Nâng cao ý thức an toàn phòng cháy trong sử dụng điện

Đó là chủ đề của Hội thảo “An toàn phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh” do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công An) cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với 67 điểm cầu. Điểm cầu chính tại trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 66 điểm cầu (điểm cầu tại 3 Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; điểm cầu tại Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và điểm cầu tại 61 Công ty Điện lực tỉnh/ thành phố).

Khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (KTAT và MTCN) Trần Văn Lượng cho biết, thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, đáng chú ý là số vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố trong sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở chiếm tỷ lệ cao.

Số vụ cháy có nguyên nhân do sự cố trong sử dụng điện (chiếm 63,5%); sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt, thiết bị điện 2.155 vụ (chiếm 12,16%). Điển hình là vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội ngày 12/4/2019 làm 08 người chết. Đặc biệt là vụ cháy quán Karaoke, xảy ra ngày 01/11/2016, tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội), làm 13 người chết.

Nâng cao ý thức an toàn phòng cháy trong sử dụng điện
Cục trưởng Trần Văn Lượng nhấn mạnh, Hội thảo nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các quy định về an toàn PCCC trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh

Do vậy, Hội thảo “An toàn phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh” được tổ chức nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, rà soát các quy định của cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong hoạt động thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu hệ thống PCCC; Công tác cấp điện, sử dụng điện tại cơ sở; Quản lý chất lượng thiết bị điện trong quá trình sản xuất, lưu thông, sử dụng; Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC trong sử dụng điện.

“Từ Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ tìm ra các giải pháp quản lý, sử dụng điện đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay; Đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và an toàn trong sử dụng điện sau công tơ; Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các thiết bị điện, các thiết bị phòng chống cháy, nổ trong sử dụng điện”, Cục trưởng Trần Văn Lượng lưu ý.

Nâng cao ý thức an toàn phòng cháy trong sử dụng điện
Hội thảo “An toàn phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh” được tổ chức tại 66 điểm cầu trên cả nước

Tham luận tại Hội thảo, nói rõ hơn về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Thượng tá Hoàng Ngọc Huynh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cho biết, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ trung ương đến cơ sở và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là cháy nổ tại hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, khu công nghiệp.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CHCN, trên 50% vụ sự cố cháy nổ có liên quan đến sự cố về sử dụng điện hoặc bất cẩn trong sử dụng điện.

“Thực tế các vụ cháy phát sinh do chạm, chập điện đa phần do nguyên nhân chủ quan do sai sót trong quá trình thiết kế, thi công, mua sắm vật tư thiết bị, sử dụng, sửa chữa bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp, tuổi thọ thiết bị,...”, Thượng tá Hoàng Ngọc Huynh nêu rõ và đề xuất, các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý chất lượng từ khâu sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện.

“Nêu cao trách nhiệm thẩm định, nghiệm thu hệ thống, thiết bị điện của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư. Đồng thời, mở các khóa, lớp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra an toàn về PCCC đối với hệ thống điện tại các cơ sở, hộ gia đình”, Thượng tá Hoàng Ngọc Huynh đề nghị.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, đến nay, EVN đã cung cấp điện đến 100% số xã và 99,52% số hộ dân có điện với tổng số hơn 28 triệu khách hàng sử dụng điện.

Thời gian qua, EVN đã triển khai đồng bộ giải pháp nhằm ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn, ảnh hưởng vận hành lưới điện. Đồng thời, kiểm tra nhằm phát hiện, thay thế kịp thời các vật liệu, thiết bị đã qua sử dụng lâu ngày hoặc chất lượng kém.

Ngoài ra, EVN thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, Cục Cảnh sát PCCC và CHCN tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, hiệu quả đối với lưới điện sau công tơ của cơ sở, hộ tiêu thụ điện và tham gia các đoàn kiểm tra an toàn PCCC, an toàn sử dụng điện của cơ quan quản lý nhà nước tại các cơ sở, hộ tiêu thụ điện trên địa bàn

Cũng tại hội thảo, các đại biểu từ các đơn vị trong ngành Điện, người sử dụng điện và chuyên gia, đã cùng trao đổi từ nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau về thực trạng của công tác an toàn PCCC trong quản lý, sử dụng điện. Đồng thời, phân tích rõ những vướng mắc, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực điện, PCCC...

Nâng cao ý thức an toàn phòng cháy trong sử dụng điện
Kết luận Hội thảo, lãnh đạo 2 đơn vị đồng nhấn mạnh, phải chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, thiết bị điện, kiểm tra, điều tra giải quyết các vụ cháy, nổ

Kết luận Hội thảo, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CHCN và Cục KTAT và MTCN đều cho rằng, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương  triển khai hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC và Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, thiết bị điện, kiểm tra, điều tra giải quyết các vụ cháy, nổ.

"EVN cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cử cán bộ, chuyên viên phụ trách an toàn tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về an toàn PCCC.

Cần có các quy định, chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng dự án, công trình phải nghiên cứu, nắm bắt rõ và vận dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy”, lãnh đạo hai đơn vị cùng nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong quá trình sử dụng điện khi có nhu cầu sử dụng thêm các thiết bị tiêu thụ điện cần phải báo cáo bên bán điện rà soát, đánh giá lại hệ thống đường dây dẫn, thiết bị bảo vệ có đáp ứng yêu cầu hay không, trường hợp không bảo đảm phải được cải tạo, thay thế đồng bộ trước khi đưa vào sử dụng; kiểm tra, bảo trì hệ thống, thiết bị điện, thay thế kịp thời các thiết bị hư hỏng hoặc không bảo đảm yêu cầu. Việc sử dụng điện phải bảo đảm quy định an toàn về PCCC.

phòng cháy chữa cháy

phòng cháy chữa cháy
Một số sản phẩm được trưng bày tại Hội thảo
Hạ An