Một số vấn đề về điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

ThS. Đỗ Hồng Quyên (Trường Đại học Thương mại); PGS.TS. Nông Quốc Bình (Trường Đại học Luật Hà Nội)

Tóm tắt:

Điều khoản giải quyết tranh chấp là một loại điều khoản của hợp đồng. Do đó giống như các điều khoản khác trong hợp đồng, nó luôn ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hợp đồng. Việc nghiên cứu một số vấn đề về loại điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một mặt nhằm hướng tới việc hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp trong thương mại nói chung và trong hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng, mặt khác nhằm góp phần nâng cao ý thức cho các chủ thể khi soạn thảo và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Từ khóa: Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. 

1. Đặt vấn đề

Hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (HĐMBHHQT) nói riêng được xem là một lĩnh vực khá phức tạp, đặc biệt là trong quá trình thực hiện hợp đồng có phát sinh tranh chấp. Giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện HĐMBHHQT là hiện tượng khá phổ biến trong hoạt động thương mại quốc tế và nó đòi hỏi phải được giải quyết một cách thỏa đáng. Trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế có nhiều loại tranh chấp phát sinh như:

Tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực quan hệ HĐMBHHQT; tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa; tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa… Hậu quả của tranh chấp thường gây ra những tổn thất về vật chất và tinh thần cho cả bên bán và bên mua, do đó ngay từ khi giao kết hợp đồng, điều khoản giải quyết tranh chấp có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng đối với các bên.

2. Khái quát về điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Trong quá trình giao kết và thực hiện HĐMBHHQT các bên chủ thể luôn hướng tới việc thực thi các điều khoản của hợp đồng, vì thông qua việc thực thi này quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ hợp đồng sẽ được bảo đảm1. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong nhiều trường hợp, hợp đồng chỉ được thực hiện một số điều khoản, (được gọi là thực hiện một phần), hoặc không thực hiện được toàn bộ các điều khoản, (được gọi là không thực hiện toàn bộ hợp đồng). Việc một bên đã không thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng thường gây ra tổn thất cho bên bị vi phạm hợp đồng. Trong những trường hợp này, nhìn chung thường phát sinh tranh chấp giữa các bên. Trong quan hệ HĐMBHHQT được gọi là tranh chấp trong HĐMBHHQT.

Theo Từ điển Luật học thì tranh chấp hợp đồng được hiểu là những bất đồng phát sinh giữa các bên giao kết trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tranh chấp hợp đồng là hệ quả của hành vi vi phạm hợp đồng và hệ quả của hành vi này có thể dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ hoặc bị đình chỉ thực hiện2. Với khái niệm về tranh chấp hợp đồng trên đây, có thể thấy tranh chấp trong HĐMBHHQT cũng chính là một loại tranh chấp hợp đồng. Vì vậy, tranh chấp HĐMBHHQT được hiểu là sự bất đồng giữa các bên chủ thể của HĐMBHHQT trong quá trình thực hiện hợp đồng. Những tranh chấp này thường liên quan tới việc thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng MBHHQT3. Ví dụ, bên bán đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của người bán, như: giao hàng không đúng chủng loại, hàng không đúng số lượng, không đúng chất lượng, giao hàng không đúng thời gian đã thỏa thuận hoặc bên mua đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình như: không nhận hàng theo như cam kết, không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán… Trên thực tế, trường hợp một trong các bên không thực hiện đúng hợp đồng, thông thường, sẽ gây thiệt hại cho bên kia. Việc gây thiệt hại là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa các bên.

Do đó, tranh chấp trong HĐMBHHQT được hiểu là những bất đồng giữa bên mua và bên bán trong quá trình thực hiện HĐMBHHQT khi một trong các bên hoặc cả hai bên chủ thể đã không thực hiện đúng cam kết của mình trong hợp đồng và đã gây thiệt hại cho bên kia.

Trong quá trình giao kết hợp đồng, các bên chủ thể phải gặp mặt trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện thông tin để đàm phán nội dung hợp đồng. Về cấu trúc, thông thường một HĐMBHHQT bao gồm nhiều điều khoản khác nhau. Về nội dung, thông thường hợp đồng bao gồm các điều khoản mở đầu, điều khoản nội dung và điều khoản thi hành. Trong đó điều khoản mở đầu đề cập tới thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, tên và địa chỉ pháp lý của các bên chủ thể; điều khoản nội dung đề cập tới đối tượng mua bán, giá cả, chất lượng, phương thức thanh toán, phương thức giao hàng… tùy theo từng trường hợp khác nhau, trong các điều khoản nội dung có điều khoản về giải quyết tranh chấp; điều khoản thi hành là điều khoản quy định thời gian phát sinh hiệu lực của hợp đồng và cam kết thực hiện hợp đồng của các bên.

Như đã đề cập trên đây, trong các loại điều khoản nội dung của HĐMBHHQT có một loại điều khoản được gọi là điều khoản giải quyết tranh chấp. Điều khoản giải quyết tranh chấp được coi là một điều khoản đặc biệt, vì nó chỉ được áp dụng trong trường hợp tranh chấp hợp đồng xảy ra. Trên thực tế, trong quá trình giao kết hợp đồng có không ít các trường hợp các bên không muốn đưa điều khoản tranh chấp vào hợp đồng. Bởi vì có thể trong thời điểm đàm phán hợp đồng, các điều kiện để các bên thực hiện hợp đồng được đảm bảo, hơn nữa, về mặt tâm lý, các bên chủ thể không muốn có một điều khoản tín hiệu về một sự rủi ro làm ảnh hưởng tiêu cực tới tính khả thi của hợp đồng. Tuy nhiên, có những trường hợp các bên chủ thể của HĐMBHHQT ý thức được sự cần thiết của điều khoản giải quyết tranh chấp. Vì vậy, các bên đã thỏa thuận đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vào HĐMBHHQT. Điều khoản này là cơ sở pháp lý để các bên giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Từ những lý luận và thực tiễn đề cập trên đây, rút ra định nghĩa về điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT như sau: “Điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT là điều khoản do các bên chủ thể xây dựng nên nhằm giải quyết những bất đồng giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng”.

3. Chức năng của điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT

Như đã đề cập ở phần trên thì điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT là loại điều khoản đặc biệt, bởi vậy nó có một số chức năng cụ thể như sau:

Thứ nhất là, giúp các bên chủ thể trong HĐMBHHQT thực hiện việc giải quyết tranh chấp một cách thuận lợi.

Khi các bên thỏa thuận đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vào hợp đồng thì về mặt tâm lý, các bên chủ thể đã tiên liệu tranh chấp có thể xảy ra. Với tâm lý này, khi có tranh chấp thực sự xảy ra, các bên sẽ đón nhận một cách dễ dàng mà không tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa các bên. Đây là điều cần thiết để duy trì quan hệ trong hợp tác kinh doanh sau này. Với sự chuẩn bị tâm lý như vậy, các bên dễ dàng thực hiện những vấn đề được ghi nhận trong điều khoản giải quyết tranh chấp như thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp, thỏa thuận về luật áp dụng…

Hai là. giúp bên bị vi phạm hợp đồng thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Khi một bên vi phạm hợp đồng thường gây ra thiệt hại cho bên kia. Để bảo vệ quyền lợi của mình, bên bị hại có quyền yêu cầu bên gây hại bồi thường những thiệt hại mà mình phải gánh chịu. Cơ sở pháp lý để bên bị hại bảo vệ quyền lợi của mình là điều khoản giải quyết tranh chấp. Theo đó, phương thức giải quyết tranh chấp, pháp luật áp dụng và những vấn đề pháp lý liên quan được xác định rõ ràng và cụ thể. Đây là những nội dung cần thiết để bên bị vi phạm thuận lợi hơn trong việc thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của mình khi bị vi phạm.

Ba là, giúp các bên chủ thể của HĐMBHHQT giảm thiểu thời gian và chi phí trong giải quyết tranh chấp.

Như đã đề cập trên đây, khi có tranh chấp xảy ra, bên bị hại có quyền yêu cầu bên gây hại phải bồi thường những thiệt hại. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp trong quá trình giao kết hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp gặp những khó khăn, đặc biệt trong trường hợp bên gây hại thiếu tinh thần hợp tác. Việc không tích cực cộng tác giữa các bên chủ thể của HĐMBHHQT trong giải quyết tranh chấp sẽ mất thời gian. Điều này tạo nên sự ức chế đối với các bên, đặc biệt là bên bị vi phạm, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh giữa các bên. Hơn nữa, vì thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài sẽ dẫn tới chi phí cho giao dịch giữa các bên sẽ phát sinh ngoài sự dự kiến của các bên.

Bốn là. giúp các bên thỏa mãn về kết quả giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình đàm phán về điều khoản giải quyết tranh chấp, các bên đã ít nhiều hình dung được phương thức giải quyết sẽ được áp dụng khi tranh chấp xảy ra. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, các bên đã chuẩn bị về tâm lý để đón nhận. Cùng với tâm lý sẵng sàng đó nhận việc giải quyết tranh chấp theo phương thức mà các bên đã đàm phán, tính toán, dự liệu khi xây dựng điều khoản này trong hợp đồng.

Theo đó, các bên có thể không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn phương thức, mà còn có thể lựa chọn quy trình giải quyết, thậm chí các bên có thể xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp. Ví dụ trong trường hợp các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, theo đó các bên có thể lựa chọn quy chế đối với trọng tài thiết chế (Institutional arbitration) hoặc các bên có thể xây dựng quy chế giải quyết tranh chấp đối với trọng tài vụ việc (ad hoc arbitration).

Với cách thức lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp như đề cập trên đây luôn tạo cho các bên về mặt tâm lý thỏa mãn khi đón nhận kết quả giải quyết tranh chấp. Chức năng này của điều khoản giải quyết tranh chấp tạo điều kiện thuận lợi để các bên tranh chấp tự nguyện thực thi kết quả giải quyết tranh chấp.

4. Đặc điểm của điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT

Điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT là loại điều khoản đặc biệt trong hợp đồng và được thể hiện qua một số đặc điểm cụ thể sau:

a) Điều khoản giải quyết tranh chấp mang tính độc lập tương đối với hợp đồng

Điều khoản giải quyết tranh chấp là một loại điều khoản của hợp đồng. Do đó, giống như các điều khoản khác trong hợp đồng, nó luôn ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hợp đồng. Tuy nhiên, loại điều khoản này lại mang tính độc lập với hợp đồng. Tính độc lập này của điều khoản được nhìn nhận như một hợp đồng thứ hai. Theo đó, hợp đồng thứ nhất là hợp đồng quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng thứ hai là hợp đồng về giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa các bên. Nội dung này được thể hiện khá rõ trong việc xem xét tính pháp lý cũng như thực tiễn của thỏa thuận trọng tài. Theo các tác giả Redfern và Hunter trong cuốn Trọng tài quốc tế đã có nhận định: “Điều khoản thỏa thuận trọng tài sẽ được coi là tách biệt so với hợp đồng chính có chứa điều khoản trọng tài đó4.

Với đặc điểm này, nếu một HĐMBHHQT có điều khoản giải quyết tranh chấp thì các chủ thể bị ràng buộc bởi hai hợp đồng. Hợp đồng chính quy định về quyền và nghĩa vụ mua bán hàng hóa quốc tế của các bên và hợp đồng phụ là hợp đồng về cách thức giải quyết tranh chấp (nếu có) phát sinh từ hợp đồng chính.

b) Điều khoản giải quyết tranh chấp không bị vô hiệu khi hợp đồng vô hiệu

Tính độc lập của điều khoản giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng đã tạo ra đặc điểm thứ hai của loại điều khoản này. Theo đó, trong trường hợp hợp đồng chính bị vô hiệu không thể làm vô hiệu hợp đồng phụ. Đặc điểm này của điều khoản giải quyết tranh chấp đảm bảo rằng nếu một bên đã vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng tới mức hợp đồng chính bị hủy bỏ thì hợp đồng này sẽ không bị hủy bỏ toàn bộ. Theo đó, nội dung của hợp đồng phụ vẫn tồn tại và là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của bên bị vi phạm. Theo nhóm tác giả Redfern & Hunter thì “các điều khoản giải quyết tranh chấp này chính là cơ sở pháp lý để bên bị vi phạm tiến hành khởi kiện bên vi phạm hợp đồng”.

c) Điều khoản giải quyết tranh chấp được xác lập trong quá trình đàm phán, soạn thảo và thực hiện hợp đồng

Về xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp trong quá trình đàm phán soạn, thảo hợp đồng. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành hợp đồng. Trong quá trình này các bên thảo luận những nội dung mà cả hai bên quan tâm. Đối với HĐMBHHQT điều mà các bên quan tâm trước tiên là hàng hóa và giá cả của hàng hóa. Để đảm bảo quyền lợi của mình, các bên quan tâm tới chất lượng hàng hóa, phương thức giao hàng, giá cả và phương thức thanh toán…Một trong những điều khoản mà các bên quan tâm đó là phương thức giải quyết tranh chấp. Tất nhiên trong giai đoạn đàm phán, soạn thảo hợp đồng tranh chấp chưa xảy ra, do đó những nội dung liên quan tới tranh chấp để đưa vào hợp đồng chỉ mang tính dự báo. Để cho những điều khoản giải quyết tranh chấp có thể dễ dàng áp dụng khi có tranh chấp xảy ra, các bên cần cụ thể hóa, chi tiết hóa những quy định về phương thức giải quyết tranh chấp.

5. Kết luận

Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có vai trò quan trọng cho việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, bởi vậy ngay từ khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng các bên chủ thể đã rất cần quan tâm đến loại điều khoản này. Việc chủ thể ký kết hợp đồng ý thức rõ giá trị của loại điều khoản này sẽ giúp cho các bên hạn chế được rất nhiều xung đột không cần thiết khi có thiệt hại xảy ra cho một trong các bên tham gia quan hệ hợp đồng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Joern Rimke ‘Force majeure and hardship: Application in international trade practice with specific regard to the CISG and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts’ (1999-2000) Pace Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods, Kluwer 197-243.

2 Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp, Viện khoa học pháp lý, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Nhà xuất bản Tư pháp, (2006) trang 805.

3 Hubert Konarski ‘Force Majeure and Hardship Clauses in International Contractual Practice’ (2003) I.B.L.J, 4, 405-428.

4 Redferm & Hunter, Trọng tài quốc tế, Oxford, Ấn bản lần thứ sáu, 2015, trang 142.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thụy Phương (2008), Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (số 5).
  2. Trần Minh Ngọc (2009), Luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp từ hợp đồng thương mại quốc tế, Tạp chí Luật học, (số 3).
  3. Redferm & Hunter (2015), International Arbitration, Oxford, Ấn bản lần thứ sáu.
  4. Henry Gabriel, Contracts for the Sale of Goods: A Comparison of Domestic and International Law, Oceana Publications Inc, 2004.
  5. Hubert Konarski ‘Force Majeure and Hardship Clauses in International Contractual Practice’ (2003) I.B.L.J.
  6. Joern Rimke ‘Force majeure and hardship: Application in international trade practice with specific regard to the CISG and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts’ (1999-2000) Pace Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods, Kluwer.

Some issues on dispute settlement terms in international sales contract

Master. Do Hong Quyen

Thuongmai University

Assoc.Prof.Ph.D Nong Quoc Binh

Hanoi Law University

Abstract:

Terms of dispute settlement is a part of contract terms. Therefore, like other terms in the contract, it always binds parties' responsibility to perform their contract. Studying a number of issues on the type of dispute settlement terms in international sales and purchase contracts is to improve the law on settlement of trade disputes in general and of sales contracts in particular. It is also to contribute to raise awareness of parties when they draft and sign international goods purchase and sale contracts.

Keywords: Resolving disputes on sales contracts, international sales contract.