Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam

ThS. ĐẶNG THỊ HỒNG NHUNG (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi và cần thiết giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: hiệu quả quản lý, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, rủi ro tín dụng cá nhân.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động mang lại nguồn lợi nhuận chủ yếu của ngân hàng thương mại là hoạt động cho vay nên rủi ro tín dụng là một nhân tố hết sức quan trọng, đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng phải có khả năng phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro hiệu quả vì nếu ngân hàng chấp nhận nhiều khoản cho vay có rủi ro tín dụng cao thì ngân hàng có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn hay tính thanh khoản thấp. Điều này có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí phá sản.

Quản lý rủi ro tín dụng là công việc rất quan trọng để đảm bảo tiền vay được sử dụng đúng mục đích đã cam kết, thực hiện kiểm soát rủi ro tín dụng trong đó tác giả đặc biệt chú trọng đến rủi ro tín dụng từ khách hàng cá nhân.

Nhận biết được vai trò quan trọng của việc cần phải quản lý tốt rủi ro tín dụng cá nhân, tác giả quyết định chọn đề tài “Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam” nhằm tìm ra những giải pháp để quản lý rủi ro tín dụng cá nhân của ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.

2. Cơ sở lý luận và một số nghiên cứu điển hình nước ngoài

Việc quản lý rủi ro tín dụng đối với một tổ chức tín dụng là rất quan trọng để đảm bảo tiền vay được sử dụng đúng mục đích đã cam kết, thực hiện kiểm soát rủi ro tín dụng. Để làm được điều này đòi hỏi các cán bộ tín dụng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của khách hàng; theo dõi các tài sản đảm bảo, thực hiện các thủ tục đảm bảo, bảo lãnh khi cần thiết. Các khoản vay có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được xem xét cẩn thận để có biện pháp xử lý và thu hồi nợ đúng lúc. Nếu khoản vay không có vấn đề gì cho đến khi đáo hạn thì cán bộ tín dụng sẽ thu hồi vốn cho vay và lưu trữ thông tin để có thể sử dụng lâu dài.

Để thực hiện việc quản lý rủi ro tín dụng bằng việc kiểm tra, giám sát có thể sử dụng mô hình CAMELS. Mô hình này liên quan đến việc phân tích 6 nhóm chỉ tiêu sau:

- Mức an toàn vốn (Capital adequacy)

- Chất lượng tài sản (Asset quality)

- Chất lượng quản lý (Management soundness)

- Lợi nhuận (Earnings)

- Khả năng thanh khoản (Liquidity)

- Nhạy cảm với rủi ro của thị trường (Sensitivity).

Một số nghiên cứu điển hình nước ngoài về rủi ro tín dụng bao gồm:

Fitch (1997) quan niệm rằng “rủi ro tín dụng là loại rủi ro xảy ra khi người vay không thanh toán được nợ theo thỏa thuận hợp đồng dẫn đến sai hẹn trong nghĩa vụ trả nợ. Cùng với rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro chủ yếu trong hoạt động cho vay của ngân hàng”.

Koch (1995) cho rằng “một khi ngân hàng nắm giữ tài sản sinh lợi, rủi ro xảy ra khi khách hàng sai hẹn - có nghĩa là khách hàng không thanh toán vốn gốc và lãi theo thỏa thuận. Rủi ro tín dụng là sự thay đổi tiềm ẩn của thu nhập thuần và thị giá của vốn xuất phát từ việc khách hàng không thanh toán hay thanh toán trễ hạn”.

3. Thực trạng quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (31/12/2020) cho thấy: Các khoản dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng từ 640.823 triệu đồng vào năm 2019 giảm xuống còn 617.480 triệu đồng vào năm 2020. Đây là tín hiệu cho thấy, trong năm vừa qua ngân hàng đã giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khá tốt. Cụ thể ta đi sâu đánh giá về quy trình cấp tín dụng, thẩm quyền phê duyệt và hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân như bên dưới.

3.1. Đánh giá về quy trình cấp tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Bảng: Quy trình cấp tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Quy trình cấp tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Trong quy trình cấp tín dụng của ngân hàng có sự phân định trách nhiệm giữa hai giai đoạn. Đó là giai đoạn thẩm định do nhân viên tín dụng phụ trách (Bước 1), giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý và giải ngân do nhân viên hỗ trợ tín dụng phụ trách (Bước 3, Bước 4). Việc phân chia này giúp ngân hàng được chuyên môn hóa hơn, nâng cao hiệu quả công việc và kiểm soát rủi ro lẫn nhau, hạn chế sự tiêu cực, gian lận,… Từ đó, hạn chế được rủi ro tác nghiệp và rủi ro đạo đức. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay do cả nhân viên tín dụng và nhân viên hỗ trợ tín dụng cùng phụ trách. (Xem Bảng)

3.2. Đánh giá thẩm quyền phê duyệt và hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Cơ chế phê duyệt và quản lý rủi ro tín dụng: Thẩm quyền phê duyệt được phân cấp từ Hội đồng quản trị → Hội đồng tín dụng → Chuyên gia phê duyệt/Ban tổng giám đốc → Giám đốc chi nhánh.

Thẩm định và trình hồ sơ tín dụng.

Thực hiện các thủ tục pháp lý

Soạn thảo hồ sơ, chứng từ trước khi giải ngân

Chấm điểm và xếp hạng tín dụng nội bộ

Giải ngân khoản vay

Phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro

Kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay sau giải ngân

Xử lý khoản nợ có vấn đề: đơn vị nào có nợ quá hạn trên 3% thì trưởng đơn vị sẽ bị cắt quyền phê duyệt tín dụng.

4. Hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Dựa trên Luật các Tổ chức Tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011; Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về Quy định về hoạt động cho vay của Tổ chức Tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của NHNN về việc quy định về phân loại tài sản Có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành; và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/03/2014 về việc sửa đổi Thông tư 02 về phân loại tài sản Có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành, tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định của Thông tư 02 và Thông tư 09 được áp dụng đối với tài sản Có. Theo Thông tư 02, ngân hàng thành lập Hội đồng Xử lý rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu nếu như chúng được phân loại vào nhóm 5, hoặc nếu khách hàng vay là pháp nhân giải thể, phá sản, hoặc là cá nhân bị chết hoặc mất tích.

Bên cạnh đó, với việc quản lý rủi ro tín dụng cá nhân bằng mô hình CAMELS đã mang lại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam một số thành tựu nhất định. Cụ thể từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng luôn đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Trong năm 2019, Ngân hàng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý, kiểm soát chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu theo tinh thần của Nghị quyết số 42/NQ-QH và lộ trình tại phương án cơ cấu lại ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020. Đến ngày 31/12/2019 tỷ lệ nợ xấu cho vay tổ chức, dân cư là 1,74%, đảm bảo dưới 2% theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

4. Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

4.1. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

- Chủ động và linh hoạt trong điều hành tăng trưởng tín dụng nói chung, trong đó có tăng trưởng tín dụng cá nhân.

- Nâng cao năng lực quản lý rủi ro tín dụng cá nhân nhằm kiểm soát nợ xấu.

- Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực Basel II.

- Tăng cường công tác xử lý nợ có vấn đề.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý rủi ro tín dụng, cụ thể:

Nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự tất cả các mặt: chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cống hiến nhiệt huyết và gắn bó với ngân hàng.

Song song với quá trình tìm kiếm và thu hút nhân sự có chất lượng cao phải tiến hành thanh lọc, kiên quyết loại bỏ những nhân sự yếu kém, thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Chủ động, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên môn, về các kỹ năng công việc, về kinh nghiệm thực tế, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về kỹ năng phỏng vấn, thu thập thông tin khách hàng vay; kỹ năng lập tờ trình và trình hồ sơ tín dụng với cấp phê duyệt; kỹ năng nhận biết tính hợp pháp, hợp lệ, thật, giả của hồ sơ vay; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng làm việc hiệu quả;…

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng:

Ngân hàng cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng để phục vụ cho công tác tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng được hiệu quả, tiện lợi và chuyên nghiệp hơn.

Tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về các lĩnh vực kinh tế chủ yếu. Thông tin thu thập phải đa dạng, cụ thể và sắp xếp một cách có hệ thống và khoa học để dễ dàng tra cứu.

Cần có cơ chế hợp tác, trao đổi với các ban ngành, nơi có khách hàng vay vốn hoặc ngân hàng đóng trụ sở để được cung cấp và cập nhật kịp thời và đầy đủ danh sách các khách hàng ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nợ thuế, vi phạm pháp luật,…

4.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan trong quản lý, điều hành lĩnh vực tài chính tiền tệ cần thực hiện nhất quán các nguyên tắc nhằm hạn chế tối đa và chỉ đưa ra các thông tin liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và các giải pháp điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cần rõ ràng, minh bạch, nhất quán và có thể dự báo được.

Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường tính minh bạch trong hệ thống báo cáo, hạch toán, kế toán. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý rủi ro tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đối với Bộ Tài chính về việc đăng ký tài khoản khai báo thuế của doanh nghiệp. Ngoài các thông tin phải cung cấp theo quy định, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm cung cấp thêm thông tin về tài khoản khai báo thuế của khách hàng cho Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để CIC cung cấp thông tin cho ngân hàng hỏi tin.

5. Kết luận

Dựa trên những cơ sở lý luận về rủi ro tín dụng và hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng, bài viết đi sâu nghiên cứu thực trạng quy trình cấp tín dụng cá nhân, thẩm quyền phê duyệt và hiệu quả công tác quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Từ đó, tác giả đề ra những giải pháp cụ thể, khả thi và cần thiết để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý rủi ro tín dụng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết, (2011). Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Chi nhánh thành phố Cần Thơ. Tạp chí Ngân hàng, 5, 38-41.
  2. Trương Quang Thông, (2012). Quản trị ngân hàng thương mại. NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  3. Thomas P. Fitch. (1997). Dictionary of Banking Terms. Barron's Educational Series, Incorporated, U.S, 69-75.
  4. Timothy W. Koch (1995). Bank management. US: Michigan University.
  5. BIDV (2020). BIDV năm 2019: Hoạt động kinh doanh tích cực, nỗ lực hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, truy cập tại https://www.bidv.com.vn/wps/wcm/connect/57e74516-8fef-42ed-8a56-33ae2aad0f2b/1.+Du+thao+Bao+cao+BDH+tai+DHDCD+2020.pdf?MOD=AJPERES&CACHEID=ROOTWORKSPACE-57e74516-8fef-42ed-8a56-33ae2aad0f2b-n2p6qbE

ENHANCING THE EFFICIENCY OF PERSONAL

CREDIT RISK MANAGEMENT AT THE JOINT STOCK

COMMERCIAL BANK FOR INVESTMENT

AND DEVELOPMENT OF VIETNAM

• Master.  DANG THI HONG NHUNG

Faculty of Economics - Bussiness Administration, An Giang University,

Vietnam National University Ho Chi Minh City, Vietnam

ABSTRACT:

This paper is to propose specific, feasible and necessary solutions to improve the efficiency of personal credit risk management at the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam.

Keywords: joint stock commercial bank, the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam, personal credit risk.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]