Mô hình kinh doanh ESCO: Cơ hội thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam

TS. DƯƠNG TRUNG KIÊN (Khoa Quản lý Năng lượng - Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải luôn là mục tiêu của mỗi quốc gia, Việt Nam đã và đang có nhiều hành động để thực hiện mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhưng quá trình các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều khó khăn, như: thiếu công nghệ, tài chính, lo ngại về rủi ro,… Trong nghiên cứu này, tác giả giới thiệu mô hình kinh doanh ESCO như một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.

Từ khóa:  ESCO, tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp.

I. Giới thiệu chung

Mỗi quốc gia muốn có sự phát triển bền vững thì luôn cần sự kết hợp hài hòa ba yếu tố (3E): Phát triển kinh tế-Bảo vệ môi trường-An ninh năng lượng và hiện nay để giải bài toán này một cách hiệu quả chính là phát triển các nguồn năng lượng mới, tái tạo hoặc thực hiện đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, chúng ta cũng đã có hành lang pháp lý, có chương trình mục tiêu quốc gia, có các chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong đợi.

                    Hình 1: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong một số ngành tại Việt Nam


Nguồn: Thống kê VNEEP

Theo kết quả khảo sát thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam là rất lớn, với các ngành như ngành xi măng, gốm, dệt may thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng đều ở mức trên 30%. Hình 1 cho thấy trong 9 ngành được khảo sát thì ngành có tiềm năng tiết kiệm thấp nhất cũng là 15%, các ngành còn lại đều có tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở mức trên 20%.

                       Hình 2: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các thiết bị tại Việt Nam


Nguồn: VIE/01/G41-UNDP

Khi phân theo từng nhóm thiết bị thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng được đánh giá ở mức khá cao, số liệu thống kê trong biểu Hình 2 cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với các nhóm thiết bị trong hệ thống HVAC có thể lên đến 40% và các hệ thống khác cũng khoảng trên 20%.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về tiết kiệm năng lượng, nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả có thể kể ra một số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Báo cáo kiểm toán năng lượng hiện nay chất lượng chưa cao. Thiếu các tính toán thuyết phục và chi tiết để doanh nghiệp có thể tin tưởng triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất trong các báo cáo.

- Doanh nghiệp thiếu vốn thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các thông tin tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Sự kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng là rất hạn chế.

- Thiếu các rằng buộc giữa đơn vị tư vấn năng lượng và doanh nghiệp, khiến các đơn vị tư vấn đôi khi thực hiện tư vấn tiết kiệm năng lượng thiếu trách nhiệm, kết quả tư vấn không chính xác. Các doanh nghiệp có nguy cơ chịu rủi ro, nên không tin tưởng để thực hiện những giải pháp do tư vấn đề xuất.

Để giải quyết các nguyên nhân này giúp thúc đẩy hoạt động tiệt kiệm năng lượng tại Việt Nam thì mô hình kinh doanh ESCO chính là một giải pháp. Kinh doanh ESCO là mô hình kinh doanh khá mới với Việt Nam, tuy nhiên mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Bản chất của kinh doanh ESCO là đơn vị cung cấm dịch vụ năng lượng ESCO (Energy Service Company) sẽ cùng thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng với doanh nghiệp. Tham gia vào mô hình kinh doanh ESCO, doanh nghiệp giảm thiểu được các rủi ro nhưng vẫn có thể tiết kiệm năng lượng, trong khi các đơn vị ESCO có thể tăng lợi nhuận nhờ vào sự chia sẻ lợi ích từ tiết kiệm năng lượng. Đơn vị ESCO và doanh nghiệp sẽ có mối gắn kết chặt chẽ và liên tục trong cả quá trình thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng và lợi ích đem lại cho các đơn vị phụ thuộc vào lượng năng lượng tiết kiệm được.

II. Mô hình kinh doanh ESCO Việt Nam

Kinh doanh ESCO được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và điều kiện thực hiện dự án: Cam kết mức tiết kiệm, Mua bán năng lượng, Chi sẻ tiết kiệm, Thuê - Mua thiết bị, Xây dựng và chuyển giao… Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì có hai hình thức hợp đồng phù hợp. Một là, cam kết mức tiết kiệm: ESCO sẽ tiến hành khảo sát, đo đạc, tính toán và đưa ra mức cam kết đảm bảo lượng năng lượng có thể tiết kiệm được cho doanh nghiệp khi thực hiện các giải pháp ESCO đề xuất. Hai là, chia sẻ mức tiết kiệm: ESCO tư vấn và đầu tư thực hiện các dự án tiết kiệm năng cho doanh nghiệp, mức năng lượng tiết kiệm sẽ được chia sẻ giữa ESCO và doanh nghiệp với tỷ lệ và thời gian theo thỏa thuận. Hình 3 mô tả ba khối cơ bản trong thị trường ESCO đề xuất cho Việt Nam. (Xem Hình 3)

                                                   Hình 3: Mô hình kinh doanh ESCO

Khối gián tiếp gồm cơ quan quản lý nhà nước thực hiện xây dựng và ban hành các quy định, quy trình vận hành thị trường kinh doanh ESCO. Ngoài ra, còn có các nhà cung cấp, lắp đặt thiết bị, tổ chức tài chính cung cấp các thiết bị và tiền cho thị trường kinh doanh ESCO.

Khối các ESCO gồm các đơn vị cung cấp trực tiếp dịch vụ về tiếp kiệm năng lượng đến các doanh nghiệp. Các ESCO chủ yếu là các đơn vị tư vấn năng lượng, tuy nhiên hiện nay cũng có một số nhà cung cấp thiết bị, nhà cung cấp năng lượng, tổ chức tài chính cũng đóng vai trò là các ESCO. Nghiệp vụ của các ESCO là làm việc với các bên liên quan trong thị trường để đưa đến cho doanh nghiệp một dịch vụ hoàn chỉnh thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.

Khối các doanh nghiệp là địa chỉ triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong thị trường ESCO. Doanh nghiệp đóng vai trò tạo điều kiện cho ESCO thực hiện dự án và cùng ESCO giám sát đo lường và xác nhận mức tiết kiệm năng lượng đạt được khi thực hiện dự án. Doanh nghiệp cũng là đơn vị thụ hưởng cuối cùng kết quả dự án sau khi kết thúc hợp đồng giữa ESCO và doanh nghiệp.

Với vai trò là mắt xích quan trọng trong thị trường ESCO, nhiệm vụ của ESCO bao gồm:

- ESCO cung cấp các kỹ sư tư vấn tốt nhất để sao cho các hoạt động đánh giá tại doanh nghiệp đạt được kết quả tối ưu. Điều này luôn được được đảm và các doanh nghiệp không phải lo lắng, bởi vì khi tham gia thị trường ESCO lợi ích tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp cũng gắn liền với lời ích mà ESCO sẽ đạt được. Lúc này các báo cáo kiểm toán năng lượng thực hiện tại doanh nghiệp sẽ có chất lượng cao, các giải pháp đề xuất được tính toán chi tiết, chính xác và khả thi.

- ESCO làm nhiệm vụ đầu mối làm việc và chịu trách nhiệm thoả thuận với các nhà cung cấp năng lượng, để đảm bảo dạng năng lượng cung cấp phù hợp với hệ thống thiết bị tại doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, đảm bảo sự thành công cho dự án tiết kiệm năng lượng.

- ESCO có nhiệm vụ đảm bảo các hoạt động sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp tuân thủ đúng các yêu cầu của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra ở đây Chính phủ cũng đóng vai trò tạo ra các hành lang pháp lý, các quy định trong thị trường kinh doanh ESCO giúp đảm bảo lợi ích giữa các bên khi tham gia vào hoạt động kinh doanh ESCO.

- ESCO trực tiếp tìm kiếm và làm việc với các nhà cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng, với nhiệm vụ là lựa chọn thiết bị phù hợp nhất cho dự án tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp. Thiết bị được lựa chọn không những đảm bảo về khả năng tiết kiệm năng lượng mà còn phải đảm bảo không có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

- ESCO cần làm việc với các nhà thầu đề lựa chọn nhà thầu phù hợp cho việc lắp đặt, vận hành và chuyển giao các thiết bị tiết kiệm năng lượng cho dự án. Công việc này cần được thực hiện đầy đủ và chính xác từ đó mới có thể duy trì và phát huy hiệu quả tiết kiệm năng lượng của dự án.

- Cam kết mức tiết kiệm hoặc chia sẻ mức tiết kiệm: Với hai hình thức kinh doanh ESCO thì nhiệm vụ của ESCO trong từng trường hợp là khách nhau. Hình thức đảm bảo cam kết mức tiết kiệm: ESCO sẽ thực hiện nhiệm vụ cam kết lượng năng lượng tiết kiệm được khi thực hiện các giải pháp, còn doanh nghiệp tự làm việc với tổ chức tài chính và lo vốn để thực hiện dự án. Hình thức chia sẻ mức tiết kiệm: ESCO có nhiệm vụ đàm phán với các tổ chức tài chỉnh để thu xếp vốn thực hiện dự cho dự án.

Khi tham gia thị trường ESCO, việc chia sẻ lợi nhuận giữa ESCO và doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo từng hình thức hợp đồng (EPC) và theo mức độ tiết kiệm năng lượng đạt được.

Hình thức cam kết mức tiết kiệm: Khi dự án thực hiện xong nếu mức năng lượng tiết kiệm được đảm bảo đúng theo cam kết của ESCO thì doanh nghiệp có nghĩa vụ trả mức chi phí tư vấn cho ESCO, còn nếu mức tiết kiệm năng lượng không đúng như cam kết thì ESCO phải chịu mức phạt theo như thảo thuận giữa ESCO và doanh nghiệp. Hình 4 thể hiện cách chia sẻ lợi ích đối với hình thức cam kết mức tiết kiệm trong thị trường kinh doanh ESCO.

Trong giai đoạn thực hiện hợp đồng giá trị đem lại từ tiết kiệm năng lượng doanh nghiệp sẽ được hưởng, tuy nhiên trong giai đoạn này doanh nghiệp chỉ được giữ lại một phần lợi ích vì còn phải thực hiện chi trả chi phí tư vấn tiết kiệm năng lượng cho ESCO và chi trả chi phí đầu tư cho các tổ chức tài chính. Sau khi hoàn thành các khoản thanh toán cho các bên, lúc này doanh nghiệp sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích từ kết quả dự án tiết kiệm năng lượng.

                                       Hình 4: Cách thức phân chia lợi ích với hình thức

Hình thức chia sẻ mức tiết kiệm: Trong hình thức này phần thu của ESCO sẽ được tích theo một tỉ lệ nhất định trên cơ sở mức tiết kiệm đạt được của dự án.

Phần thu của ESCO = (lợi ích từ tiết kiệm năng lượng)* (tỉ lệ phân chia)* (số năm hợp đồng)

Tùy vào mức độ thỏa thuận trọng hợp đồng giữa ESCO và doanh nghiệp mà mức tỉ lệ phân chia và thời gian hiệu lực của hợp đồng sẽ khác nhau. Hiện nay để thuận tiện cho việc tính toán và rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng, hình thức phổ biến thường là ESCO nhận 100% phần lợi ích từ tiêt kiệm năng lượng trong khoảng thời gian từ 1-2 năm đối với dự án mức đầu tư ít và 2-4 năm đối với dự án mức đầu tư cao. Cách thức phân chia lợi ích trong hình thức này được thể hiện trong Hình 5.

                                          Hình 5: Cách thức phân chia lợi ích với hình thức

Trong thời gian thực hiện hợp đồng ESCO sẽ nhận toàn bộ phần lợi ích thu về từ tiết kiệm năng lượng, phần thu này được ESCO sử dụng để chi trả cho các khoản chi phí đầu tư thực hiện dự án. Các chi phí gồm: Vốn đầu tư, lãi vay, chi phí đánh giá,… Sau khi thanh toán hết phần chi phí đầu tư thì phần còn lại chính là lợi nhuận của ESCO đạt được. Mức lợi nhuận của ESCO cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào lượng tiết kiệm đạt được của dự án. Với hình thức này trong giai đoạn thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ việc tiết kiệm năng lượng, chỉ sau khi kết thúc hợp đồng doanh nghiệm mới được hưởng phần lợi ích từ tiết kiệm năng lượng.

Với từng hình thức thực hiện hợp đồng ESCO đều có ưu và nhược điểm, Bảng 1 cho thấy kết quả so sánh sự khách nhau cơ bản của ESCO khi tham gia thị trường. (Xem bảng 1)

III. Kết luận và kiến nghị

Việt Nam với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ niềm tin và động lực để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, thì việc phát triển thị trường kinh doanh ESCO sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ.

- Thị trường ESCO giúp các đơn vị ESCO có cơ hội thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng và đem về lợi ích từ kết quả thực hiện dự án.

- Thị trường ESCO giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng, được đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ trong khi không cần bỏ chi phí và hạn chế rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội tham gia các chương trình, dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Thị trường ESCO giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, cập nhật và ứng dụng công nghệ hiện đại về năng lượng cho Việt Nam, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

Việt Nam tuy đã có những biện pháp thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định hướng dẫn thi hành luật số 21, hỗ trợ thuế hoạt động sản xuất-nhập khẩu phương tiện-thiết bị tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng,… nhưng hiện nay trong thị trường kinh doanh ESCO vẫn còn một số khó khăn: Thiếu cơ chế cụ thể trong hoạt động của thị trường ESCO, các đơn vị ESCO khả năng kỹ thuật và tiềm lực tài chính còn hạn chế, doanh nghiệp chưa hiểu về thị trường ESCO nên còn nhiều e ngại.

Chính vì vậy, để thị trường ESCO được hình thành và phát triển có hiệu quả rất cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế hoạt động cho thị trường ESCO.

Một số kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước:

- Xây dựng quy định hướng dẫn cách thức đo lường và xác nhận lượng năng lượng tiết kiệm trong các dự án ESCO.

- Xây dựng mẫu hợp đồng hiệu quả năng lượng, trong đó cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò là đơn vị trung gian giúp xác nhận mức năng lượng tiết kiệm của dự án khi đơn vị ESCO - Doanh nghiệp không thể tự thống nhất.

- Có cơ chế hỗ trợ tài chính trong các dự án ESCO: Bảo lãnh vốn vay, xây dựng quỹ ESCO, miễn giảm thuế cho các dự án về tiết kiệm năng lượng giảm phát thải.

- Thông qua các hội thảo, hội nghị, báo đài đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp, tổ chức tài chính về hiệu quả của hoạt động ESCO.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. CPEE, Guideline for Energy Performance Contract application, Jalel Chabchoub, 2015.

2. Chương trình đào tạo cho các ESCO/EESP tại Việt Nam, Econoler, 2015.

3. Báo cáo Chương trình thảo thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương, World Bank, GEF 2017.

ESCO BUSINESS MODEL - OPPORTUNITIES TO PROMOTE ENERGY EFFICIENCY IN VIETNAM

MA. DUONG TRUNG KIEN

Faculty of Energy Management - Electric Power University

ABSTRACT:

Energy saving, emission reduction are always the goal of every country, Vietnam has been and is taking many actions to achieve the target of effective energy saving. At present, with the potential of huge energy saving, the process of enterprises implementing energy saving has encountered many difficulties such as lack of technology, finance, risk concerns, etc. In this study, the author introduces the ESCO business model as an effective solution to promote energy efficiency and conservation in Vietnam.

Keywords: ESCO, energy saving, enterprise.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây