại nhà máy chế biến surimi - Công ty TNHH Bắc Đẩu

NGÔ THỊ HOÀI NAM - ThS. TRẦN THỊ BÍCH TÂM (Khoa Kế toán - Tài chính Trường Cao đẳng Thương mại)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị chi phí môi trường là mô hình quản trị mới đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và các doanh nghiệp chế biến thủy sản nói riêng tại Việt Nam. Bài viết tập trung nghiên cứu mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường tại nhà máy chế biến Surimi nhằm quản lý tốt chi phí môi trường, tạo sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường.

Từ khóa: Mô hình, kế toán quản trị, chi phí môi trường, chế biến thủy sản.

1. Đặt vấn đề

Công ty TNHH Bắc Đẩu đóng tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, TP. Đà Nẵng là một doanh nghiệp cổ phần có quy mô lớn, được thành lập từ năm 1981. Công ty chuyên chế biến các mặt hàng xuất khẩu có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính nhất. Mặt hàng chế biến thủy sản do nhà máy chế biến surimi thuộc Công ty TNHH Bắc Đẩu, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Tuy nhiên, trong các năm gần đây ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Công ty TNHH Bắc Đẩu nói riêng gặp không ít khó khăn, trong đó có yếu tố môi trường như phải đáp ứng được các yêu cầu trong các công ước quốc tế về môi trường, các tiêu chuẩn về môi trường như ISO 14000, ISO 9001:2008, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam HACCP,… và những quy định cụ thể khác của các nước.

Nhận thức được vấn đề trên, công ty đã xây dựng và áp dụng mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường để nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng các thông tin liên quan đến chi phí môi trường trong quá trình sản xuất của nhà máy, giúp công ty hạch toán đúng và đầy đủ các loại chi phí trong giá thành sản phẩm thủy sản chế biến. Trên cơ sở đó, nhà quản trị có các quyết định đúng đắn, nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty. Bài viết tập trung nghiên cứu và xác định khả năng vận dụng mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường trong doanh nghiệp chế biến mặt hàng thủy sản surimi, đáp ứng các yêu cầu về quản lý môi trường của doanh nghiệp.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

Mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Khảo sát, Phân tích - tổng hợp; Diễn giải; Quy nạp.

3. Cơ sở lý thuyết

Các tài liệu nghiên cứu của Liên đoàn Kế toán quốc tế (2005), Tài liệu hướng dẫn - Kế toán quản trị môi trường, New York; Ủy ban Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (2001), Quy trình và nguyên tắc của kế toán quản trị môi trường, New York… được công bố đã trình bày cụ thể về các định nghĩa và thuật ngữ có liên quan đến kế toán quản trị chi phí môi trường, tập hợp các nguyên tắc, thủ tục nhằm hướng dẫn cho các đối tượng quan tâm đến việc ứng dụng và lợi ích của nó.

Các tài liệu như: Noellette Conway-Schempf, Hạch toán chi phí đầy đủ - Kết hợp chi phí xã hội và chi phí môi trường vào hệ thống hạch toán truyền thống, Đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh; Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (1995), Giới thiệu về Kế toán môi trường như một công cụ quản lý kinh doanh: Các khái niệm và thuật ngữ, Văn phòng phòng chống ô nhiễm và chất độc, Washington D.C… mô tả các phương pháp kết hợp thông tin môi trường vào trong hệ thống thông tin kế toán; cho phép nhà quản trị tài chính ra quyết định có tính đến các điều kiện về môi trường, tập trung vào việc phân tích, nhận dạng các chi phí môi trường một cách đầy đủ (bao gồm chi phí cá nhân và chi phí xã hội) mà thông thường các chi phí này bị ẩn đi trong các tài khoản chi phí chung.

Trên cơ sở lý thuyết, mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường được áp dụng tại doanh nghiệp cung cấp cho các nhà quản trị những thông tin hữu ích về giá trị sản phẩm cung ứng cũng như hiệu quả hoạt động thực sự của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể khai thác hợp lý các giá trị tài nguyên nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời có quan tâm đến lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được môi trường sống để phát triển bền vững hoạt động sản xuất trong tương lai.

4. Thực tiễn mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường áp dụng tại nhà máy chế biến surimi thuộc Công ty TNHH Bắc Đẩu

4.1. Quy trình sản xuất surimi và mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường

Surimi là những sản phẩm thịt của cá đã được tách xương, xay nhuyễn, rửa bằng nước và phối trộn với các chất chống biến tính do đông lạnh để có thể bảo quản được lâu ở nhiệt độ đông lạnh. Surimi sản xuất từ cá thịt trắng, cá gầy có chất lượng hơn cá béo. Các loại cá được nhà máy surimi sử dụng chế biến gồm: cá đổng, cá đù, cá mối, cá mắt kiếng, cá thu,… Quá trình sản xuất của nhà máy tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng nhiều loại hóa chất và thải ra môi trường chất thải chủ yếu dưới dạng lỏng và rắn.

Nhà máy chế biến surimi thực hiện quy trình chế biến theo các công đoạn và chất thải tương ứng của từng công đoạn (Hình 1).

Công ty TNHH Bắc Đẩu xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường dựa trên áp dụng mô hình quản trị chi phí theo mục tiêu (Target costing). Mô hình này dựa trên quan điểm hoạt động, cũng như chi phí cần được kiểm soát theo mục tiêu, đó chính là những chi phí, mức giảm chi phí được hoạch định kết hợp giữa các mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Từ đó, các nghiệp vụ kế toán quản trị chi phí theo mô hình quản trị chi phí theo mục tiêu hướng đến đo lường toàn diện mục tiêu, mức giảm chi phí trên toàn bộ chuỗi giá trị trong định hướng kết hợp chiến lược dài hạn và kế hoạch ngắn hạn của hoạt động. Chi phí cần được thiết kế, dự toán một cách chi tiết cho cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cũng như tình hình thực tế, sai lệch phát sinh so với mục tiêu. (Hình 2).

4.2. Nội dung chi tiết của mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường

Với mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững doanh nghiệp, Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã thực hiện cam kết với sự tham gia của lực lượng lao động đã qua tập huấn về từng nội dung quản trị chi phí môi trường tương ứng với mỗi vị trí công việc đảm nhiệm. Mô hình quản trị chi phí môi trường thực hiện qua các bước từ xây dựng tiêu chí nhận diện chi phí môi trường đối với các nguồn lực được sử dụng đến hạch toán chi tiết và tổng hợp trên báo cáo quản trị môi trường. Báo cáo sẽ được phân tích, đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu dài hạn của công ty, đồng thời là căn cứ điều chỉnh định mức sử dụng các nguồn lực trong các năm tiếp theo. (Bảng 1)

Để thực hiện mô hình này, công ty TNHH Bắc Đẩu đã bước đầu thực hiện các nội dung:

- Xây dựng tiêu chí nhận diện chi phí môi trường: Trong từng khâu của quá trình sản xuất, các chi phí phát sinh như nguyên liệu, điện, nước, nhân công… và hóa chất sử dụng xử lý nước thải, được công ty xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật để quản lý tiết kiệm, những chi phí chi vượt so với định mức hoặc chi phí không tạo ra sản phẩm, chi phí xử lý chất thải là chi phí môi trường của doanh nghiệp. Đồng thời, công ty xác định định mức nước thải, chất thải rắn từ sản xuất, khí thải và tổn thất lạnh nhằm quản lý tốt chi phí xử lý cũng như các khoản phí môi trường với các mức BOD, COD tương ứng.

- Hạch toán chi phí môi trường: Kế toán của công ty tiến hành hạch toán chi tiết từng khoản mục chi phí phát sinh trong giai đoạn sản xuất, giai đoạn xử lý chất thải và giai đoạn xả thải. Trong từng giai đoạn trên sẽ phát sinh tăng hoặc giảm chi phí môi trường của công ty.

- Báo cáo quản trị môi trường đang được công ty áp dụng với hình thức khá đơn giản, chủ yếu phục vụ cho việc quản trị nguồn lực. Cụ thể là báo cáo hàng ngày về số lượng nguyên liệu đầu vào, số lượng thành phẩm, tiêu hao về năng lượng, về hóa chất sử dụng và báo cáo tháng về tổng chi phí môi trường của từng giai đoạn sản xuất, xử lý chất thải và xả thải.

Với quan điểm tiết kiệm chi phí là tiết kiệm nguồn lực của công ty nên chính sách nhân sự của công ty được thực hiện theo nguyên tắc:

- Chính sách nhân sự: Được công ty áp dụng theo quan điểm quản trị tinh gọn, hiệu quả nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong giai đoạn ngành nghề chế biến thủy, hải sản còn nhiều trở ngại trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng “hàng rào xanh”. Công ty TNHH Bắc Đẩu đã đưa ra những quy trình quản lý nhân sự có tính chuyên môn cao để đảm bảo triệt để mục tiêu tiết kiệm chi phí như thiết lập và triển khai quy trình chấm công cụ thể theo từng mức lương phù hợp với mỗi công nhân trong từng khâu của quy trình chế biến surimi.

Thực hiện khoán lượng sản phẩm theo nhóm công nhân chế biến surimi, đưa ra mức khen thưởng động viên nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động cá nhân từng công nhân viên cũng như tập thể. Hơn nữa, cần phải thực hiện việc cắt giảm, tinh lọc đội ngũ nhân viên quản lý, khối nhân viên kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc cắt giảm phải chọn các vị trí hoạt động không hiệu quả, điều phối, luân chuyển nhân viên đúng vị trí. Riêng một số vị trí quản lý, cần được tuyển dụng trong chính nội bộ công ty, hạn chế tuyển dụng mới bên ngoài nhằm tránh gây xáo trộn, thay đổi trong phong cách làm việc.

- Chính sách và chương trình đào tạo duy trì, phát triển tư duy quản trị tinh gọn:

+ Thực hiện việc xây dựng hệ thống nhận diện về sự lãng phí của công ty trong quá trình sản xuất surimi theo tư duy quản trị tinh gọn. Bao gồm các nhóm cơ bản như lãng phí sản xuất thừa, lãng phí sai lỗi, lãng phí tồn kho, lãng phí vận chuyển, lãng phí chờ đợi, lãng phí thao tác và lãng phí gia công. Việc xây dựng hệ thống các lãng phí trong chế biến thủy sản sẽ giúp công ty xác định rõ việc gì cần giải quyết nhằm tiết kiệm chi phí cho công ty.

+ Yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các văn bản của công ty về chuẩn hóa quy trình trong chế biến. Qua đó, công nhân viên của công ty TNHH Bắc Đẩu có thể áp dụng các hướng dẫn về sản xuất, chế biến có độ chi tiết cao, theo đúng quy trình tiêu chuẩn, giúp hạn chế những sản phẩm bị lỗi. Giữa các khâu trong quy trình chế biến surimi cần đảm bảo tính liên tục cao. Tránh chờ đợi, gián đoạn trong sản xuất.

- Các phương pháp xây dựng quy trình: Dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật của sản xuất sản phẩm surimi, công ty xây dựng các tài khoản chi tiết hạch toán về nguyên liệu, nhân công, điện, nước, khấu hao máy móc, bao bì, hóa chất xử lý nước thải… để xác định mức độ tiết kiệm/lãng phí chi phí tương ứng trong từng khâu của quy trình sản xuất. Trên cơ sở đó, cán bộ quản lý kỹ thuật sẽ xác định nguyên nhân, tiến hành tư vấn kỹ thuật cho công nhân vận hành sản xuất nhằm giảm thiểu sự lãng phí.

4.3. Điều kiện thực hiện mô hình

Mô hình quản trị chi phí môi trường trong Công ty TNHH Bắc Đẩu được thực hiện trong các điều kiện ràng buộc chặt chẽ, đó là:

- Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, được phân chia nhân sự cụ thể theo từng bước của quy trình sản xuất với giám sát bộ phận nhân sự, bộ phận kỹ thuật để chấm sản lượng, hướng dẫn kỹ thuật, xử lý ngay các trường hợp hư hỏng hay vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường trong từng khâu sản xuất, tránh trường hợp sản phẩm bị loại khi đã đến khâu KCS cuối cùng. Nhân công thực hiện sản xuất sản phẩm surimi bắt buộc phải được tập huấn về kiến thức môi trường, phương pháp tiết kiệm chi phí môi trường trong quá trình sản xuất, bên cạnh đào tạo chuyên môn về công đoạn sản xuất sản phẩm được giao. Đối với bộ phận kế toán, kế toán viên phải được phân chia theo dõi chi phí môi trường chi tiết như đã đề cập để có số liệu thực tế so sánh với định mức, thể hiện trên báo cáo quản trị chi phí môi trường, là cơ sở cho nhà quản trị kiểm soát và ra quyết định.

- Điều kiện tài chính: Trong những năm đầu, khi doanh nghiệp hướng đến có trách nhiệm về chi phí môi trường, chắc chắn doanh nghiệp phải chi trả về hệ thống xử lý nước thải, chi phí vận hành sản xuất với các tiêu chuẩn về môi trường mà doanh nghiệp hướng đến, chi phí đào tạo nhân viên theo yêu cầu của mô hình. Khi tổ chức thực hiện thành công mô hình, chất lượng sản phẩm được công nhận, sẽ tiết kiệm về thời gian và chi phí cho chính doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách từ khi tiếp nhận nguyên liệu đến khi tạo ra thành phẩm bảo quản và tiêu thụ.

- Điều kiện về định mức kinh tế kỹ thuật phải được xác định cụ thể theo từng bước của quy trình công nghệ, phục vụ quản trị chặt chẽ về chi phí và nhân lực cần thiết.

- Điều kiện về thời gian thực hiện: Mô hình được thực hiện khi đã hội tụ các yếu tố trên và lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người lao động sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường.

5. Đánh giá hiệu quả của mô hình áp dụng và các khuyến nghị

5.1. Đánh giá hiệu quả của mô hình áp dụng

Mô hình này bước đầu áp dụng tại Công ty TNHH Bắc Đẩu đã đem lại một số thành công nhất định. Đó là:

- Công ty đã xác định được chính xác giá thành thực tế của thành phẩm và chi phí môi trường liên quan đến sản xuất sản phẩm mà công ty phải trả cũng như đã lãng phí trong quá trình hoạt động. Chi phí môi trường trong năm đầu tiên chiếm khoảng 30% trong tổng chi phí. Sau 2 năm áp dụng, chi phí này chỉ còn 20%, trong đó mức chi phí cố định liên quan đến hệ thống xử lý nước thải đã chiếm 10% trong tổng chi phí. Điều đó cho thấy, công ty đã tiết kiệm được chi phí môi trường thuộc tầm kiểm soát của nhà quản trị doanh nghiệp.

- Số lượng thành phẩm bị lỗi giảm đi đáng kể. Việc loại bỏ ngay sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong từng giai đoạn của quy trình sản xuất đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất và quản lý của công ty. Đồng thời, công ty có thể xác định ngay trách nhiệm của nhân công đối với việc lãng phí nguồn lực hay tạo ra sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng để rút kinh nghiệm hay có các biện pháp đào tạo, hướng dẫn, trừ lương hay sa thải. Vấn đề này đã nâng cao trách nhiệm của nhân công đối với môi trường cũng như lợi ích của doanh nghiệp.

- Các sản phẩm của công ty xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cũng được đánh giá cao về chất lượng. Điều đó đã chứng tỏ khách hàng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của công ty. Vì vậy, doanh thu của công ty trong 3 năm trở lại đây đã có tốc độ tăng trung bình 10 - 12%.

- Báo cáo quản trị môi trường cũng đã được các cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương đánh giá cao, các báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty cho thấy môi trường chất thải của công ty có cải thiện đáng kể khi công ty quản trị tốt khâu sản xuất theo mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường.

Với những kết quả trên, ban giám đốc công ty đã duy trì mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường và đang nghiên cứu xây dựng báo cáo quản trị môi trường có tính khoa học hơn, nhằm mục đích công khai trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường cho toàn xã hội.

5.2. Khuyến nghị cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản cùng mặt hàng surimi

Surimi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp chế biến thủy sản sang thị trường Nhật Bản. Đây cũng là thị trường quản lý khá chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường cũng như an toàn thực phẩm. Việc áp dụng mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, xác định được khả năng cạnh tranh của mình với các doanh nghiệp cùng ngành. Một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực này bao gồm:

Thứ nhất, nguồn hàng cần ổn định và đủ lớn, trung bình khoảng 5-7 tấn để doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình này hiệu quả, chủng loại nguyên liệu đầu vào ít thay đổi, bởi các định mức kỹ thuật sẽ khác nhau đối với chủng loại nguyên liệu khác nhau.

Thứ hai, nhân viên của các doanh nghiệp cần được đào tạo về phương pháp quản trị chi phí, quản trị thời gian nhằm thực hiện công việc một cách hiệu quả.

Thứ ba, doanh nghiệp cần sử dụng phần mềm kế toán có tính chi tiết cao để ghi nhận và tổng hợp số liệu một cách thuận lợi.

Thứ tư, báo cáo quản trị môi trường cần được xây dựng phù hợp với đặc thù sản xuất của doanh nghiệp, thể hiện đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu mà nhà quản trị quan tâm, đồng thời có ý nghĩa trong việc kiểm soát và ra quyết định của nhà quản trị.

6. Kết luận

Mô hình kế toán quản trị chi phí môi trường là mô hình quản trị tinh gọn khá mới tại Việt Nam. Học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài như Toyota, Mitsubishi, Canon,… Công ty đang thực hiện các bước đi khởi đầu nên cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những thành tích đạt được đã tạo niềm tin cho công ty về sự thành công của mô hình này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. International Federation of Accountants (IFAC). (2005). International Guidance Document - Environmental Management Accounting. IFAC
  2. Jasch, C. (2009). Environment and Material Flow Cost Accounting, Principles and Procedures. Dordrecht: Springer.
  3. 3. UNDSD. (2001). Environmental Management Accounting: Procedures and Principles. New York, USA: United Nations Division for Sustainable Development.

The environmental cost management accounting model at the surimi processing factory of Bac Dau Limited Company

Ph.D Ngo Thi Hoai Nam

Master. Tran Thi Bich Tam

Faculty of Accounting - Finance - College of Commerce

ABSTRACT:

Environmental cost management accounting is a new management model for manufacturing enterprises in general and seafood processing enterprises in Vietnam in particular. This present the environmental cost management accounting model at the surimi processing factory in order to manage environment costs well, create competitive and high value-added export products and help the company fulfill its corporate social responsibility to the environment.

Keywords: Model, management accounting, environmental costs, seafood processing.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]