Nâng cao chất lượng tín dụng cá nhân tại Agribank - Chi nhánh Châu Thành, An Giang

TS. TÔ THIỆN HIỀN (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) - ThS. CAO HOÀI SANG (Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Châu Thành, An Giang)

 

TÓM TẮT:

Bài viết hệ thống hóa các vấn đề về hoạt động tín dụng trong hệ thống Ngân hàng TMCP Việt Nam cùng với việc khái quát về chất lượng tín dụng của ngân hàng thương mại, thực trạng chất lượng tín dụng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Châu Thành, An Giang (Agribank - Châu Thành, An Giang) trong giai đoạn 2016-2019. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng cá nhân tại Agribank - Châu Thành, An Giang từ nay đến năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Từ khóa: Tín dụng cá nhân, chất lượng, Agribank - Châu Thành, An Giang.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện trung gian tài chính, ngân hàng thương mại huy động vốn và cung ứng vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế. Theo đó, ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho các khách hàng kể cả doanh nghiệp lẫn cá nhân nhằm tạo sự đa dạng trong việc cung cấp dịch vụ tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường tiêu dùng và kích thích đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều của cải vật chất cũng như góp phần tạo nhiều việc làm trong xã hội.

Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có hệ thống mạng lưới các phòng giao dịch, chi nhánh rộng khắp toàn quốc. Agribank nói chung và Agribank - Châu Thành, An Giang nói riêng cũng rất thường xuyên quan tâm đến hoạt động kinh doanh tiền tệ, kiểm soát chất lượng tín dụng.

Trong những năm gần đây, thực tế hoạt động cho vay cá nhân tại Agribank - Châu Thành, An Giang có tăng trưởng rất tốt, nhưng sự tăng trưởng này chưa đảm bảo chất lượng tốt nhất, hoạt động tín dụng còn ẩn chứa nhiều rủi ro đã ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động của chi nhánh. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn tại Agribank - Châu Thành, An Giang đều có xu hướng tăng, cụ thể: tỷ lệ nợ xấu năm 2016 là 0,40% thì đến năm 2019 là 1,29%, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn năm 2016 là 0,27% thì đến năm 2019 là 0,92%.

Xuất phát từ những phân tích trên, lựa chọn nghiên cứu đề tài “Nâng cao chất lượng tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Châu Thành, An Giang”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

2. Thực trạng chất lượng tín dụng

2.1. Công tác huy động vốn

Nghiệp vụ huy động vốn mang lại nguồn vốn cho ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh khác, phần lớn vốn huy động bắt nguồn từ các hoạt động huy động nguồn tiền nhàn rỗi của các doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương. Bên cạnh đó, thông qua nghiệp vụ này, NHTM có thể đo lường được sự tín nhiệm, uy tín của khách hàng đối với ngân hàng, từ đó có những giải pháp không ngừng đẩy mạnh hoạt động huy động vốn để giữ vững và mở rộng quan hệ với khách hàng.

Số liệu tại Bảng 1 cho thấy số dư vốn huy động tăng liên tục từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2019 - với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 10,36%/năm. Cho thấy, Agribank - Châu Thành, An Giang tiếp tục khẳng định vị thế là một kênh “giữ tiền” được lựa chọn hàng đầu của khách hàng. Có được sự tăng trưởng này là do Chi nhánh đã xây dựng đề án huy động vốn và kế hoạch chăm sóc khách hàng rất tốt. Đăc biệt, chú trọng tăng cường huy động vốn tại chỗ, trong đó chú trọng huy động vốn từ dân cư. Ngân hàng đã có nhiều hình thức huy động đa dạng như phát hành sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, với nhiều kỳ hạn và hình thức trả lãi khác nhau, kết hợp nhiều chương trình tiết kiệm dự thưởng nhân các ngày lễ lớn trong năm, ngày thành lập ngành. Ngoài ra, Chi nhánh còn áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà cũng như chính sách hậu mãi.

2.2. Công tác cấp tín dụng

Cấp tín dụng là hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, phản ánh hoạt động đặc trưng của ngân hàng là cho vay và mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho ngân hàng. Nghiệp vụ cấp tín dụng tại Agribank - Châu Thành, An Giang chủ yếu là hoạt động cho vay.

Bảng 1. Số dư huy động vốn, Dư nợ cho vay, Tổng thu dịch vụ của Agribank - Châu Thành, An Giang giai đoạn 2016 - 2019 (Triệu đồng, %)

Số dư huy động vốn, Dư nợ cho vay, Tổng thu dịch vụ của Agribank - Châu Thành, An Giang giai đoạn 2016 - 2019

Nguồn: Agribank - Châu Thành, An Giang

Bảng 1 cho thấy dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank - Châu Thành, An Giang tăng trưởng liên tục - với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 5,12%/năm trong giai đoạn 2016-2019. Có được kết quả trên là do Chi nhánh luôn quan tâm trong công tác lập kế hoạch, định hướng phát triển sao cho phù hợp với sự chỉ đạo của cấp trên để vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Dư nợ cho vay tăng liên tục cho thấy Agribank - Châu Thành, An Giang tiếp tục là một trong những thành viên chủ chốt trên thị trường cung ứng vốn của địa phương, thị phần ngày càng được củng cố và mở rộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của nền kinh tế.

2.3. Công tác thu dịch vụ

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng ngày càng phong phú và đa dạng, cộng với cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã giúp các ngân hàng phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Cụ thể:

Bảng 1 cho thấy tổng thu dịch vụ của Agribank - Châu Thành, An Giang giai đoạn 2016-2019 có sự tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân khá cao 24,30%, đặc biệt năm 2019 có mức tăng trưởng đạt 59,23% so với năm trước. Thu dịch vụ tăng liên tục thể hiện chi nhánh ngày càng chú trọng về mặt tăng trưởng dịch vụ của ngân hàng, ngoài các dịch vụ ngân hàng truyền thống, dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng đang được phát triển mạnh mẽ. Năm 2019 có sự tăng trưởng đột biến là do trong năm nguồn thu dịch vụ từ công tác tín dụng tăng cao.

2.4. Chất lượng tín dụng

Giai đoạn 2016-2019, chỉ tiêu nợ quá hạn, nợ xấu và nợ nhóm 5 của Agribank - Châu Thành, An Giang có sự biến động tăng/giảm bất thường. Trong đó, nợ xấu và nợ nhóm 5 có xu hướng gia tăng rõ rệt.

Bảng 2. Chất lượng tín dụng của Agribank - Châu Thành, An Giang giai đoạn 2016 - 2019

(Triệu đồng, %)

Chất lượng tín dụng của Agribank - Châu Thành, An Giang giai đoạn 2016 - 2019

Nguồn: Agribank - Châu Thành, An Giang

Nợ quá hạn: Bảng 2 cho thấy trong giai đoạn 2016-2019, nợ quá hạn tăng, giảm không ổn định. Trong đó, năm 2016, ghi nhận nợ quá hạn cao nhất với 9.089 triệu đồng và tỷ lệ cũng cao nhất với 0,99%. Những năm sau nhìn chung nợ quá hạn đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này không bền vững mà chủ yếu do nợ quá hạn chuyển sang nhóm nợ khác cao hơn. Nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn phần lớn là do hoạt động kinh doanh của khách hàng bị thua lỗ, dẫn đến nguồn thu bị giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Nợ xấu: Trong giai đoạn 2016-2019, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt qua từng năm. Trong đó, năm 2019 là năm ghi nhận nợ xấu cao nhất với 12.995 triệu đồng, năm 2017 là năm có tốc độ gia tăng đột biến với 110,22% so với năm trước. Nợ xấu của Chi nhánh gia tăng liên tục cho thấy sự suy giảm trong chất lượng tín dụng. Đồng vốn của Ngân hàng đầu tư không có hiệu quả.

Nợ nhóm 5: Bảng 2 cho thấy nợ nhóm 5 liên tục gia tăng trong giai đoạn 2016-2019, đặc biệt là năm 2019 với 9.280 triệu đồng (tăng 4.472 triệu đồng, tỷ lệ tăng cao nhất 93,01%), điều này góp phần làm cho Chi nhánh đối mặt với nguy cơ mất vốn rất cao. Sự gia tăng nợ nhóm 5 không những gây áp lực lên chất lượng tín dụng mà còn làm tăng chi phí hoạt động tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng tài chính của Chi nhánh.

2.5. Đánh giá chung

Những kết quả đạt được: Về công tác huy động vốn, chi nhánh đã có sự tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân là 10,36% trong giai đoạn 2016-2019. Nguồn vốn huy động liên tục tăng trưởng khẳng định vị thế của Agribank ngày càng được sự tin tưởng, tín nhiệm của khách hàng, là nơi an toàn để cất trữ, tích lũy vốn tạm thời nhàn rỗi. Qua đó, tiếp tục duy trì thị phần lớn của Agribank từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, công tác cho vay cũng tăng trưởng liên tục với mức tăng trưởng bình quân 5,12%. Tín dụng tăng trưởng ổn định đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản phẩm dịch vụ phát triển đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm ngân hàng hiện đại và sản phẩm dành cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, thu nhập từ hoạt động dịch vụ gia tăng qua từng năm với mức tăng trưởng khá cao 24,30%, từng bước đa dạng nguồn thu từ phụ thuộc vào tín dụng sang nguồn thu kinh doanh đa dịch vụ.

Những mặt còn hạn chế: Công tác huy động có sự tăng trưởng, tuy nhiên sự tăng trưởng này chưa bền vững. Tỷ lệ số dư huy động vốn trên dư nợ cho vay có sự cải thiện, nhưng vẫn còn ở mức hạn chế làm ảnh hưởng đến khả năng tự cân đối dư nợ của cho nhánh. Chi nhánh vẫn còn sử dụng nguồn vốn điều hòa - là nguồn vốn có chi phí cao hơn vốn huy động. Dư nợ tăng trưởng ổn định, nhưng xét về cơ cấu dư nợ cho vay theo đối tượng khách hàng thì cho vay cá nhân vẫn đang chiếm một tỷ rất cao và thực trạng tại chi nhánh cũng cho thấy chất lượng tín dụng của nhóm khách hàng này ngày càng xấu đi. Nợ quá hạn của chi nhánh nói chung và nợ quá hạn tín dụng cá nhân nói riêng có xu hướng giảm nhưng xét theo chiều sâu thực tế sự sụt giảm này không bền vững, mà là do nợ quá hạn chuyển nhóm sang nhóm nợ khác cao hơn.

Hoạt động kinh doanh của khách hàng sẽ không ổn định khi có những thay đổi trong quy định về thuế, vốn,… cũng như hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng bị tác động nhiều bởi những văn bản luật về tài sản đảm bảo, dự trữ, trích lập. Chính sách kinh tế, pháp luật không hoàn chỉnh cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp về khả năng trả nợ, cũng như đe dọa đến sự an toàn của ngân hàng trong cho vay. Bối cảnh kinh tế nhìn chung đang có sự tăng trưởng chậm lại, diễn biến phức tạp của thị trường tài chính đã ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường kinh doanh của khách hàng. Môi trường kinh doanh xấu đi, thu nhập giảm, sẽ giảm khả năng trả nợ cho ngân hàng. Từ đó, gây áp lực nhất định lên chất lượng tín dụng. Thông tin khách hàng cung cấp cho ngân hàng còn hạn chế, thiếu trung thực, mang tính đối phó.

3. Đề xuất giải pháp

Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng cá nhân tại Agribank - Châu Thành, An Giang trong thời gian từ nay đến năm 2025, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, tổ chức, điều hành công tác tổ chức hoạt động nói chung và công tác tín dụng cá nhân nói riêng: Tại chi nhánh phải đẩy mạnh công tác tổ chức phối hợp giữa các phòng ban. Đặc biệt là sự quản lý của trưởng đơn vị. Cán bộ thẩm định phải bố trí sao cho hợp lý, tránh sự chồng chéo, đảm bảo sắp xếp cán bộ có đủ trình độ, năng lực, chuyên môn, trách nhiệm làm công tác này. Phân công cán bộ thẩm định cũng phải căn cứ vào trình độ, kinh nghiệm, thế mạnh của từng người.

Hai là, Agribank - Châu Thành, An Giang cần chủ động đề xuất thực hiện chiến lược giá cạnh tranh, hợp lý với Agribank Hội sở. Đồng thời, định kỳ thực hiện khảo sát giá các ngân hàng trên địa bàn để xem lại chính sách giá của ngân hàng, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp.

Ba là, nâng cao năng lực, trình độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thẩm định, như: Trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp. Cán bộ tín dụng cần: Thành thạo chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng nhất là nghiệp vụ tín dụng, có kiến thức tổng thể về kinh tế thị trường, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, am hiểu về pháp luật.

Bốn là, tiếp tục đầu tư, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho công tác cấp tín dụng. Chi nhánh cần định kỳ rà soát, kiểm tra các hệ thống thiết bị máy móc đã cũ, hư hỏng để kịp thời thay thế, sữa chữa, nâng cấp tránh để tình trạng bị “tụt hậu” về công nghệ.

Năm là, tăng chất lượng khai thác và sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng cá nhân. Agribank - Châu Thành, An Giang cần nghiên cứu sử dụng linh hoạt các thông tin tín dụng về khách hàng cá nhân trước, trong và sau khi cấp tín dụng, chú trọng kết hợp đối sánh thông tin tài chính và thông tin phi tài chính nhằm kiểm tra độ tin cậy khi sử dụng, qua đó đảm bảo chất lượng các khoản tín dụng cá nhân. Cần thiết lập kho dữ liệu thông tin khách hàng cá nhân để tái sử dụng khi cần, thực hiện lưu trữ và có kế hoạch sử dụng bằng nhiều cách khác nhau; vừa có kế hoạch lưu tài liệu giấy với tài liệu điện tử nhằm tạo thuận lợi khi lưu trữ, cũng như trích xuất sử dụng khi cần thiết cho việc ra quyết định tín dụng.

Sáu là, quan tâm đến khả năng trả nợ của khách hàng hơn là quan tâm đến tài sản đảm bảo. Chi nhánh cần phải phân tích hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh để vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

Bảy là, sử dụng công cụ bảo hiểm cho tất cả các khoản vay cá nhân. Việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho tất cả các khoản vay cá nhân giúp giảm thiểu tổn thất không thu hồi được nợ của Agribank - Châu Thành, An Giang đối với các khoản cho vay bị rủi ro không lường trước được, giúp cho chất lượng tín dụng không bị xấu đi. Có thể tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ cho khách hàng cá nhân.

Tám là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ - đặc biệt là công tác kiểm tra sau khi cho vay. Chi nhánh cần tăng cường cũng như bố trí cán bộ kiểm tra, kiểm soát đủ về số lượng và đáp ứng về chất lượng, tương ứng với tại Chi nhánh phải có tối thiểu 01 kiểm tra viên hoặc bộ phận kiểm tra, kiểm soát.

Chín là, tăng cường công tác phòng ngừa nợ quá hạn, nợ xấu. Chi nhánh cần tiến hành kiểm tra việc thực hiện vốn vay, nếu thấy khách hàng bắt đầu có dấu hiệu dẫn đến rủi ro, dẫn đến nợ quá hạn thì ngân hàng cần xử lý một số biện pháp ngăn ngừa. Ngoài ra, ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng cung cấp thêm các tài sản đảm bảo độ tăng cường an toàn cho nguồn vốn của ngân hàng trong trường hợp tài sản thế chấp bị giảm giá trị. Trong trường hợp này nếu cần thiết ngân hàng có thể tiến hành gia hạn nợ cho khách hàng.

Mười là, ngăn ngừa các hành vi lừa đảo của khách hàng.

Mười một là, liên kết tín dụng cá nhân với chính sách phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Agribank - Châu Thành, An Giang cần tăng cường kết nối với các cơ quan ban ngành nhằm nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh An Giang nói chung và Châu Thành nói riêng, qua đó đảm bảo lựa chọn thiết lập danh mục cho vay phù hợp.

5. Kết luận

Trong giai đoạn 2016-2019, Agribank - Châu Thành, An Giang không ngừng lớn mạnh và ngày càng thể hiện rõ vai trò trụ cột trong nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Đó là vấn đề nâng cao chất lượng tín dụng trong ngân hàng. Từ thực trạng hoạt động và đề xuất những giải pháp nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng cá nhân tại Agribank - Châu Thành, An Giang từ nay đến năm 2025, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agribank - Châu Thành, An Giang, Báo cáo thường niên các năm 2016, 2017, 2018, 2019.
  2. Bessis, J. (2002), Risk Management in Banking, II Edition, USA: John Wiley & Sons.
  3. Thái Văn Đại (Chủ biên) và Nguyễn Văn Thép (2017), Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ, Việt Nam.
  4. Trần Ái Kết (Chủ biên) (2018), Lý thuyết Tài chính - Tiền tệ, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ, Việt Nam.
  5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 03 tháng 01 năm 2020, Về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.
  6. Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (2019), Quyết định số 1225/QĐ-NHNo-TD ngày 18 tháng 06 năm 2019, Hướng dẫn quy chế cho vay đối với khách hàng trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
  7. Nguyễn Văn Tiến (Chủ biên) (2010), Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Nhà xuất bản Thống kê, Việt Nam.
  8. Ugur, A., & Erkus, H., (2010), Determinants of the Net Interest Margins of Banks in Turkey, Journal of Economic and Social Research, 12(2), 101-118.

ENHANCING THE QUALITY OF PERSONAL CREDIT

AT AGRIBANK - CHAU THANH BRANCH, AN GIANG PROVINCE

• Dr. TO THIEN HIEN

An Giang University, Vietnam National University Ho Chi Minh City

• MA. CAO HOAI SANG

Agribank - Chau Thanh branch, An Giang

ABSTRACT:

The article codifies issues related to credit activities in the the system of Vietnam Joint Stock Commercial Bank (JSCB) along with an overview of the credit quality of commercial banks, the reality of credit quality at the Bank for Agriculture and Rural Development of Vietnam - Chau Thanh Branch, An Giang province (Agribank - Chau Thanh district, An Giang province) in the period 2016-2019. Basing on this, the article proposes a number of solutions to improve the quality of personal credit at Agribank - Chau Thanh branch, An Giang province from now to 2025 and to contribute to the socio-economic development of the locality and the country.

Keywords: Personal credit, quality, Agribank-Chau Thanh branch, An Giang.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]