PGS.TS Tạ Văn Lợi
PGS.TS Tạ Văn Lợi (người đầu tiên bên tay phải) và Thượng tá, ThS. Phan Chiến Thắng Giám đốc Công ty Cao su 75 (người thứ ba từ bên tay phải) trao đổi về khả năng áp dụng mô hình điểm hạn chế.

Mô hình Quản trị điểm hạn chế (TOC-Theory of Constraint) lần đầu tiên được sử dụng trong tác phẩm “The Goal” của Eliyahu M. Goldratt (1984), đó là sự cải tiến liên tục tập trung vào xác định và quản lý các mặt hạn chế trong tổ chức nhằm đạt được mục tiêu tổng thể. Mặt hạn chế được hiểu là bất kỳ yếu tố nào hạn chế hệ thống đạt được mục tiêu đã đặt ra. Bản chất của TOC là ở chỗ công suất của bất cứ dây chuyền sản xuất nào cũng bị quyết định bởi mắt xích yếu nhất trong dây chuyền đó. Mô hình TOC có thể đo lường và kiểm soát bằng các biến thể trong 3 đại lượng đo là thông lượng, chi phí vận hành và hàng tồn.

3 đại lượng này có quan hệ với nhau khi mục tiêu chính là sinh lợi. Muốn có lợi nhuận cần có sự thông lượng suôn sẻ từ đầu vào và đầu ra, cung cấp hàng hóa cho khách hàng, tốc độ thông lượng bị hạn chế bởi hàng tồn kho và điểm hạn chế năng suất gây ra chi phí vận hành cao. Hiện tại, mô hình TOC đã được áp dụng  thành công tại các công ty trong danh sách 500 công ty lớn nhất tại Mỹ như: 3M, Amazon, Boeing, Delta Airlines, Ford Motor Company, General Electric, General Motors, Lucent Technologies,... các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan chính phủ như Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (Không quân, Thủy quân lục chiến và Hải quân)...

Thực hiện mục tiêu áp dụng điểm mô hình TOC nhằm tăng năng suất cho doanh nghiệp Việt Nam, nhóm nghiên cứu Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia: Nghiên cứu, xây dựng, phổ biến, hướng dẫn áp dụng Mô hình Quản trị điểm hạn chế (TOC) để nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường - chất lượng.  Đề tài do PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm chủ nhiệm đã có buổi làm việc và giới thiệu, phố biến mô hình TOC với Công ty TNHH Một thành viên Cao su 75.

Công ty Cao su 75 là doanh nghiệp trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng – Bộ Quốc Phòng chuyên sản xuất và cung cấp nhiều loại sản phẩm cao su có tính năng kỹ thuật cao phục vụ cho các Quân binh chủng, các ngành kinh tế Quốc dân trong nước và xuất khẩu. Trong hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Công ty luôn chú trọng triển khai áp dụng nhiều chương trình cải tiến năng suất chất lượng nhằm nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mô hình TOC là một phương pháp quản trị mới và lần đầu tiên Công ty được biết đến. Các thành viên nghiên cứu của đề tài đã phổ biến, làm rõ mô hình TOC cũng như khả năng áp dụng đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, đồng thời lắng nghe sự chia sẻ của Công ty về thực tiễn triển khai hoạt động cải tiến năng suất chất lượng tại Công ty trong thời gian qua.

Thông qua chương trình phổ biến này, nhóm nghiên cứu và đại diện Công ty đều nhận thấy khả năng áp dụng mô hình TOC để nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Công ty Cao su 75 nói riêng, đặc biệt là khả năng ứng dụng điểm mô hình TOC nhằm tăng năng suất hoạt động công đoạn sản xuất băng tải cao su, một trong những hoạt động sản xuất chính của Công ty. Kết quả áp dụng thí điểm mô hình quản trị điểm hạn chế - TOC sẽ là bước khởi đầu để mở ra những hướng nhân rộng mô hình trên địa bàn cả nước trong thời gian tới.

 

TS. Nguyễn Thị Thuý Hồng - TS. Đỗ Anh Đức

Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân