Mỗi tháng ngành gỗ thu về trên 1 tỷ USD xuất khẩu

Trong 4 tháng liên tiếp gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Với đà xuất khẩu hiện tại, thậm chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường còn khẳng định cả năm nay xuất khẩu toàn ngành có thể thu về con số rất ấn tượng là 13 tỷ USD.

Thông tin cập nhật mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10/2020 ước đạt 1,15 tỷ USD, đưa trị giá xuất khẩu mặt hàng này 10 tháng năm 2020 đạt 9,64 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020, chiếm 77,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

xuất khẩu gỗ
Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thanh

 

Đáng chú ý, trong 4 tháng liên tiếp trở lại đây, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn đạt trên 1 tỷ USD/tháng, xu hướng tăng dần qua các tháng.

Dự báo, những tháng cuối năm 2020, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào các vùng thị trường tiếp tục có những cơ hội để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng.

Đó là bởi, thị trường nhà ở, căn hộ vẫn tiếp tục phát triển. Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội ngoại thất, tủ bếp tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, thị trường EU về gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng phục hồi từ tháng 8/2020 cũng mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những tháng cuối năm.

Cách đây khoảng 2 tháng, Bộ NN&PTNT dự báo nhờ sự nỗ lực cao cả từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm tự tin đạt trên 12 tỷ USD, có thể phần nào bù đắp vào những phần sụt giảm ở những lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 3/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thậm chí còn khẳng định rằng, năm nay, toàn ngành lâm nghiệp có thể xuất khẩu tổng số tới 13 tỷ USD.

“Hiện nay, Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng. Hệ số che phủ rừng gần 42%, trong khi thế giới bình quân chỉ đạt gần 29%. Về nguyên liệu, trong 4,3 triệu ha rừng trồng, chúng ta đã sản xuất ra 30 triệu m3 nguyên liệu để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến. Kết quả xuất khẩu đạt được thể hiện sự cố gắng lớn về phát triển vùng nguyên liệu”, “tư lệnh” ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cách đây 10 năm không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 10 tỷ USD. Mục tiêu đến 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa.

Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhận định, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu năm 2020 và hướng đến phát triển bền vững ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ trong tương lai, các tác nhân trong ngành cần chủ động, tích cực phòng ngừa kiểm soát các rủi ro về nguồn gốc nguyên liệu gỗ theo các Quy định trong Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cùng với phát triển vùng nguyên liệu trong nước, cần tận dụng tốt những cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại (giảm thuế, thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng…) để gia tăng tiếp cận, sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ châu Âu, các nước có chất lượng gỗ tốt, nguồn gốc rõ ràng…

Ước trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2020 đạt 249 triệu USD, đưa tổng trị giá gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu trong 10 tháng năm 2020 đạt 2,01 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng năm 2020, 31,5% trong tổng trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ thị trường Trung Quốc; 13,1% từ thị trường Hoa Kỳ và 4,7% từ thị trường Thái Lan.